19/01/2025 | 07:06 GMT+7, Hà Nội

Cuối tháng 6 âm lịch nên dọn ban thờ đón mùa Vu Lan để nhiều tài lộc, may mắn cho cả nhà

Cập nhật lúc: 23/07/2019, 09:21

Theo các chuyên gia tâm linh, thời điểm này là dịp tốt nhất các gia chủ dọn dẹp bao sái ban thờ, chuẩn bị cúng mùa Vu lan, tháng cô hồn để được may mắn, tài lộc.

Thời điểm phù hợp để lau dọn bàn thờ tháng cô hồn

Theo các nhà tâm linh, tháng 7 âm lịch có lễ Vu lan vào Rằm tháng 7 để báo hiếu tổ tiên. Dịp này nhiều gia đình muốn dọn dẹp bàn thờ nhằm tẩy rửa sạch sẽ tất cả đồ thờ tự, hay thay bát hương, hoặc đơn giản là tỉa bỏ chân hương để đón gia tiên về cho con cháu bày tỏ lòng hiếu kính.

Theo nhiều nhà tâm linh, thời gian dọn dẹp ban thờ tốt nhất nên chọn vào khoảng cuối tháng 6 âm lịch. Bởi tháng 7 là cao điểm nắng nóng, nhiều nhà đặt bàn thờ ở chỗ tôn nghiêm, sạch sẽ, thường là nơi cao nhất trong nhà, lại cộng với bát hương cắm từ Tết tới giờ cũng đã đầy chân, nên cần tỉa chân hương để tránh hỏa hoạn.

 Cuối tháng 6 âm lịch nên lau dọn bàn thờ đón lễ Vu lan. Ảnh minh họa.

Cuối tháng 6 âm lịch nên lau dọn bàn thờ đón lễ Vu lan. Ảnh minh họa.

Theo ông Hà Thanh (Viện Nghiên cứu Ứng dụng tiềm năng con người), thời điểm tốt để bao sái tổng thể bàn thờ đón Rằm tháng 7 âm lịch theo lệ cũ phép xưa cần làm từ cuối tháng 6 âm lịch, hoặc tốt nhất là cuối năm. Người cẩn thận thường chọn ngày giờ tốt để làm việc tâm linh đó được tốt lành.

Các nhà tâm linh cũng cho rằng, khoảng 2-3 tháng cũng nên lau dọn bàn thờ một lần, không nên cứ Rằm tháng 7 hay cuối năm mới làm. Bởi chân hương đầy quá dễ bốc cháy.

Nhưng cũng không nên lau dọn thường xuyên vì nơi đặt bát hương rất cần tụ khí, nếu động chạm liên tục thì theo tâm linh cũng không tốt. Bình thường chỉ nên lau bàn thờ cho sạch sẽ, không để bụi bẩn hay mạng nhện dính ở đó là được.

Những kiêng kị cần chú ý

Khi chọn được thời điểm tốt để lau dọn bàn thờ, gia chủ cần dọn dẹp bàn thờ đúng cách để không ảnh hưởng đến tài lộc và may mắn cho cả nhà, và bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên.

Trước khi lau dọn bàn thờ nên tắm rửa sạch sẽ, mặc quần áo chỉnh tề.

Chuẩn bị một đĩa hoa quả, thắp một nén hương xin phép được lau dọn bàn thờ chuẩn bị đón lễ Vu lan. Khi hương cháy hết thì bắt đầu lau dọn.

 Dịp này chỉ nên tỉa chân hương. Ảnh minh họa.

Dịp này chỉ nên tỉa chân hương. Ảnh minh họa.

Ai được phép dọn dẹp bàn thờ?

Ai cũng có thể lau dọn bàn thờ, vì việc thờ cúng, dọn dẹp hiện nay không phải chọn lựa rạch ròi như trước kia, nhất là nhà ở đô thị. Chỉ lưu ý là khi làm việc này cần cẩn thận, tỉ mỉ để tránh đổ vỡ đồ thờ, vật phẩm và những đồ thờ cúng quý (như cây nến cổ, bình quý, bài vị… của tổ tiên để lại. Bởi với nhiều gia đình đồ thờ cúng trên bàn thờ được coi là những vật phẩm quan trọng, thể hiện sự tôn kính với tổ tiên, người thân đã khuất trong họ hàng.

