19/01/2025 | 19:39 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Nhiều trụ sở, dự án chưa hết bảo hành đã xuống cấp?

Cập nhật lúc: 12/11/2020, 19:00

Nhiều trụ sở, dự án chưa hết bảo hành đã xuống cấp; có thể xây nhà mới trên đất quy hoạch treo sau 3 năm; công nhận kết quả đánh giá thành phố Thủ Đức là đô thị loại I là những tin chính trong bản tin BĐS 24h hôm nay.

Nhiều trụ sở, dự án chưa hết bảo hành đã xuống cấp?

Mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri liên quan đến chất lượng xây dựng của một số công trình, trụ sở cơ quan khi đưa vào sử dụng thời gian chưa hết bảo hành đã xuống cấp.

Nhiều trụ sở, dự án chưa hết bảo hành đã xuống cấp (Ảnh: Internet)

Bộ Xây dựng cho biết, trong những năm gần đây, công tác quản lý, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng, nhất là các công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng đã được các cấp, các ngành, chủ thể trong hoạt động xây dựng được triển khai thực hiện thông qua việc kiểm tra công tác kiểm tra nghiệm thu.

Theo số liệu Bộ Xây dựng, hàng năm, có từ 40.000 - 50.000 các công trình được thi công xây dựng trên khắp cả nước. Số liệu thống kê năm 2019 của các địa phương và các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các cơ quan chuyên môn về xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu trên 35.000 công trình.

“Quá trình kiểm tra đã phát hiện ra nhiều tồn tại về chất lượng và yêu cầu chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng khắc phục trước khi nghiệm thu đưa vào sử dụng” - Bộ Xây dựng cho biết.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do ý thức chấp hành các quy định của pháp luật của một số chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng công trình chưa cao; các chế tài xử lý vi phạm còn chưa đủ sức răn đe; công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền còn chưa chặt chẽ.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, Bộ Xây dựng đã xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 được Quốc Hội khóa XIV thông qua ngày 17/06/2020.

Bộ cho biết đang nghiên cứu, xây dựng Dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật này, trong đó có những nội dung quy định cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng; nâng cao chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi không chấp hành các quy định của pháp luật, tự ý đưa công trình vào khai thác, sử dụng. Đồng thời tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng.

Có thể xây nhà mới trên đất quy hoạch treo sau 3 năm

Từ năm 2021, người dân được quyền xây dựng nhà mới nếu phần đất thuộc diện "quy hoạch treo" trên 3 năm.

Quy hoạch treo và cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở tại các dự án đô thị, khu chung cư vẫn tồn tại nhiều nhiệm kỳ làm thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân gây bức xúc xã hội. Vấn đề này mới đây được các đại biểu Quốc hội đưa ra tại nghị trường để chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết quy hoạch treo ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là việc làm, sinh kế và cải tạo nhà ở. 

Cuộc sống tạm bợ của người dân tại một khu quy hoạch treo (Ảnh: Ngọc Dương)

Nguyên nhân chủ yếu chất lượng quy hoạch thấp, thiếu tầm nhìn, không lập đầy đủ quy hoạch liên quan đặc biệt hạ tầng kỹ thuật, xã hội, thiếu quy hoạch chi tiết 1/500, không xác định chi tiết nguồn lực đầu tư, chưa quản lý nghiêm túc, công khai quy hoạch lộ trình thực hiện, không kịp thời rà soát, năng lực chủ đầu tư yếu kém…

Luật Quy hoạch đã có một số quy định đảm bảo đồng bộ một số quy hoạch, loại bỏ quy hoạch không phù hợp, giấy phép xây dựng, chứng chỉ quy hoạch… Luật Xây dựng có quy định nếu kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã công bố 3 năm không thực hiện thì người dân được cấp xây dựng có thời hạn về cải tạo, xây dựng mới….

Để khắc phục tình trạng nêu trên, ngày 17/06/2020 Quốc hội ban hành Luật số 62/2020/QH14 (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021) cho phép người dân được quyền xây dựng nhà mới nếu phần đất thuộc diện "quy hoạch treo" quá lâu (trên 3 năm).

