22/11/2024 | 13:04 GMT+7, Hà Nội

Lỡ uống phải C2, Rồng đỏ nhiễm chì, người tiêu dùng có được bồi thường?

Cập nhật lúc: 01/06/2016, 14:18

Nếu người tiêu dùng đã lỡ uống C2, Rồng Đỏ nhiễm chì, họ có nhận được bồi thường? Trách nhiệm của URC với người tiêu dùng ra sao?

Chiều 31/5, ông Nguyễn Văn Nhiên - phó chánh Thanh tra Bộ Y tế, trưởng đoàn thanh tra tại Công ty TNHH URC VN - đã ký quyết định xử phạt hành chính trên 5,8 tỉ đồng đối với Công ty TNHH URC Hà Nội. Đây là mức phạt cao nhất từ trước tới nay của Thanh tra Bộ Y tế.

Công ty này bị phạt do các vi phạm sản xuất và bán một số lô nước trà xanh hương chanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu có hàm lượng chì cao quá mức công bố.

Nước uống Rồng Đỏ được bán tại siêu thị ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Quang Định.

Nước uống Rồng Đỏ được bán tại siêu thị ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: Quang Định.

Theo quyết định này, các vi phạm chính của Công ty URC Hà Nội sau thanh tra gồm: sản xuất hai lô trà xanh hương chanh C2 (lô sản xuất ngày 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017) và lô nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu sản xuất ngày 10/11/2015, hạn sử dụng 
10-8-2016 có hàm lượng chì cao quá mức công bố.

Công ty đã bán hai lô sản phẩm này với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỉ đồng.

Đoàn thanh tra cho biết Công ty URC Hà Nội còn vi phạm khi kho bảo quản sản phẩm Hataco và kho Lan Khoa không đảm bảo kín để phòng chống động vật gây hại; khu vực bảo quản hàng chờ hủy, hàng hư hỏng do vận chuyển tại kho Hataco không được bố trí cách biệt với khu vực thành phẩm.

Tổng cộng các hành vi trên, Công ty URC Hà Nội bị phạt 5,82 tỉ đồng, trong đó riêng hành vi bán hai lô hàng vi phạm bị xử phạt 5,81 tỉ đồng. Đoàn thanh tra còn yêu cầu công ty khắc phục tình trạng vi phạm tại các kho bảo quản, báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 10/6.

Trao đổi trên Tuổi Trẻ sau khi ký quyết định này, ông Nhiên cho biết mức phạt này hoàn toàn phụ thuộc mức độ vi phạm và giá trị hàng hóa vi phạm của Công ty URC Hà Nội.

Theo ông Nhiên, Thanh tra Bộ Y tế đã tạm dừng lưu hành tới ba lô nước C2 và Rồng Đỏ của Công ty URC Hà Nội, nhưng kết quả kiểm tra mẫu lô nước tăng lực Rồng Đỏ hương dâu sản xuất ngày 19/2/2016 do Thanh tra Bộ Y tế lấy tại Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy hàm lượng chì đảm bảo yêu cầu nên không xử phạt đối với lô hàng này.

Hai lô do công ty tự tạm dừng qua kiểm tra lại cũng cho kết quả đạt yêu cầu nên tiếp tục cho lưu thông.

Chiều 31/5, Thanh tra Bộ Y tế cũng giám sát việc tiêu hủy 1.184 thùng C2 và Rồng Đỏ thuộc hai lô được xác định có vi phạm (tổng cộng trên 10 tấn hàng). Tuy nhiên, phần lớn số nước giải khát này đã được lưu thông hết trên thị trường.

Người dùng cần biết cách tự ‘cứu mình’ như nào?

Trong đó, tổng giá trị hàng hóa vi phạm đã xuất bán không thu hồi được là gần 4 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc: một số lượng C2, Rồng đỏ không hề nhỏ đã được tiêu thụ trên thị trường và một bộ phận không nhỏ người dân đã vô tình uống phải số hàng hóa không đảm bảo chất lượng này.

Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng trong quá khứ đã từng sử dụng nhiều C2, Rồng đỏ đã bày tỏ sự lo lắng, hoang mang, bởi, theo các chuyên gia dinh dưỡng, chì là một kim loại nặng cực độc, sẽ rất nguy hiểm cho người dùng nếu dung nạp vì nó tích lũy lâu nhưng thải trừ rất chậm ra khỏi cơ thể.

