Thác Bạc cạn trơ đáy - Lời cảnh tỉnh cho việc phát triển đô thị tại Tam Đảo
Cập nhật lúc: 11/01/2021, 08:30
Cập nhật lúc: 11/01/2021, 08:30
Thị trấn Tam Đảo (Vĩnh Phúc) được người Pháp xây dựng từ năm 1906 với mục đích ban đầu làm trạm nghỉ mát mùa hè với quy mô hàng trăm biệt thự lớn nhỏ, cùng các kiến trúc công cộng tuyệt đẹp. Đến nay, trải qua hơn 100 năm với nhiều biến cố lịch sử, những biệt thự Pháp cổ đã dần dần biến mất mà thế vào đó là hàng loạt những khách sạn, nhà nghỉ, homestay mọc lên không theo quy hoạch nào khiến Tam Đảo ngày càng trở nên xa lạ và “xấu xí".
Từng là một trong những điểm đến thu hút khách du lịch hàng đầu miền Bắc khi sở hữu lợi thế về hệ sinh thái, khí hậu nhưng cách làm du lịch nóng vội đã và đang khiến chất lượng cảnh quan, môi trường Tam Đảo bị hủy hoại nghiêm trọng.
Cụ thể, việc xẻ núi, đào đất diễn ra ở nhiều nơi tại thị trấn Tam Đảo. Theo phản ánh của người dân địa phương, nhiều diện tích đất lâm nghiệp, đất canh tác bị chủ đầu tư đào xới, san nền để xây dựng. Gần công viên trung tâm, những khách sạn cao tầng ồ ạt mọc lên với diện tích mặt bằng lên đến hàng chục nghìn mét vuông.
Bên cạnh đó, những “siêu khách sạn” được xây dựng với quy mô lớn sừng sững trên các tuyến đường dẫn lên Thác Bạc, Đền Bà Chúa Thượng Ngàn... Ngay cả những tuyến đường nhỏ ở thôn 2 cũng phủ kín các công trình, homestay xây dựng không phép, sai phép. Không gian khu trung tâm thị trấn vốn đã chật chội lại bị “bức tử”, khiến người dân địa phương và du khách không khỏi xót xa.
Mỗi dịp nghỉ lễ, Tam Đảo có đến hàng nghìn lượt du khách mỗi ngày. Trong khi đó, thị trấn còn đang thiếu nghiêm trọng nhiều tiện ích công cộng để phục vụ du khách. Đường xá nhỏ hẹp, chậm được cải tạo và thiếu bãi đỗ xe, dẫn đến nhiều phương tiện phải đỗ trên vỉa hè, bên cạnh quán ăn, khách sạn, thậm chí tràn ra lòng đường hay dải đất trống ven rặng thông với lối đi nhỏ sát công viên trung tâm.
Ngay cả khi những công trình lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng cũng khó có thể chắc chắn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của số lượng du khách ngày một đông trên tổng diện tích nhỏ hẹp chỉ 214,87 ha.
Liên quan đến vấn đề này, trong báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, UBND thị trấn Tam Đảo từng thừa nhận những hạn chế còn tồn tại ở địa phương như: Kết cấu hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, nhiều tuyến đường nội thị đang xuống cấp, nước thải chảy tràn trên mặt đường gây ô nhiễm. Mô hình du lịch cộng đồng phát triển mạnh nhưng chỉ tự phát. Lượng du khách tăng đột biến gây ùn, tắc giao thông và ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường.
Trước thực trạng sai phạm diễn ra công khai, tràn lan tại khu vực này, mới đây Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, yêu cầu báo cáo về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại thị trấn Tam Đảo.
Từ “thị trấn trên mây” nay biến thành thị trấn “bê tông hóa”, cảnh quan bị phá vỡ, Tam Đảo không còn ẩn hiện trong sương mà thay vào đó là tiếng máy khoan đục, máy múc xẻ núi, san nền, bụi bặm, vật liệu xây dựng tập kết khắp nơi ngổn ngang như một “đại công trường”. Nguồn nước sạch cũng dần khan hiếm và đặc biệt là Thác Bạc - biểu tượng du lịch của "thị trấn trên mây" nay đã cạn trơ đáy, đối diện với nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng.
