19/01/2025 | 10:13 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới vì thiết bị đo chưa chính xác?

Cập nhật lúc: 30/09/2019, 19:30

Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng các thiết bị đo đạc của các trang như Air Visual hay Pam Air cũng chưa hẳn đã chính xác...

Đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng các thiết bị đo đạc của các trang như Air Visual hay Pam Air cũng chưa hẳn đã chính xác bởi đây có thể là các thiết bị nhập từ nước ngoài, công thức, và cách tính chỉ số AQI sẽ thích hợp hơn với điều kiện khí hậu nước đó...

Hà Nội đang trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, kể từ ngày 13/9. Ngay trong sáng nay (30/9), chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được từ các trạm quan trắc ở Hà Nội có xu hướng nghiêm trọng hơn khi nhiều điểm đo vượt qua ngưỡng đỏ lên ngưỡng tím (ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người).

Chất lượng không khí tại Hà Nội vào sáng nay (30/9), theo ghi nhận của Air Visual.

Cụ thể, vào lúc 6h sáng ngày 30/9, website giám sát chất lượng không khí AirVisual ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội lên tới 265; chỉ số bụi mịn PM2.5 là 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Hệ thống Pam Air cũng ghi nhận chỉ số AQI tại Hà Nội trong sáng nay ở mức rất cao, hầu hết các điểm đo đều trên 170, có những điểm lên tới 250.

Hệ thống quan trắc PAMAir cũng ghi nhận kết ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ sáng 30/9. Ảnh: Tổ quốc

Tuy nhiên, thông tin quan trắc chất lượng không khí của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội lại cho kết quả thấp hơn rất nhiều so với các website nước ngoài. Cụ thể, AQI đo được tại 10 điểm trong thành phố dù vẫn ở mức kém, nhưng chỉ trên dưới 150. Nơi đo được AQI cao nhất là Đại sứ quán Pháp (174), nơi chất lượng không khí tốt nhất là khu vực Mỹ Đình (112).

Giải thích về sự chênh lệch này trên Zing, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng có 2 nguyên nhân chính.

"Thứ nhất, các công cụ, máy móc quan trắc của chúng tôi có thể áp dụng theo những tiêu chuẩn khác với các thiết bị do các công ty nước ngoài đặt tại Việt Nam. Tiêu chuẩn đo đạc của Sở Tài nguyên tuân thủ theo quy định của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, đảm bảo chính xác, khách quan", vị đại diện cho biết.

Theo vị này, các thiết bị đo đạc của các trang như Air Visual hay Pam Air cũng chưa hẳn đã chính xác bởi đây có thể là các thiết bị nhập từ nước ngoài, công thức, và cách tính chỉ số AQI sẽ thích hợp hơn với điều kiện khí hậu nước đó, nên chưa chắc đánh giá được đúng khi đặt tại Việt Nam.

"Thứ hai, cách tính AQI của Đại sứ quán Mỹ cũng khác so với cách tính AQI tại các trạm quan trắc của Sở TNMT. Và mỗi quốc gia có cách tính, phương pháp đánh giá chất lượng không khí khác nhau. Vì vậy, đây là những nguồn tham khảo, người dân không nên quá lo lắng".

Kết quả đo chất lượng không khí ngày 30/9 tại Hà Nội của Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Về việc chất lượng không khí khu vực Tây Hồ thường xuyên ở mức xấu, thậm chí tiệm cận mức nguy hại (AQI sáng 30/9 có thời điểm lên tới 290), đại diện chi cục cho hay đơn vị vẫn chưa nắm được chính xác cách đo đạc tại những trạm quan trắc này thế nào. Theo đánh giá sơ bộ, khu vực này có không khí kém là do gần hồ, lượng sương mù lớn, gây khó khăn cho việc lưu thông không khí, thoát bụi lên trên tầng cao.

Trước đó, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội phản bác thông tin chỉ số ô nhiễm không khí (AQI) ở Hà Nội chiếm vị trí số 1 thế giới, cho rằng các số liệu thống kê chưa đầy đủ và cũng không khách quan.

"So sánh chỉ số AQI đó mà kết luận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là không chính xác. Tại những website thống kê này, họ lấy số liệu từ 1 trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc của chúng tôi. Vì vậy số liệu này không đại diện cho cả thành phố và cũng không chính xác", đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường nhấn mạnh.

Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng đến bao giờ?

Trả lời báo Giao thông, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định: “Dự báo tình trạng ô nhiễm không khí còn có thể còn kéo dài. Ban ngày thì giảm vì nhiệt độ cao, làm bốc ôn lên nhưng chỉ ở tầng thấp. Ban đêm nhiệt độ mặt đất giảm, bụi tích tụ trên cao lại sà xuống. Phải đợi khi nào có gió lớn mới làm tan được khối không khí ô nhiễm đang tích tụ ở tầng thấp”.

Cũng theo ông Tùng, Hà Nội cần một trận mưa giông diện rộng hoặc gió mùa mới có thể cải thiện được chất lượng không khí hiện nay.

Tuy nhiên, bản tin dự báo thời tiết khu vực Hà Nội của cơ quan khí tượng cho biết, tình trạng không mưa, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ, ngày nắng sẽ còn kéo dài từ nay (29/9) tới 8/10.

Trong giai đoạn hiện nay, các chuyên gia y tế khuyến cáo, vào giờ cao điểm ô nhiễm, người dân nên giảm hoạt động ngoài trời, sử dụng các loại khẩu trang có thể ngăn được bụi mịn PM2,5 thay cho các khẩu trang thông thường. Người dân cũng nên hạn chế đi tập thể dục buổi sáng bởi quá trình tập thể dục, việc thở gấp sẽ khiến lượng bụi vào cơ thể nhiều hơn, gây tác động nghiêm trọng hơn. Sau khi ở ngoài trời về nên xúc miệng, rửa mắt mũi và các bề mặt da tiếp xúc bằng xà bông. Đóng các cửa lưu thông với bên ngoài.