23/11/2024 | 04:10 GMT+7, Hà Nội

Vụ xe điện Sầm Sơn: Văn bản có dấu hiệu o ép doanh nghiệp do chuyên môn yếu hay vì 'lợi ích nhóm'?

Cập nhật lúc: 18/07/2019, 14:01

"Một trong những nguyên nhân khi ban hành văn bản sai trái nói trên (theo kết luận kiểm tra của Sở Tư pháp Thanh Hóa) có thể do trình độ chuyên môn cán bộ hạn chế, không nắm vững quy định pháp luật".

LTS: Liên quan tới vụ việc HĐND thành phố Sầm Sơn ký ban hành văn bản số 78/HĐND-TTr về việc tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền, mới đây, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã có kết quả kiểm tra vụ việc. Theo đó tất cả các nội dung trong văn bản nêu trên đều không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trước và sau khi văn bản số 78 của HĐND thành phố Sầm Sơn được ban hành, Thành ủy Sầm Sơn cũng đã ban hành hàng loạt văn bản khác (văn bản số 3283-CV/TU; 3339-CV/TU về việc đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền để lưu thông trên địa bàn thành phố.

Các văn bản này đều có nhiều nội dung tương tự như văn bản số 78 của HĐND thành phố Sầm Sơn vừa bị Sở Tư pháp “tuýt còi”. Vậy trách nhiệm của cá nhân, tổ chức ban hành văn bản trái luật này thuộc về ai? Khắc phục vi phạm như thế nào?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban dân nguyện Quốc hội để làm rõ vấn đề trên.

PV: Ông Đánh giá như thế nào về tình trạng nhiều đơn vị ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trái quy định, có dấu hiệu lạm quyền hiện nay?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Hiện nay, tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp trái luật được phát hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, độ phủ rộng từ Trung ương tới địa phương, gây ảnh hưởng ít nhiều tới hiệu quả quản lý Nhà nước. Việc này đã có số liệu thống kê khá đầy đủ.

Nhìn chung các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trái luật sẽ tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là đối với chủ thể chịu tác động trực tiếp từ những văn bản trái luật (là tổ chức, doanh nghiệp, hoặc cá nhân).

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Một thực tế khác có thể thấy là, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái luật đã gây lãng phí không nhỏ như việc mất thời gian tới các cơ quan kiểm tra, xử lý văn bản mà đơn vị có trách nhiệm kiểm tra (ở Trung ương đó là Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; ở địa phương là Sở Tư pháp).

Hệ lụy khác có thể dễ nhận thấy đó là khi các văn bản trái luật sẽ không chuyển tải đúng chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Điều này dẫn đến việc cấp trên chỉ đạo đúng, cấp dưới lại làm sai hay dân gian thường gọi là "nói một đường, làm một nẻo".

Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản trái quy định pháp luật còn gây tốn kém về mặt ngân sách Nhà nước khi cơ quan có thẩm quyền phải vào cuộc, thực hiện giải quyết khiếu nại liên quan tới việc ban hành các văn bản trái luật này.

PV: Mới đây, HĐND thành phố Sầm Sơn, Thành ủy Sầm Sơn ban hành văn bản về việc đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền để lưu thông trên địa bàn thành phố. Nhiều nội dung các văn bản nói trên trùng khớp và đã được Sở Tư pháp Thanh Hóa chỉ rõ là không đúng. Theo ông, cần xử lý vấn đề này ra sao?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Nội dung kết luận của Sở Tư pháp về việc HĐND thành phố Sầm Sơn ban hành văn bản nói trên đã quá rõ. Tôi đã xem xét rất kỹ nội dung các văn bản này và cho rằng, nội dung văn bản trái luật này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyền kinh doanh của doanh nghiệp, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; làm hạn chế quyền tự chủ trong hoạt động của doanh nghiệp. Chỉ riêng việc HĐND ra văn bản chỉ đạo, điều hành là không đúng rồi. 

Mặt khác, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được Hiến pháp quy định. Chúng ta có Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân cũng nói rõ, phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Do đó, việc HĐND Sầm Sơn ban hành văn bản nêu trên là hành vi vi hiến và phạm luật.

Sở Tư pháp đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc theo quy định.

Sở Tư pháp đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc theo quy định.

Một trong những nguyên nhân của việc ban hành văn bản sai trái nói trên có thể do vì trình độ chuyên môn cán bộ hạn chế, không nắm vững quy định pháp luật.

Trường hợp nếu qua kiểm tra, rà soát, phát hiện có tình trạng “sân sau” hoặc lợi ích nhóm trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần nghiêm khắc xử lý theo quy định để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính.

