23/11/2024 | 02:28 GMT+7, Hà Nội

Virus trì trệ đang ở đâu?

Cập nhật lúc: 22/02/2020, 13:00

Virus trì trệ dẫn tới sự thờ ơ, tắc trách của các bộ ban ngành. Hậu quả của nó là sự lãng phí và suy yếu về các nguồn lực tự nhiên và xã hội.

Không phải là thiếu vốn, cũng không phải bài toán cạnh tranh gay gắt trên thương trường, những doanh nghiệp địa ốc đang bị virus trì trệ đến từ các bộ ngành, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương “rút mòn” sinh lực.

Trong phiên họp của Thường trực Chính phủ (12/2), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chúng ta phải chống cả hai loại virus, một là nCoV và một loại nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do là có dịch bệnh nên không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước".

Cũng liên đến “virus trì trệ”, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ rằng: “Thủ tướng nói “chống virus trì trệ” là mong muốn toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng tâm, nhất trí, tin tưởng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội”.

Không phải bây giờ mà đã rất nhiều lần, người đứng đầu Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, tháo gỡ, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Trước những kiến nghị của doanh nghiệp, trước vướng mắc cần tháo gỡ sớm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không ít lần chỉ đạo nóng các bộ ban ngành sớm đưa ra phương án giải quyết.

Thế nhưng, khi đầu tàu đang nhanh chóng tìm cách giải quyết dứt điểm mọi vướng mắc thì các bộ ngành bên dưới lại thể hiện sự chậm chạp trong quá trình thay đổi. Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn tiếp tục diễn ra.

Doanh nghiệp mòn mỏi... đợi

Tại Hội nghị chia sẻ tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp ngày 18/2 vừa qua, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch GP. Invest chia sẻ, doanh nghiệp phải lo thủ tục giấy tờ trong vòng 12 năm, qua 5 đời chủ tịch Phú Thọ mà dự án đến giờ vẫn chưa đi được vào triển khai.

Nói về lý do khiến dự án vẫn chậm triển khai, bà Hương Trần Kiều Dung, Tổng giám đốc Tập đoàn FLC thẳng thắn cho rằng, thủ tục pháp lý đang tắc bởi sự lòng vòng và tâm lý “ngại” của chính quyền.

Bà Dung cho biết, để có được một văn bản trả lời từ cơ quan cấp bộ thì nhanh cũng phải trong vòng 2 tháng, không thì phải lên tới 6 tháng. “Vấn đề này đang thực sự ảnh hưởng rất lớn đến cả địa phương và doanh nghiệp. Những thủ tục nội bộ này nếu không có sự cải tổ quyết liệt thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam”. Bà Dung nhấn mạnh: “Các tỉnh bắt đầu “ngại” việc hướng dẫn doanh nghiệp về quy định pháp luật và thường phải chờ hỏi ý kiến từ các bộ ngành”.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn CEO nói: "Tập đoàn CEO cũng gặp những vướng mắc như các doanh nghiệp bạn, đặc biệt là vướng mắc về Nghị định 20. Các quy định tại Nghị định này đang làm khó cho doanh nghiệp trong nước".

Những quy định bất hợp lý của Nghị định 20 tồn tại hơn 2 năm, có doanh nghiệp thuế tăng hàng trăm tỷ đồng; nhiều doanh nghiệp không dám mở rộng đầu tư; các nguồn vốn vay ngoài giao dịch liên kết bị đánh đồng để áp trần chi phí lãi vay khiến doanh nghiệp khốn khổ.

Và cũng bởi sự “ngại”, không dám quyết của chính quyền cấp dưới mà chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp địa ốc phải “phát khổ, phát sở” vì quỹ đất nằm không. Hàng nghìn tỷ đồng đổ vào đất nhưng lại không thể triển khai thực hiện.

Doanh nghiệp “kiệt sức” và buộc phải kêu cứu. Sự chậm trễ của các bộ ban ngành trong việc sửa đổi luật không chỉ khiến doanh nghiệp lao đao mà tạo ra môi trường kinh doanh thiếu minh bạch.

“Ngại” đã khiến cho các chính quyền các cấp bên dưới không dám quyết, không dám làm và “chờ đợi” cấp trên xử lý. Còn cấp trên lại đợi… phải ra luật.

Như vậy, doanh nghiệp không chỉ đợi chính quyền giải quyết mà còn phải trong tư thế đợi các điều luật sửa đổi cho phù hợp.

Sự bùng phát của Virus trì trệ

Virus trì trệ đã lan đến từng bộ ban ngành, địa phương. Nó thể hiện ở sự chậm trả lời, ra quyết định xử lý các vấn đề của doanh nghiệp, đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Nó còn thể hiện ở quá trình "dậm chân tại chỗ" trước vướng mắc cần phải sửa đổi tại quy định pháp luật.

Điểm mặt chỉ tên không thể không nhắc tới việc sửa đổi Nghị định 20. Tính đến thời điểm hiện tại, đã hơn 2 năm trôi qua, nhiều lần doanh nghiệp và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị, Nghị định 20 vẫn chưa thay đổi.

Tháng 2/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhằm mục tiêu quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Song, một điều khoản nhỏ trong Nghị định 20 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đã khiến hầu hết doanh nghiệp trong nước đứng trước nguy cơ mắc kẹt. Theo đó, Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20, tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không được vượt quá 20% EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao).

Thực tế, ngay khi Nghị định này ra đời đã vấp phải sự phản ứng của nhiều chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức đã lên tiếng kiến nghị Bộ Tài Chính sửa đổi. Cuối tháng 12/2018, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nghị định 20/2017/NĐ-CP: Một số vấn đề bất cập và giải pháp tháo gỡ”.

