19/01/2025 | 07:10 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Hàng loạt doanh nghiệp vào tầm ngắm thanh tra xây dựng năm 2021

Cập nhật lúc: 28/11/2020, 19:00

Hàng loạt doanh nghiệp vào tầm ngắm thanh tra xây dựng năm 2021; hoàn thiện thể chế để thị trường bất động sản phát triển;

Hàng loạt doanh nghiệp vào tầm ngắm thanh tra xây dựng năm 2021

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà vừa ký Quyết định số 1463 ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2021 của Bộ Xây dựng. Theo kế hoạch, Bộ sẽ thực hiện thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra.

Cụ thể, việc thanh tra hành chính sẽ thực hiện thanh tra công tác quản lý tài chính, phòng chống tham nhũng và thực hiện nhiệm vụ do Bộ trưởng giao tại Trường Cao đẳng Xây dựng số 1, Viện Khoa học công nghệ xây dựng và Trung tâm điều dưỡng phục hồi chức năng ngành Xây dựng phía Nam.

Đối với thanh tra chuyên ngành, sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng do ACV; Tập đoàn EVN và một số đơn vị thành viên làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư.

Các dự án do Tập đoàn EVN và một số thành viên làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư gồm: Dự án đường dây 500kV Tây Hà Nội – Thường Tín; Đường dây 220kV Nho Quan – Thanh Nghị; Đường dây 500kV đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 vào hệ thống điện Quốc gia.

Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn II – Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2021 của Bộ Xây dựng. (Nguồn: Tienphong)

Các dự án do Tổng Công ty cảng hàng Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư gồm: Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc giai đoạn II – Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; dự án Mở rộng đỗ máy bay – Cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Giai đoạn 1); Cải tạo, mở rộng nhà ga hàng không, sân đỗ ô tô Cảng hàng không Chu Lai; Nâng cấp, cải tạo sân đỗ máy bay khu vực nhà ga cũ và đường lăn W2 – Cát Bi.

Tại Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Gia Lâm sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản tại Khu đô thị Gia Lâm (huyện Gia Lâm, Hà Nội) quy mô 420ha.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng của UBND các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Trà Vinh, TP Cần Thơ trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Cần hoàn thiện thể chế để thị trường bất động sản phát triển

Phát biểu tại Hội thảo: “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua đã có nhiều chủ trương, chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản. Tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đầu tư và các chủ thể tham gia, qua đó các sản phẩm bất động sản phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng, loại hình.

Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản trải qua 4 lần thay đổi trạng thái cơ bản. Giai đoạn 2009 - 2010, thị trường phát triển nóng, hầu hết các phân khúc bất động sản đều tăng trưởng nóng, chủ yếu do nới lỏng tín dụng.

Giai đoạn 2011 - 2013, thị trường rơi vào trầm lắng, đóng băng, do ngân hàng siết chặt nguồn vốn và tiêu chuẩn tín dụng cho vay bất động sản. Giai đoạn 2014 - 2019, hệ thống pháp luật được hoàn thiện đã tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan từ thị trường bất động sản, đến nay vẫn còn một số tồn tại, hạn chế bộc lộ trong thực tế cần khắc phục.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản còn tồn tại những mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ; Cơ cấu sản phẩm bất động sản tại một số địa phương, khu vực còn chưa phù hợp. Nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.

Giá nhà ở tại khu vực đô thị còn cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân cũng như tốc độ phát triển của nền kinh tế. Chưa có quy định cụ thể đối với các loại hình đặc thù như bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng - lưu trú (condotel, office, resort villa), bất động sản hạ tầng, bất động sản công nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Việt Dũng) - Nguồn: Tienphong

Đặc biệt, vẫn còn tình trạng các dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, thậm chí là không có thật nhưng vẫn được rao bán nhằm lừa đảo, chiếm dụng tiền của người mua. Tính minh bạch của thị trường vẫn còn hạn chế do hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa hoàn chỉnh và bị phân mảnh do nhiều cơ quan quản lý…

Theo đó, để đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế đồng bộ, thống nhất tạo điều kiện thông thoáng để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia thị trường.

