22/11/2024 | 09:18 GMT+7, Hà Nội

Xuất khẩu tôm nhận tin vui sau những tháng không suôn sẻ

Cập nhật lúc: 03/04/2019, 04:00

Dù có sự khởi đầu không mấy suôn sẻ, song trong "bức tranh" xuất khẩu (XK) cũng đã le lói những tín hiệu khả quan. Điển hình như trong trường hợp XK tôm sang thị trường Nhật Bản có những bước tăng trưởng mới.

Mức tăng trưởng chững lại

Mục tiêu 4,2 tỷ USD là thách thức lớn đối với ngành tôm trong năm 2019. Ảnh: TL

Mục tiêu 4,2 tỷ USD là thách thức lớn đối với ngành tôm trong năm 2019. 

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản (VASEP), tiếp nối đà sụt giảm của năm 2018, 2 tháng đầu năm 2019, XK tôm chỉ đạt 373,6 triệu USD, giảm tới 15,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tôm chân trắng vẫn chiếm vị trí chủ đạo trong cơ cấu các sản phẩm tôm XK của Việt Nam với 65,8%; tôm sú chiếm 24,3% và tôm biển 9,9%.

Trong giai đoạn này, XK tôm Việt Nam sang 5 thị trường chính (EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ) đều giảm. Trong đó, giá trị XK sang EU giảm mạnh nhất với 27,6%.

"Lượng tiêu thụ tôm Việt Nam của EU bắt đầu giảm từ nửa cuối năm 2018. Trong 2 tháng đầu năm 2019, XK tôm sang Đức và Hà Lan giảm mạnh lần lượt 16,6% và 47,5%", VASEP thông tin rõ hơn.

Với các thị trường còn lại gồm Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, XK tôm giảm lần lượt 1,6%, 19,2%, 18% và 0,9%.

Sụt giảm trong XK tôm được lý giải bởi XK trùng vào thời điểm tết Nguyên đán và tồn kho trên các thị trường vẫn còn; bên cạnh đó, thời tiết đang thuận lợi nên nhiều cường quốc nuôi tôm lên kế hoạch phát triển nuôi mạnh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia. Điều này dẫn đến xu thế nguồn cung cao và giá tôm chưa thể tăng trong những tháng đầu năm 2019.

Riêng tại thị trường Mỹ, bên cạnh sức ép từ Chương trình Giám sát Thủy sản NK (SIMP) và giá tôm NK từ Ấn Độ thấp thì thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ vẫn là áp lực cho DN, làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.

Trước diễn biến thị trường của những tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: 4,2 tỷ USD là tăng trưởng 10% so với năm 2018. Đây là mục tiêu cao và là thách thức lớn đối với ngành tôm trong năm 2019.

Cơ hội từ thị trường Nhật bản     

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản được coi là có nhiều thuận lợi (Ảnh TL)

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản được coi là có nhiều thuận lợi

Dù có sự khởi đầu không mấy suôn sẻ, song trong "bức tranh" XK cũng đã le lói những tín hiệu khả quan; điển hình như trong trường hợp XK tôm sang thị trường Nhật Bản. VASEP phân tích: Nhật Bản là thị trường NK tôm lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 18% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Năm 2018, XK tôm Việt Nam sang Nhật Bản có xu hướng giảm.

Từ đầu năm nay, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực (từ ngày 14/1). Tính riêng tháng 2/2019, Nhật Bản là thị trường duy nhất trong số 7 thị trường NK tôm chính tăng NK tôm từ Việt Nam với mức tăng trưởng 14,7%. Bên cạnh đó, năm 2019 cũng đánh dấu hoàn thành lộ trình cắt giảm thuế trong Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA). Đây là thời điểm thích hợp để DN đẩy mạnh XK vào Nhật Bản khi thuế NK tất cả các mặt hàng thủy sản từ Việt Nam vào Nhật Bản được đưa về 0%.

"Dự báo, XK tôm trong các tháng tới sẽ tăng và mức giảm trong 2 tháng đầu năm nay chỉ là tạm thời. Với thuận lợi từ các Hiệp định thương mại tự do, DN cần tập trung đẩy mạnh sản xuất hàng giá trị gia tăng, cần nhiều hơn nữa sự đồng thuận trong toàn chuỗi sản xuất tôm", VASEP khuyến cáo.

Ông Trương Đình Hòe -Tổng Thư ký VASEP nêu quan điểm: Để XK tôm cả năm có thể cán đích 4,2 tỷ USD, cần tập trung nâng cao sức cạnh tranh của tôm Việt Nam, giải quyết các vấn đề về chất lượng theo chứng nhận quốc tế... Điển hình như với thị trường Mỹ, việc cần làm là giải quyết sức cạnh tranh của tôm Việt Nam với các quốc gia khác trên đất Mỹ. Hiện nay, Ấn Độ đang trở thành quốc gia cạnh tranh rất lớn về giá cả so với tôm Việt tại thị trường Mỹ thì việc cần làm là phải tìm được điểm khác biệt, từ đó tạo ra sức cạnh tranh mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Điều đầu tiên mà ngành tôm cần tập trung là hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân vào hợp tác xã, thực hiện liên kết với DN; tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi từ giống, thức ăn cho tới xử lý môi trường... "Ngoài ra, cần tập trung quản lý nhà nước, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để kiểm soát, thanh tra, kiểm tra hướng tới đảm bảo sản xuất sạch; tranh thủ hệ thống với hơn 2.000 cơ sở chế biến, trong đó có hơn 200 nhà máy chế biến hiện đại để đưa ra những dòng sản phẩm chất lượng cao, cung cấp cho thị trường với giá trị cao nhất", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.