19/01/2025 | 07:04 GMT+7, Hà Nội

Bản tin BĐS 24h: Chờ đợi gì ở mô hình chính quyền đô thị?

Cập nhật lúc: 29/11/2020, 19:00

Chờ đợi gì ở mô hình chính quyền đô thị; dư nợ tín dụng BĐS đang ở mức an toàn; cần hoàn thiện thể chế để thị trường BĐS phát triển là những nội dung chính trong bản tin BĐS 24h.

Chờ đợi gì ở mô hình chính quyền đô thị?

TP.HCM được xem là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm lớn của cả nước về nhiều mặt. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Thành phố vẫn chưa thể phát huy hết thế mạnh, mà một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do mô hình tổ chức chính quyền địa phương chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của một đô thị đặc biệt.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM, thời gian qua, Thành phố đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, đề án với mong muốn phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh và vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Thực tế, mô hình chính quyền đô thị cũng đang được thực hiện thí điểm ở TP Hà Nội và Đà Nẵng, nhưng điểm khác biệt là TP HCM được bắt tay vào xây dựng mà không qua thí điểm. Lý do bởi quy định hiện hành đã cho phép, trong khi trước đây phải thí điểm vì chưa đủ cơ sở pháp lý hoạt động.

Chờ đợi gì ở mô hình chính quyền đô thị?

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho hay, việc không tổ chức hội đồng nhân dân các cấp quận, huyện, phường đã được Thành phố thí điểm thực hiện trong 7 năm (2009-2016) và ghi nhận nhiều kết quả tích cực như giúp tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn, chú trọng tính hiệu lực, hiệu quả, tiết kiệm chi ngân sách, tăng nguồn lực chi cho đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân…

Đối với người dân và doanh nghiệp, việc không tổ chức hội đồng nhân dân các cấp quận, huyện, phường được TP.HCM triển khai gắn với xây dựng đô thị thông minh, cải cách hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đặc biệt, khi không tổ chức cấp này thì chính quyền TP.HCM sẽ tập trung thống nhất trong việc giải quyết các “điểm nghẽn” như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường và các vấn đề dân sinh khác.

Điểm nổi bật của mô hình chính quyền đô thị ở TP.HCM là thành lập “thành phố trong thành phố” - là hạt nhân, là một “cực” tăng trưởng mới thúc đẩy kinh tế Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển bền vững.

Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực về cơ chế, chính sách, theo ông Châu, quan trọng nhất vẫn nằm ở còn người, bởi ngoài những vướng mắc vượt thẩm quyền cần xin ý kiến cấp Trung ương, thì một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến thị trường bất động sản TP.HCM “tắc” thủ tục bấy lâu nay là do một số cán bộ, công chức ngại trách nhiệm, dẫn đến thụ động, không dám đề xuất chính kiến, dẫn đến nhiều hồ sơ của doanh nghiệp bị “dừng - ngâm - đùn đẩy”.

Với mô hình “TP. Thủ Đức” mà TP HCM đã xây dựng lồng ghép vào đề án chính quyền đô thị, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nêu quan điểm, về mặt tổ chức chính quyền của TP.Thủ Đức, bỏ cấp quận là không phù hợp vì quy mô Thành phố quá lớn do sáp nhập 3 quận hiện tại (gấp 2 lần diện tích thủ đô Paris của Pháp - 105 km2).

Tuy nhiên, có thể tính toán giảm cấp phường, vì theo tiêu chí đô thị thông minh, tới đây, nhiều thủ tục hành chính ở cấp phường được thực hiện qua công nghệ số. Đó là chưa kể về mặt thẩm quyền, khi bỏ cấp quận sẽ tạo cảm giác vị thế của lãnh đạo TP. Thủ Đức chỉ ngang cấp quận, như vậy sẽ không phù hợp với quy mô của Thành phố.

Dư nợ tín dụng bất động sản đang ở mức an toàn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội mới đây, đến thời điểm hiện tại dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản giảm dần trong 5 năm trở lại đây, từ 8,05% xuống còn 6,47% trong năm 2019; trong quý I/2020 giảm còn 6,3%; quý II/2020 tăng nhẹ lên 6,48%; đến quý III/2020 dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 6,3% đến 7%, nằm trong ngưỡng an toàn theo thông lệ quốc tế.

