18/01/2025 | 20:01 GMT+7, Hà Nội

Bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng sáng cửa hơn trong quý II/2023?

Cập nhật lúc: 01/05/2023, 09:03

Diễn biến thị trường tiền tệ cho thấy, lợi nhuận nhiều ngân hàng trong quý I/2023 chưa như kỳ vọng. Tuy nhiên, trên cơ sở tác động từ chính sách mới, quý II/2023 lợi nhuận ngành được dự báo có triển vọng.

Lợi nhuận quý I/2023 chậm lại

Bức tranh lợi nhuận quý I/2023 của ngành ngân hàng đã lộ diện rõ rệt. Tính đến hiện tại đã có 14 ngân hàng công bố về kết quả kinh doanh quý đầu năm. Trong đó, hầu hết các số liệu công bố đều cho thấy mức tăng trưởng dương, thậm chí có ngân hàng còn ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt đến cả vạn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so sánh với con số cùng kỳ năm trước thì mức lợi nhuận vẫn chưa phải là tốt nhất.

Cụ thể, vững vàng ở vị trí dẫn đầu vẫn là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với lợi nhuận riêng lẻ trong quý I đạt 11.050 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 11.200 tỷ đồng, đạt 26% kết hoạch năm 2023. Ngoài ra, tín dụng của Vietcombank đến hết quý I tăng 2,5%, huy động vốn tăng hơn 3,2%, cao hơn mặt bằng chung của hệ thống. Biên lãi ròng (NIM) cải thiện so với cuối năm ngoài, tăng khoảng 0,04 điểm %.

Với lợi nhuận vạn tỷ như vậy, Vietcombank bỏ xa ngân hàng đang đứng liền kề là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Lợi nhuận trong quý đầu năm 2023 của ACB đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch cả năm. Huy động vốn tăng trưởng 2,1% so với cuối năm trước; dư nợ tín dụng giảm nhẹ 0,6%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Trong khi đó, số liệu từ VPBank tại thời điểm kết thúc quý I/2022 cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, nếu so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận quý này của VPBank còn kém xa.

Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), lợi nhuận trước thuế quý đầu năm tăng nhẹ 12% lên mức 3.600 tỷ đồng. Với kết quả này, SHB đã thực hiện được khoảng 35% so với kịch bản lợi nhuận cả năm từ 10.200 - 10.600 tỷ đồng. Mặc dù vậy, mức 10,3% thấp hơn nhiều nếu so với mức tăng trưởng lợi nhuận 94% nhà băng này ghi nhận được trong quý I/2022.

Kế sau đó là 3 ngân hàng có lợi nhuận quý I trên 1.000 tỷ đồng, gồm: Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) với 1.765 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) với 1.566 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) với 1.500 tỷ đồng…

Diễn biến thị trường tiền tệ cho thấy quý I/2023 nhiều ngân hàng có lợi nhuận chưa như kỳ vọng. (Ảnh minh hoạ: Thời báo kinh doanh)
Diễn biến thị trường tiền tệ cho thấy quý I/2023 nhiều ngân hàng có lợi nhuận chưa như kỳ vọng. (Ảnh minh hoạ: Thời báo kinh doanh)

Mới đây, Vụ Dự báo (Ngân hàng Nhà nước) cũng công bố một số kết quả chính của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng. Theo đó, các tổ chức tín dụng đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng. Đánh giá triển vọng cả năm 2023, có 88,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Bà Trần Thị Thu Thảo, chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT dự báo, tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ chậm lại, đạt khoảng 11% so với cùng kỳ trong năm 2023 - 2024, thay vì mức 32% của năm 2022. Nguyên nhân do khả năng tăng trưởng tín dụng chậm lại do lãi suất cho vay quá cao, thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, biên lãi ròng (NIM) thu hẹp và tỷ lệ chi phí tín dụng gia tăng. Ngoài ra, thanh khoản hệ thống, dù có cải thiện, song vẫn hạn hẹp cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm lại.

Những yếu tố trên sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong bối cảnh 80% thu nhập của ngành tới từ tín dụng.

Triển vọng lợi nhuận tốt hơn từ quý II/2023 đến dài hạn

Ngay từ đầu năm, trước viễn cảnh nền kinh tế tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, các ngân hàng có phần thận trọng đặt ra các mục tiêu kinh doanh trong năm 2023 khi cầu tín dụng tăng thấp, chi phí tín dụng cao đi đôi với nợ xấu leo thang.

Theo đó, nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank và BIDV khá dè dặt khi đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2023, chỉ khoảng từ 10 - 13% trong khi nhóm ngân hàng thương mại đề ra các mục tiêu tham vọng hơn như VPBank (33%), VIB (25%) và HDBank (24%).

Dù vậy, trong bức tranh lợi nhuận quý I/2023 có chậm lại nhưng kỳ vọng quý II/2023, ngành ngân hàng vẫn hiện lên những điểm sáng cho thấy sự tăng trưởng.

Cụ thể, lãi suất cho vay đang hạ nhiệt cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ triển khai sẽ giúp cầu tín dụng tăng trở lại trong thời gian tới, từ đó kết quả kinh doanh của các ngân hàng kỳ vọng sẽ dần cải thiện.
Mặt khác, thế giới đang chuyển xu hướng từ thắt chặt sang nới lỏng, thị trường chứng khoán đã bắt đầu tạo đáy. Trong bối cảnh này, những cổ phiếu mang tính chu kỳ lớn như ngân hàng, chứng khoán sẽ đi trước. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ngân hàng nằm trong nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng cao nhất thị trường và cao hơn VN-Index. Thực tế, ngành ngân hàng vẫn đang có sự tăng trưởng ổn định và triển vọng sáng sủa hơn thời gian tới. 

Đặc biệt, với các chính sách triển khai gần đây, các thông tư mang tính hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường mới ban hành được dự báo sẽ có tác động tích cực lên nền kinh tế và hoạt động của ngành ngân hàng nói riêng.

Cụ thể, thông tư 02/2023/TT-NHNN có hiệu lực từ 24/4/2023 tới 30/6/2024 cung cấp công cụ giúp các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng trong thời hạn tối đa 12 tháng và giữ nguyên nhóm nợ trong khi các khoản dự phòng có thể được khấu hao trong 2 năm.

Còn Thông tư số 03/2023/TT-NHNN đã hoãn thi hành Khoản 11 Điều 4 Thông tư 16/2021, đồng nghĩa với việc tiếp tục cho phép ngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng còn yếu (khoảng 2% tại cuối quý I/2023) và thanh khoản tại ngân hàng đang dư thừa.

"Dưới góc độ đầu tư cổ phiếu ngân hàng, khi Ngân hàng Nhà nước có động thái tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng nợ xấu, thì nhóm ngân hàng tư nhân sẽ được lợi nhiều nhất, vì đây là nhóm có dư nợ cho vay bất động sản khá cao trên tổng dư nợ cho vay", một chuyên gia tài chính nhìn nhận và đánh giá, cổ phiếu ngân hàng vẫn đang ở vùng giá hấp dẫn và phù hợp cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Mặt khác, định giá của cổ phiếu ngân hàng cũng được đánh giá đang ở mức thấp lịch sử tạo ra cơ hội đầu tư dài hạn hấp dẫn. Hiện tại, sức khỏe nội tại các ngân hàng đã được cải thiện hơn nhiều so với trước đây và ngành ngân hàng vẫn được hưởng lợi nhiều nhất từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Do đó, lợi nhuận trong quý II/2023 được dự báo có triển vọng tốt hơn quý đầu năm.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định: "Có thể nói đây là những quyết sách mạnh, được doanh nghiệp, người dân và tổ chức tín dụng kỳ vọng với một số tác động chính như: giúp ngăn gia tăng nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, của bên vay; hỗ trợ thanh khoản, khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2023 và đến giữa năm 2024, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về dòng tiền, dòng vốn cho doanh nghiệp, người dân, duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, tạo dòng tiền mới để trả nợ đáo hạn và mở rộng sản xuất kinh doanh sau này. Như vậy, ngành ngân hàng nói chung cũng hưởng lợi từ các chính sách mới này”./.
 

Nguồn: https://reatimes.vn/loi-nhuan-nganh-ngan-hang-sang-cua-hon-trong-quy-ii-20201224000019235.html