Bản tin BĐS 24h: Công bố nghị quyết thành lập TP Thủ Đức
Cập nhật lúc: 31/12/2020, 19:00
Cập nhật lúc: 31/12/2020, 19:00
Theo kế hoạch chương trình, 9h sáng 31/12, lễ công bố nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM được diễn ra tại trụ sở UBND quận 2 (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP HCM).
Theo kế hoạch, ông Uông Chu Lưu sẽ là người trao nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã và thành lập TP Thủ Đức cho Ban lãnh đạo TP HCM, ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập "thành phố trong thành phố" trực thuộc Trung ương.
Sau 60 ngày kể từ ngày nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực, từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân và hoạt động kinh tế của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Cùng với đó, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Thủ Đức, sẽ nhập toàn bộ 1,74 km2 diện tích tự nhiên, 124 người của phường An Khánh vào phường Thủ Thiêm. Sau khi nhập, phường Thủ Thiêm có 3,25 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 428 người. Phường Thủ Thiêm giáp phường An Khánh, phường An Lợi Đông; quận 1, quận 4 và quận Bình Thạnh.
Đồng thời, TP Thủ Đức cũng thành lập thêm phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An.
Cụ thể, phường An Khánh sẽ có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người, giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm; quận 7 và quận Bình Thạnh.
Sau khi thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Ngoài ra, TP HCM cũng thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố; thành lập Tòa án nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân thuộc TP Thủ Đức.
Kể từ ngày nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2021), TP HCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 16 quận, 5 huyện và 1 thành phố; 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 58 xã, 249 phường và 5 thị trấn.
Theo reatimes, báo cáo The Wealth Report 2019 của Knight Frank, Việt Nam có 12.327 triệu phú USD vào năm 2018, tăng 23% so với cách đó 5 năm. Dự báo đến năm 2023, số lượng triệu phú USD của Việt Nam sẽ tăng lên 15.776 người. Nhu cầu và sự sẵn sàng chi trả của tầng lớp này ngày càng cao, đặc biệt là với chốn an cư.
Một số chuyên gia nhận định rằng, khi con người càng có sự trọn vẹn, đủ đầy về những tiện nghi vật chất thì lại càng muốn tìm kiếm nhiều hơn những “tiện nghi” về mặt tinh thần. Đó cũng là lý lẽ để giải thích vì sao giới thượng lưu luôn khắt khe trong việc lựa chọn nhà ở. Họ sẵn sàng trả giá đắt khi mua nhà để tìm kiếm một môi trường sống đảm bảo sự hài lòng về “tiện nghi” tinh thần, một chốn an cư hoàn hảo chứ không đơn thuần chỉ mua giá trị vật chất của ngôi nhà.
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ bày tỏ quan điểm: Tại một dự án nhà ở, yếu tố môi trường sống thường không được tạo ra bằng tiền nhưng sẽ tạo ra giá trị được tính bằng tiền, thậm chí không thể tính bằng tiền.
Theo đó, những yếu tố kết tinh trong một môi trường sống chất lượng mà giới thượng lưu đang tìm kiếm đó là không gian sống đẳng cấp, trong lành, gắn kết với thiên nhiên; là những thiết kế kiến trúc gắn với nếp nhà, thể hiện được tính cá nhân hóa của gia chủ; là giá trị văn hóa đời sống hình thành từ cộng đồng thượng lưu, cùng đẳng cấp trong khu đô thị văn minh, hiện đại…
“Trước đây, một môi trường sống tốt chỉ đơn thuần là thuận tiện với bên ngoài, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, tiện ích xung quanh. Nhưng hiện nay, khi cuộc sống ngày càng hiện đại, xô bồ, các vấn đề môi trường gia tăng… thì sự tiện nghi chỉ là yêu cầu tối thiểu. Giới thượng lưu đòi hỏi căn nhà phải đắm chìm được vào thiên nhiên khoáng đạt, trong lành, gạt bỏ được những bụi bặm, ồn ào của phố thị để trở thành một nơi nghỉ dưỡng thực sự. Họ còn coi trọng không gian cộng đồng nơi họ sẽ sống. Đó phải là không gian của những cư dân cùng đẳng cấp, cùng tầng văn hóa. Những yếu tố thuộc về văn hóa thì thường không thể mua được bằng tiền, thường là vô giá”, GS. Đặng Hùng Võ lý giải thêm.
Từ những nhu cầu ngày càng khắt khe của giới thượng lưu trong việc lựa chọn nơi ở, các chuyên gia cho rằng, cơ hội cho các chủ đầu tư phát triển các dự án bất động sản hạng sang đáp ứng được nhu cầu của tệp khách hàng này là rất lớn.