Hình ảnh thác Bạc ngày trước (bên trái) và bây giờ (bên phải).
Bình luận về sự quá tải hạ tầng Tam Đảo, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, thị trấn Tam Đảo là khu cảnh quan thiên nhiên, khu du lịch nghỉ dưỡng. Việc cấp phép xây dựng công trình trong khu vực này phải tuân thủ nguyên tắc không phá vỡ, lấn át cảnh quan thiên nhiên.
Phát triển du lịch ồ ạt mà thiếu các biện pháp quản lý sẽ tác động rất lớn tới chất lượng môi trường, cảnh quan. Quy hoạch phát triển hạ tầng phục vụ du lịch mà thiếu sự xem xét thấu đáo sẽ làm mất dần giá trị tài nguyên vốn có. Và khi các giá trị này bị phá hỏng sẽ dẫn tới những hệ lụy to lớn về kinh tế, xã hội địa phương.
Thác Bạc bắt nguồn từ rừng Tam Đảo và cách Tam Đảo chỉ vài trăm mét, được biết đến như một biểu tượng của “thị trấn trên mây”. Đây cũng là điểm du lịch, điểm ghé thăm ưa thích của các vị khách khi đến với Tam Đảo. Bên dưới chân thác Bạc (Tam Đảo) là một khu rừng nguyên sinh trù phú. Du khách khi đến đây đều vô cùng thích thú đứng ở chân thác để tận hưởng sự xanh mát của thiên nhiên.
Nhưng thác Bạc ở thời điểm hiện tại không còn trong veo như trước, thay vào đó là một màu nước đục, mùi hôi nồng nặc và bọt thác đã chuyển từ bọt nước sang bọt “lạ” với màu vàng đáng sợ.
Thác Bạc ở thời điểm hiện tại không còn trong veo như trước
Tuy có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nhưng việc xây dựng tràn lan khiến Tam Đảo đang gặp nhiều hệ lụy nghiêm trọng, nguồn nước sạch cũng vì thế mà trở nên ô nhiễm. Thực trạng này là lời cảnh tỉnh cho việc phát triển đô thị trên cao không có quy hoạch, lời cảnh báo mạnh mẽ cho các dự án xây dựng khu du lịch sinh thái.
Bà Dung (một hộ kinh doanh tại thác Bạc) cho biết: “Tam Đảo có cả hàng trăm khách sạn, nhà hàng như thế mà thải ra thì thác Bạc làm sao chịu nổi. Như ngày xưa xuống thác Bạc thì thấy nước chảy hết lòng suối, uống được cả nước. Hiện tại, thác đang bị ô nhiễm nặng, bây giờ phải cải tạo đường nước thải đi, đưa nước thải ra chỗ khác".
Theo ý kiến của một chủ khách sạn tại thị trấn Tam Đảo: "Hệ thống nước thải của khách sạn (bao gồm nước thải từ nhà vệ sinh, tắm giặt, nhà bếp sẽ xử lý qua bể phốt rồi xả thẳng xuống cống. Cống sẽ chảy ra những con kênh quanh thị trấn và không thể tránh khỏi việc những con kênh đó sẽ hứng nước thải rồi đổ xuống thác Bạc. Đáng nói, thị trấn phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải để xử lý tình trạng trên, bởi vì những hộ kinh doanh không đủ kinh phí để tự đầu tư, xây dựng".
Liên quan đến vấn đề này, Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hệ thống thoát nước của thị trấn đi chung với nước mưa, đã xây dựng 2 trạm xử lý nước thải công suất 500m3/ngày đêm/trạm nhưng chưa đi vào hoạt động. Theo Huyện ủy Tam Đảo, về quy hoạch thị trấn đã lấy ý kiến nhiều cơ quan nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Đồng nghĩa với việc nhiều hạng mục, công trình, dự án theo quy hoạch cũng chưa biết khi nào được triển khai. Lý do tại sao một nhiệm vụ cấp thiết như vậy nhưng đến nay việc này vẫn giậm chân tại chỗ?
Theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014 số 55/2014/QH13
Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính lĩnh vực môi trường
Tại Điều 4 Nghị định 179: Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt: Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo
b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.
