19/01/2025 | 16:08 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Nhiều dự án bất động sản chuẩn bị tái khởi động

Cập nhật lúc: 15/11/2020, 19:00

Nhà trên kênh, di dời trên giấy; bùng nổ nguồn cung mặt bằng bán lẻ ven đô; nhiều dự án bất động sản chuẩn bị tái khởi động là những nội dung chính trong bản tin 24h.

Nhà trên kênh, di dời trên giấy

Di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch là 1 trong 5 kế hoạch chỉnh trang phát triển đô thị, thuộc 7 chương trình đột phá của TP HCM giai đoạn 2016 - 2020, đến nay đã gần hết năm 2020, hàng nghìn hộ dân sống tại nơi đây vẫn đang thấp thỏm mong chờ ngày được di dời.

Di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch là 1 trong 5 kế hoạch chỉnh trang phát triển đô thị, thuộc 7 chương trình đột phá của TP HCM giai đoạn 2016 - 2020

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Tài, nhà ở hẻm 1072 đường Phạm Thế Hiển, quận 8 cho biết, căn nhà của ông đã xây dựng trên con kênh này được hơn 50 năm, diện tích khoảng 40m2. Khi nghe đến việc di dời, giải tỏa của Thành phố, ông chưa kịp mừng thì lại lo lắng vì nhà này là xây dựng trái phép, nên không biết chương trình giải tỏa, đền bù và tái định cư sẽ như thế nào.

“Những năm trước đây địa phương cho làm giấy tờ nhà, nhưng lúc đó khó khăn và cũng không có tiền làm, đến khi Nhà nước có chủ trương giải tỏa thì lại không làm được. Chúng tôi mong muốn Nhà nước làm sớm để người dân đi nơi khác sinh sống, chứ hiện nay cứ thấp thỏm lo lắng”, ông Tài nói.

Trên thực tế, trường hợp của 2 gia đình trên chỉ là số ít trong rất nhiều hộ sống trong xóm nhà tạm bợ, lụp xụp ven sông, kênh, rạch trên địa bàn TP HCM. 

 Theo số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, trên địa bàn có 21.851 căn nhà trên và ven kênh rạch, tập trung nhiều nhất ở quận 8, quận Bình Thạnh, quận 7 và quận 4.

Giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố phấn đấu cơ bản hoàn tất di dời hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh, rạch bằng việc thực hiện 65 dự án, trong đó có 59 dự án sử dụng ngân sách.

Sau đó, Thành phố đã điều chỉnh mục tiêu, phân kỳ lại kế hoạch, phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành di dời 10.000 căn, đến năm 2021 là 6.646 căn và số còn lại sẽ hoàn thành trước năm 2025. Tuy nhiên, nhiệm kỳ qua chỉ thực hiện di dời được 2.479 căn, đạt 12,4% kế hoạch. Như vậy, còn khoảng 17.569 căn hộ trên và ven kênh rạch chưa được di dời, tái bố trí như kế hoạch đã đề ra.

Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nguyên nhân khiến tiến độ di dời chậm trễ thì nhiều, nhưng tập trung vào 3 vướng mắc chính, đó là nguồn vốn ngân sách của Thành phố dành cho chương trình này chưa tương xứng với nhu cầu; trình tự thực hiện thủ tục đối với dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách rất phức tạp, kéo dài nhiều giai đoạn; sự phối hợp thiếu đồng bộ của các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện trong việc xác định ranh thực hiện dự án.

Bùng nổ nguồn cung mặt bằng bán lẻ ven đô

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trong 3 tháng cuối năm 2020, thị trường mặt bằng bán lẻ hiện đại dự kiến đón thêm hơn 50.000 m2 từ 7 dự án mới, trong đó khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80% thị phần.

Đến quý III, tổng nguonf cung bán lẻ hiện đại tại Sài Gòn đạt gần 1,5 triệu m2

Đến quý III, tổng nguồn cung bán lẻ hiện đại tại Sài Gòn đạt gần 1,5 triệu m2, tăng 5% theo năm. Trong đó, nguồn cung từ các trung tâm mua sắm chiếm tỷ trọng cao nhất 62% và tăng trưởng liên tục với trung bình 17% mỗi năm. Điểm đáng chú ý là loại hình khu bán lẻ hiện đại có xu hướng chuyển dịch ra các khu vực vùng ven với tốc độ tăng trưởng nguồn cung hơn 20% mỗi năm trong khi tại khu trung tâm gần như ổn định trong nửa thập niên trở lại đây.

Tuy nhiên, Savills dự báo, trong những tháng cuối 2020 và quý I/2021, với triển vọng kinh tế Việt Nam được đánh giá tích cực so với các nước trong khu vực, tiêu dùng nội địa tăng vào mùa mua sắm và tác động từ các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), đặc biệt mới nhất là EVFTA sẽ tạo động lực thúc đẩy cho ngành bán lẻ.

