22/11/2024 | 12:03 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia hướng dẫn đi lễ chùa, cầu khấn đầu năm thế nào cho đúng

Cập nhật lúc: 20/02/2019, 06:01

Đi lễ đình, đền, chùa là một sinh hoạt văn hóa tinh thần được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận. Đó là nét đẹp văn hóa tâm linh không thể phủ nhận nhưng chúng ta có nhất thiết phải đi lễ không và đi lễ như thế nào mới là đúng và chuẩn mực?

Sau Tết Nguyên đán, tục đi lễ đầu năm đã trở thành nếp của không chỉ các phật tử mà còn của rất nhiều người. Đồng thời, đã có rất nhiều người, bài báo nói về vấn đề này nhưng để có thêm một góc nhìn khác, PV đã có buổi phỏng vấn nhà ngoại cảm Lê Mạnh Cường, thuộc Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người.

PV: Theo nhiều người nhận xét, việc đi lễ đầu năm của nhiều người đang giống như phong trào, đôi khi có phần thái quá, mê tín dị đoan, vậy là một nhà ngoại cảm, ông có đánh giá và chia sẻ như thế nào về việc này?

Ông Lê Mạnh Cường: Đi lễ là một nét đẹp văn hóa tâm linh từ bao đời này của nhân dân. Nó còn là tín ngưỡng, mong ước của mọi người và ngay đến bản thân tôi cũng đi lễ vì ai cũng mong muốn đi để cầu may, cầu mắn, xin những điều tốt lành cho mình và những người thân xung quanh. Nhưng hiện nay, có những bộ phận người Việt đi lễ mà không hiểu chữ “lễ”, chữ “tu” có nghĩa là gì.

 Nhà ngoại cảm Lê Mạnh Cường

"Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa", cha ông ta tự ngàn xưa đã đúc kết và truyền đời cho con cháu nhằm giáo dục, khuyên răn, vừa mang tính đánh giá, nhận xét về quá trình tu tập. Việc tu tại gia mới là điều quan trọng nhất. Gia đình êm đẹp, vợ chồng con cái yêu thương nhau, trên thuận dưới hòa, mọi người thương yêu đùm bọc nhau. Chúng ta cũng không cần phải đi khấn vái tứ phương, vì “tâm xuất Phật biết”. Chúng ta có tâm thì ở đâu các ngài cũng chứng giám cho rồi. Đi lễ chỉ là để cho tâm hồn cảm thấy thanh tịnh, tĩnh tâm, sống tốt đời, đẹp đạo.

Hiện nay, nhiều người đi lễ nhưng mê tín dị đoan một cách thái quá. Tôi không đồng tình, ủng hộ với vấn đề đó. Ai cũng đi dâng sao giải hạn, ai cũng lễ tứ phương thì làm gì có chuyện hàng ngày vẫn xảy ra những vụ tai nạn, những người ốm bệnh mà chết... Người dân cần phải hiểu như thế nào là văn hóa, tập tục tốt đẹp, mang tính chất của những con người tâm linh cúng lễ.

Nhiều khi nhà chùa lợi dụng tín ngưỡng tâm linh, sự mê tín quá mức của nhiều người để trục lợi, ví dụ giải hạn đầu năm. Theo nhà Phật những căn quả đời này của một con người là do kiếp trước để lại, dù mình có đi giải căn, giải hạn đi chăng nữa thì chắc gì đã được. Nhà Phật lại càng không có chuyện dâng sao giải hạn, nhưng do nhu cầu của người dân mong muốn nên nhà chùa mới phát tâm và giúp mọi người. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường hiện tại, có những trường hợp lợi dụng tâm linh để thương mại hóa, làm mất đi vẻ đẹp của của tâm linh, nhất là khi có thêm các dịch vụ ăn theo ngày càng nhiều như: Vui chơi giải trí, ăn uống, ngủ nghỉ...

PV: Theo quan niệm tâm linh, đình đền, phủ là nơi để mọi người xin công danh, sự nghiệp, tình yêu, sức khỏe…, vậy mọi người đi lễ ở những nơi này như thế nào cho đúng?

