19/01/2025 | 06:55 GMT+7, Hà Nội

Vụ tài khoản Vietinbank “bốc hơi” 100 triệu đồng: Khách hàng hoang mang, Vietinbank định xử lý thế nào?  

Cập nhật lúc: 13/03/2019, 22:50

"Trong trường hợp cán bộ ngân hàng hướng dẫn khách hàng thao tác, thực hiện nhập các thông tin cá nhân vào đường link không rõ nguồn gốc thì trách nhiệm thuộc về cán bộ ngân hàng đó...", chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Liên quan tới vụ tài khoản khách hàng của Vietinbank "bốc hơi" 100 triệu đồng sau khi chị Trần Thị Yến cùng nhân viên ngân hàng này thực hiện các thao tác nhận tiền từ link http:chuyentientructuyen.com, ngày 12/3, trao đổi với phóng viên, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong vụ việc trên, nhân viên ngân hàng phải có trách nhiệm đối với những rủi ro của khách hàng. 

Vị chuyên gia phân tích: "Trường hợp thứ nhất, các ngân hàng sẽ không có trách nhiệm nếu khách hàng tự ý chia sẻ thông tin cá nhân đối với đối tác khác (trong trường hợp này là người mua hàng gửi đường link chuyển tiền) mà không thông qua sự hướng dẫn của ngân hàng tại các cơ sở giao dịch. Trong trường hợp này, nếu khách hàng tự thao tác và cung cấp các thông tin thông qua mạng chuyển tiền trực tuyến thì lỗi thuộc về khách hàng.

Thông thường, những đối tác thương mại đề nghị chủ tài khoản chia sẻ mật khẩu thông qua các link này thường có dấu hiệu lừa đảo, bởi thực tế nếu giao dịch ngay thẳng (người chuyển khoản đến) thì không bao giờ đối tác thương mại cần mật khẩu của người được nhận tiền (người được chuyển khoản).

Nếu khách hàng vì sự bất cẩn, thiếu hiểu biết, hoặc tiết lộ thông tin tài khoản của mình để lấy tiền thông qua link chuyển tiền lừa đảo thì các ngân hàng không có cách nào ngăn chặn được. Trong trường hợp này, khách hàng cần báo khóa tài khoản của mình để ngăn chặn các rủi ro khác.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu.

Trường hợp thứ hai, cán bộ ngân hàng hướng dẫn khách hàng thao tác, thực hiện nhập các thông tin vào đường link chuyển tiền không rõ nguồn gốc thì trách nhiệm thuộc về cán bộ ngân hàng đó.

Thực tế, trong giao dịch chuyển tiền, cán bộ ngân hàng không được hướng dẫn khách hàng sử dụng bất cứ một đường link nào nếu không rõ nguồn gốc, trừ đường link chuyển tiền của ngân hàng. Do đó, trường hợp một giao dịch viên hướng dẫn khách hàng sử dụng đường link khác liên quan tới tài khoản khách hàng, từ đó gây ra thiệt hại cho khách hàng của mình thì cán bộ ngân hàng đó đã làm sai bởi họ không được phép làm như vậy.

Việc làm này có thể do cá nhân cán bộ đó thiếu hiểu biết, nên vô tình hỗ trợ khách hàng của mình tham gia vào việc thực hiện các thao tác trên link chuyển tiền trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo. 

Nếu cán bộ ngân hàng hướng dẫn khách hàng thực hiện các thao tác theo chuyên môn nghiệp vụ tại các phòng giao dịch dẫn đến những thất thoát trong tài khoản khách hàng thì đó là việc làm sai.

Như tôi biết, các ngân hàng sẽ không hỗ trợ khách hàng thao tác vào các link chuyển tiền không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu lừa đảo. Hay nói cách khác đối với các đường link ảo, hoặc không rõ nguồn gốc, hoặc có dấu hiệu lừa đảo thì ngân hàng (ở đây là cán bộ ngân hàng) cần cảnh báo khách hàng không được truy cập các link nói trên", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Từ vụ việc trên, vị chuyên gia đưa ra cảnh báo: “Đối với khách hàng, khi nhận được các đường link chuyển tiền trực tuyến mà không hiểu rõ nguồn gốc thì tuyệt đối không thao tác để tránh mất tiền oan. Khách hàng chỉ nên thao tác trên những link có xuất xứ, thương hiệu, được bảo mật tốt theo khuyến cáo của ngân hàng.

Đối với ngân hàng, nếu nhận được khiếu nại của khách hàng thì cần lập tức phải phối hợp kiểm tra, xác minh thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi của chủ thẻ và cảnh báo đối với cách khách hàng khác về hành vi nên trên".

hị Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng nội thất Ngọc Dũng. (Ảnh: An Nguyên).

Chị Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng nội thất Ngọc Dũng. (Ảnh: An Nguyên).

Trong một diễn biến có liên quan, trao đổi với phóng viên, chị Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng Ngọc Dung cho biết, đại diện đơn vị này tiếp tục có đơn (lần 2) đề nghị cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, làm rõ dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng có nick name Lyli Nguyen, đồng thời đề nghị ngân hàng này phải chịu trách nhiệm trước những rủi do của khách hàng khi cán bộ ngân hàng hướng dẫn, cùng thực hiện thao tác nhận tiền trực tuyến thông qua link chuyển tiền lừa đảo.

Chủ cửa hàng hoang mang chia sẻ: “Khi chúng tôi nhận được link chuyển tiền lừa đảo, nhưng nhân viên ngân hàng không phát hiện và không cảnh báo đó là link giả mạo mà vẫn hướng dẫn, thao tác thực hiện việc xác nhận để nhận tiền trực tuyến".

"Trong hợp này nếu nhân viên không chắc chắn đây là link chuyển tiền thật thì tại sao còn hướng dẫn và thực hiện thao tác chuyển tiền cùng khách hàng khiến tài khoản của chúng tôi bị thất thoát. Lỗi ở đây là do ngân hàng chứ không phải của khách hàng. Khi chúng tôi khiếu nại vụ việc thì họ chỉ hứa và nói rằng “cứ từ từ”", chị Ngọc nói.

Trước đó, nhận định sơ bộ về sự việc nói trên, Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa kiêm Trưởng Công an thành phố Thanh Hóa cho biết: "Vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao. Chúng tôi đã chỉ đạo anh em vào cuộc để xử lý vụ việc".

Cũng theo Đại tá Khương Duy Oanh, phía công an sẽ cố gắng hết sức có thể để làm rõ sự việc, tránh thiệt thòi cho khách hàng.

(Còn nữa)