19/01/2025 | 23:49 GMT+7, Hà Nội

Biến đổi khí hậu đang 'huỷ diệt' thế giới với tốc độ kinh hoàng

Cập nhật lúc: 01/10/2019, 13:10

Tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày một nghiêm trọng trên Trái đất.

Phát biểu tại Hội nghị Khí hậu Abu Dhabi hồi tháng 6 vừa qua, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo: "Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp đặc biệt về khí hậu" và "biến đổi khí hậu mang tính hủy diệt đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh... nhanh hơn các dự đoán của các chuyên gia giỏi nhất thế giới".

Ông nhấn mạnh, mỗi tuần, thế giới phải chứng kiến những đợt thiên tai có mức độ tàn phá nghiêm trọng mới liên quan đến khí hậu như lũ lụt, hạn hạn, gió nóng, cháy rừng và siêu bão. Sự hủy diệt đó vượt qua mọi nỗ lực ứng phó của các nước hiện nay.

Một cơn bão sấm siêu mạnh (Supercell Thunderstroms) có khả năng tạo ra lốc xoáy, bởi vậy nó còn được mệnh danh là “mẹ của vòi rồng” nguy hiểm nhất
Sự biến đổi khí hậu trên toàn cầu đang hàng ngày gây ra sự nóng lên của Trái Đất, kéo theo đó là vô số hệ lụy như băng tan, nước biển dâng cao, nắng nóng... Dưới đây là những hệ lụy mà biến đổi khí hậu đã gây ra trên toàn thế giới.
Thung lũng Tehucan tại vùng miền tây nam Mexico từ lâu đã ở tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng do hạn hán, biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa quá nhanh. Ảnh sưu tầm.

Nước biển dâng cao

Chỉ trong thập kỷ vừa qua, tốc độ gia tăng của mực nước biển đã tăng gần gấp 3 lần so với thế kỷ trước.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, do tác động trực tiếp của tình trạng biến đổi khí hậu, mực nước biển trên đại dương toàn cầu đã tăng từ 15-20cm kể từ năm 1900. Cho đến gần đây, mực nước biển gia tăng là do thể tích nước tăng lên vì nền nhiệt cao hơn.

Thung lũng Silicon (Mỹ) có nguy cơ bị nước biển nhấn chìm. Nguồn: The Social Investment Consultancy.

Các nhà khoa học cho rằng mực nước tại các đại dương sẽ dâng cao bao nhiêu vào năm 2100, chủ yếu sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ Trái Đất sẽ gia tăng thế nào.

Ngày nay, hiện tượng các sông băng bị tan chảy, đặc biệt các tảng băng ở đỉnh Greenland ở Bắc Đại Tây Dương và Nam Cực tan chảy đã trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng nhanh.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã phải cảnh báo về hiện tượng nước biển dâng hoặc người dân phải tản cư vì nước biển nhấn chìm các khu vực ven biển.

Thời tiết cực đoan

Trên toàn thế giới, biến đổi khí hậu đang biến những mùa hè rực rỡ thành ác mộng về nhiệt độ, gây hậu quả tàn khốc cho nền kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Nhiều nước châu Âu đưa ra cảnh báo về tình hình thời tiết cực đoan. Ảnh: VOX.

Ảnh hưởng của cơn ác mộng này có thể thấy rõ ở từng cá nhân: mất nước, mệt mỏi, sốc nhiệt, thậm chí mất mạng. Đối với kinh tế, nắng nóng đi kèm với hạn hán cũng đang trở thành “kẻ thù” của ngành nông nghiệp. Ngành vận tải đường thủy tại nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề do các dòng sông cạn nước. Chất lượng của cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường sá cũng đang chịu tác động lớn từ nhiệt độ cao.

Và những hệ quả này cũng mới chỉ là những phần nổi của tảng băng. Xa hơn nữa, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng đến sự sống còn của toàn nhân loại.

Hệ sinh thái bị phá hủy

Biến đổi khí hậu và lượng CO2 ngày càng tăng đang “thử thách” hệ sinh thái của chúng ta. Các vấn đề như không khí bị ô nhiễm, thiếu nước ngọt, nhiên liệu bị khan hiếm… không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn liên quan đến vấn đề sinh tồn.

Biến đổi khí hậu sẽ làm biến dạng nhiều hệ sinh thái toàn cầu. Ảnh minh họa.

San hô bị tẩy trắng do nước biển ấm chỉ là một trong những hậu quả mà biến đổi khí hậu đem đến cho hệ sinh thái. Những thay đổi triệt để hơn có thể kể đến như hiện tượng sa mạc hoá.

Chiến tranh, xung đột

Dân số tăng trong khi nước ngọt và lương thực ngày càng khan hiếm, đất đai thì dần dần biến mất. Điều này dẫn đến các nước và vùng lãnh thổ xảy ra xung đột và chiến tranh.

Hàng tỉ người dân sống trong cảnh thiếu nước sạch trên thế giới. Ảnh minh họa.

Cuộc xung đột Darfur là một xung đột điển hình do biến đổi khí hậu gây ra. Cuộc xung đột xảy ra do hạn hán kéo dài tại nơi đây. Suốt 20 năm, vùng này chỉ mưa rất nhỏ, thậm chí có năm còn không mưa. Điều này khiến nhiệt độ của vùng tăng cao và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Cũng theo các chuyên gia, việc thường xuyên khan hiếm nước và mùa màng thất bát khiến các quốc gia đó bất ổn về an ninh.

Ảnh hưởng kinh tế - xã hội

Những cơn bão lớn hình thành do biến đổi khí hậu khiến mùa màng thất bát, dịch bệnh hoành hành. Các quốc gia phải chi hàng tỉ đô la để cứu tế. Vì vậy, khí hậu càng khắc nghiệt, kinh tế càng thâm hụt.

Tổn thất về kinh tế còn ảnh hưởng đến đời sống. Theo đó, người dân phải mua thực phẩm với giá đắt. Giá nhiên liệu thì leo thang. Lợi nhuận từ ngành công nghiệp và du lịch giảm sút. Nhu cầu cấp thiết sử dụng thực phẩm sạch và nước sạch sau mỗi cơn bão lũ…

Bão lũ hoành hành gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người. Ảnh minh họa.

Tổ chức WHO cũng từng thông báo rằng nhiều dịch bệnh đã xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Những vùng khí hậu lạnh giờ đây cũng xuất hiện những loại bệnh chỉ xuất hiện ở vùng nhiệt đới.

Cũng theo khảo sát, trung bình có khoảng 150 nghìn người chết do biến đổi khí hậu gây ra. Các bệnh có thể kể đến như bệnh về hô hấp, tiêu chảy, tim tái phát do nhiệt độ quá cao…