Những con kênh vốn đầy ắp nước nay cạn trơ đáy
Những con kênh xung quanh thị trấn Tam Đảo vốn đầy ắp nước nay cạn trơ đáy. “Chúng tôi đang phải tự bỏ tiền túi ra, mỗi nhà khoảng 15 - 20 triệu một lần, thuê người kéo 4 đến 5 nghìn mét ống, bắc đồng hồ và đóng tiền (13 nghìn một khối nước qua bể lọc), cứ 10 nhà gom thành một đường ống dẫn nước 12km từ Tây Thiên về. Mỗi ngày chỉ mở 3 tiếng để người dân chứa nước sinh hoạt, sau đó đóng lại, 3 ngày sau mới mở lại. ” - một số hộ dân sinh sống gần khu vực thác Bạc chia sẻ
Được biết, cả thị trấn Tam Đảo có duy nhất một bể chứa nằm gần đỉnh núi, do người Pháp xây dựng để cung cấp nước cho phần lớn hoạt động của thị trấn. Với mật độ hoạt động nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ như hiện nay, vào những tháng ít mưa, lượng nước khan hiếm, người dân buộc phải mua nước từ dưới chân núi đưa lên với giá cao gần 2 lần.
Thực trạng phát triển du lịch ồ ạt, thiếu quy hoạch tổng thể với tầm nhìn chiến lược cùng các công trình xây dựng ngày càng dày đặc không chỉ phá vỡ cảnh quan mà còn gây ra nhiều hệ lụy tới môi trường. Trong đó việc khan hiếm nước sạch, xử lý nguồn nước thải tại thị trấn Tam Đảo đang là bài toán nan giải chưa có lời kết.
Theo nhiều chuyên gia quy hoạch, việc thay đổi xây dựng và cảnh quan khu trung tâm thị trấn gần như bất khả thi vì các công trình lớn nhỏ, chen chúc mọc lên lấp đầy quỹ đất nên cần xem lại tính khả thi của đề án quy hoạch này.
Những hệ lụy đã được nhìn thấy rõ khi việc phát triển du lịch nghỉ dưỡng diễn ra ồ ạt, trong khi đó câu chuyện bảo tồn lại không được chú trọng.
Ngày 23/03/2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Văn bản số 13/2020/QĐ-UBND quy định trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong quản lý TTXD. Theo đó, người đứng đầu UBND huyện, thị trấn sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm trực tiếp hoặc gián tiếp trong quản lý trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền được giao. Văn bản nêu rõ: Nếu người có thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng mà dung túng, bao che không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng hành vi vi phạm, không đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về trật tự xây dựng, nếu không tự nguyện thực hiện quyết định xử lý, quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành; trường hợp có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ hoặc dùng các thủ đoạn gian dối, hối lộ để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát, xử lý, xử phạt vi phạm của người có thẩm quyền thì căn cứ tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 25/11/2020, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trước hàng loạt công trình xây dựng không phép tại thị trấn Tam Đảo.
Văn bản nêu rõ, theo phản ánh của báo chí: “Việc hàng trăm công trình, dự án, khách sạn lớn, homestay xây dựng không phép, sai phép kéo dài tại thị trấn Tam Đảo cho thấy tình trạng buông lỏng quản lý, thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, làm ngơ của nhiều cán bộ có trách nhiệm thuộc thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc”. Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật các vi phạm (nếu có) theo thông tin báo chí phản ánh.
Tình trạng bùng nổ, quá tải về không gian, xây dựng lộn xộn không theo quy hoạch nào đã trở thành cảnh thường gặp với mức độ trầm trọng khác nhau ở hầu như tất cả các địa phương muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành "kinh tế không khói".
Bài học từ Sa Pa, Đà Lạt - những thị trấn mờ sương giữa vùng cao với các ngôi nhà mang đặc trưng bản địa ẩn nấp giữa núi rừng trùng điệp đang dần trở thành những “khu đô thị mới” dày đặc bê tông và khói bụi, sau quá trình xây dựng ồ ạt vẫn còn đó.