Các nhà tâm linh khuyên không nên bày biện quá nhiều đồ thờ cúng trên ban thờ, để tránh khi lau dọn bị đổ vỡ, hoặc chuột chạy qua cũng làm rơi vỡ đồ thờ cúng. Bàn thờ cũng là nơi linh thiêng, ngày thường chỉ cần bao sái sạch sẽ. Đang mùa nắng nóng cao điểm, gia chủ có thể tỉa bớt chân hương kẻo quá nhiều chân hương sẽ làm bàn thờ nhanh bị bụi bẩn, không tốt cho gia chủ.

Nếu buộc phải thay bát hương dịp này thì đừng vội rút hết chân hương rồi đổ hết tro ra ngoài - quan niệm của người xưa làm thế sẽ bị “tán tài”. Hãy dùng thìa nhỏ xúc từng thìa tro đổ ra ngoài rồi rửa sạch bát hương, lau khô (nhớ giữ lại 3-5 hoặc 7 chân hương để cắm lại khi thay xong bát hương).

Sau đó nếu là bát hương thờ Phật, bát hương Thần linh thì dùng 7 tờ tiền vàng, bát hương gia tiên dùng 3 tờ tiền vàng đốt hơ quanh bát hương, khi tiền mã cháy hết nửa thì bỏ vào lòng bát hương. Khi tiền vàng cháy hết thì đổ tro (tro rơm nếp là tốt nhất) vào một lần (ý là “ra nhỏ vào lớn”, hay “tiền ra nhỏ giọt, tiền vào như thác đổ”.

Người xưa kiêng lúc đầu đổ tro tiền mã ra hết, sau đó múc từng ít một vào thì gọi là “vào nhỏ ra lớn”, con cháu làm ăn tiền vào thì ít, tiền ra thì nhiều.

 

Trình tự lau dọn bàn thờ tháng cô hồn

Khi lau dọn bàn thờ nếu có điều kiện nên dùng khăn lau mới, chổi mới, hoặc chổi quét chuyên dùng để lau.

Nước lau nên dùng nước ấm và sạch. Hoặc dùng rượu gừng, nước ngũ vị để bao sái ban thờ, không dùng nước lạnh vào việc này.

Lau ban thờ từ trên cao rồi mới xuống đến thấp. Lau bài vị tổ tiên trước rồi sau đó chuyển sang lau bát hương.

Dùng khăn mềm lau các pho tượng để tránh bị xước, phai màu sơn.

Lưu ý trước khi lau dọn bàn thờ cần nhớ kỹ vị trí để sau đó sắp xếp lại cho đúng. Tốt nhất nên chụp ảnh lại, nếu có nhiều vật phẩm giống nhau thì đánh số thứ tự để không đặt sai vị trí kẻo ảnh hưởng rất lớn đến tài lộc của gia chủ.

Khu vực dưới bàn thờ không nên đặt đồ đạc gì, mà cần giữ thoáng, sạch để không làm tổ cho muỗi, côn trùng, và theo tâm linh là có thể làm hao hụt tài sản, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bàn thờ là nơi thắp hương kết nối con cháu với gia tiên, nên cần sạch sẽ, gọn gàng, không gian đủ thông thoáng... để tài vận, hòa khí thì gia đình mới êm ấm, con cháu làm ăn mới có tài lộc, bình an, may mắn. Nếu bàn thờ an vị, thu nạp được sinh khí tốt thì con cháu được hưởng phúc, làm ăn phát đạt, mọi sự hanh thông.

Việc lau dọn bàn thờ trước mùa Vu lan mang ý nghĩa tâm linh tốt, nên cần được làm với sự thành tâm, kính cẩn và tỉ mỉ, sạch sẽ... cũng là cách để thể hiện lòng thành kính với tổ tiên.

Sau khi lau dọn sạch bàn thờ rồi, gia chủ thay nước mới, bày hoa quả mới, thắp đèn/nến rồi thắp 3 nén hương và mời tổ tiên, thần linh về quy tụ.

Cách xử trí chân hương, đồ thờ cúng không dùng nữa

Tối kị rút chân hương rồi cầm bát hương đổ tro bừa bãi ra ngoài, vì người xưa cho thế sẽ bị "tán tài".

Chân hương tỉa ra thường đốt và tro thả xuống sông hồ, hoặc hòa nước bón cây, không nên đổ lung tung.

Đồ thờ cúng (bát hương, chén đĩa thờ cũ…) người xưa thường thả xuống sông hồ. Với bàn thờ và đồ gỗ nên đốt (hóa), không nên để nguyên vứt linh tinh vì ô nhiễm môi trường.

Nguồn: http://giadinh.net.vn/o/cuoi-thang-6-am-lich-nen-don-ban-tho-don-mua-vu-lan-de-nhieu-tai-loc-may-man-cho-ca-nha-20190719135536353.htm