Đối với dự án hạng sang, giá trị thường cao hơn giá cả. Khách hàng sẽ chú trọng vào giá trị về môi trường sống mà dự án tạo ra hơn là mức giá đắt đỏ mà chủ đầu tư đưa ra. Do đó, trong tương lai gần, khi giới thượng lưu càng gia tăng thì bất động sản hạng sang sẽ càng có cơ hội tăng giá.
Xét về dài hạn, các chuyên gia nhận định, nhu cầu sở hữu căn hộ hạng sang sẽ tiếp tục tăng trưởng, do thu nhập bình quân đầu người cao hơn, mặt khác, đây cũng là phân khúc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ hội đang mở ra cho các nhà phát triển bất động sản đang có sẵn dự án hạng sang ở khu vực trung tâm chào bán trong năm 2021. Đồng thời, các chủ đầu tư đang triển khai dự án hạng sang đáp ứng các tiêu chuẩn về một môi trường sống lý tưởng, chạm tới các tiêu chí khắt khe của giới thượng lưu cũng sẽ săn đón được dòng khách hàng và nhà đầu tư trong thời gian tới.
Không phải đến khi có thông tin Quốc hội chấp thuận cho TP HCM thành lập TP Thủ Đức thì BĐS ở khu vực này mới sôi động như hiện nay. Mà từ nhiều năm trước thị trường căn hộ trong khu vực Q.2, Q.9 đã luôn thu hút giới đầu tư, đặc biệt là trên các tuyến đường huyết mạch dẫn vào Thành phố.
Đi dọc các tuyến đường chính từ Q.2, Q.9 sang đến quận Thủ Đức có thể dễ dàng nhìn thấy cả "rừng" chung cư, cao cấp có, bình dân cũng có, nằm ken đặc vây quanh các trụ đường chính. Bên cạnh những dự án đã hoàn thiện, người dân đã vào sinh sống, hàng loạt dự án đang triển khai thi công rầm rộ, khiến thị trường khu vực này luôn trong tình trạng "nóng" cả về giá lẫn mật độ xây dựng.
Theo thống kê sơ bộ, có đến 27 dự án bất động sản lớn nhỏ với số lượng ước chừng gần 30.000 căn hộ đang "bủa vây" xung quanh tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên khiến cho không gian trong khu vực này luôn có cảm giác chật chội.
Liên quan đến vấn đề này, giới chuyên gia BĐS nhận định, việc thành lập TP Thủ Đức sẽ tạo nên cú hích lớn cho thị trường BĐS khu Đông TP HCM cả về nguồn cung lẫn giá trị. Đặc biệt là đối với các dự án chung cư thuộc phân khúc Trung cấp và Bình dân, do thời gian tới nhu cầu về nhà ở của người dân sẽ tăng lên.
Ngoài ra, với việc quy hoạch hàng loạt chung cư cao tầng dày đặc tại khu vực này, cũng là một phần nguyên nhân khiến giao thông ở cửa ngõ phía đông TP HCM thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Đồng thời, nguy cơ quá tải hạ tầng tại TP Thủ Đức trong tương lai là không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một Chuyên gia về quy hoạch, KTS Nguyễn Thu Phong cho rằng, mật độ các dự án chung cư tại TP Thủ Đức hiện nay vẫn chưa cao và TP Thủ Đức vẫn còn cơ hội cho việc giãn dân ở khu vực nội thành. Ông Phong cho rằng, nếu xét về mật độ dân cư thì khu vực nội thành cao hơn rất nhiều so với TP Thủ Đức hiện nay.
Theo KTS Nguyễn Thu Phong, một tuyến Metro ở nhiều quốc gia trên thế giới có thể chứa một lượng cư dân xung quanh rất lớn. Ngoài ra, Metro còn giúp giải quyết về giao thông công cộng đi lại hiện đại, nối từ các khu dân cư đó về trung tâm thành phố một cách thông suốt. Thoạt nhìn, chúng ta có cảm giác nhiều chung cư, nhưng nếu phân tích kỹ về mật độ cư dân, thì hiện nay TP Thủ Đức vẫn còn cơ hội để tăng dân.
"Mặc dù vậy vẫn cần phải có một nghiên cứu hoặc điều tra lại về tỷ lệ phân bố các khu đô thị và khu dân cư mới trên địa bàn của TP Thủ Đức, bao gồm 3 quận cũ. Phải quy hoạch hài hòa giữa các khu vực, tránh tập trung quá nhiều dự án chung cư vào những khu vực trung tâm" - Chuyên gia quy hoạch, KTS Nguyễn Thu Phong khuyến cáo.
