19/01/2025 | 10:20 GMT+7, Hà Nội

Vietinbank có ý thoái thác, khách hàng tuyên bố “cạch mặt” ngân hàng sau vụ tài khoản bị "bốc hơi" 100 triệu đồng

Cập nhật lúc: 08/03/2019, 22:14

"Trong vụ việc này, trách nhiệm của ngân hàng (là) phải hướng dẫn dịch vụ của mình, còn khi về đến nhà khách hàng có làm theo đúng những gì ngân hàng hướng dẫn hay không thì người thao tác dịch vụ phải chịu trách nhiệm. Một bên (ngân hàng) làm thế này (hướng dẫn) một bên (khách hàng) lại làm cách khác thì chịu rồi", ông Lâm cho biết.

Chờ công an...

Liên quan tới vụ tài khoản khách hàng của Vietinbank "bốc hơi" 100 triệu đồng, ngày 7/3, trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Lâm, Giám đốc VietinBank Thanh Hóa cho biết, hiện tại, ngân hàng đang phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc.

“Hiện tại chúng tôi đã thực hiện những thao thác liên quan tới việc đảm bảo an toàn (tài khoản) cho khách hàng. Chúng tôi đang phối hợp với ngân hàng Techcombank (tài khoản chuyển tiền đến) xử lý thông tin phản ánh; phối hợp với Công an thành phố trong việc điều tra, xử lý vụ việc...”, ông Lâm nói.

Nhận định về khả năng “hoàn vốn” tài khoản của khách hàng trong trường hợp này ông Lâm cho biết, hiện tại chưa thể nói trước được điều gì: “Cái này phải chờ công an thôi, những gì anh em tôi đã làm được trong phạm vi quản lý thì chúng tôi đã làm rồi".

Ngân hàng Vietinbank. (Ảnh minh họa).

Ngân hàng Vietinbank. (Ảnh minh họa).

Cần phải nói thêm rằng, trước đó, nhân viên tên Giang, ngân hàng Viettinbank có chi nhánh tại Thanh Hóa cùng chị Trần Thị Yến thực hiện giao dịch trực tuyến rút tiền thông qua link chuyển tiền trực tuyến do khách hàng gửi thì lập tức tài khoản khách hàng này bị trừ đi 100 triệu đồng thay vì nhận được số tiền 15,5 triệu đồng từ khách hàng chuyển đến.

Tuy nhiên, khi được hỏi về trách nhiệm của ngân hàng và cán bộ ngân hàng Vietinbank trong vụ việc này thì vị đại diện ngân hàng này có ý “phủi" trách nhiệm ?!: “Tất cả những gì thuộc về sản phẩm của ngân hàng công thương Việt Nam, trong đó có việc khách hàng đến giao dịch với ngân hàng thì chúng tôi có trách nhiệm hướng dẫn sử dụng sản phẩm đó và... hết chuyện.

Còn trong vụ việc này, trách nhiệm của ngân hàng (là) phải hướng dẫn dịch vụ của mình cho chị Yến, còn khi về đến nhà khách hàng có làm theo đúng những gì ngân hàng hướng dẫn hay không thì người thao tác dịch vụ phải chịu trách nhiệm. Một bên (ngân hàng) làm thế này (hướng dẫn) một bên (khách hàng) lại làm cách khác thì chịu rồi.

Trong vụ này người ta chuyển tiền đến tài khoản mà mình lại làm một cái lệnh chuyển tiền đi thì người cụ thể (người làm) phải chịu thôi. Tôi cũng nói với anh em Công an cần điều tra làm rõ để có những cảnh báo cho các khách hàng khác”, ông Lâm nói.

Có ý kiến cho rằng, lỗi trong vụ việc này không hoàn toàn thuộc về ngân hàng nhưng trong trường hợp này Vietinbank nên có chính sách hỗ trợ, trấn an, chia sẻ rủi do với khách hàng chứ không thể thoái thác trách nhiệm hoặc đổ lỗi hết cho khách hàng được.

