18/01/2025 | 20:18 GMT+7, Hà Nội

C2, Rồng đỏ nhiễm chì: Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng

Cập nhật lúc: 02/06/2016, 14:45

Đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng nhận định, hàm lượng chì vượt ngưỡng trong C2, Rồng Đỏ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng phải sản phẩm nhiễm chì.

Chiều qua, Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên đã ký quyết định xử phạt công ty URC Hà Nội 5,82 tỉ đồng, trong đó riêng hành vi sản xuất và lưu thông 2 lô nước giải khát C2 và Rồng đỏ có hàm lượng chì vượt ngưỡng bị phạt 5,81 tỉ đồng.

Đây là mức phạt cao nhất từ trước tới nay của Thanh tra Bộ Y tế.

Trong đó, lô trà xanh hương chanh C2 (NSX: 4/2/2016 - HSD: 4/2/2017) và lô nước tăng lực hiệu hương dâu Rồng đỏ (NSX: 10/11/2015 - HSD:10/8/2016) có hàm lượng chì lần lượt là 0,085 mg/l và 0,068 mg/l. Trong khi mức công bố của các sản phẩm nói trên là nhỏ hơn hoặc bằng 0,05 mg/l.

Chiều cùng ngày, Thanh tra Bộ Y tế đã giám sát việc tiêu huỷ gần 1.200 thùng C2, Rồng đỏ nói trên (tổng khối lượng hơn 10 tấn).

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Nhiên, số lượng tiêu huỷ rất nhỏ so với số đã bán ra. Theo URC, số hàng hoá đã bán ra gần 3,9 tỉ đồng không thể thu hồi, tương đương hơn 40.000 thùng (mỗi lô gồm 23.000 thùng). Điều này đồng nghĩa, hàng nghìn người đã uống phải nước giải khát chứa chì vượt ngưỡng.

Bộ Y tế ra quyết định xử phạt công ty TNHH URC Hà Nội gần 6 tỷ đồng, đồng thời tiến hành tiêu hủy hơn 10 tấn nước giải khát C2, Rồng đỏ.

Bộ Y tế ra quyết định xử phạt công ty TNHH URC Hà Nội gần 6 tỷ đồng, đồng thời tiến hành tiêu hủy hơn 10 tấn nước giải khát C2, Rồng đỏ.

Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng

Theo TS Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, có 2 vấn đề đáng lưu tâm trong vụ việc này.

Thứ nhất, hàm lượng chì vượt ngưỡng đương nhiên ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Thứ hai là thiệt hại về vật chất. Người tiêu dùng bỏ 1 đồng mua sản phẩm nhưng sản phẩm lại gây hại.

“Theo điều 23 luật Bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng phải sản phẩm nhiễm chì. Tuy nhiên rất khó để trả cho từng cá nhân tiêu dùng cụ thể”, TS Tuấn nói.

Ông cho biết, không chỉ riêng trường hợp URC, nhiều trường hợp trước đó liên quan đến việc thu hồi cũng bị “vướng” tương tự.

“Chúng tôi cho rằng những khoản tiền của người tiêu dùng đã bỏ ra trong những trường hợp như thế này nên được đưa vào ngân khoản sử dụng vào các mục đích phục vụ lợi ích người tiêu dùng. Một phần trong số đó có thể chi cho các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, TS Tuấn nói.

Cũng dưới góc độ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Với khối lượng khoảng 10 tấn sản phẩm có hàm lượng chì cao hơn mức công bố, phải thu hồi, tiêu hủy và công ty bị phạt tới trên 5,8 tỷ đồng, đủ cho thấy quy mô của vụ vi phạm về an toàn thực phẩm.

"Về phía cơ quan nhà nước đã xử lý nghiêm và kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là những người đã mua, sử dụng sản phẩm không bảo đảm chất lượng này sẽ được giải quyết ra sao là vấn đề hội đang quan tâm", ông Hùng nhấn mạnh.

Theo ông Hùng, qua thông tin báo chí, tổng số nước C2, Rồng đỏ chứa hàm lượng chì cao hơn ngưỡng công bố đã được bán ra thị trường không thu hồi được có giá trị khoảng 3,875 tỷ đồng. Từ đó suy ra, điều này đồng nghĩa với việc riêng về vật chất, người tiêu dùng đã thiệt hại hàng tỷ đồng khi đã bỏ tiền ra để mua thứ sản phẩm không chỉ vô giá trị mà còn có hại cho sức khỏe không dễ gì đo, đếm được.

Theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền được bồi thường theo khoản 6, điều 8. Theo Luật An toàn thực phẩm, người tiêu dùng có quyền được bồi thường thiệt hại theo quy định do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra. Pháp luật hiện hành cũng đã đưa ra bốn phương thức để người tiêu dùng giải quyết tranh chấp với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong đó, giải quyết theo đường tòa án, phán quyết của tòa mang tính bắt buộc thực hiện, được coi có tính pháp lý cao nhất.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong vụ việc tương tự như thế này, rất khó khăn để xác định từng cá nhân sử dụng phải sản phẩm này do người tiêu dùng mua nhỏ lẻ, đã uống hết, vứt bỏ vỏ, chai lọ thì không thể nhớ được mình đã từng uống sản phẩm thuộc lô này hay không.

Nói rõ hơn về các cơ chế để bảo vệ người tiêu dùng, ông Hùng cho rằng, qua trải nghiệm thực tế một vụ cho thấy việc giải quyết theo đường tòa án không chỉ tốn thời gian, công sức mà còn phức tạp, đến được thành công rất gian nan. Trong khi đó, theo ông Hùng, giải quyết theo phương thức hòa giải đơn giản hơn, thậm chí không phải mất một khoản phí nào.

Đại diện cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cũng cho rằng, cần thành lập một đội ngũ đứng làm công tác hoà giải, đòi hỏi quyền lợi cho người tiêu dùng. Về nguồn tài chính để duy trì đội ngũ này, ông Hùng kiến nghị sử dụng những khoản bồi thường cho người tiêu dùng nhưng không thể chi trả vì nhiều lý do, chẳng hạn từng người tiêu dùng không đủ chứng cứ, không chứng minh được thiệt hại, nhưng thiệt hại cho người tiêu dùng nói chung lại rõ.

"Nguồn tài chính cho đội ngũ này sẽ được quản lý, hạch toán, theo dõi để chi vào các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách công khai, minh bạch, có giám sát từ phía nhà nước và người tiêu dùng. Cơ quan nào quản lý, chi theo nguyên tắc nào sẽ do cơ quan có thẩm quyền của nhà nước quyết định trên cơ sở đề án cụ thể", ông nói.

Người tiêu dùng đã uống C2, Rồng Đỏ nhiễm chì có thể yêu cầu nhà sản xuất bồi thường thiệt hại hay không? Luật sư Phạm Thanh Bình, Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội, cho rằng theo luật An toàn thực phẩm và luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì công ty URC phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người đã sử dụng sản phẩm C2 và Rồng Đỏ không đảm bảo chất lượng. 

Về mặt nguyên tắc, những người đã tiêu thụ C2 và Rồng Đỏ nhiễm chì có quyền tự mình hoặc đề nghị các tổ chức xã hội, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng khởi kiện để yêu cầu URC bồi thường thiệt hại.

Tuy nhiên, theo luật sư Bình, trên thực tế người tiêu dùng đơn lẻ khởi kiện URC để yêu cầu bồi thường thiệt hại là rất khó thực hiện bởi họ thường mua lẻ và ít lưu giữ chứng cứ (sản phẩm kém chất lượng). Hơn nữa, việc chứng minh thiệt hại do sản phẩm kém chất lượng gây ra không đơn giản và cần có hóa đơn chứng từ cho các chi phí khám chữa bệnh, mất khả năng lao động, cơ hội việc làm, thời gian, ăn uống… 

Chì sẽ tích luỹ trong cơ thể

PGS.TS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, nếu hàm lượng chì đúng 0,05mg/l, người sử dụng sẽ không bị ngộ độc chì do được thải ra ngoài theo đường nước tiểu, mồ hôi.

“Khi vượt ngưỡng nhiều lần, nguy cơ gây hại cho sức khỏe rất lớn, nhất là đối với trẻ em, đặc biệt trong trường hợp ngộ độc chì cấp tính bởi chì rất khó thải loại, vào cơ thể chì sẽ theo máu đến các cơ quan: gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh… gây bệnh cho trẻ”, PGS Duệ nói.

Tại Trung tâm Chống độc cách đây 3 năm đã từng tiếp nhận hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị do nhiễm độc chì trong thuốc nam, thuốc cam.

Còn theo PGS.TS Trần Hồng Côn, giảng viên hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, chì là loại kim loại nặng được liệt vào mức độc tính mạnh, nếu nạp hàng ngày với hàm lượng vượt ngưỡng, lâu dần sẽ gây nhiễm độc chì mãn, gây ra tình trạng thiếu máu, hoa mắt, chóng mặt, sốt, ảnh hưởng thần kinh.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, với hàm lượng chì trong C2, Rồng Đỏ như trên, nếu người dùng uống trong thời gian ngắn sẽ chưa có biểu hiện bệnh ngay bởi chì cần thời gian để tích lũy. Người tiêu dùng uống loại nước này suốt thời gian dài, liên tục thì có nguy cơ tích tụ chì trong cơ thể. Vì thế, nếu uống nhiều, lo lắng cho sức khỏe, người dân có thể đi xét nghiệm chì trong máu, trường hợp phát hiện hàm lượng chì trong máu cao sẽ phải điều trị thải độc chì.