19/01/2025 | 07:25 GMT+7, Hà Nội

WHO chấp thuận việc điều trị COVID-19 bằng thảo dược

Cập nhật lúc: 21/09/2020, 18:42

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phê duyệt quy trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đối với các loại thuốc thảo dược châu Phi như một phương pháp điều trị COVID-19 tiềm năng.

Thử nghiệm các loại dược liệu có tác dụng chống lại bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ảnh minh họa: WHO

Theo thông tin đăng tải trên website chính thức của WHO, các chuyên gia từ ủy ban khu vực về y học cổ truyền COVID-19 do WHO thành lập, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi và Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Liên minh châu Phi đã thông qua một quy trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III đối với thuốc thảo dược điều trị COVID-19, cũng như các quy tắc và điều khoản tham chiếu để thiết lập một ban giám sát dữ liệu và an toàn cho các thử nghiệm lâm sàng (đối với thuốc thảo dược điều trị COVID-19).

Các chuyên gia đã đặt ra vấn đề sử dụng các loại thuốc truyền thống để chống lại sự lây nhiễm COVID-19 sau khi Tổng thống Madagascar Andri Radzuelina đề nghị thử nghiệm một loại đồ uống truyền thống từ cây ngải cứu với hiệu quả chống lại bệnh sốt rét đã được chứng minh. Hiện nay, đồ uống này được sử dụng rộng rãi ở Madagascar, cũng như ở một số quốc gia châu Phi khác với tên gọi COVID-Organics, hoặc CVO.

Tiến sĩ Prosper Tumusiime, một quan chức WHO khu vực Châu Phi cho biết: “Sự xuất hiện của COVID-19, giống như đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi, đã làm nổi bật nhu cầu tăng cường hệ thống y tế và đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu và phát triển, bao gồm cả thuốc truyền thống”.

Theo Tiến sĩ Tumusiime, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III có vai trò then chốt trong việc đánh giá đầy đủ tính an toàn và hiệu quả của một sản phẩm y tế mới. Ban giám sát và an toàn dữ liệu sẽ đảm bảo rằng dữ liệu nghiên cứu tích lũy được xem xét định kỳ để đảm bảo an toàn cho người tham gia. Nó cũng sẽ đưa ra các khuyến nghị về việc tiếp tục, sửa đổi hoặc chấm dứt thử nghiệm dựa trên việc đánh giá dữ liệu tại các giai đoạn được xác định từ trước trong quá trình nghiên cứu.

Tiến sĩ Tumusiime giải thích: Nếu một sản phẩm y học cổ truyền được cho là an toàn, hiệu quả và đảm bảo chất lượng, WHO sẽ khuyến nghị sản xuất quy mô lớn tại địa phương, theo dõi nhanh. Đồng thời ông lưu ý rằng thông qua Diễn đàn Quy định về vaccine châu Phi, hiện đã có một tiêu chuẩn dựa vào đó các thử nghiệm lâm sàng về thuốc và vaccine trong khu vực có thể được đánh giá và phê duyệt trong vòng chưa đầy 60 ngày.

Trong khi đó, Giáo sư Motlalepula Gilbert Matsabisa, Chủ tịch Ủy ban Chuyên gia cho biết: “Việc thông qua các tài liệu kỹ thuật sẽ đảm bảo rằng các bằng chứng về thử nghiệmlâm sàng được chấp nhận rộng rãi về hiệu quả của thuốc thảo dược để điều trị COVID-19 được tạo ra mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của những người tham gia”.

Ông bày tỏ hi vọng rằng quy trình thử nghiệm lâm sàng chung sẽ được các nhà khoa học trong khu vực sử dụng ngay lập tức để đảm bảo rằng mọi người có thể hưởng lợi từ tiềm năng của y học cổ truyền trong việc đối phó với đại dịch đang diễn ra.