Về việc này ông Lâm cho biết, còn quá sớm để đưa ra vấn đề chia sẻ rủi ro với khách hàng: “Cái này chưa thể định tính được, phải chờ Công an làm việc đã. Cái gì đúng là đúng, cái gì sai là sai. Chúng tôi đã làm các bước nghiệp vụ để đảm bảo tốt nhất quyền lợi khách hàng, tìm ra đối tượng. Bây giờ nói thế nọ thế kia thì hơi sớm. Nếu khách hàng đúng thì chúng tôi phải có trách nhiệm với khách hàng. Nếu không tìm được đối tượng mà để sự việc diễn biến thế này thì thật sự nguy hiểm, vừa ảnh hưởng đến khách hàng, uy tín của ngân hàng”, ông Lâm nói.

Khách hàng tuyên bố “cạch mặt” Vietinbank

Trái ngược với quan điểm trên, bà Trần Thị Yến – kế toán cửa hàng nội thất Ngọc Dũng vẫn bảo lưu quan điểm khi cho rằng, ngân hàng Vietinbank phải chịu trách nhiệm chính khi tài khoản của mình bị “bốc hơi” 100 triệu đồng.

Cán bộ ngân hàng sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng nhưng không kiểm tra thông tin đường link chuyển tiền trực tuyến có dấu hiệu lừa đảo, mà vẫn hướng dẫn khách hàng, thực hiện giao tác giao dịch qua khiến tôi bị thất thoát tiền.

Khi khách hàng nhận thấy sự bất thường vì có thông báo tài khoản chuyển đi 100 triệu đồng thay vì nhận 15,5 triệu đồng từ phía khách hàng, tôi đã nghi ngờ nhưng cán bộ này vẫn thực hiện thao tác và sau đó tiếp tục hướng dẫn tôi xác nhận nhập mã OTP.

Đến lần 3 bà Giang hướng dẫn bà tôi về làm tương tự các thao tác như vậy. Tôi còn cẩn thận hỏi lại bà Giang, mã bí mật theo hướng dẫn của khách hàng kia là cái gì? Lúc này bà Giang đọc mã OTP 429-330-1073 do khách hàng mua nội thất gửi(bà Giang nhớ mã OTP nên đọc cho bà Yến), đồng thời hướng dẫn tôi nhập mã đó theo yêu cầu của link chuyển tiền như cách bà Giang đã làm hai lần đầu. Kết quả của lần nhập mã OTP cuối cùng báo thành công”, bà Yến cho hay.

Cùng quan điểm trên, chị Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng nội thất Ngọc Dũng cũng cho rằng, việc ngân hàng Vietinbank có dấu hiệu chối bỏ trách nhiệm của mình trước vụ việc nói trên là điều không thể chấp nhận được.

"Bà Giang, cán bộ ngân hàng là người thực hiện thao tác nhập mã OTP theo hướng dẫn trên link chuyển tiền trực tuyến mặc dù lúc tin nhắn báo rằng tài khoản của bà Yến sẽ chuyển đi 100 triệu, nhưng cán bộ này vẫn cứ nhập mã, nhưng không thành công.

Sau đó bà Trang tiếp tục hướng dẫn bà Yến nhập mã theo hướng dẫn thì tài khoản bị trừ 100 triệu đồng. Vấn đề là, các tin nhắn sau đó chuyển đến điện thoại của khách hàng và đề nghị khách hàng xác nhận mã OTP cũng giống như các tin nhắn trước họ đã gửi và lần này khách hàng đã nhập mã OTP thành công theo hướng dẫn trước đó của nhân viên ngân hàng (mã OTP sẽ thay đổi nếu khách hàng không thao tác kịp và ngược lại).

Như vậy, ngân hàng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho khách hàng khi cán bộ ngân hàng này đã hướng dẫn, tham gia xác nhận mã OTP trước đó trên đường link lừa đảo khiến tài khoản bà Trần Thị Yến "bốc hơi" 100 triệu đồng", chị Ngọc phản biện.

