19/01/2025 | 02:32 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Hà Nội ban hành quy chế riêng về quản lý, vận hành chung cư

Cập nhật lúc: 01/12/2020, 19:00

Hà Nội ban hành quy chế riêng về quản lý, vận hành chung cư; 8 điểm tựa tạo ra sức bật cho thị trường bất động sản TP HCM 2021; giá nhà ở tiếp tục tăng cao ở nhiều địa phương là những tin chính trong bản tin BĐS 24h.

Hà Nội ban hành quy chế  riêng về quản lý, vận hành chung cư 

Trước những bất cập trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, UBND Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định số 29/2020/QĐ-UBND về việc Quy định chi tiết một số nội dung thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố về quản lý, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn TP. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/12/2020.

Theo đó, quy định này sẽ áp dụng đối với nhà chung cư có mục đích sử dụng để ở, nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và sử dụng vào các mục đích khác trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Việc xác định phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung trong nhà chung cư sẽ căn cứ vào hồ sơ dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hợp đồng mua bán căn hộ hoặc diện tích khác nhà chung cư; căn cứ vào các quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Các chủ sở hữu phải có trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng minh quyền sở hữu riêng của mình.

Hà Nội ban hành quy chế riêng về quản lý, vận hành chung cư

Cụ thể, việc quản lý phần sở hữu riêng trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 6 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Quy định nêu rõ, việc quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu được xác định và thực hiện quản lý theo quy định tại Khoản 2, Điều 100, Điều 101 của Luật Nhà ở và Điều 7 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Về diện tích sinh hoạt cộng đồng, Quy định của UBND TP cho biết, đối với nhà chung cư thương mại thực hiện theo quy định tại Khoản 10, Điều 80 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, ngày 20/10/2015, của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014;

Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư, đơn vị được UBND Thành phố giao quản lý nhà chung cư phục vụ tái định cư tiến hành rà soát các nhà chung cư mà thiết kế không có diện tích sinh hoạt cộng đồng và đề xuất nơi bố trí diện tích sinh hoạt cộng đồng trong số diện tích kinh doanh dịch vụ đang quản lý, báo cáo Sở Xây dựng để trình UBND Thành phố xem xét quyết định; việc quản lý, sử dụng, kê khai, báo cáo phần diện tích trên do UBND xã, phường, thị trấn thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài sản công.

Đối với bảo trì nhà chung cư, các quy định về nguyên tắc bảo trì nhà chung cư; kế hoạch bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư; các hạng mục của nhà chung cư được sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung để thực hiện việc bảo trì; ký kết hợp đồng bảo trì và thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo quy định tại Điều 107 của Luật Nhà ở năm 2014; các Điều 32, 33, 34 và Điều 35 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD.

Đối với nhà chung cư đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa có quy trình bảo trì nhà chung cư và các thiết bị thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư, việc lập và phê duyệt quy trình bảo trì được thực hiện theo quy định tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 38 của Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015, của Chính phủ.

Đối với nhà chung cư phục vụ tái định cư được đầu tư từ ngân sách, ngoài các nội dung về bảo trì nhà chung cư nói chung, Quy định của Hà Nội nêu rõ còn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 18/2018/QĐ-UBND, ngày 23/8/2018, của UBND Thành phố về việc ban hành quy định về sử dụng nguồn thu từ hoạt động cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước tại các chung cư phục vụ tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

"Những quy định có liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư không quy định trong Quy định này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở có liên quan", quy định của UBND TP nêu rõ.

Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc, UBND TP đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Trước đó, tại văn bản số 5373/UBND-SXD, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng đã chỉ đạo nhiều đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, vận hành chung cư trên địa bàn Thành phố.

8 điểm tựa tạo ra sức bật cho thị trường bất động sản TP HCM 2021

Theo Reatimes, thị trường bất động sản 2020 trông đợi rất nhiều vào quý IV, vốn là thời điểm hoạt động sôi nổi nhất trong năm để thu lại những gì chưa đạt được từ đầu năm 2020.

Vậy, 8 điểm tựa cụ thể là gì ?

