19/01/2025 | 05:54 GMT+7, Hà Nội

Các bước hành lễ và những điều cần chú ý khi đi lễ chùa đầu năm mới

Cập nhật lúc: 17/02/2018, 09:49

Lễ chùa đầu xuân đã trở thành một phong tục cổ truyền, được người Việt coi trọng và gìn giữ qua nhiều thăng trầm, biến cố của thời đại.Xuất phát từ mong muốn đầu năm đi lễ cầu cho một năm gia đình bình an, bản thân khỏe mạnh và gặt hái được nhiều thành công.

Vì sao cần đi chùa đầu năm mới

Đầu năm đi lễ chùa là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam xuất phát từ tấm lòng thành kính dâng lên Phật cũng như mong muốn những điều tốt đẹp đến với người thân.

Cửa chùa đất Phật là chốn bình yên, thanh tịnh. Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới, vào đêm 30, sau khoảnh khắc giao thừa vừa đến hoặc sang năm mới, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, hái lộc cầu may.

Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyên, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi cửa phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.

Những bước hành lễ khi đi chùa

1. Đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước.

2. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.

3. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện.

4. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).

5. Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.

Những điều cần chú ý khi đi lễ chùa đầu năm mới

1. Nghi lễ thắp hương

Đối với hương que: Nên cắm thẳng, không để nghiêng lệch. Trường hợp thấy có hương cháy, không cần thắp và cắm tiếp. Chỉ cần thắp 1 nén hương là được, kị cắm cả thẻ/gói hương.

Đối với hương vòng: Chú ý đặt hương sao cho thuận với chiều kim đồng hồ.

Đối với hương tháp: Cần phải đặt hương tháp vào giữa đĩa hương hoặc lư hương.

Lưu ý: Dù là hương que, hương vòng hay hương tháp, khi thắp không để hương bị tắt. Không phải chỗ nào cũng được cắm hương. Những nơi như tay tượng, chân tượng, gốc cây, đồ lễ... không được tùy tiện cắm hương

Những điều cần chú ý khi đi lễ chùa đầu năm mới

Những điều cần chú ý khi đi lễ chùa đầu năm mới

2. Cách thức cúng bái

Trình tự lễ bái: Làm lễ ban thờ Đức Ông trước, sau đó lễ bái chư Phật, Bồ Tát. Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà Bái Đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu Chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện. Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).

Khi bước vào nhà chính của đền, chùa, không được đi vào từ cửa giữa, mà phải đi vào từ hai cửa bên (cửa phụ), đồng thời không được dẫm, đứng lên bậu cửa.

Không được tùy ý gây ồn ào, nói chuyện to nhỏ hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh. Đồng thời, không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.

Khi muốn bước đi hay bước lên phía trước, cần chọn hướng đi tách biệt, không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy.

Khi hành lễ, không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Tùy vào từng môn phái, có thể đứng hoặc quỳ khi làm lễ nhưng cần phải lên trước.

3. Dâng đồ lễ

Không nên cúng đồ mặn ở chùa.

Khi đi lễ chùa, không để tiền thật lẫn tiền âm phủ lên ban thờ hay mâm lễ. Nhưng tại đình đền có thể đặt tiền âm phủ nhưng không nên đặt tiền thật.

Khi đi đền chùa đầu năm, nên đặt tất cả tiền thật vào hòm công đức chính. Không nên đặt rải rác tiền trên tất cả ban thờ hay đặt vào tay, chân tượng. Nếu cẩn thận hơn, nên đặt tiền vào hòm công đức nào nằm lệch, không chính giữa ban thờ. Theo quan điểm phong thủy, hòm công đức đặt chính giữa, ngay phía trước ban thờ sẽ tạo ra trường khí xấu gây nhiễu loạn tại ban thờ. Đặt tiền vào đây vô tình làm trường khí xấu càng bị xáo động, gây bất lợi cho mọi người.

Không nên đặt các loại rượu, bia, thuốc lá không đặt được trên ban thờ Phật nhưng có thể đặt trên ban thờ Thánh.

4. Lấy lộc mang về nhà

Không ít người có thói quen mang các đồ đã cúng ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình. Điều này là không nên. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại, thêm nữa nhiều đồ có chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.

Nếu làm công đức, chỉ cần đặt tiền vào hòm, không cần lấy giấy công đức. Nếu có lấy cũng không nên mang về đặt lên ban thờ nhà mình để báo công.

Không lấy cành lộc mang về đặt lên ban thờ nhà mình. Theo phong thủy, cành lộc chứa nhiều trường khí âm, bất lợi cho gia tiên, thần linh tại gia.

Có thể lấy lộc là bánh kẹo, bao diêm, bật lửa nhưng đều không mang về đặt lên ban thờ.

Bùa, chú... đa phần có trường khí âm vì thế không nên mang về nhà, càng không nên đặt lên ban thờ hay nhét vào ví. Đặt bùa chú vào ví, cũng như luôn mang một trường khí âm, hỗn loạn theo người, chỉ gây thêm bất lợi cho bản thân mà thôi.