Nhiều dự án bất động sản chuẩn bị tái khởi động

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, giá bất động sản tại TP HCM tăng cao chưa từng có. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, thị trường căn hộ đã thiết lập mặt bằng giá mới, tăng trung bình từ 10 - 15%, có nơi tăng 30 - 40% so với thời điểm cùng kỳ năm 2019, nhất là căn hộ thuộc khu vực Q.2, Q.9…

Các chuyên gia bất động sản dự báo, trong quý IV/2020, thị trường căn hộ tại TP HCM sẽ đón nhận khoảng 7.000 căn hộ.

Nguyên nhân được cho là nguồn cung dự án mới thời gian qua tại TP HCM khá khan hiếm do hầu hết các dự án bị rà soát pháp lý thời gian dài, trong khi nhu cầu nhà ở vẫn tăng cao, nhu cầu đầu tư vào bất động sản TP HCM của nhóm nhà đầu tư nước ngoài gia tăng mạnh.

Các chuyên gia bất động sản dự báo, trong quý IV/2020, thị trường căn hộ tại TP HCM sẽ đón nhận khoảng 7.000 căn hộ.

Hiện tại, thị trường căn hộ TP HCM bắt đầu có xu hướng gia tăng mạnh nguồn cung mới so với quý trước. Nhiều chuyên gia tin rằng thị trường năm 2020 sẽ trông đợi vào quý IV năm nay khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.

Trên thực tế, thị trường bất động sản TP HCM những ngày gần đây bắt đầu rục rịch khởi sắc trở lại với nhiều dự án bung hàng mở bán dịp cuối năm, thậm chí cả những thị trường vùng ven TP HCM đang diễn ra khá sôi động, và cũng là những khu vực đem lại nguồn cung chính cho thị trường.

Theo báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM đang có dấu hiệu tái khởi động. Sự hồi phục của thị trường này cũng trở nên rõ ràng hơn sau một thời gian dài bị siết chặt.

Ngoài ra, một số nhân tố vĩ mô tích cực cũng đang hỗ trợ nhu cầu trên thị trường bất động sản trong tương lai. Các sản phẩm nhà ở sẽ trở thành những khoản đầu tư ngắn hạn hấp dẫn dành cho nhiều nhóm nhà đầu tư.

Tây Mỗ (Nam Từ Liêm) - Hồ điều hòa bị bức tử

Hồ Tây Mỗ nằm bên phố Cầu Cốc thuộc phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ lâu đã bị một số hộ gia đình lấn chiếm để kinh doanh. 

Các công trình vi phạm nghiêm trọng có thể dễ dàng nhận thấy như Cầu Cốc quán, Nhà nổi Tây Mỗ... và người dân địa phương đã từng không ít lần được phản ánh tới UBND phường Tây Mỗ nói riêng và UBND quận Nam Từ Liêm nói chung, thế nhưng thực trạng việc lấn chiếm lòng hồ vẫn còn tồn tại.

Người dân đổ đất, đóng cọc dựng công trình lấn vào lòng hồ từ 2 - 3m

Để hoạt động được trơn tru, mỗi tháng các nhà hàng sẽ phải bỏ ra "một ít chi phí cho chính quyền", tuy nhiên chi phí được nói đến là gì, con số cụ thể bao nhiêu và lý do phải bỏ ra thì chủ quán từ chối trả lời do "mỗi quán một khác" và "khi nào mở quán thì khắc biết".

Đáng lo ngại là, không chỉ các hộ kinh doanh xây dựng công trình "xâm lược" lòng hồ mà cả các hộ gia đình sinh sống quanh hồ cũng tiến hành đổ đất lấn chiếm suốt thời gian dài.  Thậm chí có gia đình còn dựng hẳn sàn nổi lấn ra hồ khoảng 3m để chiếm vị trí đắc địa.

Mặc dù tình trạng lấn chiếm hồ Tây Mỗ diễn ra đã lâu khiến người dân địa phương vô cùng lo lắng, nhưng không hề thấy sự xuất hiện của cơ quan quản lý địa phương, dẫn đến tình trạng "lá phổi xanh" của quận Nam Từ Liêm bị "bức tử" từng ngày.

Cùng trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, tại hồ Song đường Quang Tiến, tiếp giáp khu vực gần Đại lộ Thăng Long (phường Đại Mỗ), cũng từng bị người dân phản ánh xảy ra tình trạng nhiều xe tải chở đất hoạt động ngày đêm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống cư dân khu vực và môi trường. Hàng nghìn mét diện tích hồ đã bị san bằng, nhiều công trình kiên cố cao tầng đã được xây dựng kiên cố đã thành hình, không ít quán karaoke và một số hàng quán massage hoạt động rầm rộ.

Theo thống kê, thời điểm năm 1995, nội thành Hà Nội có tới 2.100ha mặt nước. Nhưng đến năm 2016, diện tích mặt nước chỉ còn 1.165ha. Số diện tích thiếu hụt này được xác định một phần do đô thị hóa. Cụ thể như ở các khu vực mới phát triển là Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hà Đông… tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng kéo theo đó là nhiều ao, hồ bị san lấp để phục vụ xây dựng hoặc trở thành những bãi rác tự phát.