1. Duy trì việc kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, không để lây lan trong cộng đồng.  Phải nhắc đến điều này do khi tình hình dịch bệnh căng thẳng vào cuối quý I - đầu quý II/2020, Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội được ban hành để kiểm soát dịch bệnh, song cũng đã làm ngưng trệ mọi hoạt động kinh tế - xã hội. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, các hoạt động mới trở lại bình thường và phục hồi tốt.

2. Việc duy trì kiểm soát tốt dịch bệnh là nền tảng để phục hồi kinh tế. Khi kinh tế vĩ mô phục hồi và tăng trưởng tốt, các lĩnh vực ngành nghề khác mới phát triển và bất động sản là lĩnh vực tiên phong. Kinh tế vĩ mô gồm nhiều yếu tố khác đi kèm như FDI, CPI, lãi suất, giá vàng, chỉ số VN-Index,… Các kênh truyền thông thế giới đã đề cập, Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi có các chỉ số kinh tế trong quý III tăng trưởng dương và đây cũng sẽ là kết quả cho cả năm. Khi kinh tế vĩ mô có sự tăng trưởng mạnh trở lại, GDP cả năm có thể đạt được trên dưới 3%.

3. Quy trình, thủ tục pháp lý về phê duyệt dự án mới, đặc biệt là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án bị đình trệ được đẩy nhanh tiến độ và giải quyết tích cực. Từ đó, các chủ đầu tư có đủ điều kiện mở bán theo quy định, nguồn cung mới dồi dào hơn. Cũng trong vấn đề pháp lý, Luật Đầu tư và Luật Xây dựng sửa đổi được thông qua vào ngày 17/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, được hy vọng đơn giản các quy trình thủ tục và tạo điều kiện rộng mở cho các doanh nghiệp.

Thị trường bất động sản 2020 trông đợi rất nhiều vào quý IV,

4. Định hướng thành lập “thành phố phía Đông”, tạm gọi là “thành phố Thủ Đức” đang được các cơ quan Nhà nước thông qua cũng như xã hội và thị trường bất động sản ủng hộ. 

Trong thời gian tới, hy vọng việc lập kế hoạch triển khai thành lập thành phố phía Đông có những bước tiến cụ thể hơn và công bố rộng rãi. Đây sẽ là một trong những tác nhân rất lớn và là lực kéo để thị trường bất động sản Nhà ở TP HCM 2021 sôi động và phát triển mạnh mẽ về sau.

5. Sự kết nối thị trường giáp ranh TP HCM đã không còn nằm trong địa giới hành chính của TP HCM mà đã lan rộng với các tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An. Trong năm 2019 - 2020, thị trường bất động sản các tỉnh này đã có sự phát triển sôi động, tiêu biểu như phân khúc căn hộ ở Bình Dương, đất nền ở Đồng Nai, nhà phố/biệt thự ở Long An,… Sự phát triển này sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới, góp phần giảm áp lực cho thị trường TP HCM và nếu tận dụng tốt xu hướng này, việc hình thành các đô thị vệ tinh sẽ nhanh hơn, giảm áp lực chung cho TP HCM.

6. Hạ tầng giao thông: Đối với bất động sản, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để thúc đẩy thị trường sôi động và phát triển là hạ tầng giao thông. Với chủ trương tăng cường giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, năm 2021 hy vọng nhiều dự án hạ tầng giao thông sẽ được thúc đẩy triển khai, tạo thêm lực đẩy, tạo đà phát triển cho giai đoạn mới của thị trường bất động sản.

7. Vấn đề quy hoạch, đặc biệt quy hoạch ở những khu vực có thể xây dựng nhà ở vừa túi tiền cho người mua nhà lần đầu, có nhu cầu ở thực và có tài chính vừa phải, ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để ổn định và bền vững thị trường bất động sản nhà ở nói chung.

8. Mức giá ổn định: Tuy mức giá trên thị trường bất động sản khó có thể giảm nhưng đừng tăng mạnh, tăng nhanh nữa.

Nếu như trong quý IV, mức giá tiếp tục tăng mạnh như thời gian qua, sẽ rất rủi ro và có thể dẫn đến một đợt “đứng hình” mới của thị trường. Sức chịu đựng của người mua, dù đầu tư hay ở, chỉ có thể chấp nhận ở mức giá bất động sản đúng với giá trị và tiềm năng của nó.