Tiếp đến, vào giữa tháng 5/2019, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp cho rằng: “Tôi đồng tình với việc cần điều chỉnh lại thông tư nếu như doanh nghiệp phản ánh. Nghị định trái luật thì sẽ bị “tuýt còi” nên không có chuyện văn bản trái luật. Chỉ có vấn đề là chưa phù hợp với một số đối tượng thì phải xem xét lại. Trong 2 tuần nữa, chúng tôi sẽ có thông tin báo cáo về Khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 lên Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp cần khai bổ sung, khai điều chỉnh theo Nghị định 20 để tránh bị phạt sai phạm 20%, không có việc không thực hiện Nghị định của Chính phủ”. Nhưng 2 tuần sau vẫn không có thông tin phản hồi.

Đến Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của ngành Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhắc: “Nghị định 20 Thủ tướng Chính phủ 3 lần nhắc chuyện này rồi”.

Trước câu trả lời của đại diện Bộ Tài chính đang xem xét sửa đổi trên cơ sở thông lệ quốc tế và quy định pháp luật, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Nếu chúng ta chờ sửa đổi bổ sung theo Luật Quản lý thuế thì rất chậm. Vướng đâu phải sửa đấy. Quy định này lại liên quan đến chi phí hợp lý hợp lệ để tính thuế, được điều chỉnh tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là chính, chứ không phải trong Luật Quản lý thuế. Thời gian tới Văn phòng Chính phủ sẽ có thẩm định cùng với các bộ các ngành để có ý kiến. Rõ ràng việc này các doanh nghiệp kêu rất nhiều mà đến bây giờ chúng ta vẫn chưa giải quyết được”.

Đến ngày 15/8/2019, tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 , Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: “Về kế hoạch triển khai Luật Quản lý thuế, Thủ tướng đã chỉ đạo cần sửa Nghị định 20, trong đó tập trung vào Khoản 3, Điều 8. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ trình Chính phủ nhưng trước tình hình hiện nay, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ, trình theo quy trình rút gọn để đẩy nhanh tiến độ sửa Khoản 3, Điều 8. Khoản 3, Điều 8 sẽ được sửa triệt để khi chúng ta sửa Luật thuế TNDN”.

Ngày 12/12/2019, Bộ Tài chính thông báo sẽ tiến hành lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ý kiến tham gia đóng góp gửi về Bộ và qua hòm thư điện tử trước ngày 15/12/2019. Nhưng sau 2 tuần, Bộ Tài Chính vẫn chưa đưa ra được một thông tin mới nào về kết quả lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung.

Hiện tại, Khoản 3, Điều 8 trong Nghị định 20 vẫn chưa được sửa đổi. Và đây sẽ tiếp tục là một trong những kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam trong thời gian tới, thông qua tổng kết các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vào ngày 18/2 vừa qua.

Không chỉ có Nghị định 20 mà hiện tại Nghị định BT cũng cùng chung một số phận như vậy.

Cần phải nhắc mạnh lại, hơn 10 năm đi vào thực tiễn, BT đã từng được kỳ vọng trở thành hình thức góp phần kiến tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng đất nước. Tuy nhiên, khả năng tạo ra thất thoát kép của hợp đồng BT cho Nhà nước là không hề nhỏ. Và BT đã trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội khi những quỹ đất vàng “một đi không trở lại”.

Liên quan đến vấn đề này, năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức BT. Nhưng, hơn 1 năm sau, Nghị định vẫn chưa được ban hành còn doanh nghiệp, chính quyền phải kêu cứu vì ách tắc dự án, chi phí dội lên vì phải… đợi chờ.

Trước tình trạng đó, tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Cụ thể, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư được ký kết theo quy định của pháp luật trước ngày 1/1/2018 mà chưa hoàn thành việc thanh toán thì tiếp tục thực hiện thanh toán theo nội dung Hợp đồng BT đã ký kết.

Chính phủ đã tiếp tục giao Bộ Tài chính có trách nhiệm hoàn thiện dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho các Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT theo đúng Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 9/9/2018 của Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nhiều lần yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công (chủ yếu là đất quy đổi) cho các nhà đầu tư dự án BT sau khi các dự án này hoàn thành. Song, Bộ Tài chính đến nay vẫn chưa “hoàn thành nhiệm vụ”.

Cần liều vắc xin cho virus trì trệ

Nguy cơ đóng băng dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp đã và đang xảy ra. Thị trường bất động sản cũng đứng trước nguy cơ bất động. Đáng tiếc, nguyên nhân của nó lại đến từ virus trì trệ của các bộ, ban, ngành. Ngay cả Chính phủ đốc thúc nhưng các bộ ban ngành vẫn khiến doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi. Sự “ngại” và đùn đẩy bất chấp tiếng kêu cứu của doanh nghiệp khiến người ta lại nghĩ tới câu chuyện “sống chết mặc bay".

Nếu như virus Corona đang được Việt Nam kiểm soát khá tốt thì "virus trì trệ" lại đang bùng phát mạnh mẽ. Mức độ kiểm soát virus này chẳng hề dễ dàng bởi khả năng xâm nhập và lây nhiễm đã kéo dài khoảng thời gian lớn. Và việc tìm ra vắc xin cho loại virus này là hết sức cần thiết và cấp bách ở thời điểm hiện nay.

Như TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế đã nhấn mạnh: "Virus trì trệ dẫn tới sự thờ ơ, tắc trách của các bộ ban ngành. Hậu quả của nó là sự lãng phí và suy yếu về các nguồn lực tự nhiên và xã hội".