Xe máy đi trên vỉa hè: Tăng cường xử lý liệu có hết vi phạm?
Cập nhật lúc: 08/01/2021, 13:30
Cập nhật lúc: 08/01/2021, 13:30
Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe máy lao vun vút trên vỉa hè tại các đô thị lớn, nhất là ở Thủ đô Hà Nội vào giờ cao điểm. Lượng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng chóng mặt, chen lấn, giành giật làn đường của người đi bộ để cố gắng đi nhanh hơn một vài phút.
Sẽ có một vài người vi phạm ngại những ánh mắt của mọi người xung quanh khi biết mình đi sai luật nhưng suy nghĩ đó sẽ qua nhanh vì thấy nhiều người đi sai như mình hay với bao biện bằng lý do đang vội. Một bức tranh giao thông bát nháo, lộn xộn như vậy không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn khiến bộ mặt đô thị thêm nhếch nhác.
Bác Long trú tại quận Cầu Giấy (TP.Hà Nội) ngán ngẩm, cứ vào giờ cao điểm là mấy tuyến đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc lại “chật ních” phương tiện. Vì vậy hàng trăm xe máy lại thi nhau leo lên vỉa hè, thậm chí chỉ cần dưới đường hơi ùn một chút là rất nhiều người đi xe máy lao lên vỉa hè rồi.
Người đi bộ hoặc đi tập thể dục không thể đi trên vỉa hè ở đây đâu vì không an toàn. Không ít trường hợp, người đang đi bộ hay đang đứng trên vỉa hè đang không chú ý thì bất chợt xe máy phóng tới khiến họ giật mình, hốt hoảng.
Đi trên vỉa hè dường như đã trở thành thói quen của không ít người. Tại các ngã tư, khi tín hiệu đèn đỏ bật sáng, vì lượng phương tiện tham gia giao thông lúc này trên đường rất đông nên người tham gia giao thông thường phải đợi thành hàng dài.
Với việc muốn rút ngắn thời gian, không thích phải đợi trong thời gian tín hiệu đèn đỏ và muốn đi trước những phương tiện khác nên nhiều xe máy đã vô tư đi lên vỉa hè, luồn lách để đi được nhanh hơn so với việc đi dưới lòng đường.
Có nhiều nguyên để lý giải cho việc phương tiện xe máy vô tư di chuyển trên vỉa hè dành cho người đi bộ; từ ý thức người điều khiển phương tiện còn hạn chế, hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ, giao thông công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân,... Tuy nhiên để chấm dứt tình trạng này không phải là vấn đề đơn giản.
Trong lúc căng thẳng vì tắc đường những phải đi làm đúng giờ và vì nhiều lý do khác, người tham gia giao thông phải thoát đi bằng mọi cách. Và rõ ràng, đi trên vỉa hè là giải pháp khả dĩ nhất với mỗi cá nhân nhưng không phải là cách tốt nhất với tập thể.
Thành phố hiện nay có khoảng 7,1 triệu phương tiện giao thông, chưa tính khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông khiến cho nguy cơ ùn tắc giao thông trên địa bàn là điều khó tránh khỏi và dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, dự án đường sắt đô thị vẫn còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại lại của người dân và phương tiện cá nhân vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Hiện diện tích đất dành cho giao thông tại Hà Nội vẫn còn thấp, mới đạt khoảng 10,07%. Theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị cần đạt 20-26%.
Không ai ủng hộ hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an toàn giao thông như di chuyển phương tiện trên vỉa hè dành cho người đi bộ. Nhưng để xử lý tận gốc vấn nạn này cần xây dựng hạ tầng giao thông tốt, tổ chức giao thông khoa học, hệ thống phương tiện giao thông hiện đại,...Khi không còn tắc đường thì ý thức người tham gia giao thông cũng sẽ chuyển biến và không nảy sinh vi phạm.
Ngày 5/1 vừa qua, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Tân Sửu, Lễ hội Xuân năm 2021.
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm ôtô, xe máy đi lên vỉa hè, đẩy mạnh xử phạt nguội qua hệ thống camera giao thông, ngăn chặn, không để đua xe trái phép.
Nguồn: https://congluan.vn/xe-may-di-tren-via-he-tang-cuong-xu-ly-lieu-co-het-vi-pham-post112819.html
15:06, 06/01/2021
08:00, 17/12/2020
13:30, 14/12/2020