22/11/2024 | 03:13 GMT+7, Hà Nội

Thăng Long Tứ Trấn điểm đi lễ đầu năm không thể thiếu của người Tràng An

Cập nhật lúc: 07/02/2018, 13:01

Hà Nội với lịch sử hàng ngàn năm tuổi cùng hàng ngàn năm văn hiến, văn vật. Những dấu hiệu đó biểu hiện qua những di tích lịch sử những đình, đền, chùa miếu và đây cũng là nơi mà người dân thủ đô và người dân trên khắp cả nước mỗi khi tết đến xuân về lựa chọn đi lễ đầu năm.

Mỗi khi tết đến xuân sang, “Thăng Long Tứ Trấn” trong các triều đại phong kiến Việt Nam là nơi diễn ra các lễ hội Xuân và đây cũng chính là nơi vua chọn để dâng hương dịp đầu năm cầu cho quốc thái dân an bốn mùa tươi tốt. Và truyền thống tốt đẹp đó đã được tiếp nối cho đến tận ngày nay. 

Thăng Long Tứ Trấn ở Hà Nội gồm 4 ngôi đền linh thiêng trấn giữ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của thành Thăng Long bao gồm:

  • Trấn Đông - đền Bạch Mã
  • Trấn Tây - đền Voi Phục 
  • Trấn Nam - đền Kim Liên,
  • Trấn Bắc - đền Quán Thánh

1. Đền Bạch Mã 

Đền Bạch Mã

Đền Bạch Mã

Địa chỉ:  số 76 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vị thần được thờ: thờ thần Long Đỗ.

Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 xưa thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức. Thần Long Đỗ còn gọi là Tô Lịch giang thần (thành hoàng Hà Nội gốc). Theo truyền thuyết, đây cũng là vị thần đã làm thất bại các pháp thuật của viên quan đô hộ thời Bắc thuộc là Cao Biền.

Năm 1010, khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, định đắp thành nhưng nhiều lần thành đắp lên lại bị sụp đổ. Vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Thần được vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long. 

Hiện đền còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị như: bia đá, sắc phong, kiệu thờ, hạc thờ, đôi phỗng, Cùng với các giá trị về kiến trúc nghệ thuật, di tích đền Bạch Mã là một nguồn tư liệu quý để nghiên cứu, tìm hiểu Thăng Long-Hà Nội về nhiều mặt.

Hội Đền Bạch Mã được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch hằng năm, với những nghi thức tế lễ cùng một số hoạt động văn hóa khác như: hát ca trù, hát chèo, ngâm thơ, múa kiếm, múa đao… 

Có hơn một nghìn năm lịch sử, Đền Bạch Mã là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thủ đô Hà Nội.

2. Đền Voi Phục

Đền Voi Phục

Đền Voi Phục

Địa chỉ: phố Kim Mã La Thành, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. 

Vị thần được thờ: thờ hoàng tử Linh Lang.

Đền Voi Phục được lập từ thời Lý Thái Tông (1028-1054) ở góc phía tây nam thành Thăng Long cũ thuộc địa phận làng Thủ Lệ nay là công viên Thủ Lệ. Đền thờ hoàng tử Linh Lang, con của vua Lý Thái Tông, và bà phi thứ 9 Dương Thị Quang, nhưng tương truyền vốn là con của Long Quân, tên gọi là Hoàng Châu, thác sinh, là người có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, và đã hi sinh trên phòng tuyến sông Cầu vào năm 1076.

Sau khi mất, được người dân Thủ lệ lập đền thờ và được nhà vua sắc phong là Linh Lang đại vương thượng đẳng phúc thần. Thần đã nhiều lần âm phù giúp nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, và nhà Lê trong cuộc phục hưng. 

Cửa đền có đắp hai vị voi quỳ nên nhân dân gọi là đền Voi Phục. Trong đền còn lưu giữ tảng đá có vết lõm, tương truyền đó là dấu vết hoàng tử nằm gối đầu lên rồi hóa thành giao long và trườn xuống hồ. Trải qua những biến cố của lịch sử, chiến tranh, và nhiều lần trùng tu, đến nay kiến trúc của Đền đã thay đổi khá nhiều so với kiến trúc ban đầu.

