Các nước trên thế giới đón lễ Vu lan như thế nào?
Cập nhật lúc: 11/08/2019, 16:00
Cập nhật lúc: 11/08/2019, 16:00
Lễ Vu Lan là dịp đặc biệt với nhiều hoạt động được tổ chức để con cái báo hiếu, nhớ ơn công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Phổ biến nhất là đến chùa tụng kinh, niệm Phật để nguyện cầu cho những người thân đã khuất, tất thảy chúng sinh được yên nghỉ, cầu mong cho những người thân quen đang sống có sức khỏe và hạnh phúc.
Các nước theo Phật giáo trên thế giới đều có cách thể hiện riêng tấm lòng hiếu nghĩa trong ngày lễ Vu lan.
Việt Nam
Không chỉ lên chùa, vào dịp này, mỗi gia đình Việt Nam đều chuẩn bị một mâm cơm để dâng lên bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người thân trong gia đình đã khuất và cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu, thể hiện tấm lòng hiếu lễ đối với công ơn dưỡng dục, sinh thành.
Vào dịp lễ Vu lan, người Việt thường đến chùa để tham gia lễ bông hồng cài áo, thả đèn hoa đăng cầu nguyện bình an cho gia đình, cầu siêu cho người đã mất. Ảnh minh họa |
Ăn chay cũng là một hoạt động mang ý nghĩa hết sức thiết thực trong dịp lễ Vu lan. Ăn chay thanh đạm với ước nguyện tất cả ông bà, cha mẹ, những người đương sống đều được an lạc, bình an và may mắn.
Ngày này, Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để vun trồng vườn phúc đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, giải trừ nghiệp chướng, cuộc sống được bình an, thân tâm được an lạc. Với những người còn cha mẹ, đây là dịp để những người con dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa cho bố mẹ mình, mong cho bố mẹ mạnh khỏe an vui.
Ở Việt Nam, Lễ Vu Lan có nghi lễ cài hoa hồng lên ngực áo, đây một nghi lễ ý nghĩa trong ngày lễ này. Ai vẫn còn cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ, ai đã mất mẹ cài hoa hồng trắng. Bông hồng là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực hoa hồng cao quý là tình cảm đẹp nhất, kính trọng nhất đối với bậc sinh thành.
Nhật Bản
Ở Nhật Bản, lễ Vu lan báo hiếu được gọi là Obon (ngày của người đã mất), diễn ra vào tháng 8 dương lịch hằng năm. Đây là ngày để người dân Nhật Bản nhớ về những người thân đã qua đời. Ngày lễ này dần phát triển thành ngày đoàn tụ gia đình, thăm viếng, dọn dẹp phần mộ của tổ tiên.
Lệ hội Obon thường kéo dài trong 3 ngày với các hoạt động phong phú, tùy thuộc vào từng địa phương. Rước kiệu và các điệu múa dân gian là một phần không thể thiếu trong lễ hội này. Ảnh: Haikugirl's Japan. |
Đây cũng là thời điểm mà họ tin rằng linh hồn của những người đã mất được phép trở về thăm con cháu.
Ngoài là dịp họp mặt gia đình, Obon còn là dịp để tổ chức vui chơi, giải trí. Nét đặc trưng trong lễ hội Obon chính là vũ điệu Bon Odori - vũ điệu tưởng nhớ, tri ân và cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên.
Vào ngày lễ, người dân sẽ xuống đường và tổ chức lễ hội. Tất cả mọi người sẽ nắm tay nhau nhảy múa theo vòng tròn bởi họ tin rằng các linh hồn cũng sẽ nhảy cùng họ. Vào đêm cuối của lễ hội Obon, người Nhật sẽ thả những chiếc đèn nổi trên sông, hồ, bờ biển để hướng dẫn linh hồn người quá cố trở về cõi âm.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, Lễ Vu Lan được tổ chức từ ngày 15/7 đến 30/7 âm lịch hằng năm. Vào ngày này, người dân Trung Quốc cũng đi thăm phần mộ của người thân, sửa sang, quét dọn lại, đốt giấy tiền, vàng mã cho người đã khuất, với hi vọng việc làm này sẽ giúp người đã khuất đỡ vất vả, thậm chí phù hộ cho người còn sống sức khỏe, ăn nên làm ra, có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.
Lễ Vu lan ở Trung Quốc. Ảnh minh họa |
Trong ngày lễ Vu lan, chư Tăng thường tổ chức các buổi lễ cầu nguyện cho người đã quá cố. Những khóa lễ đặc biệt được tổ chức ở các chùa suốt cả ngày lẫn đêm trong mùa Vu lan để cầu nguyện cho các vong linh đã quá vãng, cho những vong hồn được ấm no, an lành.
Hàn Quốc
Người Hàn Quốc cũng lấy ngày 15/7 âm lịch làm ngày Hội Vu lan bồn và cũng có nghi lễ cài hoa lên ngực áo giống như Việt Nam, nhưng họ loài hoa được chọn để cài lên ngực trong ngày lễ này lại là hoa cẩm chướng.