Ông Lê Mạnh Cường: Đi đình đền, phủ cũng giống như đi chùa mà thôi, không phải ai đi cầu may, cầu mắn thì thuận lợi sẽ đến với họ. Các ngài không thể phù hộ cho mình được nếu trí tuệ mình không có, năng lực không có, không chăm chỉ, không gặp thời vận, phúc đức tổ tiên không có thì sẽ không bao giờ có thành công.

Quan trọng, chúng ta phải sống cho tốt, gia đình, anh em, bạn bè phải biết yêu thương nhau, cùng nhau tiến bộ, gặp người khó khăn, vận hạn thì chia sẻ với họ. Như vậy mình sẽ nhận được quả ngọt, vận may do mình tự tạo dựng mới tới. Điều tốt lành sẽ không đến với những người buôn gian bán lận, ghen ăn tức ở, đối nhân xử thế thì thậm tệ, rồi lại đi lễ xin lộc thì sao các ngài chứng cho được. Khi mình gieo hạt tốt, thì sẽ gặp quả ngon, khi gieo quả sâu thì sẽ gặp trái đắng. Nhân nào quả đấy.

PV: Như ông nói, hiện nay có nhiều đình đền, chùa hay phủ đang lợi dụng sự tin tưởng của mọi người để trục lợi. Vậy chúng ta có nên đi lễ đền, chùa nữa hay không, hay chỉ cần tu tâm, tu tại gia?

Ông Lê Mạnh Cường: Theo tôi thì mọi người vẫn cứ đi bình thường, nhưng đi theo cái tâm của mình và phải mang nét đẹp văn hóa, phong tục, truyền thống. Đi theo con đường tâm linh đúng, đừng thái quá, cũng như đừng cầu mong quá nhiều, nhất là những điều siêu tưởng như độ nghèo thành giàu một cách nhanh chóng, xin xấu xí thành xinh đẹp... Mình phải tu luyện, rèn giũa, cố gắng, giúp người để người giúp lại, tạo mối quan hệ tốt trong gia đình và với những người xung quanh, với xã hội.

Nên đi lễ nếu thấy tâm không tịnh, vì nơi đó là nơi linh thiêng, giúp con người ta tĩnh tâm hơn, nhìn cuộc sống có chiều sâu hơn để giải quyết được mọi chuyện được tốt hơn. Nhìn lại cuộc đời xem đã làm những điều gì tốt thì cố gắng, làm sai thì phải sửa. Nhất là không nên tham, sân, si quá mức. Tâm xuất phật biết.

 Người dân đi lễ đình đền, chùa nên lễ bằng tâm và phải mang nét đẹp của văn hóa.

PV: Vậy theo ông, người dân nên đi lễ như thế nào mới là đúng?

Ông Lê Mạnh Cường: Chúng ta nên biết đi đình đền, chùa quan trọng nhất là cái tâm thiện, mua trầu cau, hoa quả, bánh kẹo… có sao mình sắm vậy, khấn tên, tuổi, địa chỉ rõ ràng là được.

Đi chùa hay ở nhà cũng không cần đốt vàng mã nhiều. Nhà Phật cũng không cần đốt vàng mã vì mình có tâm thì các ngài sẽ chứng. Không phải cứ đem mâm nọ, mâm kia, đốt nhiều thì các thánh, các ngài thương nhiều hơn người không đốt. Đó là quan niệm sai lầm nên chính chúng ta chỉ đang tự làm khổ mình mà thôi. Nhất là đầu năm, người dân đi lễ ở những nơi đông người, ai cũng vái thật lực, nhưng toàn người sau vái người trước mà thôi.

Người thân trong gia đình mà mất đi cũng vậy. Điều mà họ sợ nhất là bị lãng quên, không nhắc tới, tưởng nhớ tới. Người âm chỉ cần vậy mà thôi, chứ không phải mâm cao, cỗ đầy, đốt tiền vàng thật nhiều thì mới là có lòng thành kính.

Một con người thành công cần rất nhiều yếu tố, có nền tảng gia đình dựng sẵn là một điều tốt, không có thì cần họ phải cố gắng, chăm chỉ, trau dồi tri thức, kinh nghiệm, cố gắng từng ngày một.

Xin cảm ơn ông!