19/01/2025 | 05:51 GMT+7, Hà Nội

Biểu hiện và cách phòng chống viêm não mô cầu

Cập nhật lúc: 03/03/2016, 23:35

Sự xuất hiện mới đây của chứng viêm não mô cầu được phát hiện ở một bệnh nhân tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã làm dấy lên nỗi lo lắng về sự an toàn tính mạng của mọi người.

Đây không phải một loại bệnh hay virus mới xuất hiện, tuy nhiên, hậu quả mà nó gây ra lại vô cùng khôn lường. 

Biểu hiện của viêm não mô cầu

Triệu chứng bệnh khi xuất hiện ở trẻ nhỏ, trẻ dưới 1 tuổi là: Sốt,  bỏ bú, quấy khóc, vật vã, rên, cực kỳ mệt mỏi, không thích bế ẵm, buồn nôn hoặc nôn, tiêu chảy, tránh ánh sáng (sợ ánh sáng), lơ mơ, co giật, phát ban thành những chấm đỏ hoặc tím hoặc đám bầm tím lớn.

Còn ở trẻ lớn và người lớn, dấu hiệu viêm não mô cầu ban đầu là gây sốt, đau đầu, chán ăn, cứng gáy, khó chịu khi nhìn vào ánh sáng (sợ ánh sáng), buồn nôn và/hoặc nôn, tiêu chảy, đau hoặc nhức cơ, khớp đau hoặc sưng, khó đi lại, cảm giác không khỏe, rên, nói lảm nhảm, lơ mơ, lú lẫn, bất tỉnh, phát ban là những chấm màu đỏ hoặc tím hoặc vết bầm tím lớn.

Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-10 ngày. Do đó, khi có những dấu hiệu vừa kể trên, kèm sốt cao liên tục không giảm trên 2 ngày, người nhà nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Làm gì khi phát hiện bệnh?

Viêm não mô cầu là bệnh vô cùng nguy hiểm 

Khi phát hiện có biểu hiện bệnh, bệnh nhân cần tới ngay cơ sở y tế uy tín để kiểm tra.

Khi nhập việc bệnh nhân sẽ được chỉ định làm công thức máu, cấy máu, chọc dò tủy sống, phết tử ban và phết họng để soi cấy tìm não mô cầu.

Kết quả công thức máu sẽ thấy bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao, chọc dò tủy sống sẽ thấy dịch não tủy đục.

Khi soi dịch não tủy sẽ thấy song cầu trùng gram âm như hai hạt cà phê dính liền nhau, cấy vi khuẩn sẽ tìm thấy được vi khuẩn não mô cầu, cấy máu sẽ phân lập được vi khuẩn não mô cầu.

Đã có vắc xin chủng ngừa chưa?

Mặc dù đã có vắc xin chủng ngừa cho căn bệnh này nhưng vắc xin được chỉ định tiêm cho những người có nguy cơ bị bệnh cao như người hiện đang sống trong vùng có dịch xảy ra, người sắp đi du lịch hoặc tới các vùng đang có dịch...

Hiện có 3 loại vắc xin:

  • Loại ngừa type A, C, Y và W-135
  • Loại ngừa 2 type A và C
  • Loại ngừa 2 type B và C của khuẩn này

Vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu là vắc xin cộng hợp (liên kết giữa polysaccarit và protein vận chuyển).

 Đã có vắc xin chủng ngừa viêm não mô cầu

Biến chứng của viêm não mô cầu là gì?

Người mắc bệnh màng não cầu có thể bị những tình trạng sau:

  • Viêm màng não (Dấu hiệu bao gồm sốt, cứng gáy, lơ mơ, kích thích vật vã và bỏ ăn)
  • Nhiễm trùng huyết
  • Viêm phổi
  • Viêm khớp
  • Tổn thương não vĩnh viễn
  • Tử vong

Các biến chứng như viêm màng não và nhiễm trùng huyết là những cấp cứu y tế. Nếu thấy ai đó có những triệu chứng nghi ngờ viêm màng não hoặc nhiễm trùng huyết như mô tả ở trên, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Khoảng 1/4 số người sau khi khỏi bệnh màng não cầu bị những di chứng của bệnh. Hầu hết các vấn đề sẽ thuyên giảm theo thời gian.

Một số những di chứng hay gặp là: Đau đầu, điếc một hoặc hai bên tai, ù tai, nhìn mờ hoặc nhìn đôi (song thị), đau và cứng khớp, suy giảm trí tuệ.

Làm thế nào để phòng chống viêm não mô cầu?

Theo Betterhealth, vi khuẩn màng não cầu chỉ được truyền từ người này sang người khác qua tiếp xúc gần thường xuyên kéo dài trong gia đình hoặc tiếp xúc thân mật với dịch tiết nhiễm khuẩn từ sau mũi và họng. Do vậy, tỷ lệ bệnh này lây lan qua người với người sẽ rất thấp.

Bệnh màng não cầu ít gặp nhưng nghiêm trọng.

Cần tiếp tục tìm kiếm sự giúp đỡ từ bác sĩ hoặc bệnh viện thường xuyên khi cần thiết nếu thấy lo ngại.

Chủng ngừa chống lại vi khuẩn màng não cầu có tác dụng bảo vệ tốt chống lại bệnh màng não cầu.

Trong thời điểm giao mùa, thời tiết biến đổi thất thường, mọi người cần chú ý tập thể dục, bổ sung các chất dinh dưỡng giúp tăng sức đề kháng, vệ sinh nơi ở thường xuyên.