19/01/2025 | 10:32 GMT+7, Hà Nội

8 động lực “vực dậy” nền kinh tế trong trung hạn 2021-2025

Cập nhật lúc: 22/01/2021, 07:21

Những biện pháp kịp thời, hiệu quả ngăn chặn sự lây lan của đại dịch đã giúp Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và dự báo sẽ có nhiều động lực để phục hồi, phát triển trong năm 2021 và trung hạn 2021 - 2025.

Mới đây, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF)- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Vệt Nam trong trung hạn 2021-2025: Phục hồi và tăng tốc”.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng không chỉ về kinh tế vĩ mô mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp và hộ gia đình. Tuy nhiên với những biện pháp kịp thời, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh kinh tế Việt Nam dự báo dự báo trong trung hạn 2021- 2025 có thể đạt mức 6,8%/năm với 8 động lực chính:

Thứ nhất, thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và việc giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố nền tảng cho quá trình phục hồi kinh tế. Ở thời điểm khó khăn trong năm 2020, kinh tế Việt Nam đã cho thấy sức bật và vị thế tương đối tốt để thoát khỏi “bẫy kinh tế" của khủng hoảng.

"Kết quả này là nhờ cộng hưởng của thành cộng trong kiểm soát dịch bệnh và những thành tựu, động lực tăng trưởng kinh tế được tích lũy từ trước đó. Năm 2021, với nền tảng đã có kết hợp với việc tiếp tục cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn", ông Phương nói.

Đồng thời tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tiếp tục thực thi các FTA thế hệ mới và sự thúc đẩy tái cơ cấu về tổ chức và công nghệ, chuyễn đổi số, chuyễn đỗi mô hình hướng tới tăng trưởng nhanh, bền vững trong hoạt động của doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam có cơ hội tăng trưởng trở nhanh lại.

Thứ hai, sự phục hồi tăng trưởng của các thị trường đối tác lớn có thể hỗ trợ gia tăng xuất khẩu của Việt Nam năm 2021. Dự báo của hầu hết các tổ chức quốc tế cho thấy, kinh tế thế giới và các nước có thể đạt tăng trưởng cao trong năm 2021. Đặc biệt là các quốc gia đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam, như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các đối tác khác.

Trong bối cảnh đó, EVFTA cùng với CPTPP và RCEP được cho là nhân tố tích cực, hỗ trợ kinh tế Việt Nam phục hồi tốt hơn trong năm 2021 và 2021-2025. Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì trong bối cảnh căng thắng thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu cải thiện (ngay cả khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức thấp, kinh tế Mỹ giảm sâu, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này vẫn tăng trưởng mạnh).

Với triển vọng tốt hơn trong năm 2021 ở cả hai thị trường lớn, xuất khẩu của Việt Nam càng có cơ sở kì vọng tăng tốc. Dù vây, xuất khẩu sang Mỹ đang đối mặt với rủi ro lớn khi Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia thao túng tiền tệ”.

Thứ ba, Việt Nam đang cho thấy “sức hấp dẫn” đáng kể đối với các nhà đầu tư quốc tế dựa trên khả năng chống chịu của nền kinh tế trong đại dịch, triển vọng phục hồi sau đại dịch và cơ hội từ các FTA. Việt Nam cũng có khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Thực tế cho thấy mặc dù vốn FDI đăng ký năm 2020 giảm khoảng 15% nhưng vốn thực hiện giảm rất nhẹ (2%). Có thế kì vọng khi đại dịch được kiểm soát, trạng thái bình thường mới được nhiều quốc gia áp dụng, FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng, tạo cơ sở vững chắc hơn cho khả nằng phục hồi tăng trưởng năm 2021 và những năm tiếp theo.

Thứ tư, trong nội tại nền kinh tế, tiêu dùng nội địa và đầu tư công vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong phục hồi tăng trưởng kinh tế năm 2021. Tiêu dùng nội địa, đóng góp khoảng 68 - 70% trong GDP, có khả năng phục hồi nhờ yếu tố tâm lý thị trường và thu nhập được cải thiện.

Đầu tư công nhiều khả năng tiếp tục được thúc đẩy bởi các dự án lớn bắt đầu triễn khai từ năm 2020, cùng với nỗ lực của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo sự lan tỏa đối với các thành phần, lĩnh vực khác trong xã hội.

Bên cạnh đó, khu vực tư nhân và FDI có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh nhờ sự hồi phục cả phía cung, phía cầu.

Thứ năm, khu vực công nghiệp dịch vụ có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trong năm tới (từ mức thấp của năm 2020) nhờ sự phục hồi của thị trường tiêu thụ và các nguồn cung ứng.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ và vận tải, kho bãi được kì vọng phục hồi mạnh, trở lại vai trò dẫn dắt, động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2021. Khu vực nông nghiệp được dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Thứ sáu, các kịch bản dự báo tăng trường năm 2021 tập trung vào năm vấn đề cốt lõi. Các giả định về diễn biến dịch Covid-19 trong và ngoài nước, khả năng gia tăng xuất khẩu và đầu tư FDI.

Các điều kiện giúp đầu tư tư nhân và doanh doanh nghiệp phục hồi (bao gồm các chính sách hỗ trợ, chính sách tài khóa, tiền tệ, sự phục hồi của các thị trường, các đơn hàng xuất khẩu). Giải ngân vốn đầu tư công, triển vọng phục hồi các ngành, lĩnh vực.

Thứ bảy, hầu hết các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao triễn vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2021. Các dấu hiệu phục hồi tích cực bao gồm: nhiều chỉ số tài chính, kinh tế có dấu hiệu cải thiện hơn.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Chính phủ chủ động và có kinh nghiệm hơn trong kiểm soát, đối phó với dịch bệnh. Khu vực dịch vụ có cơ hội tặng trưởng cao hơn nếu trạng thái dịch bệnh ổn định được duy trì. Xuất khẩu đang trong xu hướng tăng nhanh, đi kèm với các điều kiện thuận lợi: hầu hết nền kinh tế đối tác lớn đặc biệt Mỹ, Trung Quốc và EU tiếp tục xu hướng cải thiện tăng trưởng, tăng mạnh khai thác các ưu đãi trong EVFTA.

Đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh giải ngân và có điều kiện tăng mạnh giải ngân trong năm tới khi Chính phủ cho khởi công các dự án đầu tư công lớn. Lãi suất ở mức thấp tiếp tục được duy trì. Chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã bắt đầu có hiệu lực (từ 30/8/2020).

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế tại hội thảo, diễn biến thực tế còn phụ thuộc vào tình hình và khả năng kiểm soát dịch bệnh trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam.

Thứ tám, dài hạn hơn, lĩnh vực kinh doanh dựa trên nền tảng số có điều kiện để phát triển nhanh. Các nhóm hàng hóa, dịch vụ được giao dịch qua mạng và các nền tång số có sự tăng trưởng mạnh trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Riêng dịch vụ tài chính số, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, Việt Nam hiện có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong khu vực.

Nguồn: https://congluan.vn/8-dong-luc-vuc-day-nen-kinh-te-trong-trung-han-2021-2025-post114751.html