18/01/2025 | 16:16 GMT+7, Hà Nội

Tránh bệnh tật nhờ biết Vận khí năm Bính Thân

Cập nhật lúc: 03/03/2016, 10:31

Năm Bính Thân, bạn có thể tránh được bệnh tật, những căn bệnh thường ngày dễ mắc phải trong khi tiết trời có thay đổi nhờ vào “Vận khí học”. Đây là một bộ môn của Ðông y học chuyên dự báo về thời tiết khí hậu hàng năm, cùng tác động đối với sức khỏe con người.

Vận khí học là gì?

“Vận khí học” là tên gọi tắt của “Ngũ vận - Lục khí”. Ðó là một bộ môn của Ðông y học chuyên dự báo về thời tiết khí hậu hàng năm, cùng tác động đối với sức khỏe con người.

Vận khí học dùng lý luận âm dương ngũ hành làm công cụ phân tích. Ngũ vận biểu tượng bằng ngũ hành: mộc, hỏa, thổ, kim, thủy; đó là những nhân tố tạo nên sự biến hóa của khí hậu trên mặt đất. Còn Lục khí biểu tượng bằng: phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa; đó là những nhân tố tạo nên sự biến hóa của khí hậu trong không gian.

Tình hình khí hậu và bệnh tật các giai đoạn trong năm (theo Lương y Thái Hư)

Từ Đại hàn đến Xuân phân (21/01-21/03)

Chủ khí là Quyết âm phong mộc, khách khí là Thiếu âm quân hỏa. Phong nhiệt đồng hóa, nên khí hậu ấm áp khác thường; cỏ cây tốt tươi sớm, tuy đôi khi vẫn có những đợt lạnh nhưng chỉ ảnh hưởng không đáng kể. Trong giai đoạn này dễ xuất hiện các bệnh ôn nhiệt, các chứng viêm, sốt, các bệnh nhiễm trùng,...

Để phòng ngừa bệnh tật, cần tuân theo nguyên tắc: Ba tháng mùa xuân, nên đi ngủ sớm và dậy sớm, tản bộ ở ngoài trời để làm cho tinh thần thoải mái. Ăn uống cần hạn chế những thứ cay nóng, chớ uống nhiều rượu.

Từ Xuân phân đến Tiểu mãn (21/03-21/05)

Chủ khí là Thiếu âm quân hỏa; Khách khí là Thái âm thấp thổ. Trong giai đoạn này dễ xuất hiện các bệnh “nhiệt uất”; đau đầu, phát sốt, ho, đau họng, nôn mửa, ngực sườn đầy tức, thần chí không tỉnh táo...

Để dự phòng, có thể dùng những vị  thuốc có tác dụng thanh nhiệt hóa thấp như bạch biển đậu (đậu ván trắng), trúc diệp (lá tre, trúc), lô căn (rễ sậy)... sắc nước uống thay trà.

Từ Tiểu mãn đến Đại thử (21/05-23/07)

Chủ khí và khách khí đều là thiếu dương tướng hỏa. Khí hậu viêm nhiệt, nắng nóng nhiều và rất ít mưa. Dễ xuất hiện các bệnh hỏa nhiệt, tai ù, mắt mờ, mũi tắc, mũi chảy máu, miệng khát, họng đau, ho khan, xuất huyết,...

Đặc biệt, trong giai đoạn khí hậu khô nóng này rất dễ xuất hiện bệnh viêm não B. Để dự phòng, cần ăn uống thanh đạm, tránh ăn nhiều các món xào rán béo ngậy. Trong những ngày viêm nhiệt, nóng gắt, nên dùng trúc diệp, mạch môn, kim ngân hoa, chi tử...  sắc nước uống thay trà trong ngày.

Từ Đại thử đến Thu phân (23/07-23/09)

Chủ khí là Thái âm thấp thổ, khách khí là Dương minh táo kim. Thời tiết lúc nóng lúc lạnh, lúc nắng lúc mưa, đêm và sáng đã có sương xuống. Thường xuất hiện các chứng trướng đầy, thân thể và chân tay nặng nề.

Để dự phòng, nên kết hợp các vị thuốc thanh phế nhuận táo với các vị thuốc ôn phế nhuận táo, như thiên môn, mạch môn, huyền sâm, tang diệp,... tử tô, thông bạch, sinh khương... sắc nước uống trong ngày.

Từ Thu phân đến Tiểu tuyết (23/09-22/11)

Chủ khí là Dương minh táo kim. Khách khí là Thái dương hàn thủy. Thời tiết thường hay có mưa, cỏ cây khô héo và rụng lá sớm hơn. Trong giai đoạn này dưỡng sinh phòng bệnh cần chú ý giữ ấm, tránh để cho hàn tà xâm phạm.

Nên kết hợp thêm với các vị thuốc có tác dụng ôn kinh tán hàn, phù dương ích khí, như can khương, nhân sâm, nhục quế, cao lương khương, nhục quế...

Từ Tiểu tuyết đến Đại hàn (22/11-21/01)

Chủ khí là Thái dương hàn thủy; Khách khí là Quyết âm phong mộc. Trời rét, gió thổi mạnh và thường hay xuất hiện mây mù. Thời gian này, bệnh dễ phát tác ở các tạng tâm, phế; cần chú ý dự phòng các bệnh hô hấp và tim mạch.

Tối nên đi ngủ sớm, sáng nên dậy muộn hơn một chút. Ăn uống nên bổ sung những thứ có tác dụng bổ dương tán hàn như canh thịt dê đương quy, canh gà, xương dê hầm.../.