19/01/2025 | 19:27 GMT+7, Hà Nội

Chuyển khoản, quét mã đóng tiền học: Giáo viên bớt lo cảnh bị... mất trộm, cướp

Cập nhật lúc: 23/09/2019, 09:30

Trong năm học 2019 - 2020, các trường học tại Hà Nội sẽ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục.

Nhiều giáo viên, phụ huynh đồng tình vì hạn chế được những rắc rối khi đóng tiền học trực tiếp.

Đóng học qua chuyển khoản, quét mã

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết vừa có công văn chỉ đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã và các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở về việc các giao dịch cần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực giáo dục.

Theo ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, các cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị (địa bàn quận, thị xã, thị trấn) nghiêm túc triển khai thực hiện chủ trương thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của các cấp. Xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện.

Chủ động lựa chọn, phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán để triển khai hạ tầng, hoàn thiện quy trình, tổ chức thực hiện thu học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ.

Thực hiện công khai tài khoản của đơn vị và có hướng dẫn cụ thể về thanh toán qua tài khoản; lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS) hoặc mã thanh toán QRCode hoặc phần mềm trên điện thoại di động... tại các trường học để cha mẹ học sinh có thể dễ dàng, thuận lợi thanh toán học phí không dùng tiền mặt.

Các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán được các cơ sở giáo dục lựa chọn phải được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành. Các tổ chức này phải đảm bảo hạ tầng thanh toán, trang thiết bị, phần mềm cũng như dịch vụ thanh toán thông suốt, an toàn, tiện lợi; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phí dịch vụ rõ ràng, minh bạch và có hiệu quả nhất cho phụ huynh học sinh.

Theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, các đơn vị lựa chọn phương thức thanh toán, hình thức thanh toán phải tạo điều kiện thuận lợi cho cha mẹ học sinh và tuyên truyền, tư vấn đến cha mẹ học sinh. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/11/2019. Sở cũng đề nghị các Phòng GD&ĐT trên địa bàn, các cơ sở giáo dục trực thuộc Sở báo cáo tiến độ kế hoạch triển khai thực hiện trước ngày 15/10/2019; báo cáo kết quả triển khai thực hiện trước ngày 5/12/2019.

Nhiều phụ huynh, giáo viên ủng hộ không dùng tiền mặt đóng tiền. Ảnh minh họa: Q.A

Giáo viên đỡ lo bị mất, cướp

Thông tin trong thời gian tới các trường học Hà Nội sẽ thực hiện công tác thu tiền học phí không dùng tiền mặt được nhiều phụ huynh hào hứng đón nhận, bởi càng bớt thời gian cho cả nhà trường lẫn phụ huynh. Trên thực tế, nhiều trường tư thục, trường quốc tế tại các thành phố lớn cũng đã áp dụng hình thức nộp tiền học vào tài khoản của nhà trường.

Cho rằng đây là hình thức mới rất phù hợp, bởi mọi giao dịch hiện nay đã thực hiện theo hình thức chuyển khoản, chị Thanh Hương (Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội) có con học tiểu học cho biết: "Mỗi khi đóng tiền học cho con mà cũng lo bởi nhiều nơi bỏ vào phong bì, ghi tên học sinh, số tiền rồi nộp cho cô, cũng lo con bị thất lạc, hoặc cầm tiền đi học cũng mất an toàn, chưa kể rất khổ khi phải tìm tiền lẻ cho khớp với số tiền phải đóng, không dám đóng thừa vì cô lại phải tìm tiền lẻ trả lại cho học sinh cầm về. Tôi được biết, đã có nhiều giáo viên và phụ huynh mất lòng nhau vì chuyện cô bảo chưa đóng, phụ huynh bảo đưa cho con đóng rồi… nên nếu thực hiện chuyển khoản là hợp lý".

"Giờ mua cốc trà sữa, cân hoa quả… qua mạng đều thực hiện chuyển khoản, huống chi khoản tiền học của học sinh. Giống như chuyển khoản nộp tiền điện, nước hiện trước đây nhiều người không ủng hộ, nhưng nay khá hiệu quả. Tuy nhiên, những trường hợp nào vì chưa có tài khoản ngân hàng, không có điều kiện mở tài khoản, khó khăn trong đi lại thì cũng nên áp dụng cả hình thức thu trực tiếp tại trường" - phụ huynh Nguyễn Minh Đức (Hà Đông, Hà Nội) cho hay.

Đối với giáo viên, thông tin này cũng được nhiều người ủng hộ vì đa phần giáo viên hiện nay rất ngại công việc thu tiền học. Cô Nguyễn Thị Thủy - Giáo viên dạy Tiểu học ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) chia sẻ: "Phụ huynh người đóng chậm, người đóng nhanh, không phải lúc nào cũng nộp được tại phòng kế toán vì bận dạy. Để ở lớp lo mất, cầm mấy chục triệu đi đường lại lo bị cướp. Thành ra, lại phải nhờ chồng đưa đi đón về cho an toàn. Nếu áp dụng nộp tiền vào tài khoản, giáo viên cũng bớt đi một công việc, tập trung hơn cho việc dạy học".

Theo một số phụ huynh, hướng dẫn của Sở chỉ nhắc đến thu học phí, chưa thấy các khoản khác, như vậy chưa thực sự giải quyết được triệt để vấn đề phát sinh của đóng tiền học trực tiếp như hiện tại. Chưa kể, đối với cấp tiểu học công lập không phải đóng học phí, trong khi lại có rất nhiều khoản tiền hàng tháng khác như: tiền học 2 buổi/ngày, chăm sóc bán trú, ăn trưa, nước uống, các môn đăng ký tự nguyện… Nhiều phụ huynh cho rằng, việc đóng tiền học theo hình thức trực tuyến nếu áp dụng cho hết các khoản thu sẽ góp phần hạn chế thu sai quy định.