Ô nhiễm không khí báo động ở Hà Nội khi nào kết thúc?
Cập nhật lúc: 29/09/2019, 15:00
Cập nhật lúc: 29/09/2019, 15:00
Theo báo cáo của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Hà Nội), chỉ số chất lượng không khí - AQI (CLKK) trong tuần này có xu hướng xấu hơn so với tuần trước, chủ yếu duy trì ở mức kém (màu da cam) và xuất hiện 1 ngày có chỉ số CLKK ở mức xấu (màu đỏ). CLKK có dấu hiệu khả quan vào ngày đầu tuần (có nhiều trạm có chỉ số CLKK ở mức tốt).
Tuy nhiên vào những ngày sau đó, số ngày có CLKK ở mức tốt không còn, mức trung bình giảm dần, đa số các trạm có CLKK ở mức kém. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, cả 10 trạm đều có chỉ số AQI cao, ở mức kém và xấu. Chỉ số tại các trạm quan trắc dao động từ 36-205.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Air Visual, hệ thống đo chất lượng không khí 10.000 thành phố trên toàn cầu thời điểm 11h38 trưa 26/9, Hà Nội đứng đầu về chỉ số AQI là 182, trên cả Hàng Châu, Trung Quốc (AQI là 160) và thủ đô Jakarta của Indonesia (AQI là 155). Trang Air Visual lấy duy nhất số liệu quan trắc không khí từ trạm Đại sứ quán Mỹ.
Cụ thể hơn, tại Hà Nội, lần lượt các khu vực đều cho chỉ số chất lượng không khí ở mức cao, như đường Tô Ngọc Vân - Tây Hồ (182), Bắc Từ Liêm (175), Thành Công (174), khu vực Hàng Đậu (174), Láng Hạ (179), Tây Mỗ (163)...
Đỉnh điểm là sáng 26/9, chỉ số AQI ở Hà Nội cũng vượt qua cả Jakarta của Indonesia với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên ngưỡng 204. Trước đó, ngay cả vào khung giờ sáng sớm từ 7h30 đến 9h, Hà Nội vẫn có chỉ số AQI cao khi lần lượt AQI đo được đạt ngưỡng từ 150 - 180.
Theo quy chuẩn của hệ thống đo chất lượng không khí tại Việt Nam, chỉ số AQI ở mức 0 - 100 (xanh và vàng) là ngưỡng tốt và trung bình; từ 101 - 200 (da cam) mức kém; 201 – 300 là mức xấu và trên 300 là nguy hại.
Trong tuần này điều kiện thời tiết tác động rất lớn đến CLKK tại Hà Nội.
Như vậy, với bảng đo được của Airvisual, các khu vực ô nhiễm không khí của Hà Nội đang ở ngưỡng kém, khuyến cáo nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp mạn tính cần thở nhiều nên hạn chế ở ngoài.
Có thể thấy, trong tuần này điều kiện thời tiết tác động rất lớn đến CLKK tại Hà Nội. Vào ngày đầu tuần, trời có mưa rải rác tạo điều kiện thuận lợi cho việc khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí, nhiều trạm có chỉ số AQI ở mức tốt, còn lại ở mức trung bình.
Ngược lại, vào những ngày sau đó, trời không mưa, sự chênh lệch nhiệt độ ngày đêm khá lớn (từ 5 - 9 độ C) tiếp tục xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt bức xạ. Điều này tạo ra lớp sương mù tầng thấp khiến không khí không thoát lên được và bị giữ lại tại tầng khí quyển sát mặt đất. Đến trưa và chiều, nhiệt độ tăng cao tản bớt sương thì nồng độ giảm bớt, nhưng trời ít gió khiến CLKK tuy giảm nhưng không đáng kể.
Theo nhận định của Chi cục Bảo vệ môi trường, CLKK tại Hà Nội sẽ vẫn duy trì ở mức kém trong vài ngày tới và phải chờ khi nào có các đợt không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc thì chỉ số AQI mới được cải thiện.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến CLKK tại Hà Nội trong tuần vừa qua, là việc đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa của các hộ dân khu vực ngoại thành gây ra khói bụi rất lớn tại chính khu vực đốt rơm rạ và các khu vực lân cận.
Bạn nên lưu ý những điều sau khi ra ngoài trong thời điểm ô nhiễm không khí:
- Đeo khẩu trang 2 lớp có tác dụng kháng khuẩn, kháng bụi tốt nhất.
- Vệ sinh nơi ở, thân thể, đặc biệt là làm sạch mũi hàng ngày.
- Hạn chế ra ngoài vào khung giờ tan tầm, thời điểm mức độ ô nhiễm ở ngưỡng cao nhất.
- Bật và sử dụng các thiết bị lọc không khí tại gia đình, văn phòng,...
-> 5 giải pháp phòng tránh nguy hại do ô nhiễm không khí ở Hà Nội
15:00, 25/09/2019
08:00, 20/09/2019
11:00, 19/09/2019
07:00, 30/08/2019