Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục chất vấn vụ xe điện Phương Hiền "đắp chiếu"
Cập nhật lúc: 23/05/2019, 19:00
Cập nhật lúc: 23/05/2019, 19:00
Tại cuộc họp báo quý I/2019, vấn đề quản lý hoạt động xe điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) tiếp tục nhận được sự quan tâm của một số phóng viên.
Tại đây, phóng viên Reatimes đặt vấn đề: "Sau khi được Chính phủ cho phép thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về tổ chức hoạt động đối với loại hình xe này, đồng thời quy định rõ các điều kiện bắt buộc để phương tiện lưu thông trên đường.
Theo đó, năm 2013 và 2014, Sầm Sơn có hơn 300 xe điện được cơ quan có thẩm quyền cho phép thí điểm đều không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa lại ra văn bản cho phép tăng 96 xe điện. Thế nhưng hầu hết các xe điện cũng không đáp ứng được các tiêu chuẩn để vận tải hành khách theo quy định của Bộ Giao thông vận tải nhưng vẫn được hoạt động thường xuyên trên đường.
Một thống khác kê rất đáng chú ý là trong năm 2017, 2018 xảy ra rất nhiều vụ vi phạm, tai nạn giao thông do xe điện gây ra, đáng chú ý có những vụ tai nạn gây chết người, nhưng trong nhiều báo cáo của cấp có thẩm quyền chưa thấy đề cập đến việc xem xét trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị liên quan".
Từ những vấn đề trên, phóng viên đề nghị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa xem xét, chỉ đạo làm rõ.
Cùng với việc quản lý, vận hành xe buýt điện ở sầm sơn, phóng viên cũng nhận được đơn khiếu nại của doanh nghiệp Phương Hiền về việc xin thí điểm xe buýt điện. Hiện Công ty Phương Hiền (Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã có 3 đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ; 4 lần gửi kiến nghị tới Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến và 4 lần gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị giải quyết dứt điểm việc đưa 2 tuyến xe buýt điện 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vào hoạt động trên địa bàn thành phố Sầm Sơn phục vụ du lịch.
"Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền (cấp dưới) khẩn trương giải quyết dứt điểm kiến nghị của Công ty Phương Hiền về việc thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, đảm bảo công khai, minh bạch cũng như quyền đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp này nhận được chỉ là việc trả lời lòng vòng của cơ quan thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa. Sự việc kéo dài nhiều năm khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “chết lâm sàng”, đối diện với nguy cơ phá sản.
Câu hỏi đặt ra là, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo?", phóng viên Reatimes đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Lương Tất Thắng, Chủ tịch thành phố Sầm Sơn vẫn quả quyết rằng, thành phố không tăng xe điện trong năm 2019 với lý do hạ tầng không đảm bảo và số lượng xe điện hiện nay đang gây quá tải.
Ông Thắng nói thêm: "Trong thời gian tới, thành phố sẽ lập đề án xe buýt điện, công bố công khai, lựa chọn thí điểm, đồng thời sẽ có lộ trình thay thế xe điện không đảm bảo quy định hiện nay", ông Thắng cho biết.
Chưa hài lòng với câu trả lời của lãnh đạo Sầm Sơn trong việc giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp Phương Hiền, phóng viên tiếp tục chất vấn lãnh đạo đơn vị có thẩm quyền, đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm của người có trách nhiệm trong việc để xe điện không đảm bảo điều kiện, lưu thông trên đường gây ảnh hưởng tới tính mạng người tham gia giao thông.
Phóng viên cũng thẳng thắn cho rằng, lãnh đạo thành phố Sầm Sơn trả lời câu hỏi "lạc đề" khi cơ quan có thẩm quyền đề cập tới vấn đề hạ tầng và việc quá tải số lượng xe điện hoạt động trên địa bàn hiện nay, trong khi ý kiến phóng viên (hỏi) chủ yếu tập chung vào vấn đề phương thức quản lý, vận hành xe điện.
Mặt khác, ở các địa phương TP.HCM, Hà Nội... là những nơi có mật độ giao thông đông đúc, hạ tầng chật hẹp nhưng việc quản lý, vận hành xe buýt điện vẫn phát huy hiệu quả, trong khi tại Sầm Sơn lại có tư duy "ngăn sông cấm chợ" doanh nghiệp xin thí điểm?
Nếu thành phố Sầm Sơn dùng tiền ngân sách làm đề án, nhưng việc thực hiện thí điểm thất bại thì ai phải chịu trách nhiệm?
Trước những băn khoăn trên, ông Lương Tất Thắng ra tín hiệu xin lãnh đạo tỉnh được phúc đáp những băn khoăn của phóng viên nhưng không được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa: "Đây là vấn đề mang tính kỹ thuật, đề nghị phóng viên và lãnh đạo Sầm Sơn gặp gỡ, trao đổi cụ thể hơn", ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nói.
Trao đổi với phóng viên bên lề hành lang quốc hội, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho biết, ông sẽ tiếp tục chất vấn Thủ tướng chính phủ về kiến nghị của Công ty Phương Hiền.
Vị Đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc thành phố Sầm Sơn “ngăn sông cấm chợ” hoạt động xe buýt điện của doanh nghiệp Phương Hiền là trái với chủ trương của Trung ương trong việc thí điểm loại hình vận tải xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện.
“Điều bất cập là, tại Sầm Sơn, nhiều đơn vị sử dụng xe không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng vẫn được lưu thông, trong khi phương tiện của Công ty Phương Hiền đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, được kiểm định đàng hoàng lại không được chấp thuận lưu thông trên đường.
Tại sao người ta có đề án thí điểm đàng hoàng thì nói là sơ sài, còn người không có đề án thì lại được đưa xe vào lưu hành trong khi các phương tiện đó không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật?
Rõ ràng đây là điều công bằng với doanh nghiệp Phương Hiền và không đúng với chủ trương, chỉ đạo của Trung ương”, vị Đại biểu cho biết.
Phó Ban Dân nguyện Quốc hội cũng cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ nhiều lần chỉ đạo xử lý triệt để kiến nghị của doanh nghiệp và việc tỉnh Thanh Hóa để doanh nghiệp Phương Hiền khiếu nại nhiều năm cho thấy, địa phương thiếu quyết liệt trong xử lý vụ việc.
“Trong trường hợp này, UBND tỉnh Thanh Hóa thiếu quyết liệt. Tôi cũng không hiểu tại sao, cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa không chỉ đạo UBND thành phố Sầm Sơn thực hiện đúng chủ trương của Trung ương về việc thí điểm xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện.
Không hiểu ông Chủ tịch UBND thành phố Sầm Sơn to đến cấp nào mà lại có quyền lực khuynh thành như vậy? Đây phải chăng là năng lực làm việc yếu kém của cán bộ hay có vấn đề lợi ích nhóm phía sau?”, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt nghi vấn.
Vị Đại biểu nói thêm, trong kỳ họp quốc hội này, ông sẽ tiếp tục có ý kiến với người đứng đầu Chính phủ về việc này, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.
"Với trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội, tôi sẽ tiếp tục có ý kiến tới Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này đồng thời kiến nghị làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị có thẩm quyền trong việc không tuân thủ chủ trương của cấp trên”, vị Đại biểu cho biết.
(còn nữa)
11:23, 02/04/2019
06:00, 12/03/2019
11:40, 01/03/2019