19/01/2025 | 10:33 GMT+7, Hà Nội

Những lầm tưởng trong việc tâm linh

Cập nhật lúc: 24/02/2019, 06:58

Nhiều người trong thời hiện đại quá thực tế và thực dụng, phần nhiều trong số họ thừa hiểu biết về mặt xã hội và tâm linh nhưng vẫn cố gượng ép dùng tiền bạc, sức lực và ảnh hưởng của bản thân hoặc nhờ cậy cầu kỳ trong việc dâng sao giải hạn, trong việc thức trắng đêm, dùng mọi quan hệ để có được một lá ấn…

Lễ hội phết Hiền Quan năm nay buộc phải dừng tổ chức là một ví dụ cho thấy sự nhốn nháo, vỡ trận. Thực sự thì tất cả đều có giới hạn, việc tâm linh cũng vậy. Khi coi việc tâm linh thành kính như là có thể trao đổi, mặc cả với thánh thần, mọi thứ đều vượt ngưỡng thì là mê tín.

Có lẽ, nhiều người nên dành thời gian đọc kỹ những điều mà Hòa thượng Thích Thiện Nhơn- Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thay mặt Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thể hiện những lời tâm huyết trong văn bản gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, TP về việc tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho phật tử và nhân dân tại các chùa nhân dịp đầu xuân mới: Nguyện cầu bình an, mong muốn sức khỏe, hạnh phúc, an lạc là nhu cầu của con người. Cầu nguyện là bản năng của con người, là khuynh hướng chủ đạo của tất cả các tôn giáo tử thuở sơ khai. Phật giáo là một tôn giáo lớn của nhân loại cũng như các tôn giáo và niềm tin tín ngưỡng khác có chức năng là chỗ dựa tinh thần tâm linh cho con người. Việc các chùa tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an, mong muốn đem lại bình an cho mọi người là việc làm có ý nghĩa đem lại sự lạc quan trong cuộc sống.

nhung lam tuong trong viec tam linh
Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo.

Nghi lễ dâng sao giải hạn không phải là nghi lễ của Phật giáo, mà là tư tưởng triết học của Lão giáo đã hòa nhập với Phật giáo trong truyền thống Tam giáo đồng nguyên. Phật giáo tôn trọng và đã dùng pháp phương tiện để tập hợp mọi người mà giảng về giáo lý nhân quả, hoằng dương chính pháp.

Do đó, Ban thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo Giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức phải đảm bảo trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi mà phải đúng Chính pháp để mọi người hiểu luật nhân quả của Phật giáo, làm việc tốt, sống đời sống chính mạng, chính nghiệp mới tránh được bất an trong đời sống của mình.

Có lẽ ít ai biết được ý nghĩa thực của ấn đền Trần. Bốn chữ lớn được khắc trên ấn đền Trần là “Trần Miếu Tự Điển”, có nghĩa là “Điển lễ tế tự ở miếu nhà Trần”. Bốn chữ ở cạnh dưới của ấn đền Trần là “Tích Phúc Vô Cương”, có ý nghĩa là việc ban phúc là không có bờ bến. Ngoài chiếc ấn chính (ấn lớn), "ấn đền Trần" còn có một chiếc ấn nhỏ, trên đó khắc 2 chữ “Trần Miếu”, nghĩa là miếu của nhà Trần, chỉ nơi đóng chiếc ấn chính. Việc phát ấn đền Trần cho người tham dự lễ khai ấn nhằm mục đích cầu sự an lành. Trước đây, việc này chỉ diễn ra trong quy mô làng Tức Mặc ở Nam Định.

Câu nói “Thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ thứ ba tu chùa” dường như chưa bao giờ cũ và vẫn còn nguyên giá trị ngày nay với việc đề cao tính thiện, ứng xử, sự lương thiện, gạt bỏ những sân si trong các mối quan hệ gia đình, cộng đồng. Có trăm ngàn lý do để những hình ảnh chưa đẹp ở lễ hội cũng như những nơi tôn nghiêm diễn ra, trong đó có cả lý do vì lượng người quá tải hay sâu xa hơn cả đó là tâm lý tranh thủ, chộp giật, tư túi, ích kỷ cá nhân bằng mọi giá để nhận lấy phần hơn, là có lợi cho bản thân?! Giá như, lễ hội ở đâu trên khắp dải đất hình chữ S cũng có những hình ảnh đẹp như ở lễ hội Chùa Bà ở Bình Dương. Được biết, không chỉ mùa lễ hội này mà đã nhiều năm nay “lễ hội miễn phí” ở Bình Dương được diễn ra và trở thành một “thương hiệu” lễ hội văn minh, đầy tình người, khiến ai đặt chân đến một lần lại muốn quay trở lại.

Du khách đến đây không chỉ cầu tài, cầu lộc mà họ còn nhận được sự chu toàn, tử tế của con người với con người. Điều đáng nói nét đẹp của lễ hội này ngày càng được nhiều người biết đến, có tác động mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng và trở thành động lực cho các nhà tài trợ cùng chung tay vun đắp. Ban tổ chức cho biết, năm nay có tới hơn 100 tổ chức, cá nhân đã đăng ký hoạt động thiện nguyện tặng đồ ăn, thức uống, vật dụng nho nhỏ giúp du khách thoải mái hơn khi tham dự lễ hội. Điều này chứng tỏ, ở bất cứ nơi đâu, lòng tốt của con người cũng là thứ đáng quý, đáng trân trọng và đáng được nhân rộng, lan tỏa.

Xuân Thanh