Giá nhà ở tiếp tục tăng cao ở nhiều địa phương

Mới đây, Bộ Xây dựng đã làm việc với các cơ quan chức năng và các tổ chức liên quan để tìm ra các giải pháp kéo giá nhà ở xuống, đúng giá trị thật và phù hợp với nhu cầu của đại đa số dân chúng. Hy vọng rằng sẽ có những biện pháp căn cơ, lâu dài và sâu rộng để giúp thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM phát triển ổn định và bền vững hơn.

Sự suy giảm của thị trường bất động sản năm 2020 xuất phát từ nhiều tác động chung, còn bản chất vẫn rất tiềm năng. Trong những điểm chờ nêu trên, nhiều điểm đã và đang đến rất gần. Trên nền tảng đó, thị trường bất động sản nhà ờ TP.HCM 2021 sẽ có nhiều cơ hội phát triển tích cực và vững chắc hơn. 

Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng theo báo cáo của Bộ Xây dựng không chỉ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM giá nhà còn “neo” cao mà ở các tỉnh lân cận, giá BĐS cũng không có xu hướng giảm nhiệt.

Giá nhà ở tiếp tục tăng cao ở nhiều địa phương

Cụ thể, giá bán chung cư trên cả nước, ở phân khúc trung cấp giá từ 25-35 triệu đồng/m2, phân khúc cao cấp từ 35 triệu đồng/m2 trở lên. Tại Hà Nội giá bán chung cư trung bình từ 24,8 triệu đồng/m2 (căn hộ trung cấp có giá khoảng 31 triệu đồng/m2, cao cấp khoảng 37,7 triệu đồng/m2).

Tại TP HCM mức giá nhà ở dao động từ 30-50 triệu đồng/m2; tại Quảng Ninh giá BĐS 23-27 triệu đồng/m2; tại Hải Phòng mức giá dao động khoảng 30 triệu đồng/m2; tại Bình Dương mức giá dao động khoảng 30-38 triệu đồng/m2; tại Cần Thơ mức giá dao động từ 19-60 triệu đồng/m2.

Cụ thể tại Hà Nội, giá chung cư quý 3/2020 tăng khoảng 0,24% so với quý 2/2020 (căn hộ cao cấp giảm khoảng 0,77%, căn hộ trung cấp giá tăng 0,44%, căn hộ bình dân giá tăng 1,02%). Đối với nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0,03% so với quý II/2020.

Tại TP HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0,35% so với quý 2/2020 (trong đó căn hộ cao cấp tăng khoảng 0,16%, trung cấp tăng 0,72%, bình dân tăng 0,85%). Đối với nhà ở riêng lẻ tăng giá khoảng 0,26%. 

Đối với phân khúc BĐS công nghiệp, Bộ Xây dựng cũng chỉ ra sự tăng giá trong việc thuê đất. Mức giá chào thuê tại một số khu công nghiệp tại TP HCM, Đồng Nai, Long An tăng giá từ 20-30% so với cùng kì năm ngoái. Bên cạnh đó tỉ lệ lấp đầu các khu công nghiệp tại 5 tỉnh, thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc bao gồm Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Hải Dương duy trì ở mức tích cực 78%. Giá thuê tại các khu vực này cũng ghi nhận tăng từ 20-30% so với năm trước.

Nhiều bất cập cần được tháo gỡ để thị trường BĐS đi vào ổn định

Theo Reatimes, tại hội thảo về phát triển thị trường bất động sản do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức sáng 27/11. Bộ Xây dựng cho rằng, sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Giá nhà đang ở mức cao và cơ cấu sản phẩm cũng đang mất cân đối.

Hội thảo về phát triển thị trường bất động sản do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP.HCM tổ chức sáng 27/11

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, hiện nay, những vướng mắc về cơ chế, thủ tục pháp lý chính là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn thị trường lâu dài.

