18/01/2025 | 13:49 GMT+7, Hà Nội

Vụ 8B Lê Trực: Phải thượng tôn pháp luật, không thể phạt cho tồn tại!

Cập nhật lúc: 21/03/2016, 21:40

Chủ đầu tư công trình tòa nhà 8B Lê Trực vừa có văn bản gửi Chính phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội để ‘cầu cứu’ nhằm không phải phá dỡ phần sai phạm. Tuy nhiên, 8B Lê Trực không phải cái kim, vi phạm phải được xử lý nghiêm.

Được voi đòi tiên!

Sau một thời gian dài thực hiện cam kết tự phá dỡ phần sai phạm của tòa nhà theo phương châm “nhỏ giọt”, khiến cơ quan chức năng Hà Nội kiên quyết “không phá thì tôi dỡ”, đẩy chủ đầu tư tòa nhà “vàng” – Công ty CP may Lê Trực phải ra “đòn” cuối cùng: “Xin đừng đánh kẻ chạy lại”.

Theo đó, Công ty Cổ phần May Lê Trực vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính Phủ và Bí thư Thành ủy Hà Nội đề xuất giải pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình xây dựng số 8B Lê Trực, Hà Nội. Trong văn bản cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội mới đây, Công ty CP may Lê Trực đề xuất thay đổi phương án, thay vì phá dỡ phần sai phạm như quyết định của UBNDTP Hà Nội.

Toà nhà 8B Lê Trực đã được chủ đầu tư chủ ý xây dựng vượt số tầng, sai thiết kế được duyệt.

Toà nhà 8B Lê Trực đã được chủ đầu tư chủ ý xây dựng vượt số tầng, sai thiết kế được duyệt.

Theo chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực: Phá dỡ tầng 19 đã gây ra hiện tượng rung chấn rất mạnh đến kết cấu tầng 1 và cả các tầng hầm, cũng như toàn bộ hệ thống tường xây gạch, trần, gạch ốp lát, hệ thống khung kính mặt ngoài của công trình đã thi công xong.

Không chỉ ảnh hưởng đến toàn bộ kết cầu tòa nhà, nguy hiểm hơn – chủ đầu tư cảnh báo: Hiện tượng rung chấn mạnh này cũng gây ra nhưng nguy cơ mất an toàn cho khu dân cư liền kề, xung quanh công trình, nguy cơ mất an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và người đi đường Trần Phú trong suốt thời gian phá dỡ.

Chiêu cuối cùng, chủ đầu tư đánh vào yếu tố kinh tế, rằng nào là lãng phí của cải, vật chất cho xã hội, thiệt hại về kinh tế trong khi đất nước vẫn cần nhiều cơ sở phục vụ cho sự phát triển của xã hội.

Ngần ấy lý do, chủ đầu tư “chốt hạ”: Cho phép được phạt cho tồn tại như một số công trình khác; Hay, Nhà nước, TP Hà Nội dùng phần công trình này vào mục đích công ích, có lợi cho cộng đồng hoặc phục vụ công tác đảm bảo an ninh quốc phòng. Hoặc, cho phép chủ đầu tư liên hệ với Hội Chữ thập đỏ để dùng phần công trình xây dựng trái phép vào mục đích từ thiện.

"Luận điệu" vô lý của chủ đầu tư 8B Lê Trực

Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia cũng như dư luận trước "động thái" xin phạt để cho tồn tại của chủ đầu tư dự án 8B Lê Trực.

TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói rằng, việc phá dỡ công trình xây dựng 8B Lê Trực không thể nói là an toàn hay không an toàn được. Về lý thuyết, việc một toà nhà được bỏ bớt số tầng và các hạng mục phía trên sẽ làm cho toà nhà nhẹ hơn và càng tốt cho chất lượng và độ bền của toà nhà.

“Các dự án khác có thể chấp nhận phạt cho tồn tại, chẳng hạn như khu biệt thự ở Ba Vì, bởi nó không ảnh hưởng nhiều đến cộng đồng. Còn với dự án 8B Lê Trực, thì không thể áp dụng hình thức này vì nó liên quan đến cảnh quan của cả khu vực Ba Bình và thậm chí là an ninh, quốc phòng”, ông Liêm nói.

