28/04/2024 | 12:42 GMT+7, Hà Nội

Siết tín dụng tiêu dùng là cơ hội cho tín dụng đen bùng phát

Cập nhật lúc: 16/01/2021, 11:23

Mặc dù Bộ Công an đã vào cuộc mạnh mẽ và các công ty tài chính thúc đẩy cho vay tiêu dùng nhưng nhu cầu vay vốn vẫn còn nhiều.

Tín dụng đen có giảm nhưng…

Chưa bao giờ việc vay tiền lại dễ dàng như hiện nay. Chỉ cần gọi điện vào các số điện thoại để lại trên các tờ rơi dán trên cột điện, gốc cây hoặc số điện thoại quảng cáo trên mạng xã hội là có ngay các “tư vấn viên” chào đón nhiệt tình, cởi mở bằng những hứa hẹn hấp dẫn cho vay tiền như “lãi suất thấp, giải ngân nhanh, tận tình, không đòi nợ kiểu xã hội đen”…

Thậm chí, chỉ cần gõ một từ khóa “vay tiền” trên google, thì không lâu sau sẽ có ngay người gọi điện hỏi bạn có muốn vay tiền không, trên zalo và Facebook cá nhân cũng sẽ hiện lên hàng loạt các quảng cáo mời chào vay vốn tương tự.

Nhiều khi không cần phải tìm kiếm, không cần gọi, điện thoại của bạn có thể tự nhận được những tin nhắn chào mời dạng “thăm hỏi” như của một người bạn, của những người sẵn sàng giúp đỡ đúng lúc chúng ta gặp khó khăn như “H. (đúng tên của bạn) ơi có cần tiền gấp không, có muốn đáo hạn thẻ không…”.

Tín dụng đen tràn lan là bởi nhu cầu vay vốn của bộ phận người dân vẫn còn cao, đặc biệt là phục vụ cho các tiêu dùng nhanh hoặc những người ham mê cờ bạc, lô đề, xổ số. Lãi suất cao “cắt cổ”, rẻ thì 100 - 200%/năm, cao hơn thì tới 365% thậm chí là 700%/năm, lại kèm theo nhiều rủi ro như bị đòi nợ kiểu “khủng bố”, nhưng vì nhanh, tiện nên tín dụng đen vẫn tồn tại.

Thời gian qua, ngành công an đã vào cuộc mạnh mẽ để xử lý các băng nhóm cho vay tín dụng đen. Báo cáo tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong những năm 2018 - 2019, chúng ta đã trấn áp rất mạnh tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen, cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cho đến nay, tội phạm liên quan đến tín dụng đen đã được kiềm chế và nhiều chỗ đối tượng không dám hoạt động, dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận do vẫn còn những vấn đề tiềm ẩn, nhất là cho vay qua mạng Internet và những nhu cầu tín dụng đen vẫn còn nhiều, do đó bọn tội phạm vẫn còn đất để hoạt động mạnh.

Và thực tế từ tháng 11/2020 đến nay, ngành công an tiếp tục triệt phá hàng trăm, hàng nghìn vụ tín dụng đen. Đơn cử ngày 12/1, Công an quận Long Biên (Hà Nội ) đã bắt giữ đôi vợ chồng cho vay tín dụng đen dưới hình thức cầm đồ với lãi suất gần 200%/năm; ngày 9/1, Công an tỉnh Quảng Bình đã triệt phá được 10 vụ tín dụng đen với lãi suất từ 250 - 365%/năm; hồi tháng 12/2020, Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Đắk Glong tỉnh Đắc Nông bị bắt giam vì cho vay dạng tín dụng đen, thu lãi tổng cộng gần 8,5 tỷ đồng với khoản vay 500 triệu đồng…

Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng góp phần giảm tín dụng đen

Theo Trung tá Ngô Hồng Vương, Đội trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự, tín dụng đen là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Tín dụng đen có 4 đặc điểm: Là hình thức cho vay hoặc đi vay dân sự, hoặc huy động; Lãi suất cho vay vượt quá lãi suất pháp luật quy định; Được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính; Việc thu hồi nợ, lãi thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Trong thời gian qua, nhiều hoạt động tín dụng đen đã núp bóng dưới hình thức các công ty tài chính (không phải các tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chính thức) để cho vay với lãi suất cắt cổ đã làm không ít người đánh đồng tín dụng đen với công ty tài chính.