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho rằng cần tập trung đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, giá thấp để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp và điều chỉnh cơ cấu bất động sản nhà ở. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hình thức liên thông, cắt giảm thủ tục.

Đặc biệt, cần tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, chủ động kiểm soát, điều tiết đảm bảo thị trường phát triển cân đối cung - cầu, ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch. Kịp thời ngăn chặn, không để thị trường xảy ra tình trạng “sốt nóng” hay “đóng băng”, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế, an ninh, trật tự xã hội.

Dự án NƠXH 'tai tiếng' cho dân vào ở khi chưa nghiệm thu PCCC

Theo Tienphong, dự án nhà ở xã hội Bright City (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) dù chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long đã đưa dân vào ở. Đây là dự án "tai tiếng" khi trước đó chủ đầu tư vỡ cam kết về tiến độ bàn giao khiến hàng trăm khách hàng có nguy cơ mất nhà.

Thực hiện Kế hoạch 359/KH-CAHN-PV01 ngày 09/11/2018 của Công an thành phố Hà Nội về Tổng kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2018, từ ngày 01/11/2019 đến ngày 07/11/2019, các lực lượng chức năng Công an Thành phố đã tổ chức kiểm tra, phát hiện nhiều cơ sở không đảm bảo các điều kiện an toàn về Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Dự án nhà ở xã hội Bright City do Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long (thành viên của Công ty cổ phần Bất động sản AZ) làm chủ đầu tư bị phạt 80 triệu đồng do đưa dân vào ở khi chưa nghiệm thu PCCC.

Cụ thể tại danh sách mà lực lượng PCCC Hà Nội công bố thì tại Dự án Tổ hợp nhà ở xã hội và Thương mại dịch vụ AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung huyện Hoài Đức do Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long (thành viên của Công ty cổ phần Bất động sản AZ) làm chủ đầu tư.

Theo đó, dự án nhà ở xã hội (NƠXH) Bright City chưa nghiệm thu về PCCC nhưng Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long đã cho người dân vào ở, tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn PCCC. Chính vì vậy Công ty TNHH bánh kẹo Thăng Long bị phạt hành chính với số tiền là 80 triệu đồng.

Sau nhiều lần cư dân đấu tranh, chủ đầu tư đã đưa ra cam kết chậm nhất sẽ bàn giao nhà vào ngày 30/6/2019. Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục công trình đang dang dở, hệ thống PCCC chưa được nghiệm thu nhưng Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long đã phát hành thông báo bàn giao căn hộ đến nhiều gia đình, bất chấp nguy hiểm tính mạng của người dân.

Dự án Bright City có quy mô gồm 4 tòa nhà cao 35 tầng (A1.1, A1.2, A2, A3). Tổng số căn hộ là 1.496 căn, sau khi đi vào hoạt động cung cấp chỗ ở cho khoảng 4.500 cư dân người có thu nhập thấp. Dự án này dính đầy "tai tiếng" khi trước đó chủ đầu tư vỡ cam kết về tiến độ bàn giao khiến hàng trăm khách hàng có nguy cơ mất nhà.

Được khởi công từ tháng 11/2014 và theo hợp đồng mua bán căn hộ, chủ đầu tư phải bàn giao nhà cho cư dân vào tháng 11/2017. Trong suốt quá trình thi công, do yếu về năng lực tài chính nên chủ đầu tư đã phải ngừng thi công nhiều lần và thời điểm hiện tại chỉ hoàn thiện căn bản được 2 tòa A1.1 và A1.2.