Ngoài ra, chuyên gia này cũng khẳng định, với một dự án, việc phá dỡ một phần nào đó, nếu được thực hiện đúng quy trình, đúng kỹ thuật sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu toà nhà được. Dự án 8B Lê Trực được xây dựng lên chắc chắn có sự “bảo kê” của một số đối tượng. Do vậy, việc nêu ra các đề xuất này nọ chỉ là ý đồ của chủ đầu tư lẫn các đối tượng “bảo kê” đó.

Theo ông Trương Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Bắc Nam, việc phá dỡ một phần toà nhà là có thể thực hiện được.

Những lý do mà chủ đầu tư dự án 8B đưa ra trong thời gian qua rõ ràng là không thỏa đáng. Đặc biệt, việc chậm trễ khắc phục sai phạm của chủ đầu tư cũng không thể chấp nhận được, bởi nếu lo sợ hoạt động “cắt ngọn” chủ đầu tư hay đơn vị được chỉ định không làm được thì các đơn vị thi công chuyên nghiệp khác sẵn sàng vào cuộc phá dỡ công trình mà không làm ảnh hưởng đến tòa nhà.

Tòa nhà 8B Lê Trực ngang nhiên xây dựng sai phép, giờ lại còn dùng “chiêu bài” kêu cứu để tiếp tục được... sai. Ảnh Vũ Đoàn.

Tòa nhà 8B Lê Trực ngang nhiên xây dựng sai phép, giờ lại còn dùng “chiêu bài” kêu cứu.

Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cũng khẳng định, sai phạm tại dự án 8B Lê Trực là quá rõ ràng và nghiêm trọng. Việc phá dỡ phần xây dựng trái phép là điều cần thiết.

Theo lý do chủ đầu tư đưa ra về việc phá dỡ tòa nhà sẽ tạo rung chấn, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, trao đổi xung quanh vấn đề này, theo ĐB Nguyễn Thị Khá - Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH cho rằng, với những lý do mà chủ đầu tư đưa ra về rung chấn, ảnh hưởng đến kết cấu công trình thì các cơ quan có chuyên môn phải vào cuộc để điều tra, làm rõ.

“Những rung chấn, ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng thì tôi nghĩ công trình nào khi tháo dỡ cũng đều xảy ra hiện tượng đó cả. Chủ đầu tư họ phải tìm cách để tháo gỡ, khắc phục, không thể nói như vậy để xin dừng tháo dỡ công trình được”, bà Khá thẳng thắn.

Bên cạnh đó, Ngay khi tòa nhà “vàng” có lệnh phải tháo dỡ, không phải là không có ý kiến các chuyên gia chuyên ngành xây dựng. Chủ đầu tư nói việc phá tum và tầng 19 mất thời gian là 8 tháng, nhưng TS Trần Chủng – nguyên Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trả lởi trên VnEpress rằng, phương án phá dỡ trong giai đoạn 1 mất 8 tháng là quá dài, không thể chấp nhận được. Nếu nhà thầu đó không làm được thì cơ quan chuyên ngành phải yêu cầu thay thế. Vì nếu chậm xử lý, công trình rất dễ bị biến tướng.

Theo ông Chủng nhấn mạnh: Việc phá dỡ công trình cao tầng phải do đơn vị chuyên nghiệp thực hiện để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người thực hiện và cả các hộ dân xung quanh. Sở Xây dựng Hà Nội cần tổ chức thực nghiệm tại công trình và mời các chuyên gia, tham vấn ý kiến một số công ty phá dỡ, sau đó mới yêu cầu chủ đầu tư làm theo.

Ông Trương Văn Hải cũng nhận định: Doanh nghiệp chuyên nghiệp phá dỡ 1.900 m2 sàn một tầng chưa đến 2 tháng cho dù mác bê tông đến 450 hay 500. 

Luận điệu thứ 2 mà Công ty CP may Lê Trực đưa ra giải pháp là phạt cho tồn tại, Công ty CP may Lê Trực còn ví von sao những công trình sai phạm khác được phạt, còn tòa nhà 8B Lê Trực thì lại phải cắt ngọn? Xin nhớ, mảnh đất vàng 8B Lê Trực, dù nằm ngoài quy hoạch trung tâm chính trị, nhưng ở vị trí sát bên cạnh, đâu dễ có mảnh đất thứ 2 để chủ đầu tư “đem góp đất” với doanh nghiệp có tiền xây chung cư, bán giá cao ngất ngưởng, thu lợi nhuận cao.