Cụ thể, theo khoản 33 Điều 94 về "Điều kiện cấp giấy phép xây dựng tạm thời" của Luật số 62/2020/QH14, trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định.

Luật số 62 cũng quy định, để được cấp giấy phép xây dựng trong trường hợp này ngoài việc đáp ứng các điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng thì cần thỏa mãn những điều kiện riêng.

Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ.

Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

Công nhận kết quả đánh giá thành phố Thủ Đức là đô thị loại I

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có văn bản 1568/TTg-CN ngày 10/11 gửi Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ và UBND TP HCM về việc công nhận kết quả rà soát đánh giá khu vực dự kiến thành lập TPThủ Đức theo tiêu chí đô thị loại I.

Trước đó, UBND TP HCM đã kiến nghị Chính phủ công nhận kết quả đánh giá thành phố Thủ Đức là đô thị loại I. Theo UBND TP HCM, dựa vào 5 tiêu chí của Nghị quyết 1210/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, khu vực dự kiến thành lập thành phố Thủ Đức đạt 87,18/100 điểm, đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại I.

TP Thủ Đức được kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TP HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam  (Ảnh: QUANG ĐỊNH)

Cụ thể: vị trí chức năng, vai trò cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt 20/20 điểm; quy mô dân số đạt 6,69/8 điểm; mật độ dân số đạt 5,98/6 điểm; tỉ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 6/6 điểm; trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị đạt 48,51/60 điểm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu sau khi lập TP Thủ Đức, chính quyền TP HCM sớm tổ chức lập, trình phê duyệt quy hoạch chung TP Thủ Đức đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với nhiệm vụ quy hoạch TP HCM và nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.

Đồng thời lập đề án đề nghị công nhận TP Thủ Đức là đô thị loại 1 trực thuộc TP HCM trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Bất động sản công nghiệp đón làn sóng đầu tư mới

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, mặc dù 10 tháng năm 2020, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả nước giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng vẫn đạt 23,48 tỷ USD với 2.000 dự án mới. Dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nền kinh tế châu Á, Mỹ và khu vực Đông Nam Á.

 Theo khảo sát của CBRE Việt Nam cho thấy, trong 12 tháng qua nhu cầu khách thuê đất, nhà xưởng, kho bãi rất lớn đã khiến nguồn cung bất động sản công nghiệp liên tục được mở rộng. Cụ thể, quý III/2020, nguồn cung mới nhà xưởng và nhà kho xây sẵn tăng mạnh ở các khu công nghiệp trọng điểm. Trong đó, xưởng và kho xây sẵn tại miền Bắc đạt khoảng 2,1 triệu mét vuông, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tại miền Nam, kho xây sẵn đạt 2,7 triệu mét vuông, tăng 28,2%; xưởng xây sẵn đạt 2,9 triệu mét vuông, tăng 11%”, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam Lê Trọng Hiếu cho biết.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện cả nước có 336 khu công nghiệp (tổng diện tích khoảng 97.800ha) với cơ sở hạ tầng, dịch vụ kho bãi, logistics… đang tiếp tục phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong và ngoài nước.

Bất động sản công nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư mới từ các doanh nghiệp nước ngoài. 

Bàn về làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới, CBRE Việt chỉ ra 3 xu hướng sẽ xuất hiện từ năm 2020 trở đi.

Một là, mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu.

Hai là, chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài mới trong lĩnh vực kho vận sẽ gia nhập thị trường Việt Nam.

Ba là, chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ mua lại các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu.

Để đáp ứng xu hướng trên, chính quyền địa phương cần hoàn thiện quy hoạch trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội, thế mạnh của địa phương, đồng thời chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, ban hành những chính sách thu hút đầu tư thông thoáng nhưng có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và gắn với xu hướng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp cần bám sát định hướng này để tiếp tục nâng cấp các khu công nghiệp, khu kinh tế hiện có, đầu tư phát triển khu công nghiệp mới đủ điều kiện đón các tập đoàn toàn cầu lớn.