19/01/2025 | 13:15 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Từ 01/01/2021, nhiều công trình nhà ở nông thôn phải có GPXD

Cập nhật lúc: 18/11/2020, 19:00

Từ năm 2021, công trình nhà ở nông thôn phải có GPXD; có nên kê biên đấu giá tài sản chủ đầu tư ôm quỹ bảo trì chung cư; cấp phép dự án du lịch, nghỉ dưỡng giảm mạnh , giao dịch condotel dò đáy là những tin chính.

Từ 01/01/2021, nhiều công trình nhà ở nông thôn phải có giấy phép xây dựng

Theo đó, Luật sửa đổi quy định các trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng, dù là công trình nhà ở riêng lẻ ở nông thôn.

Các công trình nhà ở riêng lẻ ở nông thôn buộc phải xin giấy phép xây dựng gồm có công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc khu vực đã có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn; Các công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực đã có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.

Các công trình nhà ở riêng lẻ ở nông thôn buộc phải xin giấy phép xây dựng

Bên cạnh đó, những trường hợp bắt buộc phải xin GPXD là những trường hợp nhà ở riêng lẻ nhưng có quy mô 7 tầng trở lên thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn; nhà riêng lẻ được xây dựng trong khu di tích lịch sử - văn hóa. 

Với các trường hợp này, để được cấp giấy phép xây dựng cần đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 93 Luật xây dựng 2014.

Đối với nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải đáp ứng các điều kiện quy định như phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt; bảo đảm an toàn cho công trình, công trình lân cận và yêu cầu về bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy, nổ; bảo đảm khoảng cách an toàn đến công trình dễ cháy, nổ, độc hại và công trình quan trọng có liên quan đến quốc phòng, an ninh…

Ngoài điều kiện trên, công trình nhà ở riêng lẻ tại đô thị phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng.

Tuy nhiên, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 vẫn quy định 3 trường hợp nhà ở riêng lẻ được miễn giấy phép xây dựng bao gồm: Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 7 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn; Nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng.

Kinh doanh BĐS không cần vốn pháp định bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021

Kể từ ngày 01/01/2021 sẽ không còn bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng trở lên. Với quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản (vốn ít vẫn được phép kinh doanh). Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại điểm a khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư năm 2020.

Kể từ ngày 01/01/2021 sẽ không còn bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng trở lên.

Cùng với đó, tại điểm b khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư năm 2020 cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với dự án bất động sản được chấp thuận nhà đầu tư hoặc được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, thẩm quyền, thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư.

Thứ hai, đối với dự án bất động sản không thuộc trường hợp quy nêu trên, thẩm quyền cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản thực hiện như sau:

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định việc đầu tư.

Có nên kê biên đấu giá tài sản chủ đầu tư ôm quỹ bảo trì chung cư ?

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đến năm 2019, cả nước ghi nhận trên 4.400 nhà chung cư đang hoạt động, hơn 90% được quản lý vận hành an toàn, ổn định, gần 10% có tranh chấp và vấn đề tồn tại như chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, chậm tổ chức Ban quản trị, chậm bàn giao phí bảo trì, tranh chấp sở hữu chung - riêng, tranh chấp về một số vấn đề khác…

Có nên kê biên đấu giá tài sản chủ đầu tư ôm quỹ bảo trì chung cư 

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên Bộ trưởng Bộ Xây dựng  cho biết, do một số quy định pháp lý chưa thật đầy đủ, rõ ràng như cách tính diện tích căn hộ, logia. Một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chưa quan tâm dịch vụ sau bán hàng. Một số hợp đồng mua bán căn hộ không tuân thủ đúng quy định. Bên cạnh đó, có tình trạng buông lỏng quản lý; nhiều Ban quản trị không thực hiện đúng trách nhiệm của mình.

Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP, trong đó có nội dung quy định chủ đầu tư không được thu trực tiếp Quỹ bảo trì 2% của cư dân, mà cư dân đóng vào một tài khoản tại ngân hàng. Trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao Quỹ bảo trì, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi điểm d, khoản 1, Điều 37 theo hình thức xử lý tài sản của chủ đầu tư bán đấu giá tài sản để làm cơ sở cho địa phương thực hiện việc thu hồi kinh phí bàn giao cho Ban quản trị.

“Về giải pháp sắp tới, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Xây dựng, trong đó có vấn đề kinh phí bảo trì và quản trị nhà chung cư; sửa đổi Nghị định về xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm” – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết thêm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, hiện nay đã có quy định trong trường hợp chủ đầu tư chây ì, chiếm dụng Quỹ bảo trì, không bàn giao cho Ban quản trị thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ ra quyết định cưỡng chế chủ đầu tư. Vì thế, UBND cấp tỉnh cần phải quyết liệt trong việc cưỡng chế tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản tiền gửi kinh phí bảo trì nhà chung cư, hoặc quản lý tài khoản khác của chủ đầu tư theo quyết định cưỡng chế có trách nhiệm chuyển kinh phí sang tài khoản do Ban quản trị lập để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh cần thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không bàn giao kinh phí bảo trì của chủ đầu tư theo quy định. 

Cấp phép dự án du lịch, nghỉ dưỡng giảm mạnh, giao dịch condotel dò đáy

Đánh giá từ Bộ Xây dựng, số lượng dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh (giảm khoảng 46,7%) so với quý II/2020. Đặc biệt tại miền Nam, trong quý III, theo tổng hợp từ các địa phương, không có dự án du lịch nghỉ dưỡng nào được cấp phép, đang triển khai hay được hoàn thành so với quý II/2020 ở miền Nam, có 78 dự án được cấp phép và chỉ tập chung tại Kiên Giang.

Trong quý III/2020, số dự án du lịch, nghỉ dưỡng được cấp phép giảm mạnh, thị trường condotel gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể

Bộ Xây dựng cũng cho biết trong quý III vừa qua, Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) không thẩm định căn hộ condotel, officetel, biệt thự du lịch nào. Trong khi đó số lượng căn nhà ở được thẩm định cũng giảm mạnh. Cụ thể, căn nhà ở được thẩm định là 3.471 căn (chỉ bằng khoảng 5,7% so với quý II/2020).

Về giao dịch tại phân khúc bất động sản du lịch cũng không mấy sáng sủa. Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, condotel mới được chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, thị trường condotel gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể.

Thống kê cho thấy có đến 2/3 các dự án có sản phẩm đang chào bán trên thị trường không phát sinh giao dịch.

Những khu vực dẫn đầu về thị trường condotel như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Thuận,… đều có số lượng giao dịch ở mức rất thấp.

Theo đánh giá của đơn vị này có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh mẽ của thị trường condotel. Trong đó, khung pháp lý cho loại hình condotel vẫn chưa thực sự rõ ràng. Cùng với đó là ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đến toàn bộ nền kinh tế, trong đó lĩnh vực du lịch, nghỉ dưỡng là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra rủi ro cho các nhà đầu tư, trước mắt tạm dừng cấp phép dự án condotel khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện.

TTCP kiến nghị, trước mắt, tạm dừng cấp phép dự án condotel cho đến khi hệ thống pháp luật được hoàn thiện theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ giải quyết cụ thể vấn đề condotel trên toàn quốc.

Đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và bộ ngành liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi Điều 13 của Nghị định số 43/2014/NĐCP theo hướng đảm bảo kết hợp phát triển kinh tế với công tác an ninh, quốc phòng đối với các dự án có sử dụng đất tại biển, đảo phù hợp với qui định của Luật Đất đai năm 2013.