Bản tin BĐS 24h: Thời hạn cấp Giấy phép xây dựng rút ngắn xuống còn 20 ngày
Cập nhật lúc: 21/01/2021, 19:00
Cập nhật lúc: 21/01/2021, 19:00
Từ tháng 01/2021, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 với những điều chỉnh liên quan đến quy định cấp giấy phép xây dựng chính thức có hiệu lực.
Theo đó, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 chính thức rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời.
Ngoại trừ những trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014 (ví dụ công trình bí mật Nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...), tất cả những công trình còn lại khi thực hiện xây dựng, di dời đều phải xin cấp giấy phép xây dựng.
Luật Xây dựng sửa đổi 2020 chính thức rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời.
Theo đó, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình. Bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
Như vậy, thời gian cấp giấy phép xây dựng được rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.
Trường hợp đến thời hạn cấp giấy phép nhưng phải xem xét thêm, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải thông báo bằng văn bản cho chủ đầu tư biết lý do, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền quản lý trực tiếp xem xét và chỉ đạo thực hiện. Nhưng không được quá 10 ngày kể từ ngày hết hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Xây dựng 2014.
Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
Theo Sở Nội vụ, ngày 14/01/2021, Triệu tập viên HĐND TP Thủ Đức đã có quyết định triệu tập tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức để bầu các chức danh của HĐND, UBND theo quy định tại Điều 83, Điều 134 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Dự kiến, kỳ họp thứ nhất của HĐND TP HCM Thủ Đức diễn ra vào ngày mai (22/01).
Do đó, để hoạt động của chính quyền địa phương đảm bảo quy định của pháp luật, Sở Nội vụ đề nghị UBND 3 quận: 2, 9, và Thủ Đức lưu ý một số nội dung.
Cụ thể, về thời điểm chính thức hoạt động của TP Thủ Đức, Sở Nội vụ hướng dẫn kể từ kỳ họp thứ nhất của HĐND TP Thủ Đức để bầu các chức danh của HĐND và UBND TP Thủ Đức thì chính quyền địa phương của TP Thủ Đức chính thức hoạt động. Đồng thời, chính quyền địa phương tại quận 2, 9 và Thủ Đức sẽ kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn và chuyển tiếp cho chính quyền địa phương của TP Thủ Đức.
Kể từ ngày 22/1/2021, tất cả hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sẽ do chính quyền địa phương của TP Thủ Đức thực hiện.
Cùng vớiviệc sử dụng con dấu của các cơ quan, đơn vị và các phường thuộc chính quyền địa phương quận 2, 9, và Thủ Đức sẽ chấm dứt hiệu lực đến hết ngày 21/01/2021.
Cũng liên quan đến TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký quyết định sửa đổi điều 2 của Quyết định số 4764 ngày 29/12, trong đó nêu rõ TP Thủ Đức và các phường trực thuộc chính thức hoạt động từ ngày 22/01/2021.
Theo Nghị quyết 1111/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sắp xếp nguyên trạng 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức. Sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 34 phường, rộng 211,56 km2 và hơn 1 triệu người.
Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP HCM, trong năm 2020, TP HCM có 41.933 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.169.917 tỷ đồng (giảm 5,22% về số lượng doanh nghiệp và tăng 63,45% về vốn đăng ký so với năm 2019), trong đó, có 2.482 doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thành lập mới. Lũy kế đến hết tháng 10/2020, thành phố có 440.284 doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký 6.931.854 tỷ đồng.
Về doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, trong năm 2020, thành phố đã có 13.833 lượt doanh nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh (tăng 40,04%) và 5.988 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 15,24%) và đã có 10.626 doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 18,96% so với năm 2019.
Đáng nói, trong năm cả nước có đến 1.325 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 1,36 lần so với năm 2019, là mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác. Đây là tổn thất lớn, vì BĐS có liên quan đến khoảng 35 ngành nghề của nền kinh tế và tạo việc làm cho nhiều người lao động.
Cũng theo Hiệp hội BĐS TP HCM, về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong năm 2020, thành phố thu hút được 4,36 tỷ USD vốn FDI, tuy đứng đầu cả nước, nhưng giảm mạnh đến 47,49% so với năm 2019. Trong đó, đầu tư vào bất động sản 726 triệu USD, chiếm 22,3%, đứng thứ 2 trong thu hút nguồn vốn FDI. Đứng đầu nguồn vốn FDI là Singapore, 23,62%, tiếp theo là Hàn Quốc 17,04%, British Virgin Islands 13,07%,Camay Islands 10,29%, Nhật Bản 10,06%, Hoa Kỳ 3,72%, Hà Lan 3,11%, Trung Quốc 3,1%.
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, trong số các dự án được xác nhận đủ điều kiện huy động vốn nhà ở hình thành trong tương lai năm 2020, có 7.114 căn thuộc phân khúc cao cấp (tỷ lệ 42,1%). Phân khúc trung cấp có 9.618 căn (tỷ lệ 56,9%). Trong khi đó phân khúc bình dân chỉ có 163 căn, chiếm tỷ lệ 1%. Trong khi các phân khúc khác đều tăng so với năm 2019, riêng phân khúc bình dân giảm đến gần 99%.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng TP HCM cũng đánh giá thị trường đang thiếu nguồn cung, thậm chí là “tuyệt chủng” nhà ở xã hội trong thời gian tới. Một trong những nguyên nhân của việc này liên quan đến khó khăn về quỹ đất. Các chủ đầu tư chưa thực hiện hiệu quả quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoà Bình khẳng định, thành phố sẽ ưu tiên phát triển nhà ở xã hội, nhà giá thấp. Đồng thời, Ngành xây dựng của TP HCM phấn đấu đạt tổng diện tích nhà ở xây dựng mới 50 triệu m2 vào cuối 2025, đạt chỉ tiêu bình quân 23,5m2/người. Về vấn đề quỹ đất, ông Bình cho rằng cần phải có sự phối hợp giữa nhiều sở ngành để cùng giải quyết.
