19/01/2025 | 13:34 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia: Tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế

Cập nhật lúc: 19/01/2021, 08:12

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, dù tín dụng tiêu dùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, song đã có đóng góp tích cực trong sự phát triển của nền kinh tế, gia tăng cơ hội và nhu cầu tiếp cận tài chí

Thưa chuyên gia, trong năm vừa qua, với những khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động cho vay tiêu dùng có vai trò ra sao?

TS. Vũ Đình Ánh: Trong bối cảnh dịch bệnh, thu nhập sụt giảm thì cho vay tiêu dùng là nguồn quan trọng kích tăng tổng cầu trong nước. Hoạt động bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng trong toàn xã hội sẽ tăng lên. Nói cách khác, cho vay tiêu dùng kích thích sản xuất, góp phần tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng kinh tế, phục vụ hoạt động sản xuất hay đầu tư.

Thứ hai, tín dụng tiêu dùng chắc chắn sẽ "tiếp sức" cho lực lượng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn. Khi kinh tế phục hồi và triển vọng năm 2021 sẽ phục hồi sớm thì người lao động đi vay hoàn toàn có khả năng trả khoản nợ vay tiêu dùng, và thúc đẩy các nhu cầu vay và tiêu dùng tốt hơn.

Thứ ba, tín dụng tiêu dùng góp phần thu hẹp quy mô và sự ảnh hưởng của tín dụng đen. Bởi người dân tiếp cận đến tín dụng đen bởi không có lựa chọn nào khác.

Trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, trong đó có đề cập đến việc cần có các chính sách mở rộng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phát triển các công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng, miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn tín dụng đen. Ông có thể lý giải vì sao lại có Chỉ thị trên?

TS. Vũ Đình Ánh: Nhiều người biết rõ, bản chất của "tín dụng đen" sẽ để lại những hệ lụy có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của chính những người đi vay song hình thức này vẫn có xu hướng bành trướng về quy mô.

Trước hết, phải khẳng định, "tín dụng đen" – một bộ phận của tín dụng phi chính thức - đang đáp ứng nhu cầu có thật và ngày càng lớn tại Việt Nam, do hệ thống tín dụng chính thức chưa thể đáp ứng hết. "Tín dụng đen" vẫn còn phát triển mạnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, do mục đích sử dụng vốn có thể không hợp lý, không hợp pháp nên tín dụng chính thức không thể cung cấp được.

Thứ hai, điều kiện của những người đi vay tín dụng không đủ khả năng tiếp cận hình thức tín dụng chính thức, và do đó, họ buộc phải tiếp cận ở khu vực phi chính thức.

Thứ ba, do "tín dụng đen" đang dựa trên luật dân sự, tức là mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa các hộ gia đình với nhau. Họ không được điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành, ví dụ như luật tín dụng hay luật về hình sự để xử lý những trường hợp vay mà không trả được hay xử lý những việc liên quan tới lãi suất và thậm chí lãi suất ở mức cắt cổ.

Do đó, có thể nói "tín dụng đen" ra đời xuất phát từ cả phía cung cũng như là nhu cầu có thật. Để thu hẹp tín dụng đen cần phải chặt bỏ các điều kiện phát triển của nó, cần thiết kế lại hệ thống tín dụng chính thức theo nguyên tắc rủi ro lớn, chi phí lớn. Ví dụ như hình thức các công ty tài chính cho vay cần khuyến khích phát triển.

Như ông phân tích thì sở dĩ tín dụng đen có "đất" để phát triển là do nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, trong khi tín dụng chính thức không đáp ứng được?

TS. Vũ Đình Ánh: "Tín dụng đen" đáp ứng những nhu cầu đa dạng và phần lớn là cấp bách của người dân. Chúng ta không nên bàn nhu cầu đó là chính đáng hay bất hợp pháp, bởi mỗi người đều có mục đích đi vay khác nhau.

Trong khi đó, hiện nay, phát triển tín dụng tiêu dùng mới đang trong giai đoạn đầu của sự tăng trưởng. Thông thường, tín dụng tiêu dùng gắn với các nhà phân phối thương mạị, các hệ thống bán buôn, bán lẻ. Với phương thức này, tín dụng tiêu dùng góp phần giảm bớt, thu hẹp quy mô khu vực "tín dụng đen" trong vai trò đáp ứng phần nhu cầu tiêu dùng.

Đặc biệt, tín dụng tiêu dùng được thực hiện bởi các công ty tài chính và hoạt động theo các quy định của Nhà nước, có trích lập quỹ dự phòng rủi ro cũng như có những biện pháp về đánh giá tín nhiệm của khách hàng hay có một hệ thống thông tin, hệ thống thu hồi nợ chuyên nghiệp, hợp pháp. Với lợi thế này, tín dụng tiêu dùng có thể giúp hạn chế sự phát triển của "tín dụng đen".

Nhưng tại sao người dân, nhất là những người có thu nhập thấp ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa tiếp cận được với tín dụng tiêu dùng, thưa chuyên gia?