Theo ông Châu, tại TP HCM, từ tháng 12/2015 đến tháng 9/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị ngừng triển khai do "ách tắc" thủ tục đầu tư xây dựng. Từ ngày 7/3/2017 đến nay, có khoảng 158 mặt bằng, hoặc dự án sử dụng quỹ đất có nguồn gốc do Nhà nước quản lý, đã phải dừng triển khai để thực hiện việc rà soát, kiểm tra về pháp lý. Ông Châu cho rằng hiện có 7 vướng mắc cần được tháo gỡ sớm.

Thứ nhất, quá trình đầu tư kinh doanh dự án nhà ở thương mại thường mất khoảng trên dưới 5 năm, thậm chí trên dưới 10 năm, nhưng chủ đầu tư không được quyền tự do chuyển nhượng dự án (M&A) theo nhu cầu kinh doanh.

Thứ hai, về nguồn vốn đầu tư dự án, theo quy định pháp luật, chủ đầu tư phải có tối thiểu 15-20% vốn chủ sở hữu trong tổng mức đầu tư. Phần lớn nguồn vốn còn lại chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng ngân hàng, hoặc huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp, hoặc vốn liên doanh liên kết, hợp tác và vốn huy động từ khách hàng.

Thứ ba, do quy định chỉ được tính các khoản chi phí hợp pháp, hợp lệ, hợp lý được Luật Thuế công nhận, nên giá thành sản phẩm nhà ở thấp hơn rất nhiều so với chi phí thực tế mà chủ đầu tư đã bỏ ra. Trong đó, có cả các "chi phí không tên" và do không được công nhận là chi phí, nên bị coi là "lợi nhuận" phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trên các chi phí không được tính này. Cuối cùng, tất cả mọi chi phí của chủ đầu tư đều tính trong giá bán, mà người mua nhà phải gánh lấy khi mua nhà.

Thứ tư, một số khoản thu ngân sách nhà nước chưa hợp lý đối với dự án nhà ở thương mại, như mức thu tiền bảo vệ đất lúa khá cao, với mức thu tối thiểu bằng 50% bảng giá đất. Đặc biệt là khoản thu "tiền sử dụng đất" không hợp lý, đối với các dự án nhà ở thương mại.

Thứ năm, phần lớn các nhà môi giới ở nước ta chưa chuyên nghiệp, chưa được đào tạo đầy đủ, nên đã xảy ra nhiều bất cập. Thậm chí, có trường hợp nhà môi giới (cò đất, cò nhà) gây thiệt hại cho người mua nhà và nhà đầu tư thứ cấp, hoặc có lúc đã làm "nhiễu" thị trường.

Thứ sáu, gần như có cả một "rừng" văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản, nhìn chung rất rườm rà phức tạp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, xung đột, như một "ma trận" làm nản lòng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ bảy, công tác thực thi pháp luật cũng còn nhiều mặt hạn chế, nhất là quy trình thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn khuất cơ chế "xin-cho", nhũng nhiễu, tiêu cực. Đây cũng là "lực cản" và là một nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư, tăng giá nhà.

Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra dự báo nhu cầu nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Nguyên nhân chính đến từ tốc độ gia tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa; sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với mức thu nhập của người dân tăng làm tăng khả năng chi trả; nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở.

Xét riêng cho từng phân khúc nhà ở, Bộ Xây dựng cho rằng, chung cư giá rẻ và trung bình sẽ là phân khúc chiếm thị phần lớn nhất và có xu hướng gia tăng. Nhà biệt thự, liền kề giữ ổn định trong ngắn hạn và có xu hướng giảm thị phần trong dài hạn. Nhà ở cho người thu nhập thấp tiếp tục còn thiếu hụt trong ngắn hạn và trung hạn.

Đáng chú ý, số liệu Bộ Xây dựng cũng cho biết, cả nước đã và đang triển khai khoảng 5.000 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2009. Trong tổng số 5.000 dự án nhà ở có hơn 1.000 dự án nhà ở xã hội; 326 khu công nghiệp, gần 40.000 căn hộ du lịch; trên 6 triệu m2 văn phòng cho thuê (gần gấp 3 lần năm 2009)…

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhìn nhận, sự phát triển của thị trường giai đoạn 2015 - 2020 vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Giá cả hàng hóa bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao và vẫn giữ xu hướng tăng, nhất là tại các đô thị lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng).