Theo TS. Đỗ Hoài Linh, việc núp bóng như vậy cũng là hồi chuông cảnh báo cho các đơn vị cung cấp sản phẩm tín dụng tiêu dùng trong việc quản trị nói chung và quản trị rủi ro nói riêng. Đồng thời, cũng cần nhận diện được những trường hợp tín dụng đen núp bóng công ty tài chính tiêu dùng để che mắt cơ quan quản lý và xã hội.

"Khi tín dụng tiêu dùng thực sự phát huy được vai trò, nó sẽ giúp cho người nghèo, người thu nhập thấp có được vốn vay để có thể tích lũy tài sản, cải thiện đời sống, dòng lưu thông hàng hóa của xã hội được khơi thông, đồng thời làm giảm tín dụng đen", TS. Đỗ Hoài Linh nhấn mạnh. 

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đức Độ cũng nhận định rằng, việc thúc đẩy cho vay tiêu dùng sẽ giúp làm giảm phần nào tín dụng đen, tất nhiên không thể xóa bỏ hoàn toàn. Bởi phân khúc cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng và tín dụng đen là hai phân khúc khác nhau, trong đó tín dụng đen thường cho vay những người có độ rủi ro cao như cờ bạc, lô đề, xổ số…

Cần cởi mở hơn với công ty tài chính?

Mặc dù nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tín dụng đen cần thúc đẩy nhiều hơn tài chính tiêu dùng của các công ty tài chính và ngân hàng. Thế nhưng, từ đầu năm 2021, việc cho vay tiền mặt của các công ty tài chính lại bị siết chặt. Cụ thể theo Thông tư 18/2019 của NHNN, tỷ lệ cho vay tiền mặt trên tổng dư nợ tín dụng của các công ty tài chính từ đầu năm 2021 là 70% và giảm dần qua các năm, về mức 30% từ đầu năm 2024.
Bên cạnh đó, từ giữa năm 2020, NHNN cũng bắt đầu lấy ý kiến dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN áp dụng đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Nội dung đầu tiên đáng chú ý là "siết" cho vay bất động sản thông qua nâng hệ số rủi ro khi tính tỷ lệ an toàn vốn lên đến 120% và 150%, từ mức 50% hiện tại.

Bên cạnh đó là bổ sung về điều kiện, giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài ra, một quy định đáng chú ý khác là việc tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải trừ lỗ lũy kế khi tính nguồn vốn trung hạn, dài hạn.

Về các quy định pháp lý theo hướng siết chặt hơn hoạt động của công ty tài chính, theo ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức, cần phải hết sức cân nhắc sử dụng các biện pháp nhằm giới hạn việc phát triển tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính, vì về mặt nào đó sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường tín dụng tiêu dùng lành mạnh và hợp pháp, trong khi thị trường tín dụng đen lại chưa thể kiểm soát tốt và đang có xu hướng tăng mạnh với nhiều biến tướng khác nhau.

Ông khuyến nghị nên chăng cần có định hướng dần, áp dụng từng bước. Từ chỗ chưa hề có quy định trước đây thì trước mắt giới hạn cần tính tới sự phù hợp với thực tế hiện nay, bảo đảm cho công ty tài chính hoạt động một cách bình thường.

Luật sư cũng cho rằng, như thời điểm hiện nay thì quy định về hoạt động của công ty tài chính có thể hợp lý, nhưng bản thân các công ty ấy cũng cần “được rộng rãi, xênh xang hơn nữa” để có cơ hội phát triển.

Dù rằng luôn có 2 mặt của vấn đề, một là tín dụng đen hiện hữu khi nhu cầu tín dụng chính thức không đáp ứng được, và hai là nhu cầu người dân lớn mà quản lý không chặt dẫn đến rủi ro cho bản thân doanh nghiệp và cả hệ thống ngân hàng. Bởi vậy, cần phải có cơ chế để khuyến khích, để nhiều người cùng tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng, có như vậy mới gia tăng được chất lượng và góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/siet-tin-dung-tieu-dung-la-co-hoi-cho-tin-dung-den-bung-phat-20201231000000391.html