“Tôi cần làm gì nếu trong quá khứ đã lỡ không may uống phải C2, Rồng Đỏ của URC (có kết luận nhiễm độc chì)?” – đó là câu hỏi thường thấy của người dùng trong những ngày vừa qua.

Nếu ai đó “lỡ” rơi vào trường hợp trên, cựu thẩm phán - LS Phạm Công Út, Trưởng VP Luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn Luật sư Tp.HCM) đưa ra lời khuyên trên tờ Chất lượng Việt Nam: Người tiêu dùng đành phải… tự cứu mình trước khi trời cứu, bằng cách đi làm các xét nghiệm tổng quát sức khỏe, nếu có phát hiện các triệu chứng y khoa thì nên chữa trị và lưu giữ toàn bộ các kết quả xét nghiệm, chi phí điều trị, các hóa đơn, chứng từ, liệt kê các thiệt hại khác về tài sản…

Nhất là phải có chứng cứ chứng minh được mối liên hệ nhân quả từ việc đã “lỡ uống” các chai nước C2, Rồng Đỏ đã nhiễm chì với các hóa đơn, chứng từ hoặc các nguồn chứng minh hợp lý khác để chứng minh rằng mình đã mua nó.

Mặc dù vậy, LS Út cũng nhấn mạnh: “Điều này quả thật là trò đánh đố của thần công lý, vì công lý không hẳn chỉ bảo vệ lẽ công bằng, mà công lý chỉ bảo vệ cho người có chứng cứ trước tòa mà thôi”.

Vì vậy, LS Út nói: “Tôi hy vọng rằng, những khách hàng đã "lỡ uống C2, Rồng đỏ nhiễm độc chì" cần thu thập chứng cứ để chứng minh việc mình đã mua những chai nước này ở đâu, thời gian nào, đã uống hay chưa uống, có thiệt hại về sức khỏe hay không. Thậm chí, đây cũng có thể là cơ hội cho những ngưỡi đã “lỡ uống” loại nước này đi xét nghiệm toàn diện sức khỏe.

Dù có hoặc chưa có tổn thất gì về sức khỏe, nhưng đó cũng là tổn thất tài chính vì phải làm xét nghiệm y khoa, thậm chí cả tổn thất về tinh thần nếu có chứng cứ cho rằng họ hoang mang lo sợ nếu cho rằng mình đã “uống thuốc độc””.

LS Út cũng cho biết: Nếu khách hàng cần hỗ trợ về mặt pháp lý để đòi lại quyền lợi và sự công bằng cho mình thì hoàn toàn có thể liên hệ với luật sư để được tư vấn một cách miễn phí.

Không chỉ riêng tôi mà tôi tin rằng, sẽ có tập thể đông đúc của cả nước sẳn sàng tập hợp thành các nhóm theo từng địa phương để bảo vệ miễn phí cho người “lỡ uống” chì từ lô hàng C2, Rồng Đỏ bị Bộ Y tế yêu cầu dừng lưu hành.

Vì đây là hoạt động chuyên môn nhằm phục vụ lợi ích cộng đồng của giới luật sư trong nước vẫn thường xuyên diễn ra” – LS Út nói.

Ngoài ra, không chỉ người tiêu dùng, theo LS Út, các thương nhân cũng có thể khởi kiện công ty URC trong “sự cố” nhiễm chì của C2, Rồng đỏ lần này.

Cụ thể, các đối tác thương nhân, các doanh nghiệp, các đại lý, các bạn hàng tiêu thụ của Rồng đỏ, C2 rất dễ kiện URC bởi họ sẽ có những phiếu hóa đơn nhập hàng, xuất hàng hoặc hóa đơn thanh toán tiền. Như vậy, họ sẽ chứng minh được việc sản xuất của URC làm ảnh hưởng tới hoạt độngkinh doanh của họ và doanh thu của họ từ những tháng liền kề sau khi sản phẩm lỗi (thuộc dạng độc hại) bị sa sút và kéo dài bao lâu. Và với hậu quả như vậy, URC cần phải bồi thường.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết hiện Cục An toàn thực phẩm đang chủ trì xây dựng thông tư về thu hồi sản phẩm vi phạm, trong đó có quy định cụ thể về trường hợp này.

Trên tờ Giao thông, luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Về phía người tiêu dùng, khi có căn cứ để chứng minh mình bị xâm phạm bởi các "sản phẩm khuyết tật" của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thì hoàn toàn có thể yêu cầu bồi thường về thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng và tài sản của mình. Việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có thể thông qua các phương thức như: Thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án.

