Bản tin BĐS 24h: VPCP yêu cầu làm rõ việc xây tầng lánh nạn đẩy giá căn hộ
Cập nhật lúc: 20/11/2020, 19:00
Cập nhật lúc: 20/11/2020, 19:00
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến phản ánh của báo chí về việc quy định chung cư bố trí tầng lánh nạn có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao.
Trong văn bản nêu rõ: "Mới đây, báo chí phản ánh việc việc quy định nhà từ 30 - 50 tầng phải bố trí 1 - 2 tầng lánh nạn có thể khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao, khó triển khai thực hiện được. Lâu nay, quy định về tầng kỹ thuật đã rất rõ ràng, nhưng việc thực hiện không đúng diễn ra rất nhiều chung cư. Nhiều chủ đầu tư chiếm dụng tầng kỹ thuật, trục lợi hàng tỷ đồng".
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Xây dựng, UBND TP HCM kiến nghị xây phòng lánh nạn tại các chung cư cao tầng.
Cũng theo HoREA, Nhà nước đã chủ trương phát triển nhà chung cư cao tầng tại các đô thị. Việc này nhằm để sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả, dành nhiều không gian trên mặt đất cho giao thông, cây xanh, mặt nước, dịch vụ và tiện ích đô thị.
Tuy nhiên, có không ít cư dân sống tại các căn hộ nhà chung cư cao tầng đến từ nông thôn hoặc đến từ các khu nhà thấp tầng trong đô thị nên vấn đề trang bị kỹ năng đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm để đến được tầng lánh nạn, gian lánh nạn là rất cần thiết.
Lý do là bởi trong các vụ cháy xảy ra tại nhà chung cư, bị ngạt khói do thiếu kỹ năng thoát hiểm là nguyên nhân hàng đầu….
HoREA cho rằng đối với tòa nhà có chiều cao từ 100 - 150m thường có khoảng 30 - 50 tầng. Chiều cao thông tầng tính từ mặt sàn đến mặt sàn thường khoảng 3,9 - 4,3m. Theo quy định, tầng lánh nạn cách nhau không quá 20 tầng thì tòa nhà phải có 1 hoặc 2 tầng lánh nạn, tùy theo chiều cao tòa nhà.
Do vậy, để giảm bớt thiệt hại cho chủ đầu tư dự án và người mua căn hộ nhà chung cư cao tầng, lãnh đạo HoREA cho rằng không nên tính diện tích sàn tầng lánh nạn vào tổng diện tích sàn xây dựng của dự án khi tính "hệ số sử dụng đất" và nên cộng thêm chiều cao tầng lánh nạn vào chiều cao tối đa của công trình.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã ban hành, công bố quy chuẩn PCCC mới cho các công trình cao tầng. Quy định này có hiệu lực từ 1/7/2020, áp dụng bắt buộc với tất cả các chủ đầu tư làm dự án nhà cao tầng.
Theo quy chuẩn 06:2020, chủ đầu tư dự án nhà cao tầng phải có thiết kế cụ thể thang thoát nạn chống khói theo đúng quy định, phải lắp đặt hệ thống nước phục vụ chữa cháy, thiết kế đường chữa cháy quanh tòa nhà phục vụ xe chữa cháy khi xảy ra sự cố. Đồng thời, cứ 20 tầng cao sẽ có 1 tầng lánh nạn cho cư dân, diện tích tầng lánh nạn phải được thiết kế tương đương số cư dân sống trong tòa nhà.
Mới đây, ngày 18/11 UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 5179/QĐ-UBND phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào cảng Khuyến Lương, tỷ lệ 1/500 thuộc địa bàn quận Hoàng Mai.
Theo văn bản, tuyến đường có chiều dài 3,8km, điểm đầu tuyến giao với đường Vành đai 3, điểm cuối giao với đường quy hoạch ngõ 253 Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai).
Đây là đường liên khu vực, quy mô mặt cắt ngang đường rộng 40m, gồm 2 làn đường (6 làn xe), mỗi làn rộng 11,25m; dải phân cách giữa rộng 3m; vỉa hè hai bên, mỗi bên rộng 7,25m.
UBND thành phố giao: Sở Quy hoạch - Kiến trúc kiểm tra, xác nhận bản vẽ chỉ giới đường đỏ tuyến đường theo Quyết định phê duyệt của UBND thành phố; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố chủ trì, phối hợp UBND quận Hoàng Mai, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các cơ quan liên quan tổ chức công bố công khai, bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ được duyệt để các tổ chức, cá nhân có liên quan được biết, thực hiện.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ cắm mốc và cắm mốc giới tuyến đường theo quy hoạch đồng thời với việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (trong quá trình thực hiện dự án đầu tư tuyến đường) để tránh lãng phí, chồng chéo trong công tác cắm mốc giới; bàn giao hồ sơ cắm mốc, mốc giới đã cắm cho các cơ quan quản lý mốc giới và quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch.
Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cập nhật chỉ giới đường đỏ tuyến đường được duyệt vào Quy hoạch phân khu sông Hồng đang nghiên cứu lập, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.
Trước đó vào đầu tháng 8, Hà Nội nhất trí huy động hơn 500 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa đầu tư cảng Khuyến Lương.
Tại văn bản tham gia ý kiến thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án đầu tư mở rộng bến thủy nội địa tại cảng Khuyến Lương, Sở GTVT Hà Nội cho biết, cảng Khuyến Lương sẽ được mở rộng thêm 8ha (diện tích cảng hiện nay khoảng 9,9ha) với quy mô bổ sung thêm 3 bến, công suất thiết kế khu cảng mở rộng 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm.