TS. Vũ Đình Ánh: Trước hết là do thông tin và nhận thức còn những hạn chế nhất định. Hai là, ở những khu vực đó, thói quen và tập quán tiêu dùng cũng khác. Ngoài ra, khu vực nông thôn chủ yếu bị chi phối bởi hệ thống thương mại truyền thống. Ở đó, họ lại áp dụng hình thức hụi, họ, bươu, phường chứ ít tiếp cận tín dụng tiêu dùng được cung cấp bởi các định chế tài chính hay là các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính. Nguyên nhân là do chúng ta chưa phát triển được mạng lưới rộng khắp các công ty tài chính tại khu vực này. Đồng thời, việc thông tin và tuyên truyền, định hướng chính sách chưa được chú trọng.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của hình thức cho vay tiêu dùng trong thời gian tới?

TS. Vũ Đình Ánh: Chắc chắn hình thức cho vay tiêu dùng sẽ phát triển, bởi ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường này vẫn tăng trưởng. Năm 2021, triển vọng kinh tế vĩ mô tốt nên thị trường còn nhiều cơ hội. Đặt biệt, trong xu thế hội nhập và phát triển thì người tiêu dùng Việt Nam cũng thu hẹp khoảng cách về thói quen, cách chi tiêu.

Thay vì như trước đây, cứ phải có tiền mới chi tiêu hay chỉ chi tiêu một phần tiền đó thì hiện nay, phong cách tiêu dùng của họ chuyển sang tiêu trước trả sau dẫn đến nguồn cầu sẽ tăng cao hơn nữa.

Ở phía cung thì các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng cũng đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển thị trường cho vay tiêu dùng. Việc gặp nhau giữa cung và cầu sẽ là yếu tố giúp cho tín dụng tiêu dùng phát triển quy mô ngày càng lớn. Chính vì quy mô phát triển đó dẫn đến tín dụng tiêu dùng thu hẹp khoảng cách với lãi suất cho vay kinh doanh trong hệ thống tài chính hiện nay.

Dù được đánh giá là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng song có ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay đang là điểm vướng khiến thị trường cho vay tiêu dùng còn chưa phát huy tiềm năng vốn có. Thưa ông, đây có phải là gốc rễ của vấn đề khiến thị trường này vẫn còn bỏ ngỏ, chưa phát triển hết tốc lực?

TS. Vũ Đình Ánh: Hiện nay, cho vay tiêu dùng chủ yếu là lãi suất thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay. Đối với tín dụng tiêu dùng như hiện nay nên duy trì ở mức lãi suất thỏa thuận nhưng quan trọng là làm sao chống việc bất đối xứng thông tin giữa người đi vay và người cho vay.

Ngoài ra, những người đi vay họ cần phải được trang bị những kiến thức, những thông tin về cho vay tiêu dùng. Trước khi hạ bút ký vào mỗi 1 hợp đồng vay, họ cần phải xác định rất rõ nghĩa vụ trả nợ cũng như khả năng tài chính của họ.

Trong thời gian tới, với sự phát triển thị trường tài chính, cho vay tiêu dùng nếu tăng cường cạnh tranh, bổ sung các đơn vị về nguồn cung thì chắc chắn lãi suất đó sẽ có xu hướng giảm bớt, tạo lợi ích cho người dùng.

Đặc biệt, với việc Việt Nam tham gia vào việc cam kết quốc tế thì các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng nước ngoài ngày càng xâm nhập mạnh vào Việt Nam. Các định chế tài chính này sẽ hướng vào khu vực tín dụng tiêu dùng, do đó có thể nói cạnh tranh tín dụng tiêu dùng trong thời gian sắp tới sẽ mạnh hơn. Và để thị trường này phát triển bền vững, cần tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng. Phía Ngân hàng Nhà nước cũng nên nghiên cứu để có một hạn mức tín dụng đủ rộng cho các công ty tài chính phát triển. Khi cơ hội rộng mở sẽ có thêm nhiều công ty tài chính tham gia vào thị trường, tạo nên quy luật cạnh tranh lành mạnh. Lúc đó, người được hưởng lợi là khách hàng và nền kinh tế.

Đâu là giải pháp cần đưa ra để có thể vừa thúc đẩy hoạt động cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh hơn, bền vững hơn, thưa chuyên gia?

TS. Vũ Đình Ánh: Như tất cả các loại hình khác trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước hãy để thị trường cho vay tiêu dùng phát triển theo quy luật của thị trường, có cạnh tranh. Khi đó, khách hàng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, các công ty tài chính cũng minh bạch và hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế. Do đó, cần có hành lang pháp lý phù hợp, định hướng để thị trường này phát triển ổn định và tương xứng với tiềm năng.

Xin cảm ơn những chia sẻ của chuyên gia!

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/chuyen-gia-tin-dung-tieu-dung-co-vai-tro-quan-trong-trong-nen-kinh-te-20201231000000421.html