22/01/2025 | 20:11 GMT+7, Hà Nội

Cảnh báo và chiến lược phát triển từng thị trường thủy sản

Cập nhật lúc: 04/12/2019, 13:52

Dự báo xuất khẩu cả năm 2019 so với năm 2018, hai sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra giảm, hải sản tăng có thể cạnh tranh vị trí hàng đầu với tôm.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đưa ra một số giải pháp phát triển thị trường.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết: Xuất khẩu thủy sản trong 10 tháng đầu năm 2019 đạt 7,09 tỷ USD, giảm gần 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm đạt 2,78 tỷ USD, giảm 6,4%; cá tra 1,64 tỷ USD, giảm 10%; hải sản trên 2,66 tỷ USD, tăng 10%.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe.

Dự báo trong quý VI/2019, xuất khẩu tôm tăng khoảng 2% so với cùng kỳ năm ngoái và cả năm 2019 đạt 3,4 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2018; xuất khẩu cá tra tiếp tục giảm ít nhất 10% và cả năm 2019 chỉ đạt 2,06 tỷ USD, giảm 9% so với năm 2018. Còn hải sản tiếp tục tăng trưởng cá ngừ và các mặt hàng cá biển khác để kết quả cả năm cạnh tranh vị trí hàng đầu với tôm.

EU và Mỹ dần phục hồi, Trung Quốc tăng vọt

Nguyên nhân nào khiến kim ngạch xuất khẩu tôm và cá tra đều giảm, ngược với kế hoạch đề ra đầu năm?

Nửa đầu năm nay, sản lượng tôm tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tại các thị trường cao, nguồn cung từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái.

Giá tôm của ta xuất sang các nước đều giảm 1 USD/kg so với năm 2018. Tại Anh giảm từ 12 USD xuống 11 USD, tại Đức giảm từ 10,8 USD xuống 9,8 USD, tại Hà Lan giảm từ 11 USD xuống 9,57 USD/kg. Tại thị trường Nhật Bản, giá trung bình xuất khẩu cũng giảm từ 12 USD xuống 11 USD.

Tuy nhiên, so với các nước khác như Ấn Độ, Trung Quốc, giá tôm vào EU của Việt Nam vẫn cao hơn 15 - 20% (1 - 2 USD/kg); so với các nguồn cung tôm châu Á và Mỹ Latinh cho thị trường Mỹ, giá tôm Việt Nam vẫn ở mức cao nhất.

Tôm xuất khẩu của nước ta sau khi liên tục sụt giảm qua các tháng đầu năm, từ quý III/2019 đã phục hồi nhẹ gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái, sang tháng 10 tiếp tục tăng.

Từ quý III, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang tất cả các thị trường và trong 9 tháng các thị trường điển hình tăng là Trung Quốc 7,2%, Mỹ 1%, Australia 7,3%, Đài Loan 13,9%. Chỉ xuất sang EU vẫn giảm 20,8%, trong đó các nước tiêu thụ chính như Anh, Đức, Hà Lan đều giảm lần lượt 14,4%, 5,8% và 40,8%. Tại thị trường Nhật Bản, khối lượng xuất khẩu vẫn ổn định.

Đáng chú ý ở thị trường Trung Quốc, 5 tháng đầu năm qua đường tiểu ngạch và mậu biên gặp khó khăn nhưng sau đó, các doanh nghiệp của ta kịp thời điều chỉnh nên đã liên tiếp tăng. Tôm chân trắng tăng từ tháng 6 theo chính ngạch qua đường biển sang Trung Quốc gấp khoảng 1,5 lần so với tháng trước, xu hướng này còn tiếp tục những tháng cuối năm; còn tôm sú hiện nay Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% tổng giá trị xuất khẩu tôm sú nước ta.

Ngược với tôm, cá tra sụt giảm từ đầu đến cuối năm. Thị trường Mỹ giảm mạnh trong quý II (giảm gần 42%), kéo kết quả nửa đầu năm giảm gần 28%, chỉ đạt 141 triệu USD, do lượng tồn kho khá lớn, bên cạnh ảnh hưởng của thuế chống bán phá giá. Xuất khẩu cá tra sang Mỹ 9 tháng đầu năm chỉ đạt 208 triệu USD, giảm 43,6%. Thị trường Trung Quốc hồi phục mạnh, quý III/2019 đạt 198,3 triệu USD tăng 56,6% so với cùng kỳ.

Đến nay, thị trường cá tra đứng đầu là Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ và EU, với 450,7 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Trước đây, Việt Nam chỉ xuất khẩu cá tra nguyên con tới một số tỉnh biên giới phía Nam Trung Quốc, nay sản phẩm cá tra philê đã có mặt tại những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Đại Liên. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ còn cao hơn nữa.

Cấp mã số vùng nuôi là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Hoàng Vũ.

Cảnh báo và chiến lược từng thị trường

Qua biến động ông vừa nêu chứng tỏ các doanh nghiệp nước ta đã nỗ lực lớn khai thác mọi cơ hội ở các thị trường, trong giải pháp phát triển, VASEP có cảnh báo gì?

Xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ cần thống nhất duy trì tốc độ tăng trưởng không quá lớn so với tốc độ phát triển của ngành. Nếu không, rủi ro về bị áp thuế có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, từ Chính phủ Mỹ hoặc từ nguyên đơn. Nó đòi hỏi sự chia sẻ vì quyền lợi chung, không thể vì lợi ích ngắn hạn làm ảnh hưởng toàn ngành.

Thị trường EU, tận dụng thế mạnh là hàng chế biến cao cấp bình thường có mức thuế cao như tôm luộc (thuế cơ bản 20%, có GSP còn 7%), còn ta có hiệp định thương mại tự do thuế 0%. Sản phẩm này đối thủ bị thuế cao, sự chênh lệch giá thành nhập khẩu lớn.

Như vậy, doanh nghiệp ta sẽ thu thêm nhiều hơn giá trị gia tăng, có thể chia sẻ lại người nuôi qua giá mua tôm nguyên liệu. Qua đó thúc đẩy người nuôi ứng dụng các quy trình nuôi ASC, BAP… tăng nguồn nguyên liệu để chế biến bán vào EU.

Còn cá tra, cần có chiến lược quốc gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, khi thị trường đã chiếm lĩnh 32% giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam và dự báo có thể tăng lên đến 35% thị phần.

Lệnh cấm tôm từ Ecuador vào Trung Quốc đã khiến ngành tôm nước này chấn động khi 50% sản lượng tôm Ecuador xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có thể xem là lời cảnh báo cho ngành cá tra nếu không có chiến lược lâu dài.

Bên cạnh đó, Trung Quốc không ngừng phát triển nuôi cá tra và nghiên cứu thức ăn để hoàn thiện màu sắc, mùi vị cho cá catfish nuôi tại nội địa với tham vọng cung cho thị trường trong nước và xuất khẩu vào Mỹ.

Cần khuyến nghị người nuôi nắm quy hoạch, giảm mật độ nuôi và tiến tới nuôi công nghệ mới như nuôi cá hồi, tránh thải nước ảnh hưởng đến môi trường.

Còn với hải sản, VASEP có kiến nghị gì để tiếp tục phát triển?

Chính phủ nên cho xây dựng chợ đấu giá để giải quyết nút thắt cổ chai của ngành vì thực trạng hầu hết nguyên liệu hải sản thu mua qua nậu vựa và thường không được làm giấy chứng nhận khai thác, xác nhận khai thác.

Nhà nước nên quy hoạch lại đội tàu đánh bắt xa bờ vì thực tế hiện nay số tàu đánh bắt hiệu quả chỉ chiếm 30 – 40%, còn lại bị thua lỗ hoặc phải nằm bờ.

Bên cạnh đó cần nâng cấp các cảng cá để có nhiều hơn số cảng cá đạt chuẩn, thực hiện các thủ tục xác nhận, chứng nhận tốt hơn, tiến tới việc lập chợ đấu giá. Ngoài ra, cần quan tâm đến nuôi biển, dựa vào công nghệ cao như của Na Uy, Đan Mạch để phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành hải sản.

Nhà nước có chính sách ổn định nhập khẩu nguyên liệu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vì thực trạng thiếu hụt nguyên liệu của ngành hải sản, nhất là ngành cá ngừ, thiếu hụt 60 - 70% nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu nên phải nhập khẩu.

Hải sản dù gặp khó khăn về “thẻ vàng” của EU nhưng lại tăng trưởng, vì sao?

Trong 10 tháng, cá ngừ tăng 12,7% đạt 609 triệu USD, các loại cá biển khác tăng 17% đạt gần 1,4 tỷ USD, nhưng mực và bạch tuộc giảm 10% chỉ đạt 557 triệu USD. Thẻ vàng IUU đã ảnh hưởng rõ rệt đến xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU, nhất là trong quý I, vấn đề xác nhận, chứng nhận nguyên liệu khai thác còn bất cập khiến việc xuất khẩu bị đình trệ.

Tuy nhiên, xuất khẩu hải sản tăng nhờ thị trường Mỹ vẫn duy trì tăng trưởng cao đối với cá ngừ (tăng 54,2%), mực và bạch tuộc (tăng 63,7%) và là thị trường cá ngừ lớn nhất chiếm 44% kim ngạch của Việt Nam. Thị trường Nhật Bản cũng tăng cá ngừ 7,3% so với cùng kỳ, đồng thời vẫn chiếm tỷ trọng lớn mực và bạch tuộc của Việt Nam (chiếm 25%), chỉ đứng sau Hàn Quốc (39%).

Tôm có chiều hướng khả quan

Xuất khẩu tôm có chiều hướng khả quan hơn tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản vào nửa cuối năm khi lượng tồn kho giảm, nhu cầu tăng và sản lượng tôm ở Ấn Độ được dự báo giảm 20 - 30% do ảnh hưởng thời tiết và do giá giảm, ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam có thể đã kịp nắm bắt tình hình và điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc.

Đối với ngành hàng tôm, yêu cầu trước mắt lẫn dài hạn là phải tạo ra nguồn tôm sạch có chứng nhận với giá cạnh tranh. Cần sắp xếp lại vùng nuôi, tạo nên các trang trại, hợp tác xã nuôi quy mô lớn theo chuẩn nuôi quốc tế có chứng nhận. Yêu cầu dài hạn phải xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt.

(Ông Trương Đình Hòe)