Câu chuyện mất nước ở Sa Pa là một minh chứng cụ thể của bài toán phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ đô thị hóa. Sa Pa - điểm nghỉ dưỡng hoàn hảo với khung cảnh lãng mạn nhưng dần dần đã "biến chất" hoàn toàn khi bị băm nát quy hoạch, bê tông hóa... là những nhận định mà giới chuyên gia dành cho nơi này.
Đà Lạt cũng từng bước đi vào “vết xe đổ” đó. Nơi đây nổi tiếng với khí hậu đồi núi mát mẻ, rừng thông cổ thụ tĩnh mịch và những di sản kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, sự phát triển manh mún, tự phát thiếu đồng bộ, thiếu kiểm soát trong một thời gian dài đã dần xoá đi những gì vốn là đặc trưng riêng, khiến Đà Lạt cũng trở nên xô bồ, ồn ào. Thay vì không gian sương mù phủ lấp thì Đà Lạt lại bị “đô thị hóa” với những con đường bụi bặm và rác thải.
Hà Nội - Sông Tô Lịch oằn mình gánh nước thải sinh hoạt, một minh chứng điển hình của việc phát triển công nghiệp, đô thị và sự bùng nổ dân số đang làm cho con sông này ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng.
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội, hiện nay trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra dòng sông thông qua hơn 300 cống xả thải. Lượng bùn tích tụ, lắng đọng lâu ngày gây ra mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng vứt, xả rác xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Nước thải sinh hoạt không có hệ thống xử lí tập trung mà xả trực tiếp ra sông. Bên cạnh đó, còn rất nhiều cơ sở y tế, bệnh viện, các nhà máy chưa có hệ thống xử lí nước thải. Bên cạnh đó, tình trạng họp chợ còn diễn ra thường xuyên dọc hai bên sông, các tiểu thương tiện tay vứt mọi thứ xuống dòng sông khiến cho tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Nước đen, bốc mùi hôi thối và lòng sông chỉ toàn rác và bùn lầy, sông Tô Lịch nhiều năm qua luôn bị coi là dòng sông “chết” với mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
Với bấy nhiêu thứ bẩn thỉu dồn đổ xuống dòng sông qua hàng chục năm nay như thế thì làm sao dòng nước không bị ô nhiễm nặng nề, hôi hám khiến người dân mỗi khi di chuyển qua phải đeo khẩu trang hoặc bịt mũi.
Trước tình trạng ngày càng ô nhiễm ở sông Tô Lịch, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng này. Cụ thể, vào năm 2014, Sở TN&MT đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn trước khi thải ra sông. Cuối năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Hiện nay, TP Hà Nội đang áp dụng 2 công nghệ làm sạch nguồn nước sông Tô Lịch, đó là Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về môi trường, để cứu sống, làm hồi sinh sông Tô Lịch về lâu dài thì chúng ta không thể trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ vì hàng ngày nước thải vẫn đang tiếp tục được xả thẳng ra sông. Quan trọng nhất vẫn là phải giải quyết tận gốc nguồn gây ô nhiễm của sông Tô Lịch.
Quay trở lại tình trạng phát triển ồ ạt, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên tại Tam Đảo thời gian qua, các chuyên gia quy hoạch cho rằng, xuất phát từ sai lầm của các nhà quản lý, định hướng phát triển Tam Đảo chạy theo mục đích kinh tế. Từ một thị trấn nổi tiếng về du lịch, trải nghiệm thiên nhiên, Tam Đảo đang ít dần cây xanh và biến thành đại công trường ngổn ngang đến “ngộp thở.
Cụ thể, cách làm du lịch nóng vội tại Tam Đảo đã dẫn đến hệ lụy ngay lập tức khi nguồn nước sạch của thị trấn dần khan hiếm và Thác Bạc - biểu tượng của Tam Đảo nay cạn trơ đáy, đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nặng nề.
Đứng trước xu hướng phát triển du lịch tự phát, thiếu tầm nhìn bền vững như hiện nay, KTS Ngô Doãn Đức - Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặc biệt phê phán việc xây dựng quy hoạch của một khu du lịch đặc thù như Tam Đảo. Theo ông, Tam Đảo không thể chạy theo làm kinh tế, chạy theo kinh doanh dịch vụ để các dự án xây dựng phát triển tràn lan thay vào đó cần phải có phương án giữ gìn cảnh quan, bản sắc của khu vực này.
