Lễ chùa đầu năm: Có còn là nét đẹp văn hóa tâm linh?
Cập nhật lúc: 19/02/2019, 10:20
Cập nhật lúc: 19/02/2019, 10:20
Hàng quán bày tràn lan trên đường lên động Hương Tích, chùa Hương.
Có hòa vào dòng người đi chùa vào đầu năm mới thấy hết sự bát nháo với những hình ảnh không đẹp mắt xuất hiện nhan nhản tại các khu vực đền chùa, nhất là những địa chỉ có tiếng.
Mặc dù những sự vụ này thường xuyên diễn ra hàng năm, nhưng có lẽ do sự dễ dãi, buông lỏng trong khâu tổ chức, quản lý… đã khiến tình trạng này trở thành “như cơm bữa” và mặc nhiên không thể thiếu trong mỗi dịp lễ hội.
Đầu tiên phải kể đến dịch vụ trông giữ xe quanh khu vực đền, chùa, đặc biệt tại khu vực Hà Nội. Ghi nhận tại một số điểm di tích, thắng cảnh tâm linh như đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, Bia Bà, tổ đình Phúc Khánh… những ngày qua cho thấy, lượng khách thập phương đi lễ cầu an đầu xuân khá đông. Kèm theo đó là dịch vụ trông xe tự phát, hàng quán mọc lên như nấm.
Tại tổ đình Phúc Khánh, mức giá trông giữ xe có ngày 15.000 đồng/xe máy, có ngày tăng lên 20.000 đồng/xe máy, 30.000 – 50.000/ô tô. Khách đi lễ chùa có thắc mắc thì nhận được câu trả lời rất “hồn nhiên”: Hôm qua khác, hôm nay khác vì hôm nay công an đi dẹp, không nhận trông nhiều xe nên phải tăng giá. Không gửi thì đi ra cho người khác gửi…
Mặc dù khu vực tổ đình Phúc Khánh đã có bãi giữ xe miễn phí cho người đi lễ chùa nhưng vẫn có rất nhiều người không biết nên phải cắn răng gửi xe tại các chỗ giữ xe này chứ không biết làm gì hơn.
Tương tự như vậy, tại đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, giá trông giữ xe mỗi chiếc xe máy ra vào bãi phải trả 10.000 đồng, ô tô là 50.000 đồng. Người dân còn cho biết, có thời điểm, giá trông giữ ô tô ở đây lên đến 100.000 đồng/xe, cao gấp nhiều lần so với quy định…
Chưa kể, nhiều nơi như đường dẫn lên chùa, thậm chí trong khu vực sân chùa, hoạt động kinh doanh được tận dụng triệt để với đủ thứ đồ chơi, các loại thực phẩm, cây cảnh, viết sớ, bán mâm lễ, khấn hộ, bói toán… nhằm đáp ứng nhu cầu của khách với giá không hề rẻ. Cá biệt, nhiều nhà hàng quanh khu vực chùa còn công khai bán thịt thú rừng nơi cửa Phật.
Tình trạng trên được báo chí liên tục phản ánh nhiều năm nhưng đến thời điểm hiện nay, dường như các cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án xử lý triệt để.
Đi xa hơn một chút đến khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), bên cạnh vị trí đỗ các phương tiện giao thông trong khu vực thuận tiện, sắp xếp các dịch vụ, hàng quán phục vụ khách đi lễ đúng quy định, thì vẫn còn xảy ra tình trạng cả một đoàn xe ôm chèo kéo khách đi vào đền Kiếp Bạc (giá 10 nghìn đồng/ 2 người), vào Côn Sơn (giá 15 nghìn đồng/ người) ngay từ khi xe khách vừa dừng bến và ngược lại, khiến cho khá nhiều du khách bất ngờ, khó chịu…
Ngoài ra, tại các chùa lớn, tình trạng người người chen lấn, xô đẩy cùng mâm lễ trên tay, đội lễ chen lên trước để được Phật “biết mặt, biết tên”, rồi xích mích, gây gổ. Nhiều người còn khấn vái rất to làm ảnh hưởng đến người bên cạnh. Hình ảnh những cô gái đi lễ chùa trong trang phục hở hang, phản cảm… vô tư thắp nhang lễ Phật cũng không phải là hiếm, bất kể đây là chốn tôn nghiêm.
Đi chùa đầu năm đã trở thành lễ hội tâm linh được dân gian hóa. Tuy nhiên, chính những hình ảnh và hành vi không đẹp mắt trên đã vô tình làm mất đi phần nào mục đích, ý nghĩa nhân văn của việc đi lễ chùa. Phật ở trong tâm mình, do vậy, đến cửa chùa là phải tâm lành, ý thiện.
Không phải cứ chen lấn, xô đẩy, dâng cúng hoành tráng thì ước nguyện linh ứng. Đến chùa không thể xin được sự bình an, hạnh phúc nếu chúng ta không biết rõ giá trị cuộc sống hay hành xử không đúng mực, văn minh…
12:40, 14/02/2019
06:00, 11/02/2019
06:50, 08/02/2019
09:49, 17/02/2018