PV: Vậy, theo ông cơ quan có thẩm quyền cần làm gì để khắc phục vi phạm có liên quan?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: Việc mà các cơ quan có thẩm quyền Sầm Sơn cần làm ngay lúc này là hủy các văn bản có nội dung trái quy định của pháp luật như kết luận của Sở Tư pháp Thanh Hóa bởi việc này gây ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp như hoạt động kinh doanh của họ.

Bên cạnh đó, trước hết cần làm rõ trách nhiệm cá nhân người có thẩm quyền ký ban hành văn bản này. Xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, người tham mưu xây dựng văn bản trái luật. Đồng thời cơ quan này có trách nhiệm tính toán những tổn thất, thiệt hại (nếu có) đối với doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục. 

Xe điện của doanh nghiệp Phương Hiền vẫn

Xe điện của doanh nghiệp Phương Hiền vẫn "đắp chiếu" sau nhiều năm được mua về.

Việc ra văn bản trái luật tùy theo mức độ, tính chất vụ việc để xử lý phù hợp theo đúng quy định pháp luật. Luật về công chức đã có những quy định về xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức khi có vi phạm rồi đấy...

Còn về vấn đề trách nhiệm bồi thường, thực tế chưa có quy định cụ thể quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do việc ban hành các văn bản trái pháp luật gây ra. Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân liên quan đến việc ban hành văn bản trái pháp luật chủ yếu mới chỉ dừng ở mức kiểm điểm, hoặc rút kinh nghiệm. Do đó, cần có chế tài mạnh hơn để xử lý tình trạng trên.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Liên quan tới vụ việc HĐND thành phố Sầm Sơn ký ban hành văn bản số 78/HĐND-TTr về việc tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền, mới đây, Sở Tư pháp Thanh Hóa đã có kết quả kiểm tra vụ việc. Theo đó tất cả các nội dung trong văn bản nêu trên đều không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Kết quả kiểm tra, Sở Tư pháp Thanh Hóa chỉ rõ các vi phạm trong việc ban hành văn bản số 78 của HĐND thành phố Sầm Sơn cụ thể như sau:

"Về thẩm quyền: Việc quản lý hoạt động của xe điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn thuộc trách nhiệm của UBND thành phố Sầm Sơn. Thường trực HĐND thành phố Sầm Sơn ban hành Văn bản số 78/HĐND-TTr ngày 12/6/2019 về việc tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH Phương Hiền là không phù hợp với thẩm quyền của Thường trực HĐND quy định tại Điều 104 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về cơ sở pháp lý: Văn bản số 78/HĐND-TTr căn cứ vào Quyết định số 1040/2013-UBND ngày 1/3/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành về việc tổ chức và hoạt động thí điểm xe ô tô điện vận chuyển khách du lịch trên địa bàn thị xã Sầm Sơn năm 2013 và 2014; Quyết định số 06/2018-UBND ngày 9/3/2018 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành quy định tổ chức và quản lý hoạt động thí điểm xe điện bốn bánh vận chuyển khách trên địa bàn thành phố Sầm Sơn là không phù hợp bởi các văn bản này đã hết hiệu lực.

Về nội dung: Tại văn bản số 78/HĐND-TTr có nội dung khẳng định: “Việc Công ty TNHH Phương Hiền mua xe điện và giao bán trong nhân dân là trái với chủ trương của tỉnh Thanh Hóa” là thiếu cơ sở pháp lý bởi tỉnh Thanh Hóa không có chủ trương cấm Công ty TNHH Phương Hiền kinh doanh xe điện.

Mặt khác, việc kinh doanh xe điện là hoạt động kinh doanh không bị pháp luật cấm hay nói cách khác là quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp ghi nhận tại Điều 33. Nội dung này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng tại Văn bản số 78/HĐND-TTr có nội dung yêu cầu Đại biểu HĐND thành phố và HĐND các xã, phường với tinh thần tuyên truyền và khuyến cáo nhân dân không mua xe điện của Công ty TNHH; tăng cường công tác giám sát hoạt động của Công ty TNHH Phương Hiền là trái với chủ trương hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị qyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2010 và không phù hợp với Luật Hoạt động Giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015”, văn bản của Sở Tư pháp nêu.

Từ kết quả kiểm tra nói trên, Sở Tư pháp đề nghị Ban Pháp chế HĐND tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Bài tiếp: HĐND Sầm Sơn "âm thầm" thay thế văn bản số 78, doanh nghiệp quyết kiện tới cùng