Chiều 30/12, HĐND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp thứ 1 Ban chỉ đạo Chương trình số 03 về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2020 - 2025”. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp. Cùng tham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn, lãnh đạo các sở, ngành và quận, huyện.
Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng về kết quả thực hiện Chương trình “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2016 - 2020”, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như triển khai thí điểm xây dựng 5 khu nhà ở xã hội tập trung quy mô lớn, hạ tầng đồng bộ, tổng diện tích 272,45ha, cung cấp thêm 22,5 triệu m2 sàn nhà ở. Tổng diện tích nhà ở phát triển mới từ 2016 đến nay đạt 25,3 triệu m2, đạt 27,25m2/người, vượt mục tiêu đề ra.
Cùng với đó, tập trung đầu tư chuẩn bị điều kiện để thành lập các quận mới, tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2%; diện tích đất dành cho giao thông tăng, ước tính đến năm 2020 đạt 10,05% đất đô thị; tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng được nâng lên, ước đạt 20,05%, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế Thủ đô.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, nhiệm vụ trọng tâm của “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025” sẽ tập trung vào một mục tiêu cụ thể, gồm: Chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị tại các khu vực trung tâm. Cải tạo, chỉnh trang khu vực đô thị cũ, góp phần xây dựng cảnh quan xanh, văn minh, hiện đại cho đô thị Thủ đô; Xây dựng phát triển những khu vực mới của đô thị theo hướng xanh, thông minh, hiện đại, bền vững đảm bảo hài hòa mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế Thủ đô;
Xây dựng hệ thống kết nối hạ tầng đô thị khung, đặc biệt là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại nhằm tăng cường mối liên kết giữa đô thị và nông thôn, liên kết vùng, tạo động lực phát triển trong vùng Thủ đô. Ưu tiên xây dựng không gian ngầm đô thị theo hướng tích hợp đa chức năng, đáp ứng tối đa yêu cầu phát triển kinh tế đô thị; Tăng cường thu hút mọi nguồn lực cho phát triển đô thị, phát huy lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Phát triển, quản lý thị trường bất động sản, dịch vụ đô thị phục vụ phát triển kinh tế đô thị.
Cùng với đó, những chỉ tiêu chủ yếu được đề ra, phấn đấu đến hết năm 2025: Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 60 - 62%; Chỉ tiêu sàn xây dựng nhà ở hoàn thành khoảng 37 triệu m2, căn hộ nhà ở xã hội khoảng 10.000 căn, chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân/người toàn TP đạt 27,2m2/người; Diện tích đất xanh đô thị từ 7,8 - 8,1m2/người; Tỷ lệ đất giao thông đô thị đạt từ 20 - 25%; Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, lựa chọn 5 khu và thực hiện thí điểm; Tại các khu đô thị mới phát triển, khu đô thị vệ tinh, tuyến đường cải tạo, xây dựng mới tỷ lệ hạ ngầm đạt 100%; Tỷ lệ vận hành hành khách công cộng đạt 30 - 35%.
Phát biểu kết luận buổi làm việc Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Chương trình 03 là chương trình lớn, quan trọng, nếu làm được sẽ mang lại kết quả tích cực ngay cho Thủ đô, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay đó là việc xây dựng đô thị và hạ tầng đô thị. Vì vậy, Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu Sở Xây dựng với tư cách là cơ quan chủ trì, tiếp thu đầy đủ những ý kiến góp ý của các sở, ngành hoàn thành nội dung để đảm bảo yêu cầu đề ra. Trong đó, tập trung vào một số nội dung:
Thứ nhất, đối với những tuyến việc cần phải làm ngay đó là quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo, cần thực hiện phân công, phân nhiệm của các thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc.
Thứ hai, sớm hoàn chỉnh đề cương, đánh giá chính xác các số liệu về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó đặc biệt chú ý đến những mục tiêu phải rà soát lại để chọn lựa phù hợp. Nên đưa ra làm 3 nhóm: Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, kinh tế đô thị
Thứ ba, để thực hiện được thì cần có nguồn lực, vì vậy phải gắn kết với các chương trình đầu tư công để quá trình thực hiện chương trình có hiệu quả
Thứ tư, Tổ công tác cần phải xây dựng được lộ trình cụ thể để triển khai.
Trong báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản thương mại, Savills Việt Nam nhấn mạnh, thị trường bán lẻ tại Việt Nam suy yếu dần kể từ tháng 2 khi dịch bệnh Covid 19 bùng phát và tiếp theo là tháng 4, tháng 7.
Cụ thể, trong quý 3/2020, nguồn cung tại TP HCM là 1,5 triệu m2, công suất cho thuê trung bình là 94%, giảm 2 điểm phần trăm theo năm. Đại dịch đã khiến một số nhà bán lẻ, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm phải chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển địa điểm thuê.