Chức năng của cảng là tiếp nhận, bốc dỡ hàng container, tổng hợp có tải trọng 1.000 DWT đủ tải và 2.000 DWT giảm tải. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 513,2 tỷ đồng.
Sau một thời gian dài trầm lắng vì Covid -19, vài tháng trở lại đây bất động sản một số khu vực như Hoài Đức, Thanh Trì (Hà Nội)… bỗng nhiên nhộn nhịp.
Tại huyện Thanh Trì, khi xuất hiện thông tin khu vực này phấn đấu xây dựng kế hoạch lên quận vào năm 2023, thay vì năm 2025 đã khiến đất một số xã như Từ Hiệp, Đông Mỹ, Yên Mỹ... tăng mạnh. Đặc biệt ở khu vực Tứ Hiệp - vị trí được cho là trung tâm hành chính quận, giá đất "nhảy múa" sôi động.
Một khu vực cũng sắp lên quận là Hoài Đức, giá đất nhiều nơi cũng bị đẩy lên cao. Khảo sát cho thấy, một loạt dự án bất động sản ở khu vực này… vốn yên ắng bao lâu nay bỗng dưng "nhảy múa".
Đáng nói, có dự án hơn một thập kỷ bị đắp chiếu, thời gian gần đây dự án này bỗng được rao bán ồ ạt, thậm chí từ đầu tháng 11/2020, dự án còn được “thổi giá” tăng 50% so với trước.
Lãnh đạo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thời gian qua nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ tìm và khai phá những thị trường mới ở vùng nông thôn, trong số này có Hoài Đức. Đây là nơi xuất hiện các thông tin quy hoạch.
Việc các nhà đầu tư xuất hiện tại các vùng nông thôn theo Hội Môi giới, đã làm cho đất đai làng trên xóm dưới sôi động, nhộn nhịp. Giá đất được đẩy lên cao nhanh chóng mặt.
Trao đổi với báo chí, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của các dự án bất động sản khi vị trí xây dựng nằm tại khu vực được nâng cấp từ huyện lên quận này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác.
“Giá cả, giá trị của các dự án không phải trong mọi trường hợp ngay khi huyện nâng cấp lên quận đều tăng. Có những khu vực không tăng trong giai đoạn đầu, giá cả có những trường hợp rất ổn định và phải thêm nhiều năm sau mới có sự tăng trưởng về giá khi các yếu tố khác cùng đồng thời được phát triển và cải thiện…”, bà Hằng nhận định.
Theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cần thận trọng khi đón sóng đất "ăn theo" quy hoạch. Ngay từ khi có thông tin lên quận, giá đất ở Thanh Trì và các huyện khác trong quy hoạch đã rộ tin tăng giá. Tuy nhiên, người mua phải rất cẩn trọng, bởi nhiều khi “sốt đất chỉ ở miệng cò”.
Trong những năm qua, thị trường căn hộ quận 9 đã có sự biến động mạnh về giá, khiến nhiều người mua nhà và giới đầu tư không khỏi bất ngờ.
Khảo sát thực tế cho thấy, trước năm 2014, mặt bằng giá căn hộ tại quận 9 chỉ dao động khoảng 16 -19 triệu đồng/m2. Đến thời điểm 2017, phân khúc sản phẩm này đã tăng lên đến 22 - 30 triệu đồng/m2. Trong năm 2019, giá căn hộ tiếp tục được đẩy lên mức 27 - 34 triệu đồng/m2. Riêng năm 2020, giá thứ cấp của một số dự án mới tại quận 9 đã lên đến gần 40 triệu đồng/m2.
Hiện tại, các nhà đầu tư và chuyên gia bất động sản tại TP HCM đánh giá hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội hiện nay tại quận 9 vẫn chưa tương xứng để phát triển các dự án nhà ở cao cấp giá trị cao. Tuy nhiên, đề án về việc thành lập thành phố Thủ Đức đã góp phần "thổi giá" cho vùng đất phía đông thành phố.
Bên cạnh đó, khi tuyến metro số 1 đang hoàn thiện những giai đoạn thi công cuối cùng và chuẩn bị đi vào vận hành, giá thứ cấp của một số dự án đã được đẩy lên một cách mạnh mẽ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh vừa ký Báo cáo số 317 về kế hoạch triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, ngày 26/10/2020, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã tổ chức họp nghe Bộ Xây dựng, UBND thành phố Đà Nẵng và các bộ, ngành liên quan báo cáo về Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, đến nay Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND thành phố sẽ ban hành kế hoạch để triển khai Quyết định phê duyệt.
Cụ thể, kế hoạch được xác định có 29 nhiệm vụ chi tiết gồm: Điều chỉnh Chương trình phát triển đô thị; Lập khu vực phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị; Quy hoạch phân khu Ven sông Hàn và bờ Đông; Quy hoạch phân khu Ven vịnh Đà Nẵng; Quy hoạch phân khu Cảng biển Liên Chiểu đồng bộ với Quy hoạch chi tiết Bến cảng Liên Chiểu; Quy hoạch phân khu Công nghệ cao gắn với quy hoạch Khu công nghệ cao Đà Nẵng, đồng bộ với quy hoạch phân khu Khu đô thị số 2 tại xã Hòa Ninh và xã Hòa Sơn; Quy hoạch phân khu Trung tâm lõi xanh; Quy hoạch phân khu Đổi mới sáng tạo; Quy hoạch phân khu Sân bay đồng bộ với Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị Sườn đồi; Triển khai các dự án ưu tiên đầu tư; Quy hoạch phân khu Khu du lịch quốc gia Sơn Trà thuộc phân khu Sinh thái phía Đông; Quy hoạch cảng hàng không quốc tế.