Vụ C2, Rồng đỏ nhiễm chì: URC không cầu thị, thiếu tôn trọng người tiêu dùng
Cập nhật lúc: 14/07/2016, 06:07
Cập nhật lúc: 14/07/2016, 06:07
Khi mà người tiêu dùng Việt đã vô tình tiêu thụ số lượng không nhỏ nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ của Cty TNHH URC Việt Nam bị nhiễm chì và đang hết sức hoang mang lo lắng về vụ việc, thì mới đây Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) mới đưa ra một số khuyến cáo về vụ việc này.
Căn cứ Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và báo cáo của Công ty URC Hà Nội, Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương cho biết: Sản phẩm bị thu hồi là lô sản phẩm nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu (Ngày sản xuất: 10/11/2015; Hạn sử dụng: 10/8/2016) và lô sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (Ngày sản xuất: 04/02/2016; Hạn sử dụng: 04/02/2017).
Cục Quản lý cạnh tranh khuyến cáo người tiêu dùng: Ngừng sử dụng các sản phẩm thuộc diện bị thu hồi. Khi mua các sản phẩm tương tự nói trên, người tiêu dùng cần lưu ý kiểm tra ngày sản xuất.
Trong trường hợp cần thiết có thể liên hệ với Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục QLCT để được tư vấn, hỗ trợ về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cung cấp thông tin về vụ việc theo số điện thoại miễn phí 1800.6838 hoặc email: [email protected].
Ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng- Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: “Theo báo cáo của Công ty TNHH URC Hà Nội, sản phẩm Trà xanh hương chanh C2 (NSX 04/02/2016; HSD 04/02/2017) đã sản xuất và bán ra thị trường 23.200 thùng, thu hồi và tiêu hủy 1,184 thùng. Như vậy, đã bán ra và chưa thu hồi được là: 22.016 thùng (tương đương 528384 sản phẩm).
Nước Tăng lực Rồng đỏ (NSX 10/11/2015; HSD 10/08/2016) đã sản xuất và bán ra thị trường 17,990 thùng (tương đương 863.520 sản phẩm). Kể từ khi có quyết định xử phạt đến nay đã hơn một tháng nhưng URC vẫn chưa thu hồi được bất kỳ sản phẩm nào.
Thanh tra Bộ Y tế đã chính thức ra quyết định xử phạt thu hồi cách đây hơn 1 tháng nhưng mới đây Cục Quản lý cạnh tranh mới có thông báo thu hồi. Lý giải về điều này, ông Cao Xuân Quảng, cho biết: Căn cứ Khoản 3, Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các sản phẩm nói trên là hàng hóa có khuyết tật gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và theo quy định tại Điều 22 của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Công ty URC phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm khuyết tật nói trên.
Trước đó liên quan đến vụ nhiễm độc chì này, dư luận dậy sóng trước thông tin trên cộng đồng mạng internet về việc nhà sản xuất nước trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng đỏ dùng số tiền 1 tỉ đồng để “biếu” cán bộ kiểm nghiệm, nhằm làm sai lệch kết quả kiểm nghiệm. Đây là thông tin không có căn cứ được mạng xã hội đưa ra. Mặc dù vậy, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, Bộ Y tế, các cơ quan hữu trách cũng vào cuộc xác minh, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Nói về việc này luật sư Lê Văn Thiệp- Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: Tiêu chuẩn dành cho các sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người rất nghiêm ngặt, được pháp luật bảo hộ. Nếu cơ quan hữu trách chứng minh được rằng có chuyện đưa, nhận 1 tỉ đồng như mạng xã hội thông tin là đúng thì có thể xử lý về hành vi đưa nhận hối lộ.
Trường hợp thông tin trên là không đúng sự thật, không có việc đưa hay nhận hối lộ thì vẫn có thể khởi tố về hành vi vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của pháp luật trong bộ luật hình sự.
Trường hợp nếu như nhà sản xuất biết sản phẩm là sản phẩm nhiễm độc chì có thể gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng nhưng vẫn đưa ra thị trường khi cơ quan chức năng chưa có văn bản để ngăn chặn hành vi ấy thì sẽ xử lý thế nào?
Phải chịu trách nhiệm xử phạt hành chính nếu như cơ quan chức năng không khuyến cáo và không làm rõ có hay không việc đưa hối lộ trong vụ việc này. Về mặt nguyên tắc, bị hại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại, nhưng việc để chứng minh là có hay không có việc bị tổn hại về sức khỏe trong trường hợp này là rất khó, không phải ngày một ngày hai.
Trong quy định của Luật bảo vệ người tiêu dùng, nghị định xử phạt trước đây là Nghị định 185, được thay thế bởi Nghị định 124 về xử phạt các hành vi trong thương mại có quy định rất cụ thể về việc này. Việc nhà sản xuất không thông báo, việc lưu hành các sản phẩm nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý hành chính. Nếu bồi thường bằng bản án thì con số có thể lên đến hàng nghìn tỉ, vài nghìn tỉ là bình thường.
Theo luật sư Lê Văn Thiệp thì việc Cty TNHH URC Việt Nam không thực hiện như Điều 22 Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và việc thu hồi hàng hóa đó ít nhất 05 số liên tiếp trên báo ngày hoặc 05 ngày liên tiếp trên đài phát thanh, truyền hình tại địa phương mà hàng hóa đó được lưu thông: Mô tả hàng hóa phải thu hồi; Lý do thu hồi hàng hóa và cảnh báo nguy cơ thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra; Thời gian, địa điểm, phương thức thu hồi hàng hóa; Thời gian, phương thức khắc phục khuyết tật của hàng hóa; Các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình thu hồi hàng hóa...
“Thái độ như thế là không cầu thị, không tôn trọng người tiêu dùng, thể hiện thái độ như thế là rất khó chấp nhận. Người tiêu dùng nên là người tiêu dùng thông minh để lựa chọn xem sản phẩm nào phù hợp cho sức khỏe”- luật sư thiệp nói./.
01:56, 08/07/2016
23:12, 06/07/2016
01:34, 01/07/2016
14:11, 09/06/2016
23:32, 06/06/2016
12:53, 05/06/2016
22:01, 03/06/2016
14:45, 02/06/2016
14:18, 01/06/2016
01:49, 01/06/2016
19:30, 24/05/2016
22:02, 21/05/2016
06:11, 14/05/2016
06:11, 11/05/2016
20:46, 10/05/2016
07:23, 09/12/2015
08:40, 25/10/2015
05:12, 23/07/2015