22/11/2024 | 15:54 GMT+7, Hà Nội

Cư dân “biểu tình”, chung cư xuống giá, mất thanh khoản

Cập nhật lúc: 03/06/2017, 03:28

Nhiều khu chung cư cao cấp mất giá thê thảm, thanh khoản nhỏ giọt, thậm chí gần như bất động sau khi cư dân đấu tranh với chủ đầu tư bằng các biện pháp tự phát như “biểu tình”, căng băng rôn phản đối, lập facebook rêu rao “soi” lỗi của các căn hộ khi bàn giao…

Người mua tháo chạy…

Có nhu cầu mua căn hộ 3 phòng ngủ khu vực Thanh Xuân - Nhân Chính, chị Trương Quỳnh Phương, giám đốc một thẩm mỹ viện được sàn môi giới bất động sản An Phát ở Trung Hoà dẫn đi xem một dự án ở khu vực này. Sau khi xem căn hộ cùng cảnh quan, tiện ích, hạ tầng xung quanh dự án, chị Phương khá thích và đồng ý hẹn gặp chủ nhà để làm thủ tục mua lại căn hộ.

Tuy nhiên, trước khi đi đặt cọc, chị cẩn thận xem lại các thông tin về dự án và tá hoả khi được bạn bè gửi cho một số đường link facebook cho thấy một nhóm cư dân lên tới hàng trăm người đang góp tiền chuẩn bị “diễu hành” bằng băng rôn và xe ô tô quanh Hà Nội để “bêu riếu” chủ đầu tư.

Tìm hiểu kỹ, chị Phương được biết do nhóm cư dân này bất đồng với chủ đầu tư về những chỉnh sửa trong quá trình hoàn công căn hộ. Hai bên đã nhiều lần gặp gỡ, tìm tiếng nói chung nhưng bất thành, vì vậy nhóm cư dân quyết “làm xấu mặt” chủ đầu tư để gây sức ép, yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện các kiến nghị của mình.

“Mặc dù khá thích vị trí dự án cũng như tính hợp lý của căn hộ, cảnh quan dự án lại khá ổn song thấy cư dân ầm ầm chuẩn bị đi “tuần hành” như vậy, tôi đã bỏ ý định mua. Một phần vì cũng thấy hoang mang cho dù xem kỹ thì yêu cầu của cư dân cũng không có gì lớn, ảnh hưởng tới chất lượng căn hộ, chủ yếu họ đòi hỏi những chi tiết nhỏ nhỏ như màu sơn hay ánh sáng ở sảnh… Hơn nữa, tôi quan điểm nơi ở là chốn đi về bình yên, nếu sống chung với những hàng xóm động chút đi biểu tình, tôi thấy chữ an không còn trọn vẹn”, chị Phương chia sẻ.

Chị Phương không phải là khách hàng duy nhất “tháo chạy” khỏi các dự án đang có các cuộc “căng băng rôn phản đối chủ đầu tư”. Anh Minh Đức ở Tây Hồ cũng phải bán cắt lỗ 2 căn hộ tại dự án trên đường Võ Chí Công khi cư dân chuẩn bị băng rôn, biểu ngữ phản đối chủ đầu tư chỉ vì các ống kỹ thuật ngoài lô gia quá to “như đàn trăn khổng lồ”.

Hàng loạt khách hàng có nhu cầu mua căn hộ tại các dự án như Golden West Lê Văn Thiêm hay Mipeco Riverside Long Biên, Home City Trung Kính, Hồ Gươm Plaza,… cũng từ bỏ ý định khi thấy cư dân tổ chức căng băng rôn đỏ rực dự án hết ngày này qua ngày khác. 