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6/2020, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 580.168 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án khu đô thị, dự án phát triển nhà ở và sửa chữa, cải tạo nhà đạt 145.099 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.

Dư nợ tín dụng bất động sản đang ở mức an toàn

Tại hội thảo "Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững... tầm nhìn đến năm 2045", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định: "Dư nợ tín dụng đến thời điểm 30/9/2020 là khoảng hơn 600.000 tỷ đồng. Dư nợ này được đánh giá là khá an toàn".

Cũng theo ông Sinh, nguồn lực tài chính đầu tư cho các dự án bất động sản chưa đa dạng, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng của ngân hàng và nguồn tiền ứng trước của người dân. Chưa nhiều doanh nghiệp thực hiện huy động vốn một cách phù hợp thông qua các sàn giao dịch chứng khoán, sàn phát hành trái phiếu…

Trong khi đó, theo quy định hiện hành, chủ đầu tư phải có tối thiểu 15 - 20% vốn trên tổng mức đầu tư dự án, còn lại phải huy động từ các nguồn khác. Do vậy, doanh nghiệp bất động sản muốn có vốn trung và dài hạn buộc phải thu hút từ những kênh khác nhiều hơn.

Để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành các quyết định hạ một số loại lãi suất điều hành có hiệu lực kể từ ngày 13/5/2020. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 3 trong vòng 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất, một số ngân hàng thương mại cũng đã có những hành động và kế hoạch cho khách hàng giãn, hoãn những khoản nợ.

Hoàn thiện thể chế để thị trường bất động sản phát triển

Hiện nay, cả nước ước tính đã và đang thực hiện trên 5.000 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 4,5 triệu tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2009. Trong 5 năm trở lạ đây, vốn FDI đổ vào bất động sản (BĐS) chiếm khoảng 17,63 tỷ USD, luôn đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản đã phát triển nhanh cả về quy mô, số lượng, loại hình. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.

Cần hoàn thiện thể chế để thị trường bất động sản phát triển.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến cho thị trường BĐS vốn dĩ đang khó khăn lại trở nên khủng hoảng hơn. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Theo đánh giá, các chính sách này sẽ còn có tác động tích cực đến thị trường trong trung và dài hạn.

Phần lớn nguồn vốn còn lại chủ yếu dựa vào vốn vay tín dụng ngân hàng, huy động vốn trái phiếu doanh nghiệp, hoặc vốn liên doanh liên kết, hợp tác (trong giai đoạn đầu) và vốn huy động từ khách hàng (khi đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai), thị trường BĐS chưa có các nguồn vốn trung dài hạn. Đây là nhận định của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí. 

Thị trường BĐS TP HCM: Thiếu nhà ở giá rẻ, dư thừa nhà ở cao cấp

Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) và Đại học Mở TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá, thị trường bất động sản, nhà ở thời gian qua có những bước phát triển. Song, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập.

Điển hình là sự phát triển của thị trường bất động sản vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; việc phát triển bất động sản có lúc, có nơi chưa theo quy hoạch, không có kế hoạch, chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường và nguồn lực thực hiện.

Thị trường bất động sản đang có hiện tượng dư thừa nguồn cung căn hộ hạng A, trong khi lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp. (Nguồn: KTĐT)

Đồng thời, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, thị trường còn nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, chính sách pháp luật nhưng chưa được bổ sung, dẫn tới việc quản lý thị trường chưa hiệu quả trong khi chính sách đất đai chưa nhất quán, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư bất động sản còn phức tạp kéo dài.

Từ thực tế trên, ông Nguyễn Đức Hiển cho biết, thị trường bất động sản còn dư địa lớn phát triển, dự báo nhu cầu nhà ở 2021 – 2030 tiếp tục gia tăng, nhất là tại các đô thị.

Để thị trường bất động sản phát triển bền vững, minh bạch gắn với quá trình xây dựng và phát triển đô thị, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, qua đó hoàn thiện đề án “Đô thị hoá và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045” để trình Bộ chính trị, Ban Bí thư trong thời gian tới.