Người tiêu dùng có thể tự mình hoặc thông qua tổ chức xã hội có chức năng bảo vệ người tiêu dùng phân bố ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước để giải quyết tranh chấp liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng. Trong trường hợp tự mình tiến hành các biện pháp thương lượng, hòa giải với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, người tiêu dùng cần phải có nhận thức pháp luật đầy đủ để tránh những rủi ro pháp lý.

Đối với nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa thì pháp luật buộc họ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi họ không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật. Cụ thể, khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: "Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này".

Đối với việc xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại cụ thể được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Tức là người bị thiệt hại phải chứng minh được sản phẩm khuyết tật đã gây thiệt hại đối với sức khỏe, tính mạng, tài sản của mình; Phải thống kê được mức thiệt hại đã xảy ra trên thực tế; Phải chứng minh được mỗi quan hệ nhân quả giữa sản phẩm khuyết tật và thiệt hại xảy ra...

Trong trường hợp người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa không thể giải quyết được thông qua thương lượng, hòa giải thì một trong các bên có quyền yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Các quy định pháp luật nêu trên cũng được áp dụng đối với các đại lý, nhà phân phối nếu họ chứng minh được mình bị thiệt hại do hàng hóa khuyết tật của URC gây ra.

Cũng trên tờ Tuổi trẻ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN cho biết, về nguyên tắc, người tiêu dùng phải được bồi thường khi mua phải sản phẩm C2 và Rồng Đỏ thuộc hai lô nhiễm chì bị tiêu hủy.

Để khiếu kiện, đưa vụ việc ra tòa và đòi bồi thường cho từng cá nhân trong vụ việc như thế này, theo ông Hùng, là khó bởi từng người tiêu dùng mua số lượng ít, mua lẻ và hiện đã sử dụng hết, việc đánh giá ảnh hưởng với sức khỏe từng người là khó khăn.

“Tôi cho rằng nếu bồi thường cho từng người là không khả thi. Có lẽ nên thành lập một quỹ để dành riêng cho các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng, như kiểm tra phát hiện thực phẩm bẩn chẳng hạn” - ông Hùng đề xuất.

Hiện tại, cho tới thời điểm này, Công ty URC Việt Nam vẫn chưa hề có lời xin lỗi nào đối với người dùng về việc đã “đầu độc” người dùng bằng các lô C2, Rồng đỏ nhiễm chì vượt mức cho phép nhiều lần./.

Ông Phạm Hùng Thắng, chuyên gia truyền thông - marketing, sáng lập Học viện Truyền thông & Marketing HEADS Academy đã từng chia sẻ với Chất lượng Việt Nam: Nếu sản phẩm của URC có nồng độ chì quá hạn mức thật thì họ nên xử lý khủng hoảng truyền thông theo cách mà ô mai Hồng Lam đã từng làm kèm với những thông điệp có khả năng trấn an dư luận tốt.

“Xin lỗi, đền bù, cam kết vẫn là 3 bước vô cùng quan trọng trong tất cả các cuộc xử lý khủng hoảng lớn hay nhỏ khi chúng ta là người mắc lỗi với khách hàng” – ông Thắng nói.

Chì ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể

Theo thông tin từ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, chì là kim loại độc với cơ thể, đặc biệt ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ em.

Khi vào cơ thể, chì tích tụ trong mô mềm hoặc xương, thời gian thải loại chì rất dài, thậm chí tới 30-40 năm.

Trong quá trình đó, chì ảnh hưởng tới yếu tố tạo xương, trẻ bị ngộ độc chì ảnh hưởng tới phát triển chiều cao, ức chế tổng hợp hồng cầu và giảm tuổi thọ hồng cầu, chưa kể có nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng khác tới cơ thể.

Ở VN, rải rác vẫn ghi nhận ngộ độc chì ở trẻ em sử dụng loại thuốc cam điều trị tưa lưỡi và giúp trẻ ngon miệng bán tại nhiều cơ sở sản xuất thuốc y học cổ truyền, đặc biệt ở nông thôn.

Cách đây ba năm, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận hàng trăm trẻ ngộ độc chì vào viện trong thời gian ngắn vì loại thuốc cam chứa chì này.

Điều 8, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về Quyền của người tiêu dùng như sau:

1. Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

8. Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.