24/11/2024 | 03:35 GMT+7, Hà Nội

Xuân La (Tây Hồ): Nở rộ công trình xây dựng trên đất nông nghiệp

Cập nhật lúc: 05/11/2020, 15:28

Phường Xuân La ngang nhiên xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, tồn tại công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm TTXD khi xây vượt tầng, vượt chiều cao, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch thành phố.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp

Trong những năm vừa qua, TP Hà Nội đã có những quy định, chỉ thị, nghị định về việc xử lý sai phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp. Theo đó, để thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, trong thời gian qua UBND thành phố Hà Nội đã ban hành rất nhiều các văn bản để xử lý sai phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, tiêu biểu như: Chỉ thị Số: 04/CT-UBND, ngày 14/01/2014 chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định 21/2014/QĐ-UBND Về nội dung thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố do Luật Đất đai 2013 và Nghị định giao cho về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định 109/2006/QĐ-UB Ban hành quy định về trình tự, thủ tục, cơ chế xử lý thu hồi đất đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người việt nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn thành phố hà nội

Ngoài ra, các quy định tại Luật đất đai 2013 và Nghị định Số: 91/2019/NĐ-CP, ngày 19 tháng 11 năm 2019, Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. 

Tuy nhiên, tại phường Xuân La (thuộc quận Tây Hồ) tình trạng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) đang có dấu hiệu “bùng phát” khiến dư luận bức xúc. Việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp chưa khi nào lại “nóng” như thời điểm hiện tại.

Công trình cạnh số 22 ngõ 52 Xuân La cũng được chủ đầu tư cho xây dựng lên đến tầng thứ 7, mật độ xây dựng gần như 100%.; Công trình nằm ở cuối ngách 445/45 Lạc Long Quân trong quá trình xây dựng chủ đầu tư đã cố tình thực hiện sai phép.

Theo thông tin người dân tại khu vực đường Lạc Long Quân, phường Xuân La cho biết nhiều công trình ở đây đều được xây dựng trên nguồn đất nông nghiệp và không có đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Cụ thể, tại công trình số 15 ngách 445/19 đã được xây dựng lên đến tầng thứ 2, ngay gần đấy là công trình số 5B 445/19, số 57/445 và công trình số 9 ngách 445/128 Lạc Long Quân cũng đã đang hoàn thiện phần mái tầng 2.

Không chỉ tồn tại công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, trên địa bàn phường Xuân La còn tồn tại công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm TTXD khi xây vượt tầng, vượt chiều cao, sai mật độ, phá vỡ quy hoạch thành phố.

Cụ thể, tại công trình số 84 ngõ 445 và công trình nằm ở cuối ngách 445/45 Lạc Long Quân trong quá trình xây dựng chủ đầu tư đã cố tình thực hiện sai phép. Hiện tại công trình đã xây lên 5 tầng, nhưng tầng tum biến tướng, phần tầng 1,tầng 2 lấn chiếm khoảng không gian thay đổi kết cấu nhằm gia tăng diện tích sử dụng. Công trình cạnh số 22 ngõ 52 Xuân La cũng được chủ đầu tư cho xây dựng lên đến tầng thứ 7, mật độ xây dựng gần như 100%. 

Ngoài ra trong quá trình thi công chủ đầu tư cũng không thực hiện đầy đủ các quy định về an toàn lao động, điều này gây nên những nguy cơ tiềm ẩn về an toàn cho người dân qua lại khu vực này.

Tại địa chỉ số 84 ngõ 445 Lạc Long Quân một công trình đã xây 5 tầng đang lộ rõ nhiều nghi vấn về vi phạm trật tự xây dựng.

Vi phạm pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch

Trước hàng loạt vi phạm về TTXD và quản lý đất đai có nhiều dấu hiệu sai phạm tại phường Xuân La, PV đã trao đổi với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết Nối, đoàn luật sư TP Hà Nội.

Theo luật sư Hùng, tại Điều 208 Luật Đất đai 2013 quy định về Trách nhiệm của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm.

Ngày 18/2/2020, Sở Xây dựng Hà Nội đã ban hành văn bản 1316/SXD-TTr đề nghị UBND các quận, huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng của quận, huyện, UBND các xã, phường xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng. UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm trước UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm từng trường hợp vi phạm. Văn bản cũng nêu rõ: Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm.

Đối với các hành vi vi phạm về đất đai mà mức xử phạt trên 10.000.000 đồng thì Chủ tịch UBND cấp xã, phường có thể kiến nghị với Chủ tịch UBND cấp huyện, quận để xử lý. 

Điều 207 Luật Đất đai 2013 quy định về Xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai như sau:

1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái với quy định của pháp luật trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quản lý hồ sơ địa chính, ra quyết định hành chính trong quản lý đất đai;

b) Thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai hoặc có hành vi khác gây thiệt hại đến tài nguyên đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất;

c) Vi phạm quy định về lấy ý kiến, công bố, công khai thông tin; vi phạm quy định trình tự, thủ tục hành chính; vi phạm quy định về báo cáo trong quản lý đất đai

Điều này được hướng dẫn bởi Chương 9 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Cụ thể: Điều 96. Đối tượng bị xử lý vi phạm

1. Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

2. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

3. Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật Đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng bày tỏ quan điểm trong vấn đề xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà những người thi hành công vụ có liên quan có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 229, Bộ luật hình sự 2015. 

Theo đó, những hành vi vi phạm được quy định tại Điều 97 của Nghị định này bao gồm:

Điểm b, khoản 3: Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các hành vi sau: Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Điểm a,b, khoản 6: Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau: Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích; Sử dụng đất sai mục đích.

 Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng bày tỏ quan điểm trong vấn đề xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp mà hiện nay dư luận đang hết sức bức xúc, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà những người thi hành công vụ có liên quan có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 229, Bộ luật hình sự 2015. 

Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai hoặc các tội phạm về chức vụ được quy định tại Chương XXIII của Bộ luật hình sự 2015.

Công trình số 9 ngách 445/128 Lạc Long Quân cũng đã đang hoàn thiện phần mái tầng 2; Công trình số 15 ngách 445/19 đã được xây dựng lên đến tầng thứ 2.

Việc người dân xây dựng nhà trên đất nông nghiệp chưa chuyển mục đích là vi phạm pháp luật về đất đai, phá vỡ quy hoạch, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, đồng thời có nguy cơ đe dọa an ninh lương thực. Vì vậy, đối với những trường hợp mới xây dựng Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền cần kịp thời ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; Có biện pháp giáo dục, tuyên truyền và khuyến khích người vi phạm tự tháo dỡ.

Đối với các trường hợp xây dựng cũ, cố tình tiếp tục thực hiện việc sử dụng trái phép mặc dù đã bị xử phạt hành chính thì có thể bị buộc phá dỡ công trình hoặc bị thu hồi đất.

Đồng thời, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về Quản lý đất, cần nâng cao năng lực làm việc và quán triệt về trách nhiệm, hậu quả pháp lý đối với cán bộ phụ trách chính trong lĩnh vực đất đai vẫn tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.

Thiết nghĩ UBND quận Tây Hồ, UBND TP Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp, cần nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất tránh để tình trạng “nhờn luật”, gây thất thu ngân sách nhà nước tại phường Xuân La. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã buông lỏng quản lý đất đai, xây dựng khi để xảy ra sai phạm (nếu có).