Mặc dù vậy, giá thuê vẫn ổn định so với cùng kỳ năm trước, do các chủ đầu tư có diện tích đã được lấp đầy miễn cưỡng điều chỉnh giá thuê hoặc áp dụng các ưu đãi ngắn hạn, ví dụ như giảm phí dịch vụ hàng tháng hoặc giảm giá thuê 30% cho khách thuê mới trong vài tháng.
Nhà phố cho thuê chịu tác động mạnh nhất bởi khách thuê là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị mất doanh thu đột ngột. Nhiều chuỗi thực phẩm và ăn uống F&B và chuỗi cửa hàng thời trang phải đóng cửa những chi nhánh hay địa điểm có doanh thu kém, làm tăng diện tích trống chung của cả thị trường.
Savills dự báo, vào năm 2021, hơn 80% nguồn cung bán lẻ mới sẽ ở các khu vực ngoài trung tâm. Khi người tiêu dùng đối mặt với việc mất thu nhập, các nhà phát triển đang trì hoãn việc ra mắt các sản phẩm mới.
Một cuộc khảo sát của Savills vào quý 3/2020 cho thấy nhiều khách thuê ngành F&B và thời trang đã đóng cửa hoặc giảm diện tích thuê. Xu hướng giảm quy mô này có khả năng tiếp tục trong trung hạn.
Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh sớm, cải cách cơ chế hỗ trợ, quản trị tài chính của Chính phủ và các chương trìnhkích thích toàn cầu đã làm tăng kỳ vọng phục hồi ở Việt Nam. Theo báo cáo gần đây nhất của ADB, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng GDP cao nhất ở châu Á với 6,8% năm 2021.
“Giá thuê thấp hơn có thể sẽ tạo động lực cho ngành trong khi các nhà bán lẻ truyền thống sẽ cần phải đổi mới các chiến lược phù hợp hơn. Hầu hết các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 như F&;B, phòng tập và rạp chiếu phim sẽ phục hồi nhanh hơn sau cuộc khủng hoảng vì người tiêu dùng sẽ nhanh chóng đón nhận ‘bình thường” sau nhiều tháng giãn cách xã hội. Các lĩnh vực mở rộng hình thức trực tuyến mạnh mẽ hơn như thời trang có thể thấy lợi nhuận chậm hơn khi xem xét sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng sang bán hàng trực tuyến”, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc, Savills Việt Nam nhấn mạnh.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 143 Luật Đất đai 2013, đất được sử dụng bởi các cá nhân và hộ gia đình thì sẽ được xem là đất nông thôn, bao gồm: đất dùng để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ nhu cầu cá nhân như vườn tược, ao hồ và nằm trong cùng một thửa đất với khu dân cư nông thôn.
Cũng theo Khoản 1, Điều 170 Luật đất đai 2013 đã quy định rõ, tất cả cá nhân, hộ gia đình phải sử dụng đất theo đúng mục đích được quy định trên sổ đỏ. Mọi hành vi sử dụng sai mục đích sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định, thậm chí thu hồi đất.
Để xác định việc có được xây nhà ở trên đất nông thôn hay không, cần phải căn cứ vào mục đích sử dụng của khu đất đó được ghi trong sổ đỏ là gì? Nếu mục đích được nêu trong sổ đỏ là đất nông nghiệp, đồng nghĩa với việc không được xây dựng bất cứ công trình nào trên khu đất này.
Để có thể tiến hành xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp, bạn cần chuẩn bị và hoàn thiện các thủ tục để chuyển đổi sang đất thổ cư, bao gồm: Đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất cùng với các tài sản sở hữu liên quan,...
Theo Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020, chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2021 quy định rõ:
- Trường hợp xây nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ việc xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử thì được miễn giấy phép xây dựng.
- Trường hợp xây dựng nhà ở từ 7 tầng trở lên ở khu đất nông thôn phải xin giấy phép xây dựng.
Ngoài ra, các công trình được miễn giấy phép xây dựng trên đất nông thôn: Các công trình, nhà ở thuộc diện bí mật của nhà nước, công trình có lệnh khẩn cấp của nhà nước, các công trình xây dựng tạm, nhà riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng...
Như vậy, cần phải căn cứ và từng trường hợp cụ thể để xác định xem việc xây nhà ở nông thôn có cần xin giấy phép không. Trong trường hợp công trình cần có giấy phép xây dựng mà chủ đầu tư không có sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
19:00, 30/12/2020
19:00, 29/12/2020
08:32, 29/12/2020