Tín dụng tiêu dùng hỗ trợ kinh tế phát triển bền vững
Cập nhật lúc: 19/01/2021, 11:11
Cập nhật lúc: 19/01/2021, 11:11
Năm 2021 là năm đầu tiên trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, do đó trong giai đoạn nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi, tín dụng tiêu dùng sẽ góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng, hạn chế, đẩy lùi được tín dụng “đen”, và làm tăng sức mua của người dân.
Tại nhiều quốc gia, số liệu về dư nợ tín dụng tiêu dùng (TDTT) thường xuyên được các nhà kinh tế đo lường chặt chẽ vì chỉ số này được coi là một chỉ báo của tăng trưởng hoặc thu hẹp nền kinh tế. Nếu người tiêu dùng sẵn sàng đi vay và tin tưởng rằng họ có thể trả nợ đúng hạn, nền kinh tế sẽ được thúc đẩy. Nếu người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu, họ đang cho thấy mối lo ngại về sự ổn định tài chính của chính họ trong tương lai gần, nền kinh tế sẽ co lại.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo dõi chặt chẽ (có báo cáo hàng tháng) về cho vay tiêu dùng để tìm ra những dấu hiệu cho thấy các hộ gia đình sẵn sàng vay nợ thêm để bổ sung cho hoạt động chi tiêu của họ, vốn chiếm 70% hoạt động kinh tế của Mỹ.
Đóng vai trò đặc biệt quan trọng, TDTD không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo nguồn St. Louis Fed, dư nợ tổng TDTD được sở hữu và chứng khoán hóa toàn cầu giai đoạn 2000 - 2020 từ mức khoảng 1.600 tỷ USD năm 2.000 đã lên mức trên 4.000 tỷ USD vào năm 2020.
Tại Việt Nam, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh thì đến năm 2020, TDTD lại có dấu hiệu suy giảm vì dịch Covid-19. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những ảnh hưởng tiêu cực của những thông tin dư luận phản ánh thiếu công bằng (thiên về bảo vệ người đi vay) khiến TDTD, đặc biệt của các công ty tài chính có phần trầm lắng.
Trong khi đó, nạn cho vay nặng lãi ngày càng ngấm ngầm tăng, trở thành vấn đề nóng. Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế, xã hội tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng vì tín dụng đen đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.
Bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu: Tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, với vai trò quan trọng (góp phần kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng, góp phần hạn chế, đẩy lùi được tín dụng “đen”, và làm tăng sức mua của người dân), TDTD cần được nhìn nhận lại một cách sòng phẳng.
Đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng - kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, mặc dù Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương trong năm 2020, nhưng mức tăng 2,91% là mức thấp nhất của thập kỷ 2011 - 2020. Đặc biệt, thu nhập của người dân ở mức thấp, có thể đo lường qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng năm 2020 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,1%). Điều đáng chú ý là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 chủ yếu là do dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh. Cả hai hiện tượng trên cho thấy Việt Nam chưa có sự tăng trưởng bền vững khi tổng cầu của nền kinh tế yếu và tăng trưởng tiêu dùng thấp.
Một vấn đề nữa theo TS. Vũ Đình Ánh là về cơ cấu tín dụng cho nền kinh tế. Tính đến 21.12, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019, mức tăng này vẫn được coi là khá cao khi mức tăng GDP ở mức thấp (2,91%). Lưu lý là năm 2019, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5%, thấp nhất từ năm 2014 nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt 7,02%. Nhìn vào tương quan tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế năm 2020 thấy tiềm ẩn rủi ro cho chu kỳ kinh tế sau, khi dòng vốn có thể có đang đổ vào những lĩnh vực phi sản xuất tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung (TP Hồ Chí Minh) cho rằng: “TDTD có vai trò rất quan trọng đối sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, thiệt hại thu nhập cho nhiều hộ gia đình, dẫn đến giảm chi tiêu tiêu dùng. Hiện nay, cơ hội để các cá nhân và hộ gia đình tạo ra thu nhập đang ở mức rất thấp, nhưng nhu cầu tiêu dùng, nhất là tiêu dùng cơ bản vẫn phải có, không giảm nhiều. Chính vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh mở rộng TDTD để kích thích tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng, góp phần hạn chế, đẩy lùi được tín dụng “đen”, và làm tăng sức mua của người dân”.
Về giải pháp chống tín dụng đen, cũng tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng ngoài trấn áp tội phạm, một trong những giải pháp quan trọng nhất là phải tiếp tục cần đa dạng hóa các hình thức cho vay tiêu dùng.
Trong văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các công ty tài chính tiêu dùng và Agribank đẩy mạnh các gói TDTD phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, với lãi suất hợp lý, thủ tục đơn giản và phù hợp quy định của pháp luật. Bên cạnh các Công ty tài chính, hiện các NHTM đã, đang triển khai nhiều chương trình hấp dẫn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Khi được hỏi về rủi ro cho vay tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia được hỏi đều nói không đáng ngại vì triển vọng kinh tế cả toàn cầu và Việt Nam đều cho thấy khả năng trả nợ của khách hàng sẽ được cải thiện.
“Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam rất cần đẩy mạnh cho vay tiêu dùng không những để hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình vượt qua những khó khăn tạm thời, tăng cầu tiêu dùng mà còn biện pháp cơ cấu lại hoạt động tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững”, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tin-dung-tieu-dung-ho-tro-kinh-te-phat-trien-ben-vung--20201231000000420.html
10:53, 18/01/2021
11:23, 16/01/2021
10:25, 23/11/2020