 

Chung cư xuống giá, mất thanh khoản

Theo quy luật thị trường bất động sản thì các dự án chuẩn bị bàn giao nhà bao giờ cũng lên giá ít nhiều do người mua đã nhìn thấy căn hộ hiện hữu cùng cảnh quan và tiện ích. Đây cũng là thời điểm người mua đầu cơ sẽ “xả hàng” để hưởng chênh lệch trong quá trình đầu tư vào dự án từ những ngày còn là móng. Tuy nhiên, điều này thường không xảy ra với các dự án có hiện tượng cư dân sử dụng các biện pháp tiêu cực như căng băng rôn, tuần hành phản đối với mục đích tạo hình ảnh xấu về dự án nhằm gây sức ép với chủ đầu tư…

Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Đức, một nhà đầu cơ BĐS chuyên nghiệp khu vực quận Cầu Giấy cho biết, 90-95% các dự án khi bàn giao nhà đều “có chuyện” với cư dân. Tuy nhiên, dự án nào chủ đầu tư và cư dân tìm được tiếng nói chung bằng con đường hoà giải, thoả thuận, đàm phán theo nguyên tắc “sai thì sửa sai, lỗi thì xin lỗi, bồi thường, khắc phục thoả đáng” thì mọi việc khá êm thấm, không có hiện tượng căn hộ bị mất giá, mất thanh khoản.

Còn lại, 100% các dự án cư dân căng băng rôn biểu tình hay khiếu kiện tới truyền thông và các cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí gửi đơn cho cơ quan công an tố cáo chủ đầu tư làm sai so với cam kết, quảng cáo… thì đều có kết cục chung là xuống giá, mất tính thanh khoản.

“Điều này là bình thường vì tâm lý người mua nhà không ai muốn ở một chung cư mà toàn dính lỗi rồi kiện tụng căng thẳng. Bản thân người mua nhà vào các giai đoạn căn hộ đã hoàn công, bàn giao thì phần lớn là mua để ở, do đó yếu tố “an cư” bao gồm cả cộng đồng cư dân văn minh và chủ đầu tư giàu kinh nghiệm quản lý, phát triển dự án họ rất chú trọng. Thêm nữa, nhiều dự án, cư dân đấu tranh tới mức dự án bị thanh tra cũng chưa dừng lại, không ai muốn mua nhà để ở trong căng thẳng và rủi ro như vậy”, ông Đức phân tích.

Cũng theo “tiết lộ” của nhà đầu cơ này thì chỉ trong vòng 2 tháng qua, riêng tại các dự án mà ông đang mua đi bán lại trong nội quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, đã có hàng chục căn hộ mất giá từ 2-5 triệu đồng/ m2 và giao dịch cũng rất nhỏ giọt chỉ vì khách hàng ngại mua phải các căn hộ tại các dự án chủ đầu tư và cư dân đang có tranh chấp, khiếu kiện.

Lời khuyên của luật sư

Bình luận về hiện tượng “cư dân căng băng rôn, biểu tình, phản đối chủ đầu tư”, luật sư Trương Anh Tú, đoàn luật sư Hà Nội khẳng định việc cư dân căng băng rôn trước các dự án không sai nhưng biện pháp này không hiệu quả và có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ luỵ pháp lý nghiêm trọng.

Ví dụ như cư dân có thể không kiểm soát được mình trong quá trình căng băng rôn hay đi biểu tình, tuần hành đông người, có thể dẫn tới xô xát với lực lượng bảo vệ hay an ninh được chủ đầu tư thuê bảo vệ dự án. Nếu điều này xảy ra thì cư dân có thể bị liên luỵ, thậm chí nếu nghiêm trọng sẽ bị truy cứu hình sự. Hơn nữa, việc tổ chức đông người cùng băng rôn, biểu ngữ tạo ra góc nhìn xã hội không đúng về dự án, ảnh hưởng tới hình ảnh của chủ đầu tư chỉ là một phần, một phần khác chính người mua, người ở tại dự án cũng chịu thiệt thòi.

Cũng từ kinh nghiệm và “thâm niên” hỗ trợ cư dân các dự án BĐS đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng, luật sư Tú khuyến nghị: “thực tế, các chủ đầu tư có uy tín bao giờ cũng có bộ phận chuyên trách về pháp lý để giải quyết các vấn đề pháp lý dự án cũng như cam kết với cư dân, vì vậy nếu người dân cứ tự phát, “đơn thương độc mã” thì hiệu quả đấu tranh cũng không cao, lợi lại bất cập hại”.