Singapore
Lễ hội Vu lan nổi tiếng ở Singapore. Ảnh minh họa |
Lễ hội Vu lan thường được tổ chức ở những tuyến phố trung tâm của Singapore, để tưởng nhớ những người đã khuất. Đây còn được xem là dịp để xá tội, cầu siêu cho những linh hồn không có nơi chốn. Hoạt động thu hút với nhiều sự kiện thú vị như múa rối, những tiết mục ca nhạc đặc sắc, diễn kịch…
Malaysia
Tại Malaysia, đại lễ Vu lan còn gọi là ngày tổ tiên hay lễ hội tháng Bảy. Theo phong tục truyền thống, người dân sẽ ngưng các công việc nhà nông để thực hiện các nghi lễ thờ cúng, đốt vàng mã và cầu siêu cho vong linh đã khuất.
Trước đây, mỗi khi Vu lan đến, người Malaysia đốt rất nhiều giấy tiền, vàng mã, hình nhân và các vật dụng bằng giấy. Những năm gần đây, nhờ sự hướng dẫn của chư Tăng và sự phát triển nhận thức của phật tử, nên việc đốt vàng mã cũng đã bớt đi nhiều.
Tại Malaysia, vào dịp lễ Vu lan, đèn lồng được treo rực rỡ ở khắp mọi nơi. Ảnh minh họa |
Ngoài những việc thể hiện tinh thần hiếu đạo như thăm viếng mộ người thân, tảo mộ, dâng cúng vật phẩm, người Malaysia còn tổ chức hiều hoạt động văn hóa, tôn giáo mang màu sắc riêng. Vào tháng 7 Âm lịch, mọi người sẽ treo đèn lồng quanh nhà và ngoài đường phố. Các phật tử Malaysia tổ chức nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng tại các khu dân cư, có sự tham gia nhiệt tình của các ca sĩ, vũ công, người diễn kịch,... Tất cả mọi chi phí cho việc tổ chức văn nghệ và các hoạt động của lễ hội trong ngày Vu lan đều do quần chúng Phật tử tự nguyện đóng góp.
Campuchia
Với người Campuchia, tháng 9 dương lịch được gọi là ''tháng cô hồn''. Họ tin rằng, khoảng thời gian diễn ra lễ hội, các linh hồn sẽ tìm đến những người thân còn sống của mình để chuộc lại những lỗi lầm từ kiếp trước của họ.
Lễ hội Pchum Ben được diễn ra với nhiều ý nghĩa quan trọng đối với người dân Campuchia: Cầu mong sự tốt lành cho bản thân, bình an cho người thân và để bày tỏ lòng tôn kính đối với ông bà, tổ tiên. |
Trong tháng này có ngày lễ Pchum Ben - một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong lịch tôn giáo Khmer. Lễ Pchum Ben kéo dài 15 ngày. Người Campuchia sẽ mặc quần áo trắng, tập trung tại chùa để tưởng nhớ tổ tiên, cũng như cúng dường phẩm vật lên chùa để các chư Tăng ''gửi'' cho các linh hồn của người quá cố.
Thái Lan
Lễ Vu Lan tại Thái Lan được diễn ra lớn nhất ở tỉnh Dan Sai, người dân tổ chức những hoạt động huyên náo. Nổi bật nhất là đám rước mặt nạ bằng vỏ trấu hoặc lá dừa cộng với quần áo chấp vá. Vào cuối mùa lễ, người dân sẽ lắng nghe thuyết giảng từ các nhà sư.
Ấn Độ
Tại Ấn Độ, tuy không có ngày lễ Vu Lan, nhưng tinh thần hiếu đạo trong những người con Phật thì từ xưa cho đến này đều luôn tỏ rõ.
Tinh thần hiếu hạnh trong Phật giáo Ấn Độ không chỉ thể hiện qua những tấm gương hiếu thảo của các vị xuất gia mà còn được biểu hiện qua sự cúng dường của phật tử tại gia nhằm hồi hướng công đức cho cha mẹ. Rất nhiều bia ký được tìm thấy tại các di tích Phật giáo ở khắp Ấn Độ đều cho thấy rằng, trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà sư cũng như tín đồ Phật giáo, từ hoàng tộc cho đến dân chúng đã xây chùa, dựng tháp, tạc tượng, dâng y... để cúng dường Tam bảo, hồi hướng công đức cho cha mẹ, tổ tiên.
Lễ hội Vu lan dù được tổ chức ở đâu, dưới hình thức nào đi nữa thì ở đấy vẫn có một điểm chung, vẫn toát lên một tinh thần chung, đó là tinh thần hiếu đạo của người phật tử. Ngày hội Vu lan là ngày để người con Phật bày tỏ lòng hiếu thảo của mình, để thực hiện nghĩa cử tri ân đối với các đấng sinh thành, đối với tổ tiên, ông bà.
Đây là một ngày hội rất có ý nghĩa, cần phải được giữ gìn và phát triển, phải làm sao để nó trở thành một ngày lễ hội của quần chúng, vượt qua giới hạn của tôn giáo, tín ngưỡng, để cho tinh thần hiếu đạo được thấm nhuần trong lòng mọi người, để cho con người trở nên thiện tâm và trung hiếu hơn.
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/cac-nuoc-tren-the-gioi-don-le-vu-lan-nhu-the-nao-8687.html
08:20, 07/08/2019
07:00, 07/08/2019
09:21, 23/07/2019