Điểm mặt loạt doanh nghiệp BĐS nợ thuế ‘chết theo dự án'

Theo Vietnamnet, Cục thuế TP HCM vừa công khai thông tin 586 doanh nghiệp nợ thuế, tiền phạt và chậm nộp kỳ 2/2020 (tính đến ngày 30/9/2020) với tổng số tiền nợ lên đến 4.656 tỷ đồng. So với thời điểm tháng 1/2020, số doanh nghiệp nợ thuế chỉ tăng thêm 51 đơn vị nhưng tổng số tiền nợ thuế đã tăng 1.470 tỷ đồng.

Danh sách nợ thuế đợt này có không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, một số trong đó là chủ đầu tư các dự án đã “chết lâm sàng” hoặc từng vướng lùm xùm với khách hàng.

So với kỳ trước, tiền nợ thuế của Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh nhà Tân An Huy (Công ty nhà Tân An Huy) đã tăng 7 tỷ đồng, từ 173 tỷ đồng lên 180 tỷ đồng. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Khu dân cư Tân An Huy quy mô 20,8ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Dự án Khu dân cư Tân An Huy được quy hoạch thành khu đô thị mới ven sông gồm nhà phố biệt thự, chung cư cao cấp, vị trí nằm đối diện Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Được giao đất từ năm 2004 nhưng hơn chục năm trôi qua Công ty Tân An Huy vẫn chưa hoàn tất bồi thường, thi công hạ tầng chỉ đạt 80%, đã xây 14/313 căn nhà thấp tầng.

Tại các khu đất cao tầng, y tế, giáo dục, Công ty Tân An Huy chuyển nhượng cho chủ đầu tư khác nhằm thu lợi. Ở khu nhà thấp tầng, công ty và các đối tác đã chuyển nhượng hoặc hoán đổi toàn bộ các nền đất khi hoàn tất việc bồi thường. Điều này dẫn đến dự án bị ách tắc, kéo dài.

Dự án Park Vista có nhiều sai phạm, chủ đầu tư ngưng thi công thời gian dài.

Thanh tra TP HCM xác định, Công ty Tân An Huy còn có nhiều sai phạm như chậm nộp tiền sử dụng đất, nợ thuế, chưa hoán đổi đất do Nhà nước quản lý, xây dựng không đúng quy hoạch, xây dựng không phép, sai phép… Nhiều khách hàng nhận chuyển nhượng các nền đất tại dự án dù đã thanh toán tiền nhưng vẫn không được giao đất, không được cấp giấy chủ quyền. 

Cũng bị “bêu tên” đợt này, Công ty TNHH DV-TM-SX-XD Đông Mê Kông (Công ty Đông Mê Kông) đang nợ thuế 70,6 tỷ đồng. Đây là chủ đầu tư dự án Khu căn hộ cao cấp Park Vista ở huyện Nhà Bè hiện đang ngưng thi công khiến không ít khách hàng bức xúc.

Tại kết luận thanh tra mới đây, Thanh tra TP.HCM chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án Park Vista trong việc cấp giấy phép xây dựng; chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thế chấp gần 23.000m2 cho ngân hàng; bán “chui” 289 căn hộ; chưa kê khai doanh thu và các loại thuế từ việc bán căn hộ…

Thanh tra TP.HCM yêu cầu Công ty Đông Mê Kông thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với phần đất được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất và các khoản thuế, phí khác tại dự án Park Vista. Trường hợp chủ đầu tư tiếp tục chậm trễ, chây ỳ, UBND Thành phố giao Sở TN&MT xem xét, đề xuất thu hồi dự án.

Nợ thuế chỉ 5,9 tỷ đồng, thế nhưng tên tuổi của Công ty CP Tập đoàn Khang Thông (Tập đoàn Khang Thông) đang “chết” theo dự án Happyland (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Đây là dự án do Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (thuộc Tập đoàn Khang Thông) làm chủ đầu tư.

Happyland từng được quảng bá là “khu vui chơi giải trí lớn nhất Đông Nam Á”, nhưng sau khi khởi công vào năm 2011 và hoàn thành một số hạng mục cơ bản, dự án này đã “đứng hình” suốt nhiều năm. Dự án trở thành tài sản kê biên khi chủ đầu tư nợ nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước với số tiền lên đến 1.800 tỷ đồng. 

