18/01/2025 | 20:20 GMT+7, Hà Nội

Trà xanh C2 lại chứa "dị vật": Quy trình sản xuất có vấn đề?

Cập nhật lúc: 24/07/2015, 05:12

Sau khi người tiêu dùng phản ánh việc phát hiện dị vật trong chai trà xanh C2, nhiều độc giả khác cũng bày tỏ sự lo lắng và nghi ngờ chất lượng sản phẩm của Công ty TNHH URC.

Như đã đưa tin, vào ngày 15/7/2015, anh Phan Văn Hưng, trú tại Thịnh Liệt, Hà Nội, đã liên hệ với phóng viên để cung cấp thông tin phát hiện chai nước trà xanh C2, mà anh mua tại một đại lý gần nhà có dị vật màu trắng nhầy, kích thước to hơn ngón tay cái, nổi lềnh bềnh. Chai C2 này có ngày sản xuất in trên vỏ chai là 06/04/2015 và hạn sử dụng đến ngày 06/04/2016.

Theo anh Hưng, anh thường mua cả lốc trà xanh C2 để ở nhà cho con sử dụng. Anh thường xuyên vắng nhà, liệu rằng những chai trà̀ xanh cậu con trai của anh uống có chứa “dị vật” và nếu có thì trí não cậu bé có bị ảnh hưởng gì không? Theo quan sát của phóng viên từ những hình ảnh và video anh Hưng cung cấp, chai trà xanh C2 chứa "dị vật" được sản xuất tại Công ty TNHH URC Hà Nội có địa chỉ tại huyện Thạch Thất – Hà Nội. Toàn bộ phần vỏ của chai nước vào phần nắp đây không có dấu hiệu bị tác động ngoại lực.

Được biết, sau khi phát hiện dị vật trong chai C2, anh Hưng đã liên hệ với Công ty URC Hà Nội để phản ánh. Sau đó Công ty đã cử nhân viên gặp anh Hưng và ngỏ ý dùng 5 thùng trà xanh C2 khác để đổi lấy chai C2 có dị vật kia nhưng anh Hưng kiên quyết không đồng ý.

Ngày 21/7, tờ Lao động Thủ đô cho biết, đã nhận được sự phản hồi từ đại diện công ty URC Hà Nội. Chúng tôi xin trích dẫn như sau: “Sản phẩm trà xanh C2 được chế biến và đóng chai bằng dây chuyền sản xuất khép kín, hiện đại, từ khâu sản xuất chai cho tới khâu đóng gói cuối cùng đều bằng máy tự động… Lực đóng nắp được cài đặt bằng máy tự động với thông số tiêu chuẩn lớn hơn 1.0 N/m (>1.0 N/m), với tiêu chuẩn đóng nắp này chúng tôi đảm bảo sản phẩm an toàn lưu thông trên thị trường, ngoại trừ những yếu tố khách quan tác động như rơi rớt, va đập hoặc chất hàng không đúng quy cách… Sau khi có thông tin ngày sản xuất của chai C2 lỗi, công ty lập tức kiểm tra toàn bộ mẫu lưu được sản xuất cùng ngày, cùng giờ với chai bị sự cố nhưng không phát hiện ra sự bất thường nào…”.

Anh Hưng trình bày với PV.

Anh Hưng trình bày với PV.

Câu hỏi đặt ra ở đây nhà sản xuất khẳng định quy trình là “hiện đại và đạt tiêu chuẩn, kiểm tra nghiêm ngặt, sản phẩm an toàn”, đồng nghĩa với việc đổ lỗi do yếu tố khách quan mới dẫn tới sản phẩm bị lỗi, có dị vật. Trong khi chai nước chưa được mở nắp và công ty cũng không giải thích được điều này. Nếu vậy, người tiêu dùng, cụ thể ở đây là anh Phan Văn Hưng hoàn toàn có quyền nghi ngờ về cái gọi là “kiểm tra nghiêm ngặt, quy trình sản xuất hiện đại và đạt tiêu chuẩn kia”!

Cũng theo đại diện URC Hà Nội, phía công ty đã làm việc với anh Phan Văn Hưng đồng thời có biên bản cụ thể về chai trà xanh C2 có dị vật. Nhưng anh Hưng cho biết, anh có ký nhận nhưng anh yêu cầu biên bản phải lập làm 2 bản để đối chiếu, anh giữ 1 và công ty giữ 1, nhưng đại diện URC Hà Nội đã nhanh chóng ra về, mang theo biên bản duy nhất.

Trao đổi về vụ việc này, luật sư Trần Đại Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết: Để tránh dẫn đến hậu quả đáng tiếc như vụ việc chai nước Number 1 có chứa con ruồi của công ty Tân Hiệp Phát và số phận bi đát của Võ Văn Minh - anh nông dân vì kém hiểu biết đã thỏa thuận đổi chai nước để lấy 500 triệu đồng, hậu quả đã bị bắt tạm giam, với những vụ việc tương tự, khách hàng có thể báo ngay cho Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhờ cơ quan này làm sáng tỏ bản chất vụ việc để góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng nói chung. Khách hàng cũng có quyền cung cấp thông tin đến báo chí để xác minh thực tế vụ việc.

Luật sư Dương cho biết thêm, trong trường hợp người tiêu dùng đã gọi điện thoại báo cho công ty và công ty cử người đến làm việc thì cần mời người làm chứng cho việc trao đổi, thỏa thuận giữa hai bên. Yêu cầu bồi thường của người dân phải dựa trên các thiệt hại thực tế và đương nhiên là không được hù dọa. Nội dung thỏa thuận phải đúng pháp luật.

Đồng quan điểm, Luật sư Vũ Quốc Bình, Đoàn Luật sư Hà Nội nhấn mạnh thêm: Không thể thỏa thuận “mua sự im lặng” mà phải thỏa thuận theo hướng “bàn giao chứng cứ để đưa đi giám định, xác định nguyên nhân lỗi”. Hình thức thỏa thuận phải bằng văn bản, địa điểm công khai (tại trụ sở công ty, tại trụ sở chính quyền). Không nên chọn các địa điểm như quán nước… vừa không nghiêm túc, vừa dễ bị gài bẫy.

“Những vụ việc như có ruồi, gián, dị vật trong thức ăn, nước uống không phải hiếm ở Việt Nam và trên thế giới. Và chúng ta thấy trên thế giới có không ít trường hợp nhà sản xuất phải bồi thường cho người tiêu dùng một số tiền rất lớn để bù đắp “tổn thất tinh thần” khi vụ việc được đưa ra giải quyết tại các cơ quan pháp luật.” – Luật sư Bình chia sẻ.

Quy định pháp luật hiện hành cho phép các bên thương lượng để giải quyết vấn đề. Theo Điều 30, 31 và 32 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền thương lượng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (gọi tắt là nhà sản xuất).

Thương lượng là một trong nhiều phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất. Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến nhà sản xuất để thương lượng khi cho rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm. Nhà sản xuất có trách nhiệm tiếp nhận, thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 7 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Kết quả thương lượng thành được lập văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác...

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sâu về vấn đề này và rất mong nhận được các thông tin liên quan từ độc giả./.