22/11/2024 | 06:02 GMT+7, Hà Nội

Ô nhiễm không khí tại Hà Nội: Tập thể dục buổi sáng hại nhiều hơn lợi

Cập nhật lúc: 30/09/2019, 06:00

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài vào thời gian ô nhiễm đồng thời không nên tập thể dục buổi sáng.

Những ngày qua, chất lượng không khí tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân. Bởi không khí là thứ hít thở hàng ngày và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mỗi người.

Ghi nhận của PAM AIR về chỉ số chất lượng không khí sáng 29/9.

Sáng 29/9, theo ghi nhận trên hệ thống PAM AIR, các trạm đo của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, hệ thống AirVisual quốc tế, nhiều địa điểm có chỉ số chất lượng không khí vượt qua mức đỏ (từ 151 - 200AQI là ngưỡng ảnh hưởng sức khỏe của tất cả mọi người), đạt đến mức tím (từ 201-300 là rất nguy hiểm cho sức khỏe).

Cụ thể, vào 2h sáng nay 29/9, một số điểm đo lên ngưỡng tím như Đức Thắng (Bắc Từ Liêm). Đến 8h, ngưỡng tím xuất hiện ở các điểm đo thuộc đồng bằng Bắc Bộ như tại Thái Đô (Thái Thụy, Thái Bình (AQI lên 245), Đông Hưng (Thái Bình-245), Kiến An (Hải Phòng-trên 200). Vào sáng ngày 29/9, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc lên đến 214-247, đạt ngưỡng tím, mức độ ô nhiễm rất ảnh hưởng đến sức khỏe. Đến 12h trưa ngày 29/9, các chỉ số này đã giảm xuống mức đỏ, dao động từ 100 đến 143, ở mức cảnh báo màu da cam, có thể ảnh hưởng tới một số người có sức khỏe nhạy cảm.

Bản chỉ số chất lượng không khí

Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi về chỉ số chất lượng không khí này là hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ cùng tình trạng đốt rơm rạ của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Hiện tượng này những năm gần đây thường xảy ra theo chu kỳ hàng năm, rơi vào khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10. Đặc biệt, ô nhiễm không khí xảy ra nghiêm trọng nhất vào đêm, sáng sớm và chiều tối. Từ cuối buổi sáng đến chiều, chất lượng không khí được cải thiện.

Trước tình trạng không khí đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam khuyến cáo, người dân nên hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm ô nhiễm, các trường học cũng hạn chế các hoạt động ngoài trời. Đáng chú ý, người dân không nên đi tập thể dục buổi sáng bởi trong quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân hạn chế ra ngoài vào thời gian ô nhiễm đồng thời không nên tập thể dục buổi sáng. Ảnh minh họa: Xuân Đoàn.

Các chuyên gia môi trường cũng khuyến cáo, khi di chuyển ngoài trời, người dân nên sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn được bụi mịn PM2,5 thay cho các khẩu trang thông thường. Sau khi ở ngoài trời về nên xúc miệng, rửa mắt mũi và các bề mặt da tiếp xúc bằng xà bông. Đóng các cửa lưu thông với bên ngoài.

Đặc biệt, để giảm thiểu ô nhiễm, người dân không sử dụng bếp than, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân bằng việc dùng phương tiện công cộng và không hút thuốc lá. Người dân cũng hạn chế mở cửa sổ và các cửa ra vào nếu không cần thiết.

Trước đó, lúc 8h5' ngày 26/9, ứng dụng quan trắc không khí Airvisual, hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới ghi nhận Hà Nội là thành phố lớn ô nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204.