TP HCM cần 160.000 căn hộ nhà ở xã hội

Sở Xây dựng TP HCM trình UBND TP về việc phê duyệt đề án xây dựng Chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021-2030. Theo đề án, TP đặt mục tiêu đạt 295 triệu m2 tổng diện tích sàn nhà vào năm 2030, bình quân 26,5 m2/người (dự kiến quy mô dân số toàn TP vào cuối năm 2030 khoảng 11,1 triệu người).

TP HCM cần 160.000 căn hộ nhà ở xã hội

Hướng đến mục tiêu trên, giai đoạn 2021-2030 dự kiến phát triển khoảng 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 160.000 căn hộ diện tích tối thiểu. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phát triển khoảng 1,8 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 phát triển khoảng 2,2 triệu m2 sàn. Để làm được điều này, TP sẽ yêu cầu các doanh nghiệp có dự án quy mô trên 10 ha cần dành 20% diện tích xây dựng nhà ở xã hội. Ngoài ra, ưu tiên sử dụng các quỹ đất nhà nước để phát triển nhóm nhà ở này.

Với nhà ở thương mại, giai đoạn 2021-2030 dự kiến phát triển 45,2 triệu m2 sàn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 phát triển 19,7 triệu m2 sàn và giai đoạn 2026-2030 phát triển 25,5 triệu m2 sàn. Để thực hiện mục tiêu, TP sẽ ban hành các cơ chế tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút, hỗ trợ tài chính nhằm tăng tính khả thi, đẩy mạnh việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đồng thời, bổ sung vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP của TP với loại hình nhà ở này.

Doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng vọt

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê (GSO) cho biết, trong tháng 11 cả nước có gần 13.100 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 285.000 tỷ đồng và gần 120.000 lao động.

Những con số này cho thấy doanh nghiệp đang trên đà hồi phục hậu Covid-19, tháng 11 cũng ghi nhận sự thành lập của doanh nghiệp với quy mô lớn hơn, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 11 tăng 5,4% so với tháng trước và tăng gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng, có 40.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng gần 11% so với cùng kỳ.

Theo đó, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng đạt 165.100 doanh nghiệp, xấp xỉ so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của GSO đánh giá, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực.

Số doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 31% so với cùng kỳ năm trước còn số doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng tăng 10%. Các ngành còn lại đa phần đều có số doanh nghiệp thành lập mới tương đương hoặc giảm so với cùng kỳ.

Doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng vọt

Đáng chú ý một báo cáo mới đây từ Bộ Xây dựng cho hay, tính từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cùng với hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản đã được thành lập. Theo Bộ Xây dựng, sau hai đợt dịch Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã bắt đầu hoạt động trở lại. Các doanh nghiệp kinh doanh và phát triển bất động sản bắt đầu mở bán các dự án, công bố kế hoạch kinh doanh thời kỳ sau đại dịch cùng với kế hoạch tuyển dụng lao động và tìm kiếm nhân sự phù hợp cho kế hoạch lâu dài.

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn song các doanh nghiệp kinh doanh và doanh nghiệp phát triển bất động sản đã có những giải pháp tiếp cận khách hàng, thay đổi khu vực phát triển để đón đầu xu thế dịch chuyển dòng vốn FDI, xu thế đô thị hóa ở những địa phương ngoài các đô thị lớn.

Ngoài ra, với những ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, hệ thống giao thông đi lại được cải thiện hơn, chính sách đầu tư thông thoáng và tạo nhiều điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Việt Nam đang có những lợi thế riêng hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư bất động sản trong và ngoài nước so với các nước trong khu vực về việc thu hút nguồn vốn cho ngành du lịch và phân khúc đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.

Cùng với đó, kể từ ngày 01/01/2021 Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực với điều khoản sẽ không còn bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định từ 20 tỷ đồng trở lên. Với quy định mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh bất động sản (vốn ít vẫn được phép kinh doanh).