29/04/2024 | 02:47 GMT+7, Hà Nội

Ý nghĩa lễ hóa vàng ngày mùng 3 Tết

Cập nhật lúc: 14/02/2021, 07:30

Từ xưa, lễ cúng ngày mùng 3 Tết Nguyên Đán và lễ hóa vàng tổ tiên đều là những phong tục, lễ nghi không thể thiếu trong văn hóa lễ Tết của người Việt.

Lễ hóa vàng hay còn gọi là lễ tạ năm mới, lễ đưa tiễn ông bà, lễ hóa vàng cho Tổ tiên. Hàng năm, cứ vào chiều 30 Tết Nguyên đán, các gia đình sẽ sửa soạn bà bày biện bàn thờ để chuẩn bị mâm ngũ quả và một mâm cỗ cúng tất niên. Và đêm giao thừa 30 Tết sẽ sửa soạn lễ vật và mơm cúng để chính thức mời ông bà, tổ tiên về nhà ăn Tết cùng với con cháu.

Trong 3 ngày Tết, các đồ lễ như: mâm ngũ quả, bánh kẹo, chè, thuốc… sẽ được giữ nguyên trên bàn thờ. Và sau 3 ngày Tết, con cháu lại sửa soạn một mâm cơm cúng để làm lễ hóa vàng, tiễn ông bà tổ tiên về trời.

Theo quan niệm của ông bà ta trước đây, lễ hóa vàng thường được tổ chức vào ngày mùng 3 hoặc ngày mùng 7 Tết. Tuy nhiên, theo nếp sống mới của xã hội hiện nay, quan niệm này đã dần được thay đổi, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình mà lễ hóa vàng được tổ chức linh động hơn. Thông thường, lễ hóa vàng được tiến hành tổ chức từ ngày mùng 3 đến ngày 10 tháng Giêng âm lịch.

Hóa vàng ngày mùng 3 tết
Hóa vàng ngày mùng 3 tết

Tục xưa quan niệm rằng, lễ hóa vàng hay còn gọi là lễ tạ năm mới là một nghi lễ vô cùng quan trọng và đặc biệt. Tục hóa vàng này dựa trên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên giúp con người ở thế giới bên kia thấy được sống gần gũi với dương gian hơn.

Sau 3 ngày Tết đầu năm, lễ cúng hóa vàng này cần phải được tiến hành thực hiện thì tấm lòng thành của con cháu đối với tổ tiên, ông bà mới được chứng giám đồng thời con cháu trong nhà sẽ được phù tổ tiên ông bà phù hộ bình an và mạnh khỏe, công việc làm ăn thuận lợi và phát đạt hơn trong năm mới.

Lễ hóa vàng không chỉ là dịp để con cháu tỏ lòng biết ơn tới thần linh và gia tiên mà còn mang một ý nghĩa đó là đón thần tài, thần lộc về với gia đình. Cầu mong một năm mới hạnh phúc, công việc làm ăn luôn được thuận lợi và hanh thông.

Sau khi lễ, các gia chủ sẽ hóa vàng. Phần tiền, vàng của gia thần phải hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên hóa sau. Tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài cây mía dài. Dân gian cho rằng đây là đòn gánh để các linh hồn dùng làm gậy chống, hay mang hàng hóa.

Có thể thấy, dù cuộc sống hiện đại ngày nay đã có rất nhiều sự thay đổi nhưng phong tục hóa vàng sau Tết vẫn giữ trọn vẹn được những nét truyền thống. Là một nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt ta cần phải được gìn giữ và bảo tồn.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/y-nghia-le-hoa-vang-ngay-mung-3-tet-20201231000000857.html