Cần sớm đưa công nghệ vào kỳ thi THPT
Cập nhật lúc: 27/09/2019, 12:10
Cập nhật lúc: 27/09/2019, 12:10
Thi trên máy tính
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã báo cáo dự thảo đề xuất phương án thi sau 2020 của Bộ, trong đó có đề xuất phương thức thi được là tổ chức thi trên giấy như hiện nay, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tổ chức thi trên máy tính theo lộ trình đảm bảo tính khả thi. Đối với phương thức tổ chức thi trên máy tính, thí sinh có thể tham gia dự thi một số đợt trong năm tại các địa điểm của các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Kết quả của đợt thi trên máy tính nào cao nhất sẽ được lựa chọn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và có thể được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng trong tuyển sinh (nếu có nhu cầu).
Trước đề xuất đó, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho hay, dù kỳ thi những năm trước đã tốt rồi nhưng nếu từ năm 2021 vẫn thi như hiện nay sẽ lạc hậu. Giáo dục số hóa, mang tính mở, hoàn toàn có thể thi theo hình thức chắc chắn hơn, thi xong đã chấm xong rồi. Một hệ thống giáo dục kỹ thuật số, nhà trường thông minh không chấp nhận cách thi thiếu sự hỗ trợ của công nghệ.
Ảnh minh họa.
Nhìn nhận từ khía cạnh giảm bớt sự can thiệp của con người, cũng là để hạn chế tối đa tiêu cực, TS Lê Thống Nhất khẳng định “dứt khoát phải đưa công nghệ vào kỳ thi”. Theo ông Nhất, xu hướng các nước trên thế giới đều phấn đấu kỳ thi không tiêu cực, không phụ thuộc vào con người, để làm được điều đó, chỉ còn cách duy nhất là dùng công nghệ.
Ông Nhất đề xuất việc đưa công nghệ vào kỳ thi phải được làm càng sớm càng tốt, trước hết có thể làm thí điểm và huy động sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ thông tin vào quá trình thực hiện. Đây cũng là quan điểm của ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD-ĐT.
Đồng tình với phương án đưa công nghệ vào kỳ thi nhưng phải có lộ trình và có tính toán tới điều kiện của các vùng miền khác nhau, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nhận định: “Mấy năm nay chúng ta áp dụng công nghệ rất nhiều nhưng không nên duy ý chí bởi có những vùng sâu, vùng xa còn rất khó khăn. Nếu áp dụng hình thức thi trên máy tính thì chúng ta phải tính đến yếu tố sẽ vẫn có một bộ phận học sinh làm bài thi trên giấy. Mục tiêu lớn nhất của kỳ thi là tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, phụ huynh”.
“Chúng ta đang ở thời đại 4.0 nhưng ở trên đất nước Việt Nam. Việc đưa công nghệ vào thi cử là đương nhiên nhưng ở những nơi phên dậu Tổ quốc thì chưa áp dụng ngay được. Việc có lộ trình triển khai thi trên máy tính là cần thiết. Chúng ta phải thí điểm và đánh giá nghiêm túc phương thức này để triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước” - GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.
Khẳng định sự ủng hộ đối với việc áp dụng hình thức thi trên máy tính, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng hình thức thi trên máy tính cần thí điểm ở một số nơi đủ điều kiện, học sinh đã được làm quen, sau đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm, trước khi mở rộng. “Nếu đến năm 2025, chúng ta cơ bản áp dụng thi trên máy tính thì đó là thành công lớn mà nhiều nước chưa làm được” - ông Sơn cho hay.
Cần chuẩn bị về địa điểm thi, hạ tầng, trang thiết bị
Đó là ý kiến của Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định về dự thảo phương án của Bộ GD-ĐT. Dự thảo phương án đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, giảm áp lực cho xã hội rất lớn cả về tư tưởng, kinh tế; đảm bảo khách quan, học sinh học toàn diện, không học tủ học lệch. “Nhưng để triển khai cần chuẩn bị về địa điểm thi, hạ tầng, trang thiết bị. Cùng với đó là xây dựng ngân hàng đề - đây là việc khó, cần huy động trí tuệ rộng rãi của các chuyên gia, giáo viên, ngay cả học sinh vừa tốt nghiệp, học sinh giỏi đã qua các kỳ thi, không nên chỉ gói gọn trong các thầy cô. Ngoài ra, với đề xuất phương án thi THPT sau 2020, Bộ GD-ĐT cần chuẩn bị tốt năng lực của đội ngũ nhân sự tham gia làm thi, cân nhắc vai trò của Bộ và địa phương trong tổ chức kỳ thi” - Bà Doan nhấn mạnh.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Việc tiếp tục tổ chức thi THPT quốc gia với phương án cơ bản như năm 2019 và song song thí điểm để tiến tới thi trên máy tính, thi nhiều đợt, tại nhiều điểm được ông Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá tốt. Tuy nhiên ông và nhiều đại biểu cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đổi mới và sớm hoàn thiện ngân hàng đề thi trắc nghiệm chuẩn hóa. Bộ đồng thời xây dựng phương pháp đánh giá năng lực, phẩm chất cho học sinh để từng bước áp dụng cho chương trình GDPT mới.
Chủ trương đổi mới thi THPT quốc gia nhận được sự đồng tình của GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới. Bởi lẽ, muốn thực hiện chương trình GDPT 2018 chuyển từ nền giáo dục nặng về kiến thức sang giáo dục phát triển toàn diện năng lực phẩm, chất của người học thì thi cử buộc phải đổi mới. Theo đó, đề thi phải được ra theo hướng đánh giá được năng lực, phẩm chất của học sinh. Cách thi trên giấy như hiện nay khó đánh giá được hết các năng lực cần thiết, ví dụ năng lực nghe - nói của môn Ngoại ngữ sẽ không thể đánh giá được bằng bài thi trên giấy. Thi trên máy tính do đó là phương án tối ưu.
Cho rằng ngân hàng đề thi là vấn đề khó nhất, bởi kiểm định độ khó và tin cậy của câu hỏi rất phức tạp, ông Lê Đông Phương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhìn nhận, đây là trọng tâm cần được đầu tư thêm nhiều nữa khi triển khai phương án thi THPT trong giai đoạn tiếp theo.
PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cũng ủng hộ việc trong giai đoạn tới sẽ cơ bản giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia như năm 2019. Tuy nhiên, bà cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có thêm các phương thức nhằm đảm bảo kỳ thi được diễn ra nghiêm túc, an toàn, khách quan.
09:30, 23/09/2019
15:50, 15/09/2019
15:10, 14/09/2019
08:00, 13/09/2019