Lễ hội của đền Voi Phục được tổ chức hàng năm với sự tham gia của cả những địa phương bên cạnh làng Thủ Lệ như Thuỵ Khuê, Cống Vị, Ngọc Khánh, Liễu Giai, Vạn Phúc v.v. và xa hơn như Bồng Lai (Đan Phượng), Lệ Mật. Chính hội diễn ra vào ngày 9 và 10 tháng hai âm lịch, tùy từng năm có thể kéo dài từ 3 tới 10 ngày. Trong dịp này đáng kể nhất có lễ rước kiệu và một vài tục lệ truyền thống khác.

3. Đền Kim Liên

Đền Kim Liên

Đền Kim Liên

Địa chỉ: 148 phố Kim Hoa, phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội. 

Vị thần được thờ: thờ Cao Sơn Đại Vương.

Đền Kim Liên thờ thần Cao Sơn, tương truyền rằng đây là con trai của Lạc Long Quân và Âu Cơ, một trong 50 người con theo mẹ lên núi. Thần Cao Sơn đã cùng Sơn Tinh (Thánh Tản Viên) chống lại Thủy Tinh mang lại sự bình yên cho nhân dân trăm họ. 

Sử sách do sử thần Lê Trung soạn năm 1510 còn ghi lại rằng khi vua Lê Tương Dực cầm quân dẹp loạn, khôi phục cơ nghiệp vua Lý Thái Tổ, đến địa phận huyện Phụng Hóa (nay là xã Văn Phương, Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) thì thấy có ngôi đề cổ ghi bốn chữ “Cao Sơn đại vương”.

Vua bèn khẩn cầu thần phù trợ, quả nhiên, chỉ sau mười ngày đại sự đã thành công. Nhằm nhớ ơn thần đã ngầm giúp dẹp loạn ở Đông Đô, vua cho xây dựng đền ở Thăng Long thời bấy giờ. Trong đền hiện đang lưu giữ tấm bia đá “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” ca ngợi công lao của vị thần này và 39 đạo sắc phong cho thần.

Tấm bia do sử thần Lê Tung soạn năm Canh Ngọ - Hồng Thuận thứ ba (tức năm 1510) có nội dung: “Cao Sơn lừng danh/Vòi vọi oai linh/Hễ cầu tất ứng/Ban khắp ơn lành/Ban thời vận rủi/Trời sinh Thánh Minh”.

Hội đền và đình Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm.

4. Đền Quán Thánh hay đền Trấn Vũ

Đền Quán Thánh

Đền Quán Thánh

Địa chỉ:  nằm ở ngã tư giao đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Vị thần được thờ: thờ Huyền Thiên Trấn Vũ.

Truyền thuyết xưa kể rằng: Huyền Thiên Trấn Vũ là thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà ma, yêu quái; trừ rùa thành tinh (đời Hùng Vương 14); trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ; giúp An Dương Vương trừ tinh gà trắng xây thành Cổ Loa; diệt hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông... Đến thời nhà Lê, các vua cũng thường đến đây để cầu mưa mỗi khi có hạn hán.

Đền được xây dựng vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ. Sau khi dời Đô về Thăng Long, vua cho rước bài vị của thần về ở phía tây bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế Quán – phúc thần của kinh thành. Năm 1823, Vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên Đền là Trấn Vũ Quán. Đến đời vua Thiệu Trị năm 1842, đổi tên là Đền Quán Thánh như hiện nay.

Đền Quán Thánh tổ chức chính hội vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm.

Trải qua những biến động thăng trầm của thời gian Thăng Long tứ trấn vẫn được coi là 4 ngôi đền linh thiêng của người Hà Nội nói riêng và của người Việt Nam nói chung. Và 4 ngôi đền này cũng là nơi mà người dân thủ đô đi lễ và cầu nguyện bình an cho gia đình trong những ngày đầu năm mới