19/01/2025 | 15:27 GMT+7, Hà Nội

Bất cập của nghị định 20/2017/NĐ-CP: Đừng để "chờ được vạ thì má đã sưng"!

Cập nhật lúc: 20/07/2019, 23:30

Theo ý kiến của đại diện nhóm doanh nghiệp bất động sản, việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp nhiều khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn...

jggh

Ngành bất động sản với đặc trưng là phải có nhiều công ty con để đứng ra đấu thầu và triển khai nên việc vay càng nhiều càng thiệt là điều khó tránh khỏi. Ảnh minh họa

Vô tình làm khó cho doanh nghiệp nội

Nghị định 20 của Chính phủ “Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có liên kết” bắt đầu hiệu lực từ ngày 1/5/2017. Mục tiêu là để ngăn ngừa, phòng chống chuyển giá, đặc biệt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong đó, nội dung quan trọng là khống chế “tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Điều này có thể hiểu, với phần chi phí lãi vay của doanh nghiệp vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn, Nghị định 20 lại ảnh hưởng "ngoài ý muốn" lên khối doanh nghiệp Việt, đặc biệt các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ - con, trong đó ngành bất động sản với đặc trưng là phải có nhiều công ty con để đứng ra đấu thầu và triển khai nên việc vay càng nhiều càng thiệt là điều khó tránh khỏi.

Trước những chồng chéo mà Nghị định 20 gây ra, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đánh giá, với tiềm lực tài chính còn hạn chế, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam sẽ vượt mức trần 20% và “càng vay nhiều càng thiệt”.

TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP.HCM cũng cảnh báo, nếu áp dụng Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, các doanh nghiệp phát sinh số thuế phải nộp lên đến hàng nghìn tỷ đồng, bởi phần chi phí lãi vay vượt trần 20% sẽ không được khấu trừ để tính thuế.

Các doanh nghiệp, trước nguy cơ phát sinh thuế do cơ chế không rõ ràng, cũng đã trỗi dậy, đỉnh điểm là mùa quyết toán thuế 2018. Theo đó, các doanh nghiệp cho rằng, quy định này chưa khắc phục được việc chống chuyển giá của các “ông lớn” FDI có nhiều giao dịch ma, liên kết chằng chịt, song lại “bắn trúng quân mình” là các doanh nghiệp trong nước.

Đơn cử như trường hợp của Công ty may Sài Gòn 3. Công ty này có đòn bẩy tài chính khá cao, tỷ lệ vay nợ lớn do đặc thù ngành may mặc phải gia công, mua vật liệu sản xuất, lắp đặt dây chuyền...

“Với dệt may, mở rộng đầu tư sẽ lỗ chổng vó. Siết như vậy lại vô tình làm khó cho doanh nghiệp nội”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Công ty may Sài Gòn 3 nêu kiến nghị.

Đại diện Tập đoàn Masan cũng cho rằng, hiện hoạt động mũi nhọn mà Masan đầu tư là nông nghiệp. Nhà nước đang có chính sách ưu đãi vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, Masan hoạt động theo mô hình tập đoàn, quản lý tập trung. Sau đó, phân bổ nguồn vốn xuống cho các công ty con. Thực tế, các công ty con không đủ uy tín, vốn nên các công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn.

"Với Nghị định 20, tôi thấy các chuyên gia chỉ đề xuất miễn trừ cho doanh nghiệp cùng thuế suất, khi công ty mẹ huy động vốn cho công ty con hoạt động, nhưng công ty con đang được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, vậy là đã có khác biệt giữa công ty mẹ và công ty con. Với trường hợp như vậy thì sao?", đại diện Masan đặt câu hỏi.

Theo đại diện Masan, nhìn trên góc độ tập đoàn, vốn đó là vốn vay của công ty mẹ. Do đó, Khoản 3, điều 8 của Nghị định 20 là bất hợp lý. Nghị định 20 nếu áp dụng thì hầu hết chi phí lãi vay của công ty mẹ vay để đầu tư nông nghiệp đã bị loại bỏ.

"Tôi cho rằng, không nên nói các doanh nghiệp có cùng thuế suất mới được miễn trừ, cần xem xét bản chất khoản vay có từ bên thứ 3 không và chi phí đó có hợp lý hay không, mang lại doanh thu hay không?

Nghị định 20 không được nằm ngoài Luật về Thuế thu nhập doanh nghiệp. Nó vẫn phải nằm trong sự điều chỉnh của Luật này. Do vậy, tôi cho rằng đó là vướng mắc, nhất là các doanh nghiệp đầu tư vào vùng khó khăn, y tế...", đại diện Masan chia sẻ.

Nhà đầu tư cũng phải đặt cược... rất lớn

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Địa ốc Hoàng Quân cho biết, trên thị trường bất động sản các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội ảnh hưởng lớn hơn nhiều doanh nghiệp làm nhà ở thương mại.

Cụ thể, đối với các doanh nghiệp nhà ở xã hội, sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết, các doanh nghiệp phải vay với lãi suất thương mại nhưng lại bị khống chế trần lãi vay 20%, khống chế mức lợi nhuận 10% vô tình sẽ làm hạn chế sự phát triển đầu tư dự án nhà ở xã hội. Ở góc độ ngân hàng, họ sẽ hạn chế các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội. Với các cổ đông, họ bị hạn chế do vốn liên kết.

Thứ hai, hầu hết các tập đoàn về bất động sản đều có công ty liên kết. Việc liên kết này còn diễn ra ở cá nhân, ở một dự án hay một sản phẩm vì vậy các cá nhân cũng bị ảnh hưởng bởi Nghị định này. Chưa kể, một dự án cũng được tính vào quy định này. Khi hợp tác, doanh nghiệp bỏ vốn vào dự án cũng sẽ bị ảnh hưởng, điều đó khiến không ai dám bỏ vốn vào đầu tư dự án.

“Chúng ta rất mừng là Chính phủ đã khuyến khích các startup. Nhiều hộ gia đình, cá thể đã chuyển sang mô hình startup. Nhưng việc áp dụng Nghị định 20 sẽ khiến việc kêu gọi vốn gặp khó khăn. Các nhà đầu tư phải đặt cược rất lớn", ông Tuấn phân tích.

Đại diện Tập đoàn CEO phân tích: Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế...", là không phù hợp với nguyên tắc tự do kinh doanh đã được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2014, không phù hợp với thực tế, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến cáo, có những doanh nghiệp vay vốn từ ngân hàng mẹ khiến chi phí hoạt động của họ rất cao và từ đó, họ báo cáo lỗ để tránh nộp thuế. Việc khống chế trần 20% sẽ khiến các doanh nghiệp FDI không báo cáo lỗ như trước và phải nộp thuế. Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng bị quy định này ảnh hưởng khi vay vốn ngân hàng để hoạt động.

“Chi phí vốn chiếm phần rất lớn trong chi phí hoạt động của doanh nghiệp và phần này đáng lẽ không phải đóng thuế. Nếu khống chế trần thế này thì doanh nghiệp phải đóng thuế rất nhiều, bất lợi cho doanh nghiệp trong nước. Do đó, quy định này chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài, không cần thiết có trần lãi vay cho doanh nghiệp trong nước”, ông Hiếu nói./.

Nguồn:https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/bat-cap-cua-nghi-dinh-20-2017-nd-cp-dung-de-cho-duoc-va-thi-ma-da-sung-37697.html