“Việc phối hợp giữa các Sở, ngành với nhau còn đang gặp khó khăn. Ngành xây dựng và ngành tài nguyên - môi trường phải gắn chặt với nhau vì không có đất thì không thể xây nhà. Công tác phối hợp rất quan trọng, dù đã ký rất nhiều quy chế phối hợp nhưng vẫn còn nghẽn mạch ở một vài công việc”, ông Bình chỉ ra.
Để giải quyết “cơn khát” nhà ở giá thấp tại TP HCM, cần phải có sự thay đổi tổng thể. Về phía Trung ương, các cơ quan soạn thảo chính sách cần xem xét thấu đáo, có thực tế để khi ra đời thì chính sách có thể đi vào cuộc sống. Còn về phía địa phương, các cơ quan chức năng cần chủ động, tích cực trong việc phối hợp để đảm bảo chủ đầu tư thực thi nghiêm túc các chính sách được ban hành.
Khảo sát thị trường cho thấy, đất nền ở Đà Nẵng tiếp tục giảm giá do tác động của đại dịch Covid-19. Có nhiều khu vực giảm giá sâu như tại các khu đô thị Phước Lý, Hòa Xuân
Không chỉ đất nền, đất thổ cư rớt giá, mà đất nông nghiệp tại Đà Nẵng cũng đang "chìm nghỉm". Theo khảo sát giá đất nông nghiệp Đà Nẵng chỉ dao động khoảng vài trăm ngàn đồng/m2.
Trên báo chí, ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo BĐS Đà Nẵng chia sẻ, thị trường nhà đất sau dịch Covid-19 may lắm mới giữ được sức "đi ngang" đến đầu năm 2021, nhưng sau đó sẽ ra sao thì chưa thể tiên liệu hết được. Bởi đất Đà Nẵng có quá nhiều tác động.
Những người tham gia môi giới bất động sản tại Đà Nẵng cũng đều thừa nhận, về bản chất, thị trường nhà đất địa phương đóng vai trò thứ cấp so với hai đầu đất nước. Tập trung trong vài năm trở lại đây, bất động sản Đà Nẵng ghi nhận những vận động thành công của giới đầu tư khi bằng nhiều thủ pháp, đẩy giá giao dịch thị trường lên cao, có khu vực tăng đến gấp 10 lần giai đoạn 2011 - 2013.
Một số khu vực nóng ở Hòa Xuân (Cẩm Lệ), bắc Hòa Liên, Hòa Sơn (Hòa Vang), ven sông Cổ Cò (Ngũ Hành Sơn) đã có sự tăng vọt giá đất, nhất là đất nền vì liên quan các dự án quy hoạch hạ tầng. Nhiều khu đất từ 400 triệu đồng đã có giá 3 tỷ đồng/lô đất nền trong vòng chưa đến 2 năm.
Nhưng điều không được các nhà đầu tư, lực lượng đầu cơ tính tới, là thực lực kinh tế địa phương có đồng hành với xu hướng tăng giá không. Với tâm lý chung "nước lên bèo lên", một lô đất đội giá thì cả cánh đồng thăng hoa, việc rao giá qua các dự án chào mời rất đơn giản. Có điều, thu nhập về đời sống của người dân Đà Nẵng không có thay đổi lớn.
Mức thu hút đầu tư về sản xuất của Đà Nẵng vẫn chưa cao, tỷ giá giao dịch thương mại, các dịch vụ kinh tế địa phương không có đột biến đặc sắc.
Nghịch lý đã phát sinh vì giá nhà đất tăng lên 5 - 10 lần còn thu nhập bản địa chưa đến 3 lần, tạo ra một chênh lệch quá lớn giữa cung và cầu. Bản thân các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng tại Đà Nẵng cũng phải thừa nhận, "không đủ sức mua lại các khu đất được định giá giao dịch cao".
Nhiều nhà đầu tư lẻ sau giai đoạn "say lợi nhuận" do giá đất tăng liên tục, vay mượn ngân hàng những khoản vốn lớn, mới giật mình nhận ra cơ hội tất toán cho các hợp đồng chuyển nhượng không nhiều.
Trong khi đó, một chuyện gia bất động sản tại Đà Nẵng cũng cho biết thêm một lý do vì sao đất lại giảm mạnh từ đầu năm 2020, trong đó có giá đất nông nghiệp Đà Nẵng đó là việc một chuyên viên văn phòng đăng ký đất đai tại quận Sơn Trà bị khởi tố vì làm thất lạc sổ đỏ của dân nên từ đó việc ngân hàng làm chặt chẽ hơn trong việc xác nhận đối tượng cho vay. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc mua bán đất đai tại Đà Nẵng.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/xe-thit-cong-vien-cho-thue-gia-beo-20201231000000460.html
19:00, 20/01/2021
19:01, 19/01/2021
19:00, 18/01/2021