Hiện nay, hầu như các tỉnh, thành phố trong toàn quốc đều đã có quy hoạch phát triển du lịch. Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch và việc quản lý quy hoạch không phải ở nơi nào cũng tốt. Để giải quyết hậu quả với những sai phạm sẽ tốn rất nhiều nguồn lực xã hội và thời gian. Vì thế, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo, phải nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch của các cấp chính quyền, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy hoạch đã được phê duyệt, tránh tình trạng người dân, doanh nghiệp tự phát xây dựng, không có quy hoạch hoặc không theo quy hoạch.
Bà Nguyễn Bích Hiền - Cán bộ chương trình của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tại Việt Nam cho biết: "Mặc dù hệ thống pháp luật có khá đầy đủ các chính sách về bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch nhưng vấn đề thực thi luôn là thách thức lớn nhất khi triển khai thực hiện. Trong vấn đề này, cần tăng cường sự kết nối hiệu quả giữa các cơ quan chức năng ngành môi trường và du lịch trong việc thực thi hiệu quả chính sách quản lý môi trường trong phát triển du lịch".
Bảo vệ môi trường là vấn đề quan trọng sống còn đối với hoạt động du lịch, bởi môi trường không những là điều kiện để diễn ra các hoạt động du lịch mà còn là yếu tố quyết định sự hấp dẫn du lịch đó.
Nếu du lịch phát triển được là nhờ sự hấp dẫn du lịch thì môi trường đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển này, đặc biệt là trong xu hướng phát triển bền vững. Trong đó, bảo vệ môi trường cần được nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu khả năng sức chứa của điểm đến du lịch để không dẫn tới tình trạng quá tải, tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sống.
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, sức chứa tối đa tại các khu du lịch được tính toán từ các thông số như: hệ số thời tiết, hệ số giới hạn về môi trường ( mức độ ô nhiễm, tiếng ồn, chất lượng nguồn nước, hệ số an toàn cho du khách, giới hạn ảnh hưởng đến hệ sinh thái...), hệ số giới hạn về cơ sở hạ tầng, về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, năng lực quản lý điều hành...
Để tính toán được điều này đòi hỏi rất nhiều số liệu kèm theo, ví dụ như hệ thống xử lý nước thải, số lượng phòng nghỉ tối đa cho du khách. Có như vậy các địa phương mới biết được mình đang thiếu cái gì, yếu lĩnh vực nào trong quá trình phát triển du lịch, từ đó có những định hướng, kêu gọi đầu tư vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ nhu cầu của du khách và bảo vệ tốt môi trường.
Sự tăng trưởng nóng của hoạt động du lịch tại một số điểm như Sa Pa, Đà Lạt, Phú Quốc, Đà Nẵng, đặc biệt là Tam Đảo trong thời gian gần đây đã làm cho môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến tác động tiêu cực đối với du khách và cộng đồng.
Bài toán quy hoạch đô thị tại các địa phương cần đảm bảo các yếu tố về văn hóa xã hội, đời sống, kinh tế, môi trường... phù hợp với hệ thống hạ tầng, giao thông. Không thể vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua lợi ích an sinh xã hội.
Những hạn chế trong việc quản lý trật tự xây dựng của cơ quan chức năng ở đây là UBND thị trấn Tam Đảo đã dẫn đến những hệ lụy ngay trước mắt là nhu cầu thiết yếu của người dân địa phương không đảm bảo khi nguồn nước sạch bị ô nhiễm.
Nếu tiếp tục làm du lịch theo kiểu “ăn sổi ở thì”, chạy theo lợi nhuận trước mắt thì con người sẽ ngày càng có những tác động xấu vào thiên nhiên khiến tài nguyên du lịch biến mất trong tương lai gần.
Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thac-bac-can-tro-day-loi-canh-tinh-cho-viec-phat-trien-do--20201231000000199.html
08:32, 29/12/2020
08:29, 21/12/2020
19:00, 06/12/2020