Tin nhắn

Bà Giang, cán bộ nhân hàng là người thực hiện thao tác nhập mã OTP theo hướng dẫn trên link chuyển tiền trực tuyến mặc dù lúc tin nhắn báo rằng tài khoản của bà Yến sẽ chuyển đi 100 triệu, nhưng cán bộ này vẫn cứ nhập mã... Ảnh của An Nguyên.

Chủ cửa hàng Ngọc Dũng cũng cho biết, cá nhân bà sẽ "cạch mặt" ngân hàng này nếu Vietinbank thiếu trách nhiệm với khách hàng.

"Vì sự yếu kém nghiệp vụ của nhân viên ngân hàng trong việc "góp phần" làm "bốc hơi" 100 triệu đồng của khách hàng thì chúng tôi sẽ "cạch mặt" họ. Nếu nhân viên và ngân hàng không dám chịu trách nhiệm trước hành vi của mình mà có ý chối bỏ thì tôi sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng để đảm bảo quyền lợi của mình. Nếu họ  "phủi" tay với chúng tôi trong vụ việc này thì rất có thể Vietinbank cũng sẽ thực hiện hành vi tương tự đối với các khách hàng khác. Sau sự việc này, tôi sẽ vĩnh viễn không dùng thẻ hay thực hiện các giao dịch từ ngân hàng này nữa", chị Ngọc nói.

Một số ý kiến khác từ phía dư luận sau khi tiếp nhận được thông tin vụ việc nói trên đều tỏ vẻ lo ngại trước nghiệp vụ của nhân viên ngân hàng và đề nghị quy trách nhiệm của Vietinbank trong việc xử lý khiếu nại, đồng thời mong muốn công an nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc.

Chị Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng nội thất Ngọc Dũng. Ảnh của An Nguyên.

Chị Trần Thị Ngọc, chủ cửa hàng nội thất Ngọc Dũng. (Ảnh: An Nguyên).

Trước đó, trao đổi với phóng viên, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho rằng: “Trong trường hợp này, cả ngân hàng và cả khách hàng có thể đã bị lừa. Nếu ngân hàng tử tế thì cần phải nhận trách nhiệm, chứ không thể nói đó là việc làm của cá nhân hay cá nhân phải chịu trách nhiệm.

Cá nhân trong vụ việc này có thể họ vô tư, hoặc do nhận thức, do trình độ còn hạn chế khi tư vấn cho khách, cho nên mới để xảy ra rủi ro như đã nêu. cá nhân đó cũng phải chịu trách nhiệm. Giao dịch có dấu hiệu lừa đảo mà nhân viên ngân hàng còn không nhận ra nói gì đến khách hàng? Ở nước ngoài lỗi này bị phạt rất nặng.

Nếu bản thân ngân hàng phát hiện vụ việc nhưng không có động thái kịp thời xử lý vụ việc để tránh thất thoát cho khách hàng thì trách nhiệm của Vietinbank càng tăng thêm. Hay nói cách khác, trong trường hợp phát hiện dấu hiệu lừa đảo, ngân hàng cần nhanh chóng kết hợp với cơ quan có thẩm quyền thực hiện phong tỏa tài khoản chuyển đến càng sớm càng tốt. Nếu ngân hàng không làm gì thì rõ ràng họ có dấu hiệu không làm hết trách nhiệm của mình để hạn chế rủi ro cho khách hàng.

Lỗi trong vụ việc này không hoàn toàn thuộc về ngân hàng nhưng trong trường hợp này Vietinbank nên có chính sách hỗ trợ, trấn an, chia sẻ rủi do với khách hàng chứ không thể thoái thác trách nhiệm hoặc đổ lỗi hết cho khách hàng được", luật sư Trương Thanh Đức nhận định.

(Còn nữa)