Kinh doanh bất động sản khu công nghiệp nhiều triển vọng trong dài hạn

Theo báo cáo triển vọng ngành quý IV/2020 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), đơn vị này đánh giá khả quan đối với ngành bất động sản khu công nghiệp nhờ Hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ thu hút nguồn vốn vào trong nước . Cùng với đó là kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao cũng là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam.

BSC cho biết, vốn FDI thực hiện 9 tháng năm 2020 đạt 13,76 tỷ USD (giảm 4,2% so với cùng kỳ), mặc dù vẫn ở mức giảm tuy nhiên đã có xu hướng cải thiện so với các tháng đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong các tháng đầu năm khiến nhiều hoạt động thương mại, đầu tư đình trệ.

Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp Phía Bắc tăng chậm trong quý III/2020 đạt 74% (tăng 160 bps so với quý I/2020). Nguyên nhân do vốn FDI giải ngân giảm, tiến trình thuê đất khu công nghiệp chậm so với năm 2019 do đại dịch Covid-19.

BSC cho rằng, gián đoạn này chỉ xảy ra trong ngắn hạn 2020, và kỳ vọng thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn hưởng lợi từ nhu cầu gia tăng do việc di chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác.

Theo BSC, giá cho thuê vẫn có xu hướng tăng nhẹ nhờ nhu cầu tìm kiếm đối với bất động sản KCN vẫn tăng và nguồn cung đất sẵn sàng cho thuê đang hạn chế. Cụ thể, giá thuê trung bình đạt 102 USD/m2/chu kỳ thuê (tăng 7,1% so với cùng kỳ), giá thuê nhà xưởng xây sẵn cũng tăng nhẹ khoảng 4 - 5,2 USD/m2 (tăng 2,1% so với cùng kỳ).

Mặc dù Covid-19 có thể tạm thời làm gián đoạn đầu tư tại Việt Nam, nhưng sự quan tâm từ các nhà đầu tư vẫn duy trì mạnh mẽ, thể hiện qua lượng tiềm kiếm trên về các khu công nghiệp (KCN) đều tăng mạnh từ 20 - 37% trong quý III/2020 (theo thống kê của batdongsan.com.vn).

Đồng thời các doanh nghiệp cũng phát triển mạnh các nền tảng trực tuyến (thực địa ảo trực tuyến, hội thảo, nâng cấp trang web...) để đáp ứng nhu cầu khách thuê tìm hiểu. Ngoài ra, nguồn cung các khu công nghiệp mới tăng chậm vì chịu sự quản lý chặt chẽ của Chính phủ, các doanh nghiệp khu công nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề xử lý pháp lý, do đó quỹ đất sẵn sàng cho khách thuê bị hạn chế.

BSC kỳ vọng đại dịch Covid-19 sẽ tiếp thêm động lực cho việc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng tập trung một khu vực. BSC cho rằng tiến trình này sẽ chậm lại trong năm 2020 do việc hạn chế đi lại để khảo sát thực địa và tâm lý thị trường thận trọng hơn, tuy vậy triển vọng kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ tích cực trong dài hạn.

Với lợi thế vị trí địa lý, chi phí nhân công giá rẻ, ưu đãi thuê phí của Chính phủ, thu hút FDI từ các hiệp định kinh tế, và việc kiểm soát dịch bệnh tốt, Việt Nam được cho rằng sẽ là điểm đến hấp dẫn trong chuỗi dịch chuyển này. Các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có quỹ đất lớn sẵn sàng đón đầu cơ hội (KBC, BCM, IDC, GVR, PHR,…).

Sau khi báo cáo này được công bố, dường như các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp hưởng ứng khá tích cực. BCM được kéo lên mức giá trần trong phiên 27/11. Các cổ phiếu như SNZ, D2D, ITA hay KBC cũng đồng loạt tăng giá mạnh trong phiên 27/11.