19/04/2024 | 20:26 GMT+7, Hà Nội

Vĩnh Phúc \'phớt lờ\' chỉ đạo của Thủ tướng về việc báo cáo hàng loạt sai phạm tại Tam Đảo?

Cập nhật lúc: 21/01/2021, 08:00

Tỉnh Vĩnh Phúc phải báo cáo Bộ XD về hàng loạt sai phạm tại Tam Đảo trước ngày 31/12/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, địa phương này vẫn chưa có báo cáo về sự việc trên?

Thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo được biết đến là khu du lịch nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc. Nhiều khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, kinh doanh dịch vụ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách. Tuy nhiên, thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân cố tình thực hiện các hành vi lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép, sai phép khiến nơi này đã mất đi vẻ thơ mộng vốn có.

Sau một thời gian phát triển ồ ạt, điều Tam Đảo để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất với du khách có lẽ là sự chật chội, tắc đường, bụi bặm, ngột ngạt… Cảnh tượng hàng xe nối dài hàng cây số chờ nhích lên là điều mà người ta hay nhắc về Tam Đảo mỗi dịp lễ.

Cưỡng chế, phá dỡ các công trình vi phạm tại Tam Đảo (Ảnh TTXVN)

Trước thực trạng sai phạm diễn ra công khai, tràn lan tại Tam Đảo, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 10015/VPCP-CN gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu báo cáo về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại thị trấn Tam Đảo.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ nêu lại thông tin báo chí đăng tải về việc hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình  trạng buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ có trách nhiệm thuộc thị trấn Tam Đảo. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc báo cáo.

Liên quan đến những phản ánh này, ngày 25/11/2020 Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra và chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật các vi phạm (nếu có). Kết quả kiểm tra, xử lý đề nghị báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 31/12/2020.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, được biết, ngày 10/12, tại tổ dân phố 1, thị trấn Tam Đảo, cơ quan chức năng của UBND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã tiến hành tháo dỡ, di chuyển phần công trình xây dựng vi phạm của một số hộ dân. 

Đến ngày 16/12, UBND huyện Tam Đảo tiếp tục tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ 13 homestay xây dựng trái phép tại tổ dân phố số 2, thị trấn Tam Đảo.

Theo ông Đinh Văn Mười, Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo cho biết, việc tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm góp phần lập lại trật tự kỷ cương xã hội và thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Trong thời gian tới, huyện Tam Đảo tiếp tục vận động những hộ nằm trong diện xây dựng trái phép sẽ chủ động tháo dỡ các công trình xây dựng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng huyện Tam Đảo, tại thị trấn Tam Đảo đang tồn tại hơn 130 hộ vi phạm, lấn chiếm đất rừng và vi phạm trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, sau 2 đợt “rầm rộ” xử lý sai phạm, đến thời điểm hiện tại, trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa công khai bất cứ báo cáo nào liên quan đến thực trạng buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền, thi công xây dựng trái phép trên địa bàn thị trấn Tam Đảo theo chỉ đạo của Thủ tướng?

Tình trạng xây dựng tràn lan, không phép, sai phép diễn ra rầm rộ, ảnh hưởng đến cảnh quan, quy hoạch nơi đây 

Để khách quan thông tin, PV đã có trao đổi nhanh với ông Phan Anh Tuấn - Chủ tịch UBND Thị trấn Tam Đảo. Theo đó, người đứng đầu thị trấn “từ chối” trả lời vấn đề liên quan đến việc chậm báo cáo Bộ Xây dựng về những sai phạm tại địa phương mà chỉ thông tin: “Hiện nay, thị trấn vẫn đang quyết liệt xử lý các vi phạm. Còn các vấn đề khác, đề nghị PV liên hệ với UBND huyện Tam Đảo để có cơ sở giao nhiệm vụ cho thị trấn”.

Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo cũng từng chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến việc hàng loạt công trình chen chúc mọc lên sai phép, không phép là do hầu hết các trường hợp vi phạm đều do lịch sử để lại, các đồng chí lãnh đạo trong những năm qua luôn có sự thay đổi nên việc tiếp cận công tác để chỉ đạo, xử lý gặp nhiều khó khăn; một số cán bộ, đảng viên và người nhà cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, nên khó tuyên truyền, vận động nhân dân.

Trước đó, với mục tiêu phát triển Tam Đảo I thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn khách du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường thiên nhiên, giữ gìn cân bằng sinh thái và phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; vừa qua UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu Du lịch Tam Đảo I - thị trấn Tam Đảo - huyện Tam Đảo làm cơ sở thu hút đầu tư và quản lý xây dựng.

