23/11/2024 | 12:51 GMT+7, Hà Nội

Bộ Tài chính không nên quên vụ “bắn nhầm quân mình”?

Cập nhật lúc: 06/03/2020, 19:00

Cho dù đã có nhiều lời giải thích, nhưng đến giờ này, chủ trương chống chuyển giá của ngành thuế đã để lại một vết đen khó lòng xóa nhòa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đó là sự “bắn nhầm đồng đội”!

Nếu hằng ngày ai thường xuyên theo dõi các chương trình thời sự trên tivi thì hẳn không tránh khỏi áp lực lo lắng cho nền kinh tế nước nhà trước thách thức của dịch cúm Covid-19.

Làm thế nào để tạo thêm nguồn lực giúp cho các doanh nghiệp tăng sức đề kháng, đó là câu hỏi mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thường xuyên đặt ra với các bộ, ngành và các địa phương như những việc cần phải làm ngay.

Không chỉ là ý chí, tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng yêu cầu phải giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các địa chỉ cụ thể để triển khai thực hiện ngay, không nói chung chung, không nói lòng vòng. Đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ có một gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng lãi suất thấp, một gói hỗ trợ từ tài khóa như hoãn, giãn về tài chính ít nhất gần 30.000 tỷ để phục vụ mục tiêu này.

Nóng như thế, quyết liệt như thế, vậy mà mới đây, Bộ Tài chính lại có một văn bản tựa như “dội một gáo nước lạnh” vào ý chí chống đỡ khó khăn của các doanh nghiệp qua Tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Cho dù đã có nhiều lời giải thích, nhưng đến giờ này, chủ trương chống chuyển giá của ngành thuế đã để lại một vết đen khó lòng xóa nhòa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đó là sự “bắn nhầm đồng đội”!

Ảnh minh hoạ.

Ngay từ khi ra đời, Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 đã tạo phản ứng mãnh liệt trong giới doanh nghiệp, đặc biệt tại các tập đoàn lớn theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Khi đó, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đã liên tục có công văn gửi tới Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ và cho rằng, Nghị định 20 chủ yếu nhằm mục tiêu chống chuyển giá và chống thất thu thuế đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, với doanh nghiệp trong nước, chi phí của doanh nghiệp này sẽ là thu nhập của doanh nghiệp khác và tất cả đều nộp thuế ở Việt Nam. Do đó, việc áp dụng các quy định khống chế chi phí lãi vay như vậy là "không cần thiết, không đúng với tinh thần và mục đích quy định của pháp luật”.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Nhiệt điện Quảng Ninh..., cũng đã gửi văn bản về Bộ Tài chính đề nghị tháo gỡ vướng mắc tại Nghị định 20. Trong đó, có công ty phát sinh thêm hơn 400 tỷ đồng, thậm chí cao hơn nhiều lần. Do vậy, nếu tính tổng các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết, con số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nội dung trong Nghị định 20 có thể lên tới hàng nghìn doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản tháng 5/2019, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bức xúc nói: “Các tập đoàn lớn đứng ra vay tiền, cho vay chỉ là vay nội bộ tập đoàn thôi. Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính giải thích là để chống chuyển giá nhưng lại bắn trượt mục tiêu, bắn trúng quân ta, toàn bắn vào doanh nghiệp mình. Nói nặng thì là vi phạm nhưng nói nhẹ thì là không phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp”.

Dòng giã 3 năm trời, đến nay, khi cả nước đang gồng mình hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển chống đại dịch Covid-19 thì Bộ Tài chính có tờ trình Chính phủ để sửa lại điều khoản này. Ai cũng mong đợi có sự chia sẻ cùng Chính phủ!

Thôi thì có sai có sửa, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp bị “bắn nhầm” suốt từ năm 2017 đến nay đã bị oan sai. Bởi lẽ cùng một dòng tiền trong một doanh nghiệp mẹ - con, có những khoản đã bị đánh thuế 2 lần, trái với quy định của pháp luật.

Cái sai này không thuộc về doanh nghiệp nên cần phải khắc phục hậu quả cho họ.

Nhưng bất hạnh thay, vẫn theo lệ thường từ xưa đến nay, việc cơ quan chính quyền nhận cái sai về mình còn khó hơn là nước chảy ngược. Khi đông đảo các doanh nghiệp đề nghị cần phải “hồi tố” các khoản thu sai thì các cơ quan có trách nhiệm lại né tránh hoặc xử lý nửa vời.

Ảnh minh hoạ.

Trong văn bản đề nghị thẩm định bản dự thảo sửa đổi của Bộ Tài chính gửi Bộ Tư pháp có mục Điều khoản thi hành. Tại đây, việc hồi tố đã được đề cập với tinh thần nếu đã bị oan sai thì được khắc phục.

Tuy nhiên, không hiểu đây có phải là “võ tung hứng” của các nhà làm luật không, Bộ Tư pháp lại đề nghị rằng, phải “xem xét nội dung cho áp dụng hồi tố đối với việc xác định khống chế chi phí lãi vay năm 2017 và 2018 phải đảm bảo lợi ích chung của xã hội, lợi ích của tổ chức, cá nhân đã được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội”.

Và thế là, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, hồn nhiên bỏ quy định hồi tố mà không có lời giải thích rằng đâu là “lợi ích chung của xã hội” và đâu là “lợi ích của tổ chức, cá nhân”!

Tôi không hiểu các nhà soạn thảo những văn bản này suy nghĩ như thế nào, nhưng có một điều bất di bất dịch mà hiến pháp và nhiều bộ luật quốc gia đều đã khẳng định: Mọi tài sản hợp pháp của cá nhân và tổ chức đều được Nhà nước bảo hộ. Mà hiến pháp và nhiều bộ luật quốc gia liên quan đến bảo hộ tài sản hợp pháp của công dân đã ra đời trước Nghị định 20 rất lâu rồi!

Nay “các ông” thu thuế chồng thuế, đồng tiền thu nhập hợp pháp của doanh nghiệp bị thu một cách oan uổng, vậy không trả người ta được sao?