Hơn nữa, cả Cty CP may Lê Trực và Cty CP đầu xây dựng phát triển thương mai Kinh Đô (Kinh Đô TCI Group) đều quá biết cái giá phải trả nếu vi phạm giấy phép xây dựng. Vậy phải chăng chủ đầu tư đã thu được số tiền lời quá lớn từ diện tích hơn 6.000 m2 xây thêm. Và họ đồ rằng, nếu bị phát hiện, cùng lắm sẽ được phạt cho tồn tại, nên quyết liều vì…tiền?

Nếu “vin” vào thiệt hại kinh tế để cứu vãn sự nguyên vẹn cho tòa nhà thì quả chủ đầu tư đã đặt giá trị đồng tiền cao hơn pháp luật. Và nếu để cho Dự án 8B Lê Trực được "toại nguyện" thì chắc chắn sẽ có nhiều những dự án tiếp theo sẽ vẫn "ngựa quen đường cũ" mà vi phạm. Bởi mỗi lần sai phạm như vậy, người ta cũng chỉ mất ít tiền để mà hợp thức hóa như thế thì còn gì là pháp luật nữa.

Trong khi đó, điều quan trọng hơn cần phải nhắc lại đó là những vi phạm nghiêm trọng của dự án này về quy mô, khối tích công trình cả về chiều cao và chiều rộng. Chỉ một "con sâu làm rầu nồi canh", chính sự toan tính, bất chấp luật pháp của chủ đầu tư dự án đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian kiến trúc và cảnh quan của cả một khu vực ngàn năm văn hiến, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Liên quan đến thông tin trước đây, chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực muốn hiến toàn bộ phần vi phạm cho Nhà nước sử dụng vào các mục đích công ích, ông Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, Hà Nội không chấp nhận ý tưởng hiến phần sai phạm nhà 8B Lê Trực.

Theo nguyên Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, không thể dùng hình thức hiến hay tặng để đổi cho những sai phạm được. Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai.

Cũng theo ông Phạm Quang Nghị, chưa bao giờ có tiền lệ xây dựng sai phép xong đề nghị hiến tặng Nhà nước và dư luận cũng không nên khuyến khích những ý tưởng như vậy. Thành phố coi đây là trường hợp điển hình, cần xử lý để răn đe các chủ đầu tư khác vì trong tương lai còn có rất nhiều công trình được xây dựng trên địa bàn.

Người dân Thủ đô nói riêng cũng như người dân cả nước đang chú ý quan sát xem vụ việc rồi đi đến đâu, được xử lý rốt ráo như thế nào, cán bộ nào phải chịu trách nhiệm, những ai đứng đằng sau sai phạm của chủ đầu tư?

Vấn đề không phải là chuyện vui mừng khi doanh nghiệp phải chịu thiệt hại, cán bộ làm sai phải bị xử lý, mà chắc chắn người dân đang trông đợi ở chính quyền mới của thành phố Hà Nội, với vị tân chủ tịch được đánh giá là “nói đi đôi với làm” sẽ đem lại không khí, trật tự mới cho Thủ đô.

Không khí mới ấy chính là sự thượng tôn pháp luật, bất kể là ai, chức vụ cao đến đâu, bất kể doanh nghiệp ấy lắm tiền nhiều bạc thế nào, để thủ đô luôn và mãi là nơi kỷ cương, văn minh, trật tự./.

Cử tri đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm sai phạm 8B Lê Trực

Ngày 21/3, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Thiện Nhân – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri và nhân dân bức xúc trước nhiều vụ việc xây dựng không phép, trái phép được phát hiện trong thời gian qua và công tác quản lý yếu kém, có nhiều dấu hiệu tiêu cực, việc xác định trách nhiệm không rõ, xử lý không kiên quyết.

Vụ việc xây dựng tòa nhà 8B Lê Trực, theo giấy phép xây dựng, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53m, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh tăng chiều cao các tầng, xây dựng thêm tầng 19, tổng chiều cao thực tế khoảng 69m, vượt khoảng 16m, tương đương với 5 tầng. Về diện tích sàn: Xây dựng khoảng 36.000m2, trong khi giấy phép xây dựng là 29.874m2, tăng khoảng 6.126m2.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ, ban, ngành chỉ đạo chính quyền các địa phương khẩn trương thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, đơn vị quản lý để xảy ra sai phạm, báo cáo tại kỳ họp sớm nhất của Quốc hội và công bố rộng rãi trên thông tin đại chúng về kết quả giải quyết vụ việc để người dân giám sát.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này./.