Tuy nhiên, chính sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã tạo cơ hội cho hàng loạt công trình, homestay mọc tràn lan khiến Tam Đảo không còn giữ được vẻ nguyên sơ cổ kính, thay vào đó là những khối bê tông hóa, công trường với tiếng máy khoan đục, nhiều công trình xẻ núi, san đồi…

Điển hình là khách sạn Camellia nằm ngay sát công viên trung tâm là một trong những khách sạn lớn nhất Tam Đảo hiện nay (do công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Vĩnh Phúc là chủ đầu tư) đã được cấp phép xây dựng từ năm 2018. Theo phản ánh, trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tự ý điều chỉnh thiết kế, thi công sai giấy phép xây dựng, xây vượt 1 tầng và 1 tum so với giấy phép xây dựng lên đến hàng nghìn mét vuông.

Khách sạn Camellia

Dự án tổ hợp khách sạn Grand Hotel Victory tại thị trấn Tam Đảo do công ty TNHH Du lịch dịch vụ Tam Đảo (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư VIC - VIC group) làm CĐT với  thiết kế 13 tầng nổi và 1 tầng hầm với tổng diện tích sàn 32.909 m2.. Trong khi hạ tầng còn chưa được hoàn thiện hết, không hiểu vì lý do gì mà tỉnh Vĩnh Phúc lại cho phép xây dựng tại Tam Đảo một tổ hợp công trình cao đến 13 tầng?

Phối cảnh dự án tổ hợp khách sạn Grand Hotel Victory tại thị trấn Tam Đảo nhìn từ trên cao (Ảnh Zing)

KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định: "Việc để nhà đầu tư “dẫn dắt cho hoạt động xẻ núi, san nền, bê tông hóa” là những biến tướng rất nguy hiểm. Không ai dám đảm bảo khi có những biến đổi địa tầng, sẽ không xảy ra một thảm họa như ở tỉnh Quảng Nam vừa qua. KTS Tùng nhận định, trách nhiệm thuộc về UBND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo và cao hơn nữa là UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Bên cạnh đó, cần có thanh tra làm rõ về những vấn đề xây dựng, quy hoạch tại đây. “Mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật, không thể biến pháp luật thành công cụ chở che cho một nhóm người làm giàu và phá cảnh quan Tam Đảo”, KTS Phạm Thanh Tùng nhấn mạnh.

Để sự việc không bị “chìm xuồng” và để thị trấn Tam Đảo không tiếp tục bị các công trình lớn nhỏ chen chúc mọc lên, phá vỡ cảnh quan du lịch, đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc có báo cáo rõ ràng về những sai phạm kéo dài tại thị trấn Tam Đảo. Bên cạnh đó, dư luận cũng mong mỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, Bộ Ban ngành nhằm làm rõ, xử lý nghiêm các vi phạm cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, “trả lại” cuộc sống đảm bảo sinh hoạt cho người dân địa phương.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Ngày 23/03/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Văn bản số 13/2020/QĐ-UBND quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong quản lý TTXD. Theo đó, UBND trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện, thị trấn:

a) Chịu trách nhiệm toàn diện về tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn theo quy định tại Điều 29, Điều 50 Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

b) Khi phát hiện hoặc tiếp nhận phản ánh công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Chỉ đạo các bộ phận, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện:

- Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền: Lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời yêu cầu Chủ đầu tư ngừng thi công công trình. Ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

- Đối với trường hợp vượt thẩm quyền: Chỉ đạo lập biên bản vi phạm hành chính chuyển người có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt trong thời hạn 03 ngày làm việc;

- Thường xuyên theo dõi, giám sát việc ngừng thi công công trình vi phạm. Trường hợp Chủ đầu tư không ngừng thi công thì áp dụng các biện pháp hành chính theo quy định để thực hiện cưỡng chế buộc ngừng thi công xây dựng công trình thuộc thẩm quyền và thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã trong trường hợp Chủ tịch UBND cấp xã buông lỏng quản lý không thực hiện kịp thời.

c) Tổ chức thực hiện cưỡng chế phá dỡ những công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện.

d) Đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành biện pháp cần thiết, phù hợp thực tế nhằm quản lý trật tự xây dựng có hiệu quả.

Như vậy, người đứng đầu huyện, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trực tiếp hoặc gián tiếp trong quản lý trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền được giao. Văn bản nêu rõ: Nếu người có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng mà dung túng, bao che không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng hành vi vi phạm, không đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, nếu không tự nguyện thực hiện quyết định xử lý, quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành; trường hợp có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng các thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, xử lý, xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/vinh-phuc-phot-lo-chi-dao-cua-thu-tuong-ve-viec-bao-cao-hang-loat-